Đột quỵ và viêm phổi “vào guồng” trong mùa nắng nóng, do đâu?

 

1. Vì sao lượng bệnh nhân cao tuổi tăng cao trong mùa nắng nóng?
Nền nhiệt trên cả nước dự báo khoảng 39-40 độ C, tình trạng này kéo theo sự gia tăng chóng mặt lượng bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ và viêm phổi, và đa số là người cao tuổi. Xin BS cho biết nguyên nhân nào dẫn tới việc người cao tuổi nhập viện nhiều như vậy?

Cảnh báo bệnh lý về nắng nóng

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời: Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Những người có nguy cơ cao nhất là người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người có bệnh lý. Bà mẹ mang thai và cho con bú, Những người có thể chất không khỏe, đặc biệt là người mắc bệnh tim, huyết áp cao hoặc bệnh phổi, Những người đang điều trị bệnh tâm thần. Vì thế mà người cao tuổi nhập viên tăng lên trong thời tiết nắng nóng gay gắt.

2. Làm sao để phân biệt được say nắng và đột quỵ?
Làm sao để nhận biết được liệu người bệnh đang bị say nắng hay bị đột quỵ, thưa BS?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời:

Đối với đột quỵ, triệu chứng điển hình nhất là nhiệt độ cơ thể tăng cao, có khi lên đến 400C, kèm theo ngất xỉu. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác, bao gồm:

– Đau nhức đầu

– Choáng váng, hoa mắt.

– Không đổ mồ hôi, mặc dù cơ thể đang rất nóng

– Da đỏ, khô, nóng hừng

– Chuột rút, tê người

– Buồn nôn và nôn

– Tim đập nhanh

– Thở nông

– Những thay đổi về hành vi, như rối loạn tâm thần, mất phương hướng

– Phát cơn co giật, động kinh

– Ngất xỉu, bất tỉnh.

Đối với say nắng, bệnh gặp khá phổ biến là say nắng, say nóng. Say nắng là do chiếu xạ của tia cực tím ánh nắng mặt trời hoặc đang ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp đi ra ngoài đường hoặc tắm sông, ao hồ hoặc tắm biển lúc nắng gắt, nhiệt độ tăng cao.

Bởi vì khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 – 390C, thậm chí cao hơn, hiện tượng thường hay gặp nhất là say nắng ở cả người lớn và trẻ em, do cơ thể mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, rối loạn nghiêm trọng về điều hoà thân nhiệt khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người, nhất là vùng gáy.

Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút… và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

 BS.CK2 Trương Thiện Niềm – Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115

3. Viêm phổi tăng cao trong mùa nắng nóng, do đâu?
Nhiều người vẫn cho rằng viêm phổi chỉ xuất hiện vào mùa lạnh. Vậy tại sao nắng nóng mà nhiều người lại bị viêm phổi ạ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời: Khi trời nắng nóng, mọi người có tâm lý muốn giảm nhiệt độ nhanh nên thường uống nước lạnh kết hợp sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp. Điều đó sẽ dẫn tới việc chênh lệch nhiệt độ đột ngột gây phù nề da, bệnh đường hô hấp, nặng hơn có thể sốc nhiệt, đột quỵ.

Khi thời tiết quá nóng, nếu mở quạt với tốc độ lớn hoặc ở trong phòng điều hòa máy lạnh nhiệt độ quá chệch lệch với môi trường bên ngoài, có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, các chất nhày bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, nhất là vi khuẩn và vi nấm xâm nhập gây viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt là gây viêm VA, viêm amidan, viêm thanh quản, phế quản cấp tính, nặng hơn có thể gây viêm phổi.

4. Dấu hiệu nào giúp nhận biết viêm phổi do nắng nóng?
BS có thể cho biết dấu hiệu giúp nhận biết bệnh nhân bị viêm phổi do nắng nóng, cũng như các cách xử lý phù hợp ạ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời: Các biểu hiện bệnh viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi trùng gây viêm phổi, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ thường tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, nhưng chúng kéo dài hơn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể bao gồm:

– Đau ngực khi bạn thở hoặc ho

– Ho, ho có đờm

– Mệt mỏi

– Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh

– Ở người già hoặc người suy giảm miễn dịch có thể không sốt

– Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy

– Khó thở

– Người già có thể lú lẫn

Trong những ngày cắng nóng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế đường. Không nên ăn nhiều trái cây quá ngọt, đồ uống quá lạnh. Uống khoảng 2-3 lít nước một ngày, sáng sớm khi thức giấc nên uống một cốc nước lọc khoảng 250-300 ml.

Trời nắng nóng, khi ra khỏi nhà cần đội mũ, nón hoặc mặc áo chống nắng.Tốt nhất không tắm sông, biển, ao hồ, sông suối lúc nắng gắt. Không dùng quạt gió với tố độ lớn, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi.

Nếu dùng máy lạnh, nên để ở nhiệt độ khoảng 25- 26 độ là vừa, cần chú ý không nên vào phòng điều hòa ngay sau đi ngoài nắng. Sàn nhà, dụng cụ ăn uống, đồ chơi trẻ em cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

BS.CK2 Trương Thiện Niềm khám cho người bệnh

5. Người cao tuổi nên tập thể dục vào thời điểm nào trong mùa nắng nóng?
Nhiệt độ tăng dù vào sáng sớm. Vậy thưa BS, người cao tuổi có nên luyện tập thể dục không ạ? Họ cần lưu ý những gì trong và sau khi tập thể dục ạ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời: Vào mùa hè, thời điểm thích hợp nhất để tập thể dục là vào sáng sớm hoặc chiều muộn (trước 8 giờ sáng và sau 17 giờ chiều), tránh thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao. Cần chọn nơi tập không khí lưu thông thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu trên da, nhất là da vùng đầu, mặt, gáy vì dễ kiệt sức, choáng, thậm chí say nắng, say nóng hay sốc nhiệt. Nên tập trong nhà, phòng tập thay vì tập ngoài trời khi nền nhiệt quá cao.

Thời tiết nắng nóng, việc điều chỉnh cường độ tập luyện và thời gian tập luyện phù hợp với thể trạng, nhu cầu của bản thân cũng là điều vô cùng quan trọng. Thời gian mỗi buổi tập thường khoảng từ 30-60 phút. Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng, thời gian tập luyện nên rút ngắn hơn so với bình thường.

Nếu tập luyện trong thời gian ngắn chỉ cần uống nước lọc là đủ, nhưng nếu tập luyện kéo dài trên 60 phút hoặc tập với cường độ cao và thời tiết quá nóng có thể bổ sung nước uống có chứa 4-8% glucose hoặc các loại nước uống thể thao, một số loại nước uống có các chất khoáng, điện giải.

Sau khi tập thể dục nên dành khoảng 5-10 phút thả lỏng, thư giản cơ thể, không nên tắm nước lạnh sau khi vừa tập xong, không nên uống hay ăn thức ăn lạnh, thay quần áo ngay sau khi tập.

6. Sử dụng máy lạnh như thế nào để tránh đột quỵ và viêm phổi?
Máy điều hoà có thể xem như “phao cứu sinh” trong mùa nắng nóng. Vậy chúng ta nên sử dụng máy điều hoà như thế nào để tránh đột quỵ hay viêm phổi ạ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời: Nếu dùng máy lạnh, nên để ở nhiệt độ khoảng 25- 26 độ là vừa. Mỗi lần đi ngoài nắng về, không nên vào phòng máy lạnh ngay, đặc biệt trẻ em, người cao tuổi.

Cần chú ý không nên vào phòng điều hòa ngay sau khi tắm hoặc khi cơ thể nhiều mồ hôi. Cơ thể phải khô ráo trước khi sử dụng hoặc bước vào phòng có điều hòa. Trước khi ra khỏi phòng, phải mở cửa và tắt máy lạnh khoảng 30 phút để nhiệt độ trong phòng và ngoài trời tương đối cân bằng, giúp cơ thể thích nghi với thay đổi nhiệt độ. Sử dụng máy điều hòa đúng cách. Không nên ngày nào cũng bật máy lạnh, chỉ sử dụng trong ngày nắng nóng.

7. Cần dè chừng những bệnh gì trong thời điểm nắng nóng đạt đỉnh?
Ngoài đột quỵ và viêm phổi thì trong thời điểm nắng nóng đạt đỉnh, người cao tuổi cần dè chừng bệnh gì nữa ạ?

BS.CK2 Trương Thiện Niềm trả lời: Ngoài đột quỵ và viêm hô hấp trong thời điểm nắng nóng, còn xuất hiện nhiều bệnh khác như viêm đường tiêu hóa, bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng hoặc viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu rất dễ xuất hiện và lây lan thành dịch do các virus gây bệnh này thích hợp với thời tiết mùa hè.

Mùa hè, nắng gay gắt không có lợi cho tim, bệnh huyết áp tăng, xơ vữa mạch có thể bị thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.


TIN LIÊN QUAN