Dấu hiệu cảnh báo và phương pháp chẩn đoán đái tháo đường
Đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Không ít trường hợp phát hiện muộn khi bệnh nhân đã bị mù, suy thận, loét tứ chi... Đáng ngại là đái tháo đường thường tiến triển âm thầm với những biểu hiện ít được chú ý, khó nhận biết khiến người bệnh chủ quan và bỏ qua.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường có thể là biến chứng cấp tính hoặc mạn tính.
Biến chứng cấp tính
- Đột quỵ: Người lớn mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng lên gấp 2 đến 3 lần. Khi xảy ra tình trạng này, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời để tránh dẫn đến tử vong.
- Cắt bỏ chi dưới: Là biến chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân đái tháo đường. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, các vết loét ở chân sẽ lan rộng, nhiễm trùng gây nguy cơ hoại tử và buộc phải cắt bỏ chi để bảo toàn tính mạng.
Biến chứng mạn tính
- Tim: Tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi, tai biến mạch máu não… đều là những hệ lụy của bệnh đái tháo đường.
- Mắt: Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Đầu tiên, biến chứng này sẽ khiến thị lực suy giảm; nặng hơn, người bệnh sẽ mất thị lực.
- Thận: Lượng đường trong máu cao sẽ làm tổn thương các vi mạch máu trong thận, lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm chức năng hoạt động, suy thận.
- Thần kinh: Được coi là biến chứng đầu tiên gặp phải khi mắc bệnh tiểu đường. Biểu hiện của biến chứng thần kinh do đái tháo đường thường là cảm giác đau, tê, nóng ở chân, rối loạn nhịp tim...
Dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường
Nếu xuất hiện một trong những biểu hiện dưới đây, rất có thể bạn đang mắc tiểu đường.
- Thường xuyên đi tiểu, tăng số lượng nước tiểu và số lần đi tiểu.
- Luôn trong tình trạng khát nước
- Ăn nhiều hơn
- Sụt cân nhanh
- Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức
- Các triệu chứng khác như ngứa, mờ mắt hoặc mù đột ngột, nhiễm trùng lâu lành, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục, viêm da quy đầu…
Những biểu hiện này không đặc trưng và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Do đó, mỗi người cần hết sức lưu ý và cần đi khám, tầm soát ngay nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu trên.
Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường
Chẩn đoán bằng định lượng đường trong máu:
Xét nghiệm đường máu (glucose) lúc đói Xét nghiệm này được sử dụng để đo mức huyết tương sau khi đói (ít nhất sau bữa ăn 8 giờ), bởi khi đó lượng đường trong máu sẽ giảm vì năng lượng cung cấp cho cơ thể đã bị hao hụt đáng kể. Nếu lúc này, lượng đường trong máu của bạn vẫn ở mức cao thì chứng tỏ sự điều hòa glucose máu trong cơ thể không hiệu quả. Sẽ có 3 khả năng xảy ra như sau:
- Trường hợp 1: Lượng đường trong máu dưới 100mg/dl, cơ thể bạn hoàn toàn khỏe mạnh bình thường.
- Trường hợp 2: Lượng đường trong máu từ 100mg/dl, đến dưới 126 mg/dL bạn nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn sẽ phải thực hiện thêm một số xét nghiệm vào một ngày khác sau đó theo chỉ dẫn của bác sĩ để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. Sau đó bạn vẫn phải theo dõi đường huyết định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trường hợp 3: Lượng đường trong máu từ 126mg/dl hoặc cao hơn, bạn PHẢI lặp lại xét nghiệm này 1 lần nữa sau đó. Nếu sau 2 lần xét nghiệm mà đường máu vẫn từ 126 mg/dL trở lên, bạn đã bị đái tháo đường. Lúc này bạn cần tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ một cách nghiêm ngặt. Bởi để điều trị bệnh đái tháo đường không chỉ dừng lại ở việc sử dụng thuốc mà còn phải kết hợp với chế độ luyện tập và ăn uống khoa học.
Đánh giá dung nạp glucose bằng đường uống:
Xét nghiệm này cũng được thực hiện khi đói (ít nhất sau bữa ăn 8 giờ). Sau khi lấy máu bạn cần uống nước có đường (nước pha với 75g glucose). Sau đó 2 giờ, sẽ tiếp tục kiểm tra thêm một lần để có được kết quả cuối cùng.
Sẽ có 3 khả năng xảy ra:
- Trường hợp 1: đường huyết dưới 140mg/dL là bình thường.
- Trường hợp 2: đường huyết đạt từ 140 - 190 mg/dL là tình trạng tiền đái tháo đường.
- Trường hợp 3: đường huyết từ 200mg/dL, bạn bị đái tháo đường.
Nếu chẩn đoán dựa vào nghiệm pháp dung nạp đường phải làm hai lần vào hai ngày khác nhau. Không chẩn đoán chỉ với 1 mẫu xét nghiệm duy nhất.
Xét nghiệm HbA1c:
HbA1c là một loại hemoglobin đặc biệt, kết hợp giữa hemoglobin và đường glucose. Nó đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb của tế bào hồng cầu. HbA1c tồn tại trong hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy và glucose đi nuôi cơ thể.
- Trường hợp 1: Mức HbA1c nằm dưới 5.7%, cơ thể bạn hoàn toàn bình thường
- Trường hợp 2: Mức HbA1c nằm trong khoảng từ 5.7% đến dưới 6.5%, bạn đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường.
- Trường hợp 3: Mức HbA1c từ 6.5%, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, HbA1c còn được sử dụng để kiểm tra mức độ kiểm soát đường trong máu xem liệu trình giảm đường huyết ở bệnh đái tháo đường có hiệu quả hay không.
Tuy nhiên, xét nghiệm này CHỈ được dùng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2 với điều kiện máy xét nghiệm phải được định chuẩn và kiểm tra giám sát của các tổ chức nước ngoài với chi phí rất cao, nên Bộ Y tế Việt Nam chưa đưa vào khuyến cáo chẩn đoán đái tháo đường do tính chuẩn mực của các máy xét nghiệm HbA1c ở Việt Nam chưa được định chuẩn đồng bộ.
Để được tầm soát hoặc khám, điều trị đái tháo đường, hãy liên hệ ngay số (028) 62 885 886 hoặc số 0794 304 096. Tại Bệnh viện Gia An 115, bạn sẽ được khám và điều trị bởi những bác sĩ chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm về Nội tiết và Đái tháo đường. Đặc biệt, Bệnh viện Gia An 115 có khám và điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT toàn quốc. Khi bạn tầm soát, khám và điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Gia An 115, bạn sẽ được hướng dẫn tận tình chu đáo trong môi trường y tế văn minh sạch đẹp, chất lượng đạt chuẩn với chi phí phải chăng và được BHYT hỗ trợ chi trả.