Đau ruột thừa bao lâu thì vỡ? Triệu chứng và biến chứng thường gặp
Bệnh đau ruột thừa là bệnh lý ngoại khoa cần được cấp cứu kịp thời. Nếu không xử trí nhanh chóng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy, đau ruột thừa bao lâu thì vỡ? Triệu chứng và biến chứng bệnh là gì? Thông tin về bệnh lý sẽ được cung cấp trong bài viết.
Đau ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái, dài khoảng 8-10cm, nằm phía dưới bên phải bụng, một đầu bịt kín và đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già).
Viêm ruột thừa xảy ra do nhiễm khuẩn trong lòng ruột thừa bị bít tắc. Sự quá sản của tổ chức lympho ở thành ruột thừa là nguyên nhân gây tắc lòng ruột thừa. Ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân khác gây bít tắc như: sỏi phân, ký sinh trùng, các dị vật...
Hình ảnh đau ruột thừa (Ảnh minh họa internet)
Khi lòng ruột thừa bị tắc gây ứ đọng dịch tiết dẫn tới tăng áp lực trong lòng ruột thừa. Từ đó gây ứ trệ tuần hoàn, vi khuẩn phát triển chuyển chất tiết thành mủ. Giai đoạn đầu quá trình này gây viêm, phù thành ruột thừa và có những nốt loét ở niêm mạc ruột thừa.
Nếu tiếp tục phát triển, quá trình viêm càng làm tăng áp lực dẫn đến ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch và thiếu máu nuôi dưỡng. Vi khuẩn phát triển ra thành ruột thừa. Khi phẫu thuật trong ổ bụng có dịch đục, ruột thừa viêm mọng, có giả mạc xung quanh, trong lòng có mủ. Giai đoạn này là viêm ruột thừa mủ.
Giai đoạn cuối, ruột thừa bị thủng dẫn tới mủ và nước phân chảy vào ổ bụng, có thể gây viêm phúc mạc toàn thể, một số trường hợp tạo thành áp xe ruột thừa hoặc hình thành đám quánh ruột thừa.
Đau ruột thừa bao lâu thì vỡ?
Đau ruột thừa là triệu chứng điển hình của bệnh lý. Thời gian đau ruột thừa kéo dài bao lâu phụ thuộc chủ yếu vào thể trạng từng người. Thông thường cơn đau xảy ra rất nhanh chóng.
Khi mới chớm viêm ruột thừa, bệnh nhân bị đau kéo dài từ 1-12 tiếng. Sau khi cơn đau xuất hiện, các triệu chứng khác của viêm ruột thừa cũng biểu hiện trong vòng 24 giờ.
Diễn tiến của quá trình viêm ruột thừa tùy thuộc vào các yếu tố: thể tích các chất trong lòng ruột thừa, mức độ tắc nghẽn, mức độ xuất tiết của niêm mạc ruột thừa, tính đàn hồi của thanh mạc ruột thừa. Hầu hết các trường hợp người bệnh sẽ gặp tình trạng vỡ ruột thừa sau 48-72 giờ nếu không được điều trị kịp thời.
Vì vậy, khi người bệnh bị đau bụng dữ dội đi kèm với các dấu hiệu đau ruột thừa thì cần tới ngay bệnh viện để được chẩn đoán và cấp cứu.
Cần đi cấp cứu ngay khi có cơn đau ruột thừa (Ảnh minh họa internet)
Điểm danh các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa
Đau ruột thừa có diễn biến rất nhanh, có thể vỡ và gây hoại tử nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, hiểu rõ về thông tin bệnh lý viêm ruột thừa là rất cần thiết.
Triệu chứng cơ năng
Bạn sẽ gặp một số triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ ở vùng hố chậu phải. Giai đoạn đầu đau rất mơ hồ, sau đó đau ở vùng thượng vị lan xuống rốn, sau hơn 4 giờ đau khu trú ở vùng hố chậu phải.
- Chán ăn, đầy bụng và khó tiêu
- Buồn nôn và nôn được thống kê xảy ra ở khoảng 75% người bệnh
Triệu chứng xuất hiện toàn thân
Cơ thể sẽ có một số bất thường sau:
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải
- Triệu chứng sốt nhẹ, nhiệt độ có thể không cao, chỉ khoảng 37,5-38 độ C
- Dấu hiệu nhiễm trùng, hơi thở hôi, môi khô, lưỡi bẩn
Mệt mỏi, buồn nôn cảnh báo đau ruột thừa (Ảnh minh họa internet)
Triệu chứng thực thể
Người bệnh sẽ đau nhiều nhất khi ấn bụng ở vị trí sau:
- Điểm Mcburney: Điểm đau ở ⅓ ngoài đường nối giữa rốn và gai chậu trước trên bên phải
- Điểm Clado: Điểm đau giao cắt đường nối ở giữa rốn và gai chậu trước bên phải với bờ ngoài cơ thẳng to.
- Điểm Lanz: Điểm đau ở 1/3 ngoài bên phải của đường nối 2 gai chậu trước trên, trùng với điểm niệu quản giữa bên phải.
- Ngoài ra, có các dấu hiệu co cứng thành bụng vùng hố chậu phải, tăng cảm giác da vùng hố chậu phải.
Biến chứng bệnh lý viêm ruột thừa
Điểm danh các biến chứng thường gặp nếu bệnh nhân đau ruột thừa không được cấp cứu kịp thời:
Viêm phúc mạc
Viêm ruột thừa không được điều trị kịp thời bị vỡ (thủng) có thể gây viêm phúc mạc toàn bộ. Đây là biến chứng thường gặp nhất của viêm ruột thừa và có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh nhân có những hội chứng nhiễm độc, nhiễm trùng với những triệu chứng:
- Cơn đau tăng, lan khắp bụng
- Thể trạng suy sụp, hốc hác
- Bệnh nhân sốt cao ở nhiệt độ 39-40 độ C, có thể kèm rét run
- Mạch nhanh, huyết áp tụt
- Nắn đau chói và phản ứng thành bụng rất điển hình (sờ vào vị trí nào của bụng cũng đau)
- Bí trung đại tiện, bụng chướng, có dấu hiệu tắc ruột do giả mạc dính vào các quai ruột gây ra
Lưu ý, đối với biến chứng viêm phúc mạc, sau 24-48 giờ đầu người bệnh thấy đỡ hay hết sốt, hết đau, sau đó đột ngột đau lại dữ dội vùng hố chậu phải. Toàn thân mệt mỏi cùng dấu hiệu rõ của viêm phúc mạc.
Viêm phúc mạc do đau ruột thừa có thể đe dọa tính mạng người bệnh (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: Gói khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Áp xe ruột thừa
Nếu ruột thừa viêm và bị vỡ nhưng chưa tràn vào ổ bụng mà được bao bọc bởi tổ chức xung quanh như mạc nối, các quai ruột thì tạo thành khối áp xe ruột thừa. Lâm sàng bệnh nhân thấy đau tăng ở hố chậu phải, sốt cao dao động. Khám ở vùng hố chậu phải thấy có một khối căng, nắn đau chói, liền với gai chậu, có khi thấy da vùng này tấy đỏ do ủ mủ sắp vỡ ra.
Đám quánh ruột thừa
Ruột thừa bị viêm được mạc nối lớn và các cấu trúc xung quanh bao bọc. Trên lâm sàng về mặt cơ năng cơn đau sẽ giảm dần, không sốt, bệnh nhân cảm thấy đỡ.
Khi khám lâm sàng ở hố chậu phải thấy một mảng cứng, sờ vào giống tấm bìa. có ranh giới không rõ ràng. Đám quánh ruột thừa có thể phát triển theo hai hướng: tan dần, bệnh nhân bớt đau, giảm phản ứng viêm hoặc tạo thành ổ áp xe ruột thừa.
Một số kiểm tra cần thực hiện để chẩn đoán đau ruột thừa
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lý dựa vào các triệu chứng như cơn đau, sốt. Bên cạnh đó, để chẩn đoán được chính xác mức độ bệnh lý, người bệnh cần thực hiện một số kiểm tra bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu để đo lường số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
- Siêu âm bụng: Hình ảnh siêu âm cho thấy ruột thừa tăng kích thước hoặc có hiện tượng thâm nhiễm mỡ - dịch quanh ruột thừa. Phương pháp này có độ nhạy từ 78 - 85% và có độ đặc hiệu 80 - 95% trong chẩn đoán viêm ruột thừa.
- Chụp X-quang bụng giúp nhìn thấy bất thường ở vị trí ruột thừa và trong ổ bụng
- Chụp cắt lớp vi tính: Thông thường chỉ áp dụng với trường hợp quá khó các phần viêm ruột thừa, phân biệt với các viêm nhiễm vùng tiểu khung và hố chậu.
- Nội soi ổ bụng: Phương pháp này có khả năng chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa.
Xét nghiệm sẽ giúp đánh giá mức độ nhiễm trùng của đau ruột thừa
Phẫu thuật điều trị đau ruột thừa
Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật hở để cắt bỏ ruột thừa và xử lý biến chứng. Phẫu thuật nội soi thường được lựa chọn vì có quá trình hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và hạn chế để lại sẹo. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ lựa chọn cách phẫu thuật phù hợp.
Bệnh viện Gia An 115 phẫu thuật với trang thiết bị hiện đại
Đối với bệnh nhân đã gặp tình trạng vỡ ruột thừa và hình thành đám quánh, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao. Có nhiều trường hợp ruột thừa có thể tự tiêu. Nếu sau 3 tháng, khi kiểm tra lại đám quánh tiến triển áp xe ruột thừa hoặc áp xe ruột thừa tái phát thì sẽ được chỉ định phẫu thuật.
Xem ngay: Khám sức khỏe theo Thông tư 14 - Cập nhật Thông tư 32 BYT
Các cơn đau ruột thừa thường xuất phát từ các phản ứng viêm khi cơ quan này bị bí tắc và nhiễm khuẩn. Thông tin trong bài viết đã giúp bạn tìm được lời giải đáp cho vấn đề “đau ruột thừa bao lâu thì vỡ”. Nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, ruột thừa thường vỡ và dẫn đến biến chứng sau 48-72h. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bệnh lý, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.