Hotline: 1800 9045

Đứt dây chằng chéo trước: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Dây chằng chéo trước là một dải các mô giúp liên kết, nối xương đùi và xương ống chân, các xương trong đầu gối được ổn định. Bộ phận này rất dễ bị đứt khi có những va chạm hay thay đổi hướng di chuyển đột ngột và có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Vậy làm thế nào để nhận biết đứt dây chằng chéo trước và cách điều trị ra sao?

Thế nào là chấn thương đứt dây chằng chéo trước?

Dây chằng chéo trước (dây chằng chéo đầu gối - ACL) là một dải dài các sợi liên kết mô cứng từ những phân tử collagen dai, dài nằm bên trong gối. Dây chằng chéo trước có nhiệm vụ giữ cho gối không bị trật ra trước, đồng thời kiểm soát để gối không bị bán trật khi xoay gối trong các hoạt động như chạy và nhảy. Dây chằng còn giúp kết nối xương đùi với xương cẳng chân, giữ các xương đúng vị trí và ngăn chuyển động bất thường, giảm áp lực khi chân chạm đất.

Đứt dây chằng chéo trước là tình trạng mà dây chằng đầu gối bị đứt một phần hoặc hoàn toàn khi dây chằng bị căng do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã. Do dây chằng có nhiệm vụ kết nối xương đùi, xương ống chân và cố định xương không bị trượt ra ngoài hay vào trong. Nên khi dây chằng bị đứt, ngoài cảm thấy đau, người bệnh còn thấy khó di chuyển, lỏng gối, gối mất vững. Đây là một chấn thương khá thường gặp, đặc biệt ở những người chơi thể thao, vận động mạnh.

Dây chằng chéo ở đầu gối bị đứt hoàn toàn toàn

Dây chằng chéo ở đầu gối bị đứt hoàn toàn toàn (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Gói khám tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115

Nguyên nhân dẫn đến đứt dây chằng chéo trước

Nguyên nhân gây ra chấn thương này thường đến từ các trường hợp khiến cho đầu gối phải chịu tác động lớn, cụ thể như:

  • Thay đổi chuyển động, hướng đi một cách đột ngột.
  • Nhảy từ trên cao xuống, tiếp đất bất ngờ mà không có đệm hay tư thế phù hợp.
  • Đầu gối bị tác động hoặc va chạm mạnh trực tiếp.
  • Tai nạn lao động, tại nạn thi đấu thể thao, tai nạn giao thông gây ra chấn thương đầu gối.

Từ nguyên nhân, có thể nhận ra những đối tượng dễ bị chấn thương dây chằng chéo đầu gối như:

  • Người chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, quần vợt, cầu lông, bóng chuyền...
  • Nữ giới với sự khác biệt về giải phẫu học, cơ bắp và nội tiết tố.
  • Sử dụng giày dép không vừa chân dẫn tới dễ vấp ngã.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao bằng thiết bị chất lượng kém.

Nếu bạn thuộc trong các trường hợp trên, hãy chú ý và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe khớp gối của mình.

Chấn thương từ thể thao là nguyên nhân chính làm đứt dây chằng chéo trước

Chấn thương từ thể thao là nguyên nhân chính làm đứt dây chằng chéo trước (Ảnh minh họa internet)

Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo trước

Khi dây chằng chéo trước bị đứt, người bệnh có thể nhận ra qua cơn đau quanh vùng khớp gối.

  • Đau, sưng nề khớp gối.
  • Khi hết đau và sưng nề, người bệnh có thể đi lại bình thường nhưng thấy lỏng gối, triệu chứng chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại. Người bộ không thể đi bộ nhanh, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng.
  • Khó khăn khi lên xuống cầu thang. Nếu cố gắng chơi thể thao thì không thể hoặc rất khó để trụ bên chân chấn thương, không thể chạy nhanh hoặc chạy theo hình chữ chi, đôi khi tự ngã dù không có va chạm.
  • Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến teo cơ, gây teo đùi.

Triệu chứng sưng, đau và cảm giác lỏng lẻo ở khớp gối

Triệu chứng sưng, đau và cảm giác lỏng lẻo ở khớp gối (Ảnh minh họa internet)

Đứt dây chằng chéo trước để lâu có nguy hiểm không?

Một số người bệnh không cảm thấy các triệu chứng rõ rệt hoặc chủ quan khi bị đứt dây chằng chéo trước dẫn tới điều trị không kịp thời, đúng cách. Khi đó, các tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến những bộ phận xung quanh như:

  • Tình trạng lỏng lẻo khớp gối tăng dần, tăng nguy cơ rách sụn chêm. Bình thường, cứ khoảng ⅓ bệnh nhân đứt dây chằng sẽ bị rách sụn ngay thời điểm chấn thương.
  • Khi lớp sụn lót đầu gối bị tổn thương sẽ làm gia tăng tốc độ tiến triển, thoái hóa khớp gối.
  • Khi dây chằng chéo bị đứt, xương chày trượt về phía trước gây đau đớn, thay đổi dáng đi.
  • Nguy cơ thoái hóa khớp gối, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh theo thời gian.
  • Kể cả những trường hợp đã phẫu thuật tái tạo dây chằng thì vẫn có nguy cơ cao mắc các bệnh về khớp gối và cuối cùng dẫn tới thoái hóa.
  • Việc bị giới hạn khả năng vận động có thể kéo theo nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe tổng thể.

Nguy cơ thoái hóa khớp gối sau chấn thương đứt dây chằng

Nguy cơ thoái hóa khớp gối sau chấn thương đứt dây chằng (Ảnh minh họa internet)

Đứt dây chằng chéo trước có cần phẫu thuật không?

Đứt dây chằng chéo trước có phải phẫu thuật không? Câu trả lời là tùy mức độ tổn thương, nhu cầu hoạt động... của người bệnh. Điều trị bảo tồn được chỉ định cho các trường hợp đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững; đứt dây chằng chéo trước ở người lớn tuổi và ở trẻ em còn sụn tăng trưởng. Kể cả trong trường hợp bị tổn thương hoàn toàn, nhiều vận động viên chuyên nghiệp vẫn được điều trị bảo tồn với tỷ lệ thành công như mổ. Hoặc với những ai chỉ có nhu cầu vận động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, chạy, nhảy khi tập đầu gối vẫn hoạt động tốt thì không cần phải mổ.

Vì vậy, để đưa ra chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân cần được khám và kiểm tra xem có gặp các tình trạng nào sau đây hay không:

  • Dây chằng chéo trước bị đứt và bị mất vững khớp gối. Có nghĩa là khi khám gối có biểu hiện xoắn hoặc lệch lúc chuyển động
  • Đứt dây chằng chéo trước đi kèm với việc rách sụn chêm
  • Xương sụn khớp bị tổn thương và phù nề xương dưới sụn

Có thể thấy rằng, phương pháp phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước thường được chỉ định khi có tổn thương kèm theo của sụn chêm hoặc sụn khớp. Trong trường hợp này, cuộc phẫu thuật cần chuẩn bị cho việc khâu bảo tồn sụn chêm, tái tạo sụn khớp. Và nếu khớp gối mất ổn định nhiều, cũng có thể cần tái tạo dây chằng bên ngoài, đặc biệt ở những bệnh nhân trẻ có rách sụn chêm.

Khi đã có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân cần được tập vật lí trị liệu vài tháng trước mổ và chống phù nề. Tùy vào từng trường hợp mà thời gian chờ có thể kéo dài nhiều tuần hay tháng. Trong khoảng thời gian này, người bệnh có thể trao đổi những thắc mắc và lo lắng với bác sĩ về ca mổ. Tuy nhiên, một số trường hợp tình trạng diễn biến xấu như tổn thương động mạch hay thần kinh, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Phương pháp điều trị đứt dây chằng chéo trước

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng đứt dây chằng chéo trước và các tổn thương đi kèm để lựa chọn phương pháp phù hợp.

Phẫu thuật nội soi khớp gối

Phương pháp điều trị hiệu quả được sử dụng phổ biến hiện nay đó là nội soi khớp gối. Kỹ thuật này được thực hiện như sau:

Bác sĩ sẽ thay thế gân bị đứt bằng cách lấy 2 sợi gân khác từ gối để ghép thành một. Sau đó tạo một đường hầm trên lồi cầu xương đùi và một đường hầm ở mâm chày. Sợi gân thay thế sẽ được kéo từ đường hầm mâm chày lên xương đùi rồi được cố định vào xương bằng vít hay dây treo với nút chặn.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế còn thực hiện bằng cách khâu nối lại dây chằng. Thực hiện tái tạo nhưng vẫn giữ nguyên gốc ban đầu rồi luồn gân vào gốc dây chằng và cố định bằng nút treo 2 đầu.

Một số phương pháp bổ trợ

Bệnh nhân đứt dây chằng chéo trước có thể được điều trị bổ trợ bằng một số phương pháp như:

  • Chườm đá đầu gối, kê cao chân, nghỉ ngơi để làm giảm áp lực lên đầu gối. Giảm sưng tấy bằng cách quấn băng, thun quanh đầu gối, dùng nạng giải phóng sức nặng khi di chuyển.
  • Sử dụng thuốc: Sử dụng thuốc chống viêm để làm giảm triệu chứng sưng, đau cho người bệnh. Trường hợp đau dữ dội có thể tiêm steroid vào đầu gối.
  • Sử dụng nẹp: Được dùng để hỗ trợ người bệnh chạy, tập luyệnvà không làm tăng tổn thương.
  • Sau phẫu thuật: Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để vùng đầu gối có thể hoạt động bình thường trở lại. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tập các bài tăng cường cơ bắp vùng lân cận đầu gối để nhanh chóng phục hồi sau chấn thương.

Sử dụng nẹp để giảm áp lực lên đầu gối của người bệnh

Sử dụng nẹp để giảm áp lực lên đầu gối của người bệnh (Ảnh minh họa internet)

Cách phòng, giảm nguy cơ đứt dây chằng chéo trước

Để ngăn ngừa, giảm nguy cơ đứt dây chằng chéo trước, bạn cần chú ý:

  • Tập thể dục, chơi thể thao đúng cách.
  • Tham khảo tư vấn từ chuyên gia, huấn luyện viên thể thao để được chỉ dẫn bài tập phù hợp.
  • Luyện tập tăng cường cơ bắp chân để đảm bảo sự cân bằng tổng thể ở chân.
  • Bài tập tăng cường sức mạnh vùng hông, xương chậu, bụng dưới để làm tăng tính ổn định, giảm áp lực lên đầu gối.
  • Luyện tập các kỹ thuật nhảy, xoay, chuyển hướng tiếp đất để hạn chế tối đa các tổn thương.
  • Khởi động kỹ trước khi tập luyện để ngăn ngừa nguy cơ chấn thương.
  • Bổ sung đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng để tăng độ khỏe mạnh, dẻo dai cho cơ xương khớp.

Xem thêm: Khi nào cần khám sức khỏe tổng quát cho trẻ em? Bác sĩ giải đáp

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu thế nào là đứt dây chằng chéo trước và những dấu hiệu để có thể phát hiện sớm. Qua đây, bạn cũng có thể thấy được các biến chứng, hậu quả nghiêm trọng khi đứt dây chằng không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886