Tìm hiểu các giai đoạn sốt xuất huyết để phát hiện từ sớm

Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn. Vậy, cụ thể các giai đoạn sốt xuất huyết là gì? Có thể phòng tránh bệnh bằng cách nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết.

Sốt xuất huyết là bệnh gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus này có 4 thể huyết thanh bao gồm: DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3, DEN -4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là công trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Bệnh lý xảy ra quanh năm và thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở tất cả các đối tượng từ trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi, phụ nữ mang thai. Bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra (Ảnh minh họa internet)

Thông tin triệu chứng các giai đoạn sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện qua 3 giai đoạn bệnh, trong đó giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3-7 của bệnh. Bệnh có diễn biến rất nhanh chóng trong 3 giai đoạn này, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Thông tin triệu chứng các giai đoạn sốt xuất huyết sẽ có dưới đây.

Giai đoạn sốt           

Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết cũng có thể nhầm với sốt thông thường và sốt virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường có biểu hiện đặc trưng như:

  • Da xung huyết
  • Phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da
  • Chảy máu chân răng

Bên cạnh đó, người bệnh sốt xuất huyết có thể kèm theo những triệu chứng lâm sàng, bao gồm:

  • Sốt cao, đột ngột và liên tục, khó hạ sốt
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt 

Tình trạng sốt là giai đoạn đầu của sốt xuất huyết

Tình trạng sốt là giai đoạn đầu của sốt xuất huyết (Ảnh minh họa internet)

Nếu triệu chứng tiến triển nặng, người bệnh cần ngay lập tức đến bệnh viện để thực hiện các kiểm tra đánh giá tình trạng bệnh lý. Lúc này, công thức máu có thể thấy hematocrit bình thường và có thể tăng cao trong trường hợp bệnh chuyển biến sang giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, số lượng tiểu cầu có thể bình thường hoặc giảm dần nhưng vẫn trên 100.000/mm3. Số lượng bạch cầu giảm.

Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh

Trong các giai đoạn sốt xuất huyết, người bệnh thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhất ở khoảng ngày thứ 3-7. Đây là giai đoạn cần phải xem xét các biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế rủi ro tính mạng cho người bệnh.

Người bệnh nên lưu ý, giai đoạn này có những trường hợp còn sốt hoặc giảm sốt. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan khi các biểu hiện lâm sàng này xảy ra, cụ thể:

  • Đau bụng nhiều, liên tục và tăng cảm giác đau
  • Vật vã, lừ đừ, li bì
  • Có thể đau ở vị trí gan
  • Nôn ói

Một số trường hợp khác bệnh có chuyển biến nặng, cơ thể sẽ gặp tình trạng thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24-48h. Thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc kèm theo các biểu hiện vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, không đo được huyết áp, không bắt được mạch. Người bệnh nếu không được xử trí kịp thời thì phổi có thể có dịch gây suy hô hấp, phù nề mi mắt.

Trong các giai đoạn sốt xuất huyết có thể có triệu chứng đau bụng ở giai đoạn nguy hiểm

Trong các giai đoạn sốt xuất huyết có thể có triệu chứng đau bụng ở giai đoạn nguy hiểm (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Giấy khám sức khỏe A3 có công dụng gì? Khám ở đâu uy tín?

Bên cạnh đó, triệu chứng xuất huyết cũng được các bác sĩ cảnh báo ở giai đoạn này. Người bệnh có thể xuất huyết dưới da với các nốt đỏ ở rải rác ở hai cẳng tay chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc các mảng bầm tím. Thêm vào đó là tình trạng xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Chú ý, bạn cần thông báo với bác sĩ ngay nếu gặp triệu chứng xuất huyết nặng như chảy máu mũi, nặng xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng… để có phác đồ điều trị phù hợp.

Trong giai đoạn nguy hiểm này, có một số ít trường hợp sẽ gặp biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng ở giai đoạn này, tốt hơn hết bạn hãy tiếp nhận điều trị tại các cơ sở y tế.

Giai đoạn hồi phục

Ở giai đoạn này (thường vào ngày thứ 7 - 10 của bệnh), người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều. Tuy nhiên, cơ thể còn phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da. Nhịp tim chậm, không đều và cần theo dõi khi truyền dịch để hạn chế tình trạng suy hô hấp.

Lý giải con đường lây nhiễm sốt xuất huyết

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết thường gia tăng vào khoảng thời gian giao mùa, mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Bệnh dịch thường diễn biến phức tạp theo chu kỳ 4-5 năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn hay muỗi aedes sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch bệnh.

Trung gian lây truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang virus Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa virus vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó.

Cách nhận dạng muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết:

  • Muỗi Aedes có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên có tên khác là muỗi vằn.
  • Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.
  • Muỗi vằn thường đậu ở trong góc nhà, thường ở xó tối và chỗ treo quần áo.
  • Muỗi vằn sinh sôi và đẻ trứng ở những vùng có nước đọng như ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước.
  • Muỗi phát triển mạnh vào mùa mưa, nhiệt độ cao sẽ làm khả năng sinh sản của muối tăng lên. 

Các giai đoạn sốt xuất huyết lây truyền từ muỗi

Các giai đoạn sốt xuất huyết lây truyền từ muỗi (Ảnh minh họa internet)

Phòng chống lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết

Chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết có vai trò rất quan trọng trong việc chống dịch. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi

Theo lời khuyên của Cục Y tế Dự phòng, cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt trung gian truyền bệnh: diệt muỗi, loăng quăng, bọ gây. Cụ thể:

  • Phát quang bụi rậm, dọn dẹp nhà cửa, đậy kín hoặc bỏ những dụng cụ chứa nước không có nắp đậy
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gây
  • Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để cho muỗi không sinh sôi.

Phòng chống muỗi đốt lây truyền bệnh

Bạn có thể phòng muỗi đốt bằng những cách sau đây:

  • Mặc quần áo dài
  • Buông màn khi ngủ bất kể ngày đêm
  • Dùng các dụng cụ diệt muỗi. hương muỗi, bôi kem đuổi muỗi, dùng vợt điện diệt muỗi
  • Dùng màn tẩm hóa chất diệt muỗi
  • Cho người sốt xuất huyết nằm trong màn tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác
  • Tích cực phối hợp với chính quyền trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.

Dọn dẹp ao tù nước đọng để phòng tránh sốt xuất huyết

Dọn dẹp ao tù nước đọng để phòng tránh sốt xuất huyết (Ảnh minh họa internet)

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, mỗi người nên chủ động nắm rõ thông tin của sốt xuất huyết và các giai đoạn sốt xuất huyết. Đồng thời, kết hợp phòng chống muỗi đốt và hạn chế muỗi phát triển để phòng chống dịch bệnh.

Xem thêm: Gói khám sức khỏe tổng quát chuyên sâu ở Hồ Chí Minh

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886