Hotline: 1800 9045

Bệnh tim bẩm sinh không tím: Nguyên nhân, cách nhận biết, điều trị

Tim bẩm sinh là dạng dị tật nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, bệnh tim bẩm sinh không tím chiếm đến khoảng 70% và có chữa khỏi nếu được phát hiện, điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để nhận biết bệnh, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Những điều đó sẽ được trình bày tại bài viết dưới đây.

Bệnh tim bẩm sinh không tím là gì?

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật bao gồm các khiếm khuyết hoặc bất thường về cấu trúc của cơ tim, buồng tim, van tim các mạch máu lớn và hệ thần kinh tim xảy ra ngay từ khi trẻ còn là bào thai và vẫn còn tồn tại sau khi ra đời. Trong đó, bệnh tim bẩm sinh không tím là tình trạng máu chứa đủ oxy nhưng tim không bơm máu hiệu quả đi khắp cơ thể.

Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có 8-9 trẻ bị tim bẩm sinh, trong nhóm này có tới 75% bị tim bẩm sinh không tím. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì bệnh có thể chữa khỏi được.

Bệnh xuất hiện do bất thường ở tim hoặc mạch máu

Bệnh xuất hiện do bất thường ở tim hoặc mạch máu (Ảnh minh họa internet)

Phân loại bệnh tim bẩm sinh không tím

Tim bẩm sinh có thể phân loại thành: nhóm tim bẩm sinh không có luồng thông (Shunt); tim bẩm sinh có Shunt trái - phải với tuần hoàn phổi tăng; tim bẩm sinh có Shunt phải – trái. Trong đó tim bẩm sinh không có luồng thông (Shunt) và tim bẩm sinh có Shunt trái - phải với tuần hoàn phổi tăng thường không tím.

Tim bẩm sinh không có luồng thông (Shunt) thường không tím, tuần hoàn phổi bình thường hoặc giảm: hẹp động mạch phổi, hẹp động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ...

Tim bẩm sinh có Shunt trái - phải với tuần hoàn phổi tăng thường không gây tím (trừ có đảo Shunt): thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, kênh nhĩ thất...

  • Hẹp động mạch chủ: Động mạch chủ mang máu từ tim đến các cơ quan, nối với tim bởi van động mạch chủ. Van này sẽ đóng mở theo chu kỳ để đưa máu ra khỏi tim đồng thời ngăn không cho chảy ngược lại. Nhưng khi dị tật xuất hiện khiến van bị hẹp, không đóng khít, dẫn đến hẹp động mạch chủ hay hẹp van động mạch chủ
  • Hẹp eo động mạch chủ: Khi động mạch chủ bị hẹp ở một vị trí nào đó, làm hạn chế đường lưu thông khiến hạn chế lưu lượng máu.
  • Hẹp động mạch phổi: Động mạch phổi có tác dụng đưa máu nghèo oxy từ bên phải tim đến phổi để lấy oxy. Van động mạch phổi nằm giữa bên phải tim và động mạch phổi và có thể bị hẹp dẫn tới bệnh tim bẩm sinh.
  • Thông liên thất/Dị tật vách liên thất (VSD): Xuất hiện khi có một lỗ trên thành ngăn cách 2 buồng dưới của tâm thất. Đây là dạng tim bẩm sinh phổ biến nhất, lỗ hổng có thể tự đóng lại nhưng một số cần can thiệp y tế.
  • Thông liên nhĩ/Dị tật vách ngăn nhĩ (ASD): Là tình trạng xuất hiện một lỗ hổng trên 2 vách ngăn buồng trên của tim. Hầu hết các lỗ hổng này đều không thể tự đóng lại, nếu nhỏ có thể để nguyên còn không cần can thiệp y tế.
  • Dị tật vách ngăn nhĩ thất: Đây là tình trạng xuất hiện một lỗ hổng ở trên thành ngăn cách giữa buôn tim trên và dưới. Đa số bệnh nhân bị khuyết tật vách ngăn nhĩ thất cũng có bất thường trên van 2 lá hoặc 3 lá.
  • Dị tật van động mạch chủ 2 lá: Van động mạch chủ có 3 lá, nằm giữa tim và động mạch chủ, đóng mở liên tục để điều chỉnh lượng máu. Khi bị dị tật, van chỉ có 2 lá dẫn tới hoạt động, lưu lượng máu bất thường.
  • Còn ống động mạch (PDA): Ống động mạch là một mạch máu nhỏ để máu của thai nhi không đi qua phổi mà lấy trực tiếp từ mẹ, thường đóng lại khi trẻ chào đời. PDA là tình trạng ống động mạch không tự đóng được (thường gặp ở trẻ sinh non) khiến máu thừa được bơm thì động mạch chủ đến phổi.

Dị tật vách ngăn liên thất gây bệnh tim bẩm sinh

Dị tật vách ngăn liên thất gây bệnh tim bẩm sinh (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115

Nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh không tím ở trẻ

Hiện tại, nguyên nhân gây dị tật tim bẩm sinh không tím vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ trẻ mắc bệnh thường có liên quan đến:

  • Bất thường nhiễm sắc thể hoặc do di truyền.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc.
  • Phụ nữ mang thai có mắc một trong số các bệnh lý như tiểu đường, phenylketon niệu, rubella, cúm, sởi...
  • Trong quá trình mang thai phải làm việc, sinh sống hoặc tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại.
  • Người mẹ sử dụng ma túy trong quá trình mang thai.

Những triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh không tím

Trẻ sơ sinh mắc bệnh có thể xuất hiện tiếng thổi tim nhưng đôi khi lại không thấy bất kỳ triệu chứng nào cho tới khi lớn lên. Ngay cả khi ban đầu bệnh không gây ảnh hưởng nhưng theo thời gian, các vấn đề sẽ dần xuất hiện.

Trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh không tím thường bị huyết áp cao do tim phải bơm máu mạnh hơn, tăng huyết áp phổi. Cuối cùng, người bệnh có thể bị suy tim khi cơ quan này không còn đủ khả năng hoạt động bơm máu đi khắp cơ thể nữa. Các tình trạng đó thường xuất hiện với triệu chứng như:

  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Chóng mặt
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Ngất xỉu
  • Trẻ phát triển chậm, thiếu cân
  • Trẻ thường đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt lúc bú
  • Trẻ khó bú, kén ăn

Bệnh khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và có thể gây suy tim

Bệnh khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và có thể gây suy tim (Ảnh minh họa internet)

Các biến chứng nguy hiểm của tim bẩm sinh không tím

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh không tím nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ cao gặp phải biến chứng như:

  • Chậm phát triển: Trẻ bị tim bẩm sinh thường chậm phát triển ở cả chiều cao, cân nặng cũng như thời điểm biết đi, nói, khả năng tiếp thu kiến thức, học tập.
  • Suy tim: Do tim phải tăng cường hoạt động để bơm máu đi khắp cơ thể nên về lâu dài sẽ gây ra suy tim. Tình trạng này xuất hiện ở cả 1 hoặc 2 bên của tim và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.
  • Tăng áp lực động mạch phổi: Bệnh có thể gây tăng áp lực động mạnh phổi không thể kiểm soát và dẫn tới tổn thương phổi không thể phục hồi.

Cách chẩn đoán, phát hiện bệnh tim bẩm sinh không tím

Hiện tại, đã có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện dị tật tim bẩm sinh không tím, bao gồm:

  • Dựa vào siêu âm để phát hiện thai nhi mang dị tật từ tuần thứ 17 trở lên.
  • Sau khi trẻ chào đời, bác sĩ sẽ nghe tiếng thổi ở tim, nếu nghi ngờ, trẻ sẽ được chỉ định thêm các kiểm tra cận lâm sàng như:
    • Chụp X - quang ngực để xác định cấu trúc bất thường của tim.
    • Điện tâm đồ EKG hoặc ECG để đo hoạt động điện của tim.
    • Siêu âm tim nhằm quan sát các van, buồng tim.
    • Thông tim phải: Là phương pháp được dùng để xác định tim đang bơm máu như thế nào. Một ống mỏng sẽ được đưa qua tĩnh mạch đùi lên tim nhằm do lượng máu mà tim đã bơm mỗi phút, lượng oxy trong máu ở các buồng tim.
    • Thông tim trái: Tương tự như thông tim phải nhưng thực hiện ở bên trái.
    • Sử dụng thuốc cản quang: Thuốc sẽ được tiêm vào máu người bệnh để từ đó phát hiện tình trạng tắc nghẽn hoặc mạch máu bất thường.

Dùng điện tâm đồ để kiểm tra hoạt động của tim

Dùng điện tâm đồ để kiểm tra hoạt động của tim (Ảnh minh họa internet)

Phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh không tím

Phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh không tím được chỉ định dựa trên tình trạng, vị trí tim/mạch máu bất thường. Nếu trẻ có lỗ thông liên thất hoặc liên nhĩ nhỏ hay hẹp van động mạch phổi, động mạch chủ nhẹ chưa cần can thiệp ngay. Khi đó, trẻ chỉ cần đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh.

Tuy nhiên, nếu dị tật tim bẩm sinh không tím ở mức độ trung bình đến nặng với các triệu chứng nghiêm trọng thì cần được điều trị. Khi đó, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng, bệnh nhân cụ thể để chỉ định các biện pháp sau:

  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc được kê để giúp tim hoạt động tốt hơn, kiểm soát huyết áp, ngăn hình thành cục máu đông, kiểm soát nhịp tim không đều.
  • Thông tim: Các phương pháp này giúp điều trị một số dị tật bằng cách sử dụng ống thông từ tĩnh mạch đùi mà không cần phẫu thuật mở ngực, tim. Trong đó bao gồm: nong van động mạch phổi, đùi, nong và đặt stent hẹp eo động mạch chủ, bít thông lỗ liên nhĩ, liên thất...
  • Phẫu thuật tim: Khi không thể can thiệp bằng kỹ thuật thông tim thì sẽ phải chọn lựa phẫu thuật. Lúc đó, bác sĩ sẽ phải mổ mở để tiếp cận trái tim sau đó tiến hành đóng lỗ hổng, sửa van tim và mạch máu.
  • Ghép tim: Trường hợp bệnh lý phức tạp, tiến triển nặng với nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể phải tiến hành ghép tim.

Kỹ thuật bít lỗ thông liên nhĩ được sử dụng phổ biến

Kỹ thuật bít lỗ thông liên nhĩ được sử dụng phổ biến (Ảnh minh họa internet)

Cách chăm sóc người bệnh bị dị tật tim bẩm sinh không tím

Người bị bệnh tim bẩm sinh không tím dù đã được điều trị hay chưa đều cần phải được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi đó, bạn sẽ được các chuyên gia tư vấn những vấn đề sau:

  • Xác định hình thức, mức độ hoạt động thể chất an toàn với tình trạng bệnh.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim.
  • Theo dõi tiến triển bệnh, tình trạng của tim theo thời gian.
  • Chỉ định một số thuốc giúp làm giảm áp lực lên tim như hạ huyết áp.
  • Tư vấn khi người bệnh có nhu cầu mang thai vì điều này sẽ gây ra nhiều áp lực cho tim.
  • Theo dõi trình trạng bệnh để quyết định thời điểm cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật điều trị, để tránh dẫn tới biến chứng nghiêm trọng.

Xem thêm: Giấy khám sức khỏe A3 mẫu giấy khám sức khỏe lái xe mới nhất

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh không tím cần được kiểm tra, phát hiện và điều trị từ sớm để có cuộc sống khỏe mạnh. Bệnh cạnh đó, dù đã điều trị hay chưa thì người bệnh cần thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh giảm nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng. Để được tư vấn chi tiết hơn hoặc đặt lịch khám bệnh lý tim mạch, bạn hãy hệ Bệnh viện Gia An 115 qua số (028) 62 885 886 hoặc sử dụng tính năng Đặt lịch khám ngay trên website.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886