Sinh hoạt đảo lộn ngày Tết: nguy cơ đột quỵ tăng cao
1. Thói quen nào không tốt cho sức khoẻ thường gặp trong những ngày Tết?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Trong những ngày đầu xuân, người dân thường thay đổi thói quen, sinh hoạt đảo lộn. Những thói quen không tốt cho sức khoẻ thường gặp trong những ngày Tết gồm:
- Thức khuya, vui chơi quá trớn, dậy trễ làm đảo lộn đồng hồ sinh học.
- Quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng giờ.
- Ăn quá nhiều những món ăn truyền thống ngày tết của Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, dưa món, thịt ngâm muối, thịt đông…
- Rượu bia, nước ngọt, thuốc lá… được tiêu thụ nhiều hơn so với thường ngày.
- Giờ giấc ăn uống có thể bị thay đổi.
- Việc tập luyện thể dục, thể thao cũng dễ bị bỏ qua.
2. Thói quen, sinh hoạt đảo lộn nào trong ngày tết làm gia tăng nguy cơ đột quỵ?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Tất cả các thói quen kể trên đều có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ vì nó làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đặc biệt, việc quên uống thuốc dự phòng đột quỵ ở những bệnh nhân đang uống đều đặn sẽ có nguy cơ đột quỵ cao.
3. Làm cách nào để hạn chế ảnh hưởng từ rượu bia đến nguy cơ đột quỵ?
Một thực trạng thường gặp đó là trong những ngày nghỉ Tết, các đấng nam nhi thường có cảm giác mệt mỏi, thèm ngủ, ngủ li bì, đau đầu… bởi dung nạp quá nhiều cồn vào cơ thể. Vậy làm cách nào để hạn chế những ảnh hưởng từ rượu bia đến với sức khoẻ, nhất là nguy cơ đột quỵ?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Hãy hạn chế uống rượu, bia tối đa vì không có ngưỡng nào là an toàn.
Trong trường hợp bất khả kháng, nếu có uống thì nên lưu ý một số điều quan trọng sau:
- Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
- 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai (lon) bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml (4%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
+ Một đơn vị cồn tương đương với 10 gam cồn (Ethanol) nguyên chất chứa trong dung dịch bia, rượu hay đồ uống khác.
+ Đơn vị cồn = (dung tích bia, rượu (ml) x (nồng độ %) x (hệ số quy đổi là 0,79).
- Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong 1 lần uống.
- Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với uống nhiều nước lọc để nhanh chóng thải cồn ra khỏi cơ thể, ăn nhiều rau xanh trái cây tươi kết hợp.
- Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
- Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương, …
- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bệnh đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng.
4. Ngày tết quá nhiều món ăn, làm sao giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Tết là quãng thời gian mà dạ dày được nạp quá nhiều thức ăn nhiều đạm, dầu mỡ… khiến cơ thể quá tải, dễ gây cảm giác chán ăn, mệt mỏi, uể oải. Giải pháp giúp cải thiện tình trạng này là:
- Kiểm soát khẩu phần ăn, hạn chế chất béo và ăn đủ chậm để cơ thể có thời gian báo hiệu khi nào đã no.
- Chia nhỏ bữa ăn, không ăn một lượng lớn thức ăn trong 1 lần.
- Ăn kèm rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước. Nên uống nước ấm, có thể uống trà gừng ấm để tránh đầy hơi khó tiêu.
- Có thể uống thêm men tiêu hóa, ăn sữa chua.
– Kết hợp chế độ tập luyện thể thao như đi bộ, đi dạo, không đi nằm đi ngủ ngay sau khi ăn.
5. Làm cách nào để sớm nhận diện các dấu hiệu đột quỵ, hướng xử lý đúng đắn là gì?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST”
Quy tắc FAST là một trong những cách giúp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ một cách nhanh nhất và xử lý đúng.
- F (face): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể yêu cầu bệnh nhân cười và quan sát.
- A (arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
- S (speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
- T (time): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ bằng phương tiện phù hợp. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, có thể nhớ dấu hiệu BE FAST:
- Khi có dấu hiệu trên cô bác có thể đưa bệnh nhân/ gọi cấp cứu để bệnh nhân có thể đến 1 cơ sở y tế gần nhất có điều trị tái thông như Bệnh viện Gia An 115, nơi có đầy đủ phương tiện hiện đại nhất để chẩn đoán, theo dõi đột quỵ và đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao về điều trị đột quỵ.
Hệ thống cấp cứu Bệnh viện Gia An 115: 028 62 655 115
6. Sinh hoạt trong ngày thời tiết lạnh cần lưu ý gì giúp người cao tuổi phòng ngừa đột quỵ?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Một yếu tố khách quan là trời lạnh có thể khiến cho người cao tuổi dễ bị đột quỵ, nhất là trong những ngày Tết lạnh buốt.
- Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, nhiệt độ thay đổi lạnh đột ngột khiến nguy cơ máu đông và tắc nghẽn động mạch tăng cao, nhiệt độ cứ giảm khoảng 2,9 độ C ngoài trời trong khoảng thời gian 24h có thể tăng nguy cơ đột quỵ lên cao.
- Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (ví dụ như từ trong nhà hoặc trong chăn ấm ra ngoài lạnh) khiến cho cơ thể không kịp thích nghi, các mạch máu bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng nhanh và bị đột quỵ.
- Không những thế, nhiệt độ lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu. Khi đó lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết giảm, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị vón cục và lưu lượng máu qua não giảm, dẫn đến tai biến.
Nhiệt độ quá lạnh cũng dễ làm tăng tiết các catecholamine – chất trung gian cho nhiều hoạt động sinh lý và chuyển hóa. Khi chúng tăng lên có thể dẫn đến co mạch ngoại biên, giãn mạch thụ động ở những nơi ít chịu ảnh hưởng như mạch não, mạch phổi, từ đó, dẫn đến biến chứng đứt mạch não.
Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ khi thời tiết lạnh:
1. Giữ ấm cơ thể:
- Giữ nhiệt độ phòng ổn định: nên giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16 đến 18 độ C.
- Uống nước ấm, ăn thực phẩm ấm nóng có thể giúp tăng năng lượng đồng thời giúp giữ ấm cho cơ thể.
- Mặc nhiều áo mỏng có thể giúp giữ ấm cho cơ thể tốt hơn là mặc một chiếc áo dày, sắm một chiếc mũ len và một cái khăn quàng để giữ ấm cho đầu và cổ, hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiệt độ thay đổi.
- Không đi tập thể dục quá sớm khi trời lạnh. Nếu thời tiết lạnh, mưa nên tập thể dục hay đi bộ trong nhà.
- Làm ướt cơ thể từ từ khi tắm trong mùa đông.
2. Kiểm soát bệnh lý:
- Kiểm soát huyết áp, cần duy trì huyết áp 130/80mmHg. Thực hiện chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm căng thẳng và uống thuốc điều trị liên tục.
- Với những người có bệnh lý Đái Tháo Đường cần: Kiểm soát đường huyết và dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của thầy thuốc duy trì đường máu khoảng 7-8mmol/l.
- Kiểm soát cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (hạn chế mỡ động vật, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol.
- Đi khám bệnh định kỳ để ngăn chặn nguy cơ gây đột quỵ
3. Giữ cân nặng hợp lý
- Nếu đang thừa cân, giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ.
- Theo khuyến cáo nên giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 – 23 dành cho người châu Á. Nếu chỉ số BMI từ 23 trở lên và dưới 25 là thừa cân, từ 25 trở lên là bị béo phì, cần giảm ngay cân nặng.
- Chỉ số BMI được tính bằng cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng m).
4. Chế độ ăn
- Ăn tăng rau xanh, hoa quả chín, hạn chế mỡ động vật, ăn ít phủ tạng, không hút thuốc lá, rượu bia
5. Khám sức khỏe định kỳ để tìm các yếu tố nguy cơ và kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra Bệnh viện Gia An 115 các gói khám toàn diện và triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị như: can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan – Mật – Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… để có thể chăm sóc tốt nhất cho người dân.
7. Cần duy trì thói quen tốt nào trong những ngày Tết để hạn chế nguy cơ đột quỵ?
Nhờ BS gửi đến quý khán thính giả một vài lời khuyên giúp duy trì thói quen tốt trong những ngày Tết, hạn chế những biến cố sức khỏe có thể gặp, nhất là đột quỵ?
BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:
Để giảm nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra trong ngày tết, bạn cần lưu ý:
- Tiếp tục tuân thủ việc điều trị bằng thuốc: Trước tết, bạn nên kiểm tra lại lượng thuốc và bổ sung 1 lượng thuốc để sử dụng trong 1 – 2 tuần. Trong tết, nhớ mang theo thuốc bên mình mỗi ngày, uống thuốc đều đặn, đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh: Hãy tuân thủ chế độ ăn bệnh lý mà bạn đã được bác sỹ tư vấn, không nên sử dụng quá nhiều thực phẩm không tốt cho bệnh lý của mình.
- Giữ thói quen tập luyện thể dục, thể thao trong dịp tết: Tết là thời điểm để gia đình tụ họp, sum vầy vui vẻ, nhưng người bệnh đừng quên dành thời gian tập thể dục, nâng cao sức khỏe, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá.
- Tiêu thụ vừa đủ rượu, bia: Hãy uống 1 lượng rượu bia vừa đủ, tối đa 2 đơn vị rượu mỗi ngày.
https://benhdotquy.net/sinh-hoat-dao-lon-ngay-tet-nguy-co-dot-quy-tang-cao/