Bệnh động mạch vành - một sát thủ thầm lặng

 

Bệnh động mạch vành (bệnh mạch vành) là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, làm giảm sức lao động và gây nhiều tổn thất kinh tế cho gia đình và xã hội. Gần đây, bệnh động mạch vành có xu hướng gia tăng trên thế giới, xuất hiện ở cả người trẻ tuổi. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời. Vậy bệnh mạch vành là gì? Dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng tránh bệnh hiệu quả?

1. Bệnh mạch vành là gì?

Tim là một bộ phận rất quan trọng của con người. Chức năng chính của tim là bơm máu đi nuôi cơ thể. Động mạch vành tim là động mạch cung cấp máu để nuôi cơ tim. Các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa như đái tháo đường, thừa cân béo phì… là nhóm bệnh lý gây ra sự “tích tụ” lâu ngày của các loại cholesterol xấu (chất béo bão hòa), canxi, cùng với sự bất thường của phản ứng oxy hóa khử, các phản ứng viêm thành động mạch do lượng đường máu tăng cao kéo dài, cộng hưởng với thói quen hút thuốc lá… dẫn đến dày thành mạch, vôi hóa thành động mạch, tích tụ mảng xơ vữa, từ đó lòng động mạch bị hẹp trong đó có động mạch vành tim.

Hình minh họa: hẹp động mạch gây nhồi máu cơ tim

Khi động mạch vành tim bị hẹp trên 50% lòng mạch (thường là do các mảng xơ xữa) thì cơ tim không được tưới máu đầy đủ. Lưu lượng máu và oxy đến tim giảm gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ tim, thường gọi là thiếu máu cơ tim, nặng hơn nữa là nhồi máu cơ tim gây tổn thương nặng nề.
Các tên gọi khác của bệnh mạch vành là bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ hay thiếu máu cơ tim.

2. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh mạch vành:

Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu nhận biết sớm nhất và là triệu chứng điển hình nhất của bệnh động mạch vành. Đau ngực có thể thoáng qua, gây khó thở nhưng có khi bó chặt, thắt nghẹt, đè ép trong lồng ngực hay như có dao đâm vào ngực. Đau có thể sau xương ức, trước tim (bên trái lồng ngực), giữa ngực hoặc lan lên vai, cổ, cánh tay bên trái. Thời gian cơn đau xuất hiện thường rất ngắn, 10 – 30 giây hoặc vài phút. Một số trường hợp, cơn đau kéo dài trên 15 phút, không có dấu hiệu thuyên giảm thì có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu nhận biết sớm nhất và là triệu chứng điển hình nhất của bệnh động mạch vành. Đau ngực có thể thoáng qua, gây khó thở nhưng có khi bó chặt, thắt nghẹt, đè ép trong lồng ngực hay như có dao đâm vào ngực. Đau có thể sau xương ức, trước tim (bên trái lồng ngực), giữa ngực hoặc lan lên vai, cổ, cánh tay bên trái. Thời gian cơn đau xuất hiện thường rất ngắn, 10 – 30 giây hoặc vài phút. Một số trường hợp, cơn đau kéo dài trên 15 phút, không có dấu hiệu thuyên giảm thì có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, một số người bệnh không có dấu hiệu đau ngực nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim, được gọi là nhồi máu cơ tim yên lặng. Người bệnh chỉ cảm thấy hơi mệt, hoặc khó thở mà không hề đau ngực. Nhồi máu cơ tim yên lặng thường xảy ra ở người mắc đái tháo đường.

Một số triệu chứng bệnh mạch vành khác:

• Người bệnh thấy hồi hộp, hụt hơi.

• Thường xuyên chóng mặt, hoảng hốt.

• Mệt ở ngực, xuất hiện cơn đau ngực kèm theo buồn nôn.

Đau thắt ngực là dấu hiệu sớm và điển hình nhất của bệnh động mạch vành

3. Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành:

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ mắc bệnh động mạch vành gồm nhóm yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được và nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Khi thay đổi được yếu tố nguy cơ thì tiên lượng bệnh có thể thay đổi.

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được:
- Tuổi tác: Động mạch ở người lớn tuổi rất dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành tim cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình: có người thân (trực hệ) mắc bệnh tim mạch, đột quỵ thì nguy cơ bạn mắc các bệnh này cao hơn.


Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: đái tháo đường, kháng insulin, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu (lượng mỡ trong máu cao), thừa cân béo phì, lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia.

4. Mức độ nguy hiểm và các biến chứng của bệnh động mạch vành:
Người bị nhồi máu cơ tim nặng có thể bị tử vong ngay lập tức hoặc trong vài giờ sau khi động mạch vành bị tắc nghẽn. Hơn nữa, nếu người bệnh được kịp thời cứu sống, phần cơ tim bị tổn thương hoại tử không thể hồi phục hoặc hồi phục rất ít, khả năng bơm máu nuôi cơ thể bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sinh hoạt bởi các cơn đau thắt ngực triền miên cùng nhiều biến chứng mãn tính như:

Đau thắt ngực ổn định: xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh gắng sức đến một mức độ nào đó.

Đau thắt ngực không ổn định: thường xảy ra cả lúc nghỉ ngơi, gắng sức và không giảm bớt khi ngừng gắng sức. Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ chuyển sang nhồi máu cơ tim, đột tử cao nếu không điều trị kịp thời.

Rối loạn nhịp tim: sau nhồi máu cơ tim thì dẫn truyền trong tim bị ảnh hưởng, các cơn rung nhĩ khiến tim loạn nhịp, có khi đập quá nhanh hoặc quá chậm hoặc hỗn hợp, đe dọa đến tính mạng người bệnh. 

Suy tim: xảy ra ngay sau cơn nhồi máu cơ tim do thiếu máu cơ tim trong thời gian dài hoặc hoại tử cơ tim. Các triệu chứng đi kèm biến chứng suy tim thường là ho khan, phù, mệt mỏi, khó thở. 

5. Điều trị bệnh động mạch vành:
Khi có dấu hiệu đau ngực, người bệnh cần dừng toàn bộ mọi hoạt động gắng sức, vận động mạnh ngay lập tức. Dùng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi nếu có. Thời gian vàng để cứu sống một phần cơ tim bị hoại tử là 3 giờ. Tuy nhiên nếu phần động mạch vành bị hẹp thuộc nhánh lớn của tim, người bệnh nhồi máu cơ tim có thể bị ngừng tim ngay lập tức và tử vong không cứu kịp kể cả khi người bệnh đang nằm trong bệnh viện. Do đó phải đưa ngay người bệnh bị đau ngực đến cơ sở y tế, bệnh viện càng sớm càng tốt để chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Có 2 phương pháp để điều trị bệnh động mạch vành là điều trị nội khoa và điều trị can thiệp. Song song với hai phương pháp này, việc kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ như kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu, giảm cân, thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá… là cực kỳ quan trọng để tránh cho người bệnh các nguy cơ bị nghẽn các nhánh động mạch vành khác trong tương lai.

Điều trị nội khoa: Theo chỉ định của bác sĩ các thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu,ức chế thụ thể beta, chẹn kênh calci, hạ cholesterol máu hoặc điều trị đái tháo đường.

Điều trị can thiệp: gồm can thiệp động mạch vành qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Đặt stent động mạch vành là một trong các kỹ thuật điều trị động mạch hiệu quả, xâm lấn tối thiểu

Can thiệp động mạch vành qua da: kỹ thuật chụp, nong bóng và đặt stent động mạch vành giúp nong đoạn động mạch vành bị hẹp, đặt stent để lưu thông máu lại bình thường, giải quyết tình trạng tắc nghẽn do các mảng xơ vữa, giảm đau thắt ngực và nguy cơ nhồi máu cơ tim mà không phải phẫu thuật.

Mổ bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch nối từ nguồn cung cấp máu đến đoạn động mạch vành phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Tĩnh mạch, động mạch ghép có thể lấy ở chân, cổ tay, động mạch vú bên trong thành ngực.

6. Phòng ngừa bệnh động mạch vành:

Để phòng ngừa và cải thiện tiên lượng ở người có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, chúng ta phải can thiệp vào các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm:

- Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu. Người bệnh nên cố gắng tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, dự phòng tái phát bệnh.

- Thay đổi lối sống: bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt… và giảm ăn mặn, thực phẩm nhiều dầu mỡ, Luyện tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, ngồi thiền… đều đặn 30 phút mỗi ngày, giảm cân về số cân nặng lý tưởng, thư giãn, nghỉ ngơi, tránh căng thẳng kéo dài.

Phòng ngừa bệnh động mạch vành bằng cách ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt đồng thời giảm ăn mặn, thực phẩm dầu mỡ

Sổ tay sức khỏe - Dinh dưỡng cho người bệnh Click xem chi tiết 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường ở tim cũng như những căn nguyên tiềm ẩn gây bệnh tim mạch vành. Chẩn đoán sớm bệnh và chữa trị ngay từ đầu không chỉ tăng khả năng hồi phục, tránh bệnh tiến triển nặng mà còn tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian điều trị.

 


TIN LIÊN QUAN