Hotline: 1800 9045

Những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống và cách điều trị bệnh hiệu quả

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý rất phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những cơn đau kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống. Các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống sẽ được đề cập trong bài viết giúp bạn có thể phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Tìm hiểu bệnh lý thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm (Herniated Disc) là thuật ngữ để chỉ tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm cột sống chệch khỏi vị trí thông thường. Khi đĩa đệm bị trượt ra sẽ chèn ép lên tủy sống hoặc rễ thần kinh, gây tình trạng đau nhức và rối loạn cảm giác tại chỗ.

Thoát vị đĩa đệm tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Đây cũng là bệnh lý thường gặp nhất liên quan đến cột sống. Tỷ lệ bị thoát vị đĩa đệm ở người trưởng thành lên tới 30%. Ở nước ta, độ tuổi thường mắc bệnh này nhiều nhất từ 30 - 60 tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa.

  • Thoát vị đĩa đệm đoạn cổ ngực
  • Thoát vị đĩa đệm đoạn ngực
  • Thoát vị đĩa đệm đoạn lưng ngực

Nguyên lý cơ bản của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống

Nguyên lý cơ bản của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống (Ảnh tham khảo internet)

Xem ngay: Khám tổng quát chuyên sâu tại Bệnh viện Gia An 115

Các nguyên nhân thường gặp gây thoát vị đĩa đệm cột sống

Trước khi tìm hiểu các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống, bạn cần nắm rõ các nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:

  • Chấn thương từ tai nạn giao thông, lao động
  • Thường xuyên mang vác vật nặng, tư thế khuân vác không đúng
  • Thoái hóa cột sống
  • Yếu tố di truyền hoặc mắc bệnh lý bẩm sinh cột sống

Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố nguy cơ của thoát vị đĩa đệm gồm:

  • Cân nặng: Người thừa cân có nguy cơ bị thoát vị cao hơn do cột sống phải chịu trọng lượng lớn hơn trong thời gian dài.
  • Nghề nghiệp: Những người lao động chân tay, thường xuyên mang vác vật nặng có nguy cơ mắc thoát vị cao hơn.
  • Tuổi tác: Quá trình thoái hóa khi tuổi cao khiến cho đĩa đệm bị mất nước, xơ cứng nên dễ bị tổn thương hơn.

Thường xuyên mang vác vật nặng là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Thường xuyên mang vác vật nặng là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm (Ảnh minh họa internet)

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống không thể bỏ qua

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống ban đầu tương đối nhẹ khiến nhiều người lầm tưởng chỉ là đau nhức thông thường và dễ dàng bỏ qua. Nhưng lâu dài, tình trạng thoát vị nghiêm trọng, chèn ép lên các dây thần kinh khiến cơn đau dữ dội, gây mệt mỏi, vận động khó khăn, yếu cơ, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống vùng thắt lưng

Theo thống kê, thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng chiếm tỷ lệ cao nhất, bởi vị trí này phải gánh chịu phần lớn trọng lượng cơ thể. Người bệnh có thể phát hiện bệnh lý này khi có những biểu hiện dưới đây.

  • Đau: Người bệnh bị thoát vị sẽ xuất hiện những cơn đau đột ngột, dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài. Khi tình trạng nặng hơn gây chèn ép lên dây thần kinh, cơn đau sẽ lan rộng xuống mông, chân kèm theo cảm giác tê bì.
  • Đau tăng khi vận động: Cơn đau sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi và tăng lên lúc người bệnh vận động. Đặc biệt có thể đau nhói hơn khi ho, hắt hơi hoặc nằm nghiêng. Việc đứng, ngồi quá lâu cũng có thể gây đau cho người bị thoát vị đĩa đệm.
  • Giảm khả năng vận động: Người bệnh sẽ khó uốn cong, cúi người và chân tay yếu hơn bình thường. Vận động có thể bị hạn chế. Một số trường hợp người bệnh không thể đứng thẳng mà bị vẹo về một bên.
  • Mất kiểm soát cơ thể: Khi nhân nhầy của đĩa đệm bị đẩy ra ngoài, chèn ép lên dây thần kinh khiến cho người bệnh không thể tự chủ tiểu tiện, đại tiện, rối loạn cảm giác, thậm chí teo cơ, bại liệt.

Người bệnh khó uốn cong, cúi người - dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống

Người bệnh khó uốn cong, cúi người - dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống (Ảnh minh họa internet)

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ từ nhẹ đến nặng

Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ sẽ thường xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Đau vùng gáy: Ban đầu, người bệnh bị đau ở 1, 2 đốt sống cổ hoặc dọc cả vùng gáy.Sau một thời gian cơn đau, tê bì sẽ lan rộng từ bả vai xuống tay, tê dọc cánh tay đến bàn tay và có thể lên tới đầu, hốc mắt.
  • Cơn đau thất thường: Cơn đau diễn ra liên tục hoặc ngắt quãng, không đồng nhất và tăng khi vận động, nghiêng, cúi đầu hoặc chỉ ho, hắt hơi.
  • Mất cảm giác: Lực tay người bệnh có thể bị giảm ảnh hưởng đến hoạt động như cầm, nắm, vác hay mặc quần áo.
  • Hạn chế vận động: Khi bệnh nặng hơn, các cử động ở cổ, cánh tay bị hạn chế, khó đưa ra phía sau hoặc lên cao, thậm chí tê liệt vùng cổ, các chi.
  • Yếu cơ: Khi dây thần kinh, tủy sống bị chèn ép, chân và tay của người bệnh sẽ bị yếu. Tình trạng nặng hơn khiến cơ rung lên mỗi khi vận động mạnh, gắng sức.

Cơn đau vùng gáy

Cơn đau vùng gáy - Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (Ảnh minh họa internet)

Các phương pháp hiện đại giúp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống

Khi phát hiện các dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống, người bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Để chẩn đoán, bác sĩ thường phải khai thác tiền sử, kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng bằng chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, MRI, CT kết hợp chụp bao rễ cản quang.

Sau khi được chẩn đoán, tùy vào tình trạng thoát vị mà người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, bệnh lý này chỉ có thể điều trị bảo tồn, giảm đau và tránh tiến triển nặng hơn, như sau:

  • Các loại thuốc sử dụng: Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, corticoid để phong bế ngoài màng cứng.
  • Vật lý trị liệu: Khi thuốc không cải thiện được triệu chứng trong vài tuần thì người bệnh có thể cần vật lý trị liệu như châm cứu, massage, yoga, kéo nắn xương khớp.
  • Phẫu thuật: Nếu điều trị bảo tồn trong 6 tuần không có tác dụng, bệnh nhân có thể phải thực hiện phẫu thuật, nhất là những bệnh nhân bị yếu cơ, khó đứng, khó đi lại hay mất kiểm soát cơ vòng.

Massage, kéo nắn xương giúp hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm

Massage, kéo nắn xương giúp hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm (Ảnh minh họa internet)

Xem thêm: Giấy khám sức khỏe A3, mẫu giấy khám sức khỏe lái xe chi tiết

Phương pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm ngày càng trở nên phổ biến, bạn nên biết một số cách phòng ngừa sau để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân:

  • Không ngồi quá lâu ở một tư thế để tránh cho đĩa đệm phải chịu quá nhiều áp lực.
  • Nếu ngồi, làm lâu và thấy đau mỏi cổ, thắt lưng thì cần nghỉ ngơi, chườm nóng và xoa bóp.
  • Thường xuyên tập thể dục, thể thao với cường độ phù hợp.
  • Không khiêng, vác quá nặng để tránh gây tổn thương cho cột sống.
  • Không đột ngột thay đổi tư thế, vận động quá mạnh.
  • Luôn giữ tư thế cột sống thẳng khi bê vác, lái xe, đứng ngồi...
  • Lên kế hoạch làm việc thích hợp để đĩa đệm, cơ thể có thời gian phục hồi.
  • Khi thấy các dấu hiệu hay triệu chứng bất thường, cần nhanh chóng đi thăm khám để được kiểm tra và điều trị.

Những dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống đặc trưng, thường gặp nhất đã được chia sẻ ở bài viết. Bệnh tuy ban đầu thường không gây ảnh hưởng lớn nhưng người bệnh vẫn cần được thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng. Đừng để đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng mới đến gặp bác sĩ vì lúc đó việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886