Cận Tết: Phòng tránh đột quỵ trời lạnh sao cho hiệu quả?
Công việc cận Tết nhiều áp lực và thời tiết lạnh đều khiến mọi người dễ đột quỵ hơn. BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115 sẽ hướng dẫn bạn đọc cách phòng ngừa và nhận biết đột quỵ mùa lạnh.
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115
1. Vì sao tỷ lệ đột quỵ tăng cao khi thời tiết lạnh?
Thưa bác sĩ, khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là trong dịp Tết thì tỷ lệ đột quỵ được dự báo là tăng khá cao so với bình thường. Vậy nguyên nhân là gì?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:
Khi trời lạnh đột ngột, các tín hiệu cảm nhận thần kinh ở ngoài da sẽ báo về não bộ. Sẽ có hiện tượng co mạch ngoại biên để bảo vệ thân nhiệt của cơ thể, quá trình này sẽ làm tăng lưu lượng máu về các cơ quan nội tạng, trong đó có não.
Điều này có thể làm gia tăng huyết áp đột ngột, dễ gây tổn thương ở những mạch máu vốn dĩ đã bị xơ vữa, kém đàn hồi ở người cao tuổi. Do đó, cố gắng tránh làm thay đổi đột ngột thân nhiệt của cơ thể.
Ví dụ:
- Sáng sớm đi tập thể dục cần có áo khoác, mũ choàng, … Sau khi tập các động tác làm ấm người lên rồi mới bỏ áo khoác, mũ choàng.
- Khởi động tập thể dục trễ giờ hơn một chút để có ánh nắng ấm áp.
- Khi chuẩn bị đi tắm, cần tắm nước ấm, khoác nước vào chân từ từ để cơ thể quen dần với nhiệt độ môi trường.
- Giữ ấm cơ thể khi ngủ.
Thời tiết lạnh là cơ hội phát triển các bệnh lý viêm phổi, cảm cúm, … dẫn đến tăng huyết áp, có thể gây đột quỵ.
2. Làm sao phòng tránh đột quỵ trong thời gian cận Tết nhiều áp lực?
Cận Tết, mọi người thường sẽ rất bận rộn để lo đón Tết, trong khi vẫn phải chạy deadline công việc, vậy làm sao để phòng tránh đột quỵ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:
- Ngày cận Tết, áp lực công việc cơ quan để hoàn thành chỉ tiêu cuối năm, tiền thưởng tết nhân viên, ….
- Áp lực tiền bạc mua sắm Tết.
- Áp lực công việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm thực phẩm lo cho ngày Tết, sắp xếp thời gian về thăm Nội, Ngoại, …
- Chuẩn bị bữa ăn có thể qua loa, bỏ bữa.
- Lơ là khám bệnh và tái khám.
- Áp lực tiệc cưới, tiệc cuối năm.
Vì thế, chúng ta nên có kế hoạch sắp xếp công việc một cách hợp lý, trước sau, chuẩn bị từ từ mọi việc, không để dồn lại một lúc dẫn đến phải căng thẳng đầu óc, phải gắng sức làm việc, thức khuya là không nên.
Không dự trữ quá nhiều thực phẩm đông lạnh, thiếu rau củ tươi.
Vẫn phải tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và điều trị các bệnh nền.
3. Mức độ nguy hiểm khi uống nhiều rượu trong thời tiết lạnh?
Nhiều người hoặc công ty thường hay tụ tập trước Tết để ăn tất niên, đây cũng là lúc mà mọi người thường hay quá chén, dẫn đến say xỉn. Bác sĩ có thể cho biết mức độ nguy hiểm khi uống quá nhiều rượu trong thời tiết lạnh không?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:
Dù thời tiết lạnh hay không lạnh, nếu lạm dụng bia rượu đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Thành phần của rượu bia chính là Ethanol:
- Bia: 5%
- Các loại rượu vang khác: 9% – 14%.
- Các loại rượu mạnh: 40% – 50%.
Khi uống vào cơ thể gây tác hại tại chỗ (miệng, thực quản, dạ dày, …), sau đó, vào máu gây tác động đến nhiều cơ quan nội tạng.
Tác động lên não gây giảm dẫn truyền thần kinh, làm cho người bệnh thay đổi hành vi: trầm cảm, ít nói, lú lẫn, mất trí nhớ, không kiểm soát được hành vi (có thể gây xung đột).
Tác động đến thận gây lợi tiểu -> dẫn đến rối loạn chất điện giải -> ảnh hưởng đến hạ huyết áp -> giảm tưới máu nuôi não -> đột quỵ.
Tác động đến tim, làm giảm sức co bóp cơ tim -> gây ảnh hưởng huyết động -> hạ huyết áp -> giảm tưới máu nuôi não -> đột quỵ.
Ngoài ra, trong thời tiết lạnh dễ bị cảm lạnh, viêm phổi,… dẫn đến tăng huyết áp, có thể gây đột quỵ.
Ngoài tác động về mặt sức khỏe, còn gây hao tổn về kinh tế, gia đình, xã hội và trật tự an ninh xã hội.
BS. CKI. Đoàn Thị Liễu - Tư vấn sức khỏe người bệnh
4. Dấu hiệu bị đột quỵ trong thời tiết lạnh có gì đặc biệt?
Dấu hiệu bị đột quỵ trong thời tiết lạnh liệu có khác gì so với bình thường không? Và đó là những triệu chứng nào cần cảnh giác, nhờ bác sĩ liệt kê ạ?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:
Các dấu hiệu đột quỵ trong thời tiết lạnh không khác gì trong thời tiết nóng.
* Các dấu hiệu giúp nghi ngờ đột quỵ não đã xảy ra, từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào:
- Vùng não bị ảnh hưởng
- Diện tích não bị ảnh hưởng
- Thời gian phát hiện các triệu chứng sớm hay muộn.
- Các bệnh lý nền đi kèm của người cao tuổi
* Các dấu hiệu gợi ý bị đột quỵ:
- Đau đầu từ nhẹ đến nặng, lập lại, kéo dài
- Chóng mặt thoáng qua hoặc lập đi lập lại
- Méo hoặc liệt một bên miệng
- Nhắm mắt không kín một bên
- Nói lắp, nói đớt, ú a ú ớ
- Tê, yếu hoặc liệt nửa người
- Rối loạn thị giác (mù thoáng qua) ở 1 hoặc 2 bên mắt
- Đi đứng chệnh choạng, khó khăn
* Nếu do xuất huyết não thì triệu chứng đột ngột và thường biểu hiện nặng hơn:
- Tụt huyết áp, vã mồ hôi lạnh, da xanh xao, mạch nhanh.
- Liệt nửa người.
- Co giật, động kinh.
- Làm rớt vật cầm tay và ngã quỵ hôn mê.
5. Mọi người nên làm gì để phòng tránh đột quỵ thời gian cận Tết?
Nhờ bác sĩ cho lời khuyên, mặc dù cận Tết rất bận rộn nhưng mọi người nên làm gì để đột quỵ không ghé thăm, nhất là những người già cao tuổi, có bệnh nền?
BS.CK1 Đoàn Thị Liễu:
- Các thành viên trong gia đình cần thực hiện tốt việc thăm khám định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh lý nền có thể đưa đến đột quỵ não.
- Ngày Tết vẫn tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp, uống thuốc đúng giờ, tập luyện thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với từng trường hợp.
- Không rượu bia, thuốc lá, …
- Đảm bảo an toàn thực phẩm
- Tránh áp lực công việc quá tải, tránh suy nghĩ thái quá, tiêu cực sẽ giúp người cao tuổi tránh đột quỵ trong cuộc sống chứ không chỉ trong dịp Tết.
* Lưu ý khí hậu lạnh, thân nhiệt thay đổi đột ngột, những cảm xúc vui buồn quá độ, … hơn là những yếu tố nguy cơ khởi phát đột quỵ não.
Theo Benhdotquy.net
https://benhdotquy.net/can-tet-phong-tranh-dot-quy-troi-lanh-sao-cho-hieu-qua/