Dạ dày nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori có nguy hiểm không?
- Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) gây viêm dạ dày như thế nào?
Vi khuẩn Hp hay Helicobacter pylori khi xâm nhập vào cơ thể và sinh sống trong dạ dày con người. Để tồn tại được trong môi trường acid dịch vị dạ dày, Hp tiết ra Enzyme Urease để trung hòa nồng độ acid của dạ dày. Hoạt động của vi khuẩn Hp có thể dẫn đến các vết loét ở niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Trong một số trường hợp có thể dẫn đến ung thư dạ dày rất nguy hiểm. Có khoảng 80% những người bị nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng và cũng không gây bất kỳ thương tổn nào cho dạ dày. Có đến khoảng 50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn Hp ở dạ dày. Ở Việt Nam tình trạng test Hp dương tính chiếm khoảng trên 70% dân số.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Hp tấn công biểu mô dạ dày. Vi khuẩn tiết ra men urease rất mạnh, tạo ra một lượng lớn amoniac có khả năng trung hòa môi trường acid quanh chúng. Ngoài ra, amoniac còn gây độc trực tiếp đối với tế bào niêm mạc dạ dày và làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Sự hoạt động của vi khuẩn Hp làm giảm chất nhầy bảo vệ khiến acid dịch vị tác động trực tiếp lên thành dạ dày. Dưới sự phối hợp của nhiều yếu tố trên gây nên tình trạng viêm – loét dạ dày, tá tràng. Các vết loét có thể chảy máu gây nhiễm trùng hoặc làm cản trở thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa.
- Triệu chứng viêm dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp
Đại đa số trường hợp test Hp dương tính không gây triệu chứng,
Triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng, đặc biệt là khi dạ dày trống vào ban đêm hoặc vài giờ sau ăn. Cơn đau thường âm ỉ trong vài phút hoặc kéo dài hàng giờ.
- Một số dấu hiệu khác người bệnh có thể gặp phải bao gồm: Chướng bụng, đầy hơi. Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua. Buồn nôn và nôn. Sụt cân.
- Khi vết loét gây chảy máu, xuất huyết dạ dày: nôn ra máu hoặc chất dịch như bã cafe. Phân lẫn máu, có màu đỏ sậm hoặc đen. Cơ thể mệt mỏi, khó thở, hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Bụng đau dữ dội.
- Ngoài ra, mặc dù không phổ biến viêm dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp có thể gây ung thư dạ dày. Buồn nôn và nôn, Đau hoặc nóng rát, Không có cảm giác đói hoặc cảm thấy no nhanh mặc dù chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn, Sụt cân nhanh.
- Vì sao bị nhiễm vi khuẩn Hp?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dạ dày nhiễm Hp vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhiễm vi khuẩn Hp từ thức ăn, nước uống, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra, có thể nhiễm vi khuẩn Hp khi tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt hoặc các chất dịch cơ thể của người bệnh hay qua các thủ thuật tiêu hóa như nội soi mũi họng, nội soi tiêu hóa…
Các yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ test Hp dương tính:
– Môi trường sống đông đúc, chật hẹp và không đảm bảo vệ sinh.
– Không có nguồn nước sạch.
– Sống chung với người test Hp dương tính.
- Dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp có nguy hiểm không?
Nhiễm khuẩn Hp nếu không điều trị có thể dẫn đến một số rủi ro:
– Viêm – loét dạ dày
– Xuất huyết tiêu hóa: Tình trạng viêm – loét dạ dày, tá tràng nếu không được kiểm soát tốt sẽ khiến các ổ loét xuyên qua mạch máu gây xuất huyết tiêu hóa.
– Thủng dạ dày: Trong trường hợp nghiêm trọng, loét dạ dày có thể phát triển ăn sâu làm phá vỡ hoàn toàn vách dạ dày gây thủng.
– Viêm phúc mạc: Khi vi khuẩn Hp gây viêm hoặc nhiễm trùng phát triển vào niêm mạc bụng gây viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc nếu không được xử lý ngay có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân gây tử vong hoặc để lại những di chứng rất nặng nề.
– Ung thư dạ dày: chiếm khoảng 1% trường hợp người bệnh test Hp dương tính có nguy cơ bị ung thư dạ dày.
Dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp có thể gây loét và ung thư
- Chẩn đoán dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp
Dựa vào tiền sử bệnh lý, các triệu chứng và các loại thuốc đang dùng, người bệnh làm các xét nghiệm test Hp:
– Xét nghiệm máu: để xác định các kháng thể kháng vi khuẩn HP trong máu. Phương pháp này chỉ chính xác nếu người bệnh chưa từng điều trị vi khuẩn HP trước đây.
– Kiểm tra phân: để xác định dấu hiệu vi khuẩn HP trong phân
– Kiểm tra hơi thở: xác định khí CO2 trong hơi thở thông qua một thiết bị đặc biệt.
– Nội soi đường tiêu hóa trên: Đây là phương pháp test Hp duy nhất vừa chẩn đoán được tình trạng nhiễm khuẩn, vừa xác định được vị trí và mức độ thương tổn ở dạ dày.
– Chụp X – quang dạ dày tá tràng: ít thực hiện
– Nuôi cấy: xác định chủng vi khuẩn gây bệnh để xây dựng khác sinh đồ phù hợp.
– Sinh thiết mẫu mô để xác định các dấu hiệu ung thư dạ dày
- Điều trị dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp
Theo các chuyên gia, nếu nhiễm khuẩn Hp không gáy triệu chứng, việc điều trị là không cần thiết. Nhưng nếu nhiễm khuẩn Hp gây viêm, loét dạ dày, người bệnh cần tiêu diệt Hp để chữa lành niêm mạc dạ dày, đồng thời ngăn ngừa viêm – loét tái phát.
Phác đồ điều trị Hp cho người bệnh luôn được cải tiến, bởi do vi khuẩn Hp rất dễ kháng thuốc và thuốc kháng sinh dễ bị phân hủy trong môi trường acid dạ dày. Thông thường, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần kéo dài từ 7-14 ngày và có thể điều trị duy trì từ 4-8 tuần sau đó để chữa dứt điểm tình trạng viêm – loét dạ dày, tá tràng. Việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể có gây những tác dụng phụ như: buồn nôn, đi tiêu phân đen, tiêu chảy, rối loạn vị giác, lưỡi đen và phản ứng cai rượu…
Vi khuẩn Hp có thể bị tiêu diệt hoàn toàn nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị. Tuy nhiên, sau khi kết thúc điều trị, nếu người bệnh không chú ý đến chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày như: ăn đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, thường xuyên thức khuya, stress… thì nhiễm khuẩn Hp khó có thể điều trị dứt điểm và tình trạng viêm dạ dày vẫn sẽ tiếp diễn.
Sau khi kết thúc phát đồ điều trị, người bệnh cần làm test hơi thở để đảm bảo vi khuẩn Hp đã được tiêu diệt hoàn toàn. Nếu trong trường hợp vi khuẩn Hp vẫn còn tồn tại trong dạ dày, bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị kết hợp nhiều thuốc kháng sinh loại mới.
Khi phát hiện dạ dày nhiễm vi khuẩn Hp, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Điều trị kịp thời vi khuẩn Hp có thể ngăn ngừa nguy cơ gây ra những tổn thương cho dạ dày hay các vấn đề có thể xảy ra như viêm, loét và ung thư dạ dày.
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.
Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.
Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.
Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM
Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115
Cấp cứu: (028) 62 655 115