Hợp tác công tư trong y tế: Tăng cường nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Thông qua hợp tác công tư trong y tế không chỉ huy động được nguồn lực tài chính mà còn tận dụng được kinh nghiệm, trình độ, mô hình quản lý, cung ứng dịch vụ của khu vực tư nhân để nhà nước và tư nhân phối hợp cung ứng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
Theo các chuyên gia, y tế là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển… Tuy nhiên nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực y tế rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đủ, thu hút nguồn lực xã hội qua hình thức xã hội hóa đầu tư theo hình thức công tư (PPP) là giải pháp tốt để thúc đẩy ngành y tế phát triển.
Thông qua hợp tác công tư trong y tế không chỉ huy động được nguồn lực tài chính mà còn tận dụng được kinh nghiệm, trình độ, mô hình quản lý, cung ứng dịch vụ của khu vực tư nhân để nhà nước và tư nhân phối hợp cung ứng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Thông qua việc thực hiện xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP, các bệnh viện đã có thêm hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển một số kỹ thuật mới, đặc biệt một số bệnh viện mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn, các bệnh viện đã cung ứng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, người bệnh đang được hưởng lợi từ các dịch vụ này mang lại. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài với chi phí rất cao thì nay Việt Nam đã có thể thực hiện được với chi phí hợp lý mà nhiều bệnh nhân có thể chi trả được như ghép gan, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm…
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, với thực trạng cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế - bệnh viện tại Việt Nam như hiện nay, đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp và mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể: hình thức đầu tư này giúp tận dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân (Nhà nước không phải mất chi phí đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành), giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất đai.
Bệnh viện Gia An 115 là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP. Hồ Chí Minh
Tính đến thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với 12 bệnh viện thuộc bộ ngành với 7.335 giường bệnh, 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố với 21.055 giường bệnh, 23 Đơn vị y tế quận, huyện với 5.297 giường bệnh, 58 bệnh viện tư nhân với 5.025 giường bệnh cùng với hơn 6000 phòng khám… góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của người dân.
Các số liệu trên cho thấy, với hệ thống cơ sở y tế công lập hiện tại, nhu cầu đầu tư các dự án trong lĩnh vực này bức thiết đến mức độ nào
TP.Hồ Chí Minh đã và đang triển khai rất thành công các dự án PPP lĩnh vực y tế ở nhiều mức độ, từ các dự án quy mô lớn đến các mô hình trạm y tế cấp phường. Cụ thể, năm 2018, Bệnh viện Gia An 115 có số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám, đã được khánh thành. Ðây là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP.Hồ Chí Minh, . Cũng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tại Quận 3, nhiều trạm y tế cấp phường đã tận dụng tốt hệ thống thiết bị hiện đại của khu vực tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
Dự án PPP lĩnh vực y tế tại TP. Hồ Chí Minh
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho hay, mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng việc thực hiện chủ trương thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như còn thiếu quy định pháp lý cụ thể, nguồn nhân lực y tế còn thiếu, các quy định về tự chủ chưa hoàn thiện đặc biệt nguồn nhân lực làm công tác PPP hiện còn thiếu chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm làm công tác PPP, cơ chế giá dịch vụ y tế, chi trả bảo hiểm y tế còn hạn chế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở một số khu vực còn thấp, dịch vụ do tư nhân đầu tư người dân thường phải trả phần chênh lệch nên lượng người sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này còn hạn chế.
Các mô hình hợp tác công tư mới chủ yếu tập trung trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đầu tư bệnh viện trong khi các mô hình hợp tác trong cung ứng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở còn chưa nhiều.
Việc tham khảo từng mô hình PPP cụ thể để lựa chọn loại phù hợp và đưa việc áp dụng PPP trở thành công cụ giảm gánh nặng ngân sách nhà nước cho đầu tư y tế trong thời gian tới là cần thiết.