Đau dây thần kinh chẩm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Dây thần kinh chẩm xuất phát từ đốt sống cổ C2, C3 và chi phối lên vùng mặt ngoài, mặt sau đầu đến cổ và thực hiện chức năng cảm giác, vận động. Khi bị đau dây thần kinh chẩm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những cơn đau nhói buốt, tăng lên khi vận động vô cùng khó chịu. Vậy nguyên nhân gì gây ra tình trạng này, cách điều trị như thế nào, cùng tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu sơ bộ về dây thần kinh chẩm
Dây thần kinh chẩm là một phần của hệ thống thần kinh ngoại biên với 2 cặp dây xuất phát từ cột sống C2 và C3. Dây thần kinh này chi phối vùng phía sau đầu (vùng chẩm) và phân bố khắp mặt ngoài, sau đầu đến cổ và nối với nhiều dây thần kinh khác của vùng mặt.
Dây thần kinh chẩm có nhiều chức năng quan trọng như:
- Chi phối cảm giác ở vùng da phía sau đầu từ chẩm đến đỉnh đầu, tai và cả vùng tuyến mang tai.
- Chi phối cảm giác cho vùng da ở 2 bên phía sau đầu và tai ngoài.
- Thực hiện một số chức năng vận động cho cơ bán gai đầu, tạo cảm giác cho da ở vùng giữa đầu.
Vài nét cơ bản về dây thần kinh chẩm và chứng năng (Ảnh minh họa internet)
Định nghĩa đau dây thần kinh chẩm
Theo Hiệp hội Đau đầu Quốc tế (IHS), đau dây thần kinh chẩm là một chứng rối loạn gây ra bởi thần kinh chẩm. Đau dạng kịch phát với cảm giác đau nghiêm trọng như dao đâm ở vùng da mà dây thần kinh này đi qua. Những cơn đau thường dữ đội, lan từ đầu xuống tới cổ vai gáy.
Những cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài ngày tùy từng đối tượng, trường hợp cụ thể. Cơn đau cấp tính sẽ diễn ra liên tục, kéo dài nhiều giờ mà ít lan tỏa. Thường phải mất đến 2 tuần để những cơn đau thuyên giảm và thời gian này sẽ được rút ngắn khi bệnh nhân phát hiện và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm thường gặp
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm rất đa dạng có thể do những bệnh lý cơ xương khớp ở vùng cổ, chấn thương vùng đầu cổ hay đôi khi do căng cơ cổ mãn tính. Nhưng vẫn có những trường hợp đau dây thần kinh nguyên phát không thể xác định được nguyên nhân.
Người bệnh gặp các vấn đề dưới đây cũng có nguy cơ cao bị đau dây thần kinh này:
- Người mắc bệnh liên quan đến mạch máu, nhiễm trùng, tiểu đường hay gout.
- Người có tư thế ngồi, nằm không đúng khiến cơ cổ phải chịu áp lực quá lớn.
- Người sinh hoạt không hợp lý, thường xuyên căng thẳng quá mức, vận động mạnh, tập thể dục quá sức dẫn tới căng cơ cổ và vai.
Chấn thương vùng cổ có thể gây ra đau ở dây thần kinh chẩm (Ảnh minh họa internet)
Triệu chứng, biểu hiện đặc trưng khi bị đau dây thần kinh chẩm
Cơn đau thần kinh chẩm thường có mức độ từ trung bình đến dữ dội kèm theo những triệu chứng như:
- Đau nhức đầu, có cảm giác rát bỏng, như điện giật và có thể theo nhịp hoặc liên tục từng cơn.
- Cảm giác đau nhói, buốt liên tục kèm nóng rát ở ót, dưới cổ rồi lan lên đến 1 hoặc cả 2 bên đầu.
- Đau sau mắt ở bên đang bị đau đầu.
- Đau rõ ràng, nghiêm trọng hơn ngay cả khi cử động nhẹ như chải đầu.
- Nhạy cảm, đau nhiều hơn khi gặp ánh sáng mạnh.
- Tê ở da dầu, nhạy cảm khi có va chạm nhẹ.
Các triệu chứng này khá giống với của chứng đau nửa đầu và cũng thường diễn ra cùng lúc với các cơn đau khác. Vì thế, đôi khi bệnh nhân không thể xác định cũng như mô tả rõ dẫn tới chẩn đoán không chính xác hoặc bị chậm trễ ảnh hưởng tới điều trị.
Bệnh nhân có triệu chứng nhức, đau đầu như điện giật (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: Dịch vụ khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Đau dây thần kinh chẩm có nghiêm trọng không?
Đau dây thần kinh chẩm thường không gây ra biến chứng nguy hiểm với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, những cơn đau đột ngột, nhói nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống.
Những trường hợp đau nặng, liên tục trong một thời gian dài mà không được điều trị, kiểm soát khiến người bệnh không thoải mái. Đặc biệt chất lượng giấc ngủ bị giảm và giảm khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày.
Hơn nữa, bệnh lý này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh và dễ gây ra những vấn đề về tâm lý. Những cơn đau kéo dài khiến người bệnh dễ rơi vào lo lắng, trầm cảm, kém tập trung gây ảnh hưởng lớn đến học tập, làm việc.
Bệnh ảnh hưởng đến giấc ngủ, chất lượng cuộc sống người bệnh (Ảnh minh họa internet)
Phương pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm
Dù bệnh lý này không nghiêm trọng đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Do đó, việc thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Một số phương pháp thường được dùng vào điều trị bao gồm:
Không phẫu thuật
Đa số trường hợp đau dây thần kinh chẩm đều được bác sĩ chỉ định điều trị không phẫu thuật bằng cách phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc: Tùy vào triệu chứng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, chống viêm NSAID, thuốc giãn cơ, chống động kinh, chống trầm cảm. Hoặc thậm chí có thể tiêm steroid để làm dịu dây thần kinh.
- Điều trị bằng nhiệt: Đặt miếng đệm nóng hoặc thiết bị sưởi vào vùng bị đau sẽ giúp giảm đau, thư giãn khá nhanh. Tuy nhiên, cách này chỉ hỗ trợ giảm đau mà không điều trị triệt để.
- Vật lý trị liệu: Người bệnh cũng có thể sử dụng phương pháp xoa bóp ở vùng đầu để giảm căng cơ. Hoặc sử dụng bài tập vật lý trị liệu trong trường hợp đau do tư thế sai khiến dây thần kinh bị căng.
- Phong bế thần kinh chẩm: Thủ thuật này sẽ đưa hỗn hợp thuốc đến vị trí dây thần kinh bị đau để ngắt đường dẫn truyền cảm giác đau. Phương pháp mang lại hiệu quả trong một khoảng thời gian dài.
- Đốt sóng cao tần (RFA): Phương pháp này sẽ phá hủy tại chỗ hoặc làm tê liệt dây thần kinh chẩm bằng nhiệt. Kỹ thuật này giảm xâm lấn đến tối thiểu với thời gian điều trị ngắn, hiệu quả nhanh và phù hợp với người cao tuổi, đau mãn tính.
- Tiêm Botox (Botulinum Toxin): Giúp làm giảm tình trạng viêm dây thần kinh.
Phương pháp phong bế thần kinh chẩm ít xâm lấn (Ảnh minh họa internet)
Điều trị phẫu thuật
Khi bệnh nhân đau nhiều, kéo dài và không đáp ứng với điều trị bảo tồn thì bác sĩ sẽ xem xét chỉ định điều trị đau dây thần kinh chẩm bằng phẫu thuật. Trong đó có 2 biện pháp được sử dụng nhiều, phổ biến như:
- Kích thích tủy sống: Phương pháp này sử dụng các thiết bị tạo ra xung điện và đặt giữa các đốt với tủy sống. Khi đó, các xung điện sẽ ngăn chặn tín hiệu đau từ tủy sống truyền lên não. Kỹ thuật này được sử dụng nhiều do xâm lấn ít, hạn chế tổn thương, ảnh hưởng đến cấu trúc xung quanh.
- Giải ép mạch máu vi phẫu: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ thực hiện tách mạch máu đang chèn ép lên dây thần kinh chẩm khỏi điểm chèn ép. Nhờ vậy mà dây thần kinh sẽ được phục hồi, không còn các cơn đa Người bệnh chỉ cần 1 - 2 tuần để hồi phục. Các dây thần kinh điều trị có thể bao gồm các rễ thần kinh C2, hạch và thần kinh hậu hạch.
Một số phương pháp giảm đau dây thần kinh chẩm tại nhà
Tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn nhưng người bệnh có thể sử dụng một số biện pháp sau để giảm cơn đau như:
- Xoa bóp cổ và tập luyện các bài giúp giãn cơ ở vùng cổ từ đó giảm tác nhân làm bùng phát cơn đau.
- Điều chỉnh tư thế cẩn thận để tránh làm cơn đau nghiêm trọng hơn, nhất là khi đứng, leo cầu thang, chơi thể thao...
- Hạn chế rượu và khả năng gây ngộ độc cho dây thần kinh.
- Ngủ đúng giờ vì các cơn đau có thể nghiêm trọng hơn vào ban đêm cũng như để tránh tình trạng viêm dây thần kinh.
- Giảm thiểu stress, căng thẳng lên cuộc sống, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Xem thêm: Khám sức khỏe xin việc bao nhiêu tiền? Giải đáp
Những thông tin cơ bản về bệnh lý đau dây thần kinh đã được giải đáp qua bài viết trên. Đây là một tình trạng khá thường gặp với các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn. Do đó, ngay khi thấy những cơn đau đầu, bạn cần sớm đến cơ sở y tế để thăm khám và được điều trị kịp thời.