Đối mặt biến chủng Omicron - Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý gì?
Ảnh hưởng từ Covid-19 đến người bệnh tiểu đường? Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc Covid-19 đái tháo đường (tiểu đường) đều nằm trong nhóm này, trong đó tiểu đường ở vị trí đầu tiên. Những người bệnh đái tháo đường có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ tử vong khi nhiễm Covid-19.
Vì sao người đái tháo đường mắc covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng?
1. Tình trạng kiểm soát đường huyết kém dẫn đến suy giảm khả năng hoạt
động của các đại thực bào, làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh nói chung.
2. Người mắc đái tháo đường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người không đái tháo đường. Người đái tháo đường có tổn thương phổi do covid-19 dễ bị bội nhiễm phổi hơn người không mắc đái tháo đường. Hơn nữa khả năng đáp ứng với kháng sinh kém hơn nên người mắc đái tháo đường có nguy cơ diễn biến nặng hơn khi nhiễm covid-19.
3. Đặc biệt, người đái tháo đường phần lớn có thừa cân béo phì (BMI ≥25 Kg/m2), có nguy cơ tăng đông máu dẫn đến tắc các mạch máu rất nhỏ ở phế nang, nếu không được can thiệp kịp thời dễ dẫn đến tổn thương phổi không hồi phục.
4. Các biến chứng mạn tính ở người đái tháo đường như bệnh thận đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, tăng huyết áp, thiếu máu não, đột quỵ … có thể làm phức tạp thêm tình trạng bệnh khi nhiễm covid 19, làm người bệnh yếu đi và tăng thêm mức độ nghiêm trọng của bệnh như đòi hỏi phải lọc máu cấp cứu, can thiệp mạch vành hay mạch não cấp cứu.
5. Các biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường như tăng đường huyết cấp tính, biểu hiện bằng nhiễm cetone acid hay tăng áp lực thẩm thấu máu, sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề hơn khi nhiễm covid-19. Đặc biệt, người đái tháo đường khi nhiễm covid có suy hô hấp, cần sử dụng thuốc kháng viêm sẽ làm đường huyết tăng rất cao.
6. Mặc khác, người đái tháo đường mắc covid-19 nếu ăn uống kém, sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, thậm chí hôn mê hạ đường huyết.
Lưu ý dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
- Nguyên tắc cơ bản: hạn chế chất bột đường để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo (đặc biệt là các acid béo bão hòa) để tránh rối loạn chuyển hóa. Chế độ ăn là phải điều độ và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ
- Nhu cầu năng lượng: Tùy thuộc tình trạng của mỗi người. Tuy nhiên nên lưu ý tỷ lệ năng lượng do protein nên đạt 15-20%, chất béo nên 25% (không nên vượt quá 30%), chất bột đường nên đạt 50-60% năng lượng khẩu phần
- Ăn chất béo vừa phải, giảm chất béo động vật, nên ăn các acid béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương...
- Hạn chế chất bột đường, nên sử dụng các loại glucid phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ, hết sức hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...)
- Ăn nhiều chất xơ (rau xanh)
- Ăn 3 bữa chính/ ngày. Không ăn vặt
Những điều cần lưu ý
Để phòng chống bệnh covid-19, đặc biệt trong bối cảnh chủng Omicron đang xâm nhập Việt Nam với khả năng lây lan nhanh và không triệu chứng, người đái tháo đường cần lưu ý:
1. Thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách…
2. Theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết và liên hệ ngay với BS nếu các chỉ số này bất ổn.
3. Chú ý triệu chứng hạ đường huyết quá mức, luôn mang theo kẹo để đề phòng hạ đường huyết, đặc biệt khi ăn uống kém.
4. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, không được tự ý ngưng thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp mà chưa được sự tư vấn của bác sĩ.
5. Chú ý tình trạng tăng đường huyết, liên hệ ngay bác sĩ điều trị nếu đường huyết sáng đói cao hơn 180 mg/dL (10 mmol/L), hoặc khi đường huyết tăng hơn mức thường ngày kéo dài.
6. Giữ lối sống lành mạnh, tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp, huyện tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày.
Kết luận
Theo các nghiên cứu ở Châu Âu, 65% người mắc biến chủng Omicron đã từng nhiễm covid trước đó, và người đã mắc Omicron vẫn có nguy cơ tái nhiễm cao. Hơn nữa, biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, ước tính vào cuối tháng 2/ 2022 khoảng 50% dân số Châu Âu sẽ mắc biến chủng Omicron. Mặc dù người mắc biến chủng này đa phần có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng vẫn có nhiều ca tử vong liên quan đến biến chủng Omicron, đặc biệt là người có bệnh nền.
Omicron là một biến chủng mới, do đó chưa được hiểu biết đầy đủ về các hậu quả trước mắt cũng như các di chứng lâu dài trên người mắc bệnh, do đó người mắc Omicron không nên chủ quan, nhất là người có bệnh nền.
Tiêm chủng đầy đủ và tuân thủ 5K là biện pháp tốt nhất hiện nay để giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Đối vói người có bệnh nền, khi mắc Covid-19 cần tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị trước đây. Ngoài ra, người đái tháo đường cần có sự giám sát y tế chặt chẽ và cần liên hệ với bác sĩ điều trị bệnh nền và hệ thống y tế để được giúp đỡ, không nên tự điều trị dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
- Đái tháo đường
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác
- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)
- Bệnh thận mạn tính
- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
- Béo phì, thừa cân
- Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
- Bệnh lý mạch máu não
- Hội chứng Down
- HIV/AIDS
- Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ)
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác
- Hen phế quản
- Tăng huyết áp
- Thiếu hụt miễn dịch
- Bệnh gan
- Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện
- Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
- Các bệnh hệ thống
- Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.