Trời nắng “đổ lửa”, phải làm gì để phòng ngừa đột quỵ?
Nắng nóng gay gắt có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt vì cơ thể thiếu nước. Hơn thế, nắng nóng còn là tiền đề để đột quỵ lăm le tấn công, nhất là ở người cao tuổi. BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm – khoa Nội thần kinh – Đột quỵ Bệnh viện Gia An 115 sẽ giải đáp cho quý độc giả bí kíp phòng ngừa đột quỵ trong mùa nắng nóng.
1. Vì sao nắng nóng làm tăng nguy cơ đột quỵ?
Thời gian qua, cả nước liên tục ghi nhận nhiệt độ cao đỉnh điểm, thậm chí có nơi lên đến 39 độ C. Đồng thời, các bệnh viện cũng ghi nhận tỷ lệ đột quỵ gia tăng mạnh do trời nắng nóng. Nhờ BS cho biết, vì sao nắng nóng lại có thể gây đột quỵ ạ?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Có những ngày nhiệt độ lên đến 38 – 39 độ C làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và năng suất lao động của chúng ta. Một trong những ảnh hưởng nguy hiểm nhất đối với cơ thể là đột quỵ nhiệt hay còn gọi là sốc nhiệt.
Ở một người khỏe mạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ được giữ ở mức 37 độ C. Điều nhiệt trên não bộ làm cho các cơ quan hoạt động một cách bình thường.
Do đó, nếu bạn sinh hoạt hoặc hoạt động trong môi trường nhiệt độ quá cao kéo dài, nó sẽ làm rối loạn hệ thần kinh trung ương và gây đột quỵ nhiệt. Đây là một tình trạng cấp cứu rất khẩn cấp có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nạn nhân.
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm cho biết việc sinh hoạt hoặc hoạt động trong môi trường nhiệt độ quá cao kéo dài, nó sẽ làm rối loạn hệ thần kinh trung ương và gây đột quỵ nhiệt.
2. Triệu chứng đột quỵ nhiệt liệu có giống với các loại đột quỵ khác?
Thưa BS, đột quỵ do nắng nóng và sốc nhiệt, say nắng liệu có giống nhau? Triệu chứng của đột quỵ do nắng nóng liệu có khác so với các loại đột quỵ khác?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Đột quỵ do nhiệt là sự tác động của môi trường bên ngoài ở nhiệt độ quá cao làm tác động đến hệ thần kinh trung ương điều nhiệt của mình, từ đó gây triệu chứng biểu hiện ở toàn thân.
Bệnh nhân đột quỵ nhiệt sẽ có các biểu hiện như: đau đầu, chóng mặt, nôn ói, da rất nóng không tiết mồ hôi. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi, co giật, động kinh, thậm chí mất ý thức.
Dân gian gọi đột quỵ não là bệnh lý của mạch máu não. Trong đó, mạch máu não bị tắc nghẽn một nhánh động mạch hay vỡ một nhánh động mạch làm cho phần não do mạch máu chi phối bị tổn thương.
Đột quỵ não gây ra tình trạng thần kinh khu trú như liệt nửa người, nói đớ, méo miệng hoặc mất thị lực, thậm chí rơi vào tình trạng hôn mê như đột quỵ nhiệt.
Những bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ mạch máu não là người trung niên có các bệnh lý mãn tính như: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, rối loạn lipid máu, suy tim, rung nhĩ…
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm - Khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115
3. Mức nhiệt bao nhiêu dễ khiến đột quỵ?
Cụ thể, mức nhiệt độ bao nhiêu sẽ khiến người ta dễ bị đột quỵ hơn, thưa BS?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Nhiệt độ môi trường nếu dao động từ 32 độ C trở lên sẽ khiến chúng ta bị sốc do đột quỵ nhiệt.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu nhiệt độ môi trường từ 32 độ C trở lên, chúng ta không nên hoạt động quá mức hay kéo dài vì sẽ gây ra sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên ở trong môi trường phòng lạnh đột ngột đi ra ngoài nhiều vì cơ thể chúng ta dễ bị sốc nhiệt.
4. Ai dễ bị đột quỵ do nắng nóng?
Những đối tượng nào sẽ có nguy cơ cao bị đột quỵ do nắng nóng hơn ạ?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Đối tượng có nguy cơ đột quỵ là những người có cơ thể chậm thích nghi với sự thay đổi của nhiệt độ, đặc biệt là người trên 65 tuổi có bệnh lý nền hoặc trẻ sơ sinh.
Cơ thể ở những đối tượng này chậm thích ứng với nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, người bị rối loạn tâm thần, có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia cũng dễ bị sốc nhiệt.
Ngoài ra, người phải lao động trong môi trường nắng gắt kéo dài, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cũng dễ bị sốc nhiệt.
Từng có trường hợp phụ huynh để con ở trong xe rất lâu giữa thời tiết nắng nóng, khi quay lại thì trẻ đã bị sốc nhiệt và có thể dẫn đến tử vong. Đây là trường hợp rất đáng tiếc.
Môi trường đô thị dễ gây đột quỵ hơn môi trường nông thôn vì mật độ dân số rất cao.
Vào buổi sáng, người dân thành thị phải ra ngoài lao động, làm việc và phải chịu hiệu ứng của đô thị và nhiệt độ sẽ tăng cao hơn so với nông thôn. Vào ban đêm, thành phố có nhiều nhựa đường và bê tông nên bức xạ nhiệt buổi tối làm cho môi trường giảm sự tỏa nhiệt chậm hơn so với nông thôn. Đó là yếu tố khiến người dân thành thi dễ bị sốc nhiệt hơn so với vùng nông thôn.
Người cao tuổi và trẻ em dễ bị sốc nhiệt hơn so với những đối tượng khác
5. Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ nhiệt sao cho đúng?
Trong trường hợp phát hiện ai đó bị đột quỵ do nắng nóng, cần sơ cứu thế nào cho đúng, thưa BS?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Nếu chúng ta sống trong mùa hè nóng bức và thấy một người bị đột quỵ, chúng ta cần nghĩ ngay đến đột quỵ sốc nhiệt. Đây là trường hợp khẩn cấp, chúng ta cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu khẩn cấp hoặc gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để xử trí kịp thời.
Chúng ta có thể giúp bệnh nhân hạ nhiệt bằng nhiều cách như đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi quần áo nạn nhân ra để tỏa được thân nhiệt. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng khăn ướt lau mát cho bệnh nhân bằng nước. Nếu có điều kiện, chúng ta có thể xả nước vào người bệnh nhân.
Ngoài ra, bạn có thể chườm đá ở vùng nách hay bẹn của bệnh nhân. Đó là những vùng giúp tỏa nhiệt một cách nhanh chóng.
Nếu có bồn tắm, chúng ta cho bệnh nhân vào bồn tắm nước mát để hạ thân nhiệt của bệnh nhân càng sớm càng tốt. Trong trường hợp này, chúng ta không nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt vì không có hiệu quả trong điều trị.
Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, chúng ta không nên cho bệnh nhân uống nước vì điều này sẽ gây nguy hại hơn cho người bệnh. Tốt nhất, nên gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất, xử trí kịp thời.
6. Làm sao để phòng ngừa đột quỵ do nhiệt?
Liệu có biện pháp nào giúp phòng ngừa đột quỵ do nắng nóng, nhất là đối với những người có nguy cơ cao ạ?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Vào mùa hè, thời tiết rất nóng, nhiệt độ đỉnh điểm vào khoảng từ 12 – 16 giờ. Do đó, những đối tượng có nguy cơ cần hạn chế đi ra ngoài đường tại thời điểm này.
Nếu có việc cần, bạn nên đi ra ngoài vào buổi sáng hay chiều để giữ mát, nhất là những người có nguy cơ cao dễ bị sốc nhiệt.
Người có nguy cơ sốc nhiệt nên sống trong môi trường có máy điều hòa và điều chỉnh nhiệt độ ở mức 27 độ C. Ở nhiệt độ này, chúng ta cảm thấy thoải mái và không để chênh lệch nhiệt độ phòng lạnh và nhiệt độ bên ngoài quá cao trên 7 độ.
Khi chúng ta từ phòng lạnh bước ra, nhiệt độ thay đổi quá nhiều sẽ làm cho cơ thể rơi vào tình trạng sốc nhiệt. Trong mùa hè nắng nóng, chúng ta nên mặc quần áo thoáng mát vải nhẹ, rộng rãi để thân nhiệt có thể thoát ra.
Khi phải đi ra ngoài, phải đội mũ đeo mắt kính và dùng kem chống nắng thích hợp để phòng chống tác hại của nhiệt độ.
Ngoài ra, chúng ta phải uống nước nhiều đặc biệt là người phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt quá lâu.
Tốt nhất, nên uống nước chanh, nước muối pha loãng có orezone để cung cấp nước và điện giải, thiếu nước sẽ gây ra đột quỵ.
Chúng ta cần đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh, có đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ăn nhiều rau quả, trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Người làm việc ngoài trời cần có chế độ làm việc hợp lý, quá sức chịu đựng sẽ dễ gây đột quỵ và họ cần có giờ nghỉ giữa buổi phù hợp với cơ thể mình.
7. Lưu ý gì khi tập thể dục để tránh đột quỵ nhiệt?
Với thời tiết oi bức như thế này, chúng ta cần lưu ý gì khi tập thể dục thể thao để tránh đột quỵ ạ?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Trong mùa nắng nóng này, chúng ta cần lựa thời điểm thích hợp để luyện tập thể dục. 12 – 16 giờ là thời điểm nắng nóng nhất trong ngày và chúng ta nên tập với chế độ vừa phải, không quá nặng.
Nếu tập nặng, mình cần nghỉ giữa buổi và bồi dưỡng nước cho cơ thể để bù lại lượng nước thoát ra khỏi cơ thể, tránh tình trạng cô đặc nước trong cơ thể.
8. Chế độ dinh dưỡng giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ đột quỵ lăm le ngày nắng nóng
Nhờ BS chia sẻ một vài bí kíp trong chế độ dinh dưỡng giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ đột quỵ lăm le những ngày đổ lửa như hiện nay ạ?
BS.CK2 Trần Lê Thanh Tâm trả lời: Trong thời tiết nắng nóng, chúng ta bị mất quá nhiều nước do cơ thể đổ mồ hôi hoặc qua hơi thở. Chính vì tình trạng này, nó sẽ làm cho cô đặc máu của mình và tạo ra cục máu đông. Đó là yếu tố gây đột quỵ não.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải bù nước. Không nên đợi đến lúc khác mới uống mà phải nhớ uống đủ nước cần thiết trong ngày.
Cụ thể, chúng ta phải uống 2 lít nước trở lên trong ngày. Bạn có thể bù nước bằng nước lọc, nước ép trái cây, rau củ quả…
Khi ngủ dậy, chúng ta nên uống một cốc nước để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước sau một đêm. Ngoài ra, đối tượng uống rượu bia hay cà phê nhiều dễ khiến cơ thể bị mất nước. Do đó, chúng ta không nên uống rượu bia nhiều trong mùa nắng nóng.
Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, chúng ta nên tầm soát đột quỵ để phát hiện yếu tố nguy cơ. Gói đột quỵ này bao gồm xét nghiệm máu để tầm soát bệnh lý nội khoa có thể gây ra đột quỵ hay hình ảnh học như chụp cộng hưởng từ hay chụp CT.
Theo benhdotquy.net