Gây mê bao lâu thì tỉnh? - Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tỉnh mê
Những thông tin liên quan đến gây mê luôn là mảng kiến thức khó hiểu và ít được biết đến. Vậy nên, hầu hết bệnh nhân và người nhà thường hỏi bác sĩ “gây mê bao lâu thì tỉnh?”. Nếu bạn hoặc người thân đang chuẩn bị thực hiện thủ thuật này và có cùng thắc mắc như trên, hãy xem ngay đáp án trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về gây mê
Gây mê là phương pháp sử dụng thuốc ức chế thần kinh trung ương để đưa người bệnh vào trạng thái mất ý thức, mất cảm giác và mất phản xạ trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này được thực hiện khi người bệnh cần phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật gây đau đớn.
Các nghiên cứu cho thấy, quá trình mê của bệnh nhân có thể tiến triển theo 4 giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn I - Quên và giảm đau: Người bệnh mất dần ý thức, hơi thở yên tĩnh dần hoặc có thể không đều, tuy nhiên các phản xạ của cơ thể vẫn còn hiện diện.
- Giai đoạn II - Mê sảng: Là giai đoạn chuyển tiếp từ khi mất ý thức đến khi mê hoàn toàn. Lúc này, người bệnh có thể cử động tay chân, nín thở, nói năng không tự chủ, quá khích hoặc nôn mửa.
- Giai đoạn III - Mê phẫu thuật: Giai đoạn này tính từ bệnh nhân thở đều đặn và mất hoàn toàn tri giác cho đến khi có dấu hiệu suy hô hấp và suy tuần hoàn. Giai đoạn này được chia thành 4 mức độ, trong đó mức độ 4 xảy ra khi người bệnh ngừng tự thở và mất cảm giác.
- Giai đoạn IV - Nguy hiểm: Đồng tử người bệnh giãn rộng, da lạnh, huyết áp tụt, dấu hiệu ngưng tim. Lúc này, người bệnh cần được giảm thuốc mê, thông khí phổi và cung cấp 100% oxy, làm mới khí liên tục.
Hiện tượng mê xảy ra sau khoảng 1-2 phút kể từ khi bác sĩ đưa thuốc vào cơ thể. Việc phân chia các giai đoạn mê giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của người bệnh để kịp thời điều chỉnh lượng thuốc, đảm bảo an toàn trong suốt thời gian thực hiện điều trị.
Gây mê được thực hiện để giúp người bệnh giảm đau
Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát trọn gói tại Bệnh viện Gia An 115
Gây mê bao lâu thì tỉnh?
Cách đây khoảng 20 năm, quá trình tỉnh mê bắt đầu xảy ra sau khoảng 30 phút kể từ khi ngừng đưa thuốc vào cơ thể. Tuy nhiên, với sự phát hiện của Y học, các thuốc gây mê hiện nay đào thải nhanh hơn nên thời gian tỉnh mê cũng được rút ngắn lại.
Theo đó, sau khoảng 15-30 phút ngừng đưa thuốc vào cơ thể, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu dần tỉnh lại. Sau 1-2 tiếng, người bệnh hồi tỉnh hoàn toàn ý thức và cảm giác. Quá trình thoát mê diễn ra theo 3 giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn 1: Người bệnh khôi phục nhịp thở tự nhiên và không cần sự trợ giúp của máy thở, sau đó dần mở mắt.
- Giai đoạn 2: Bệnh nhân có thể trả lời câu hỏi bình thường và thực hiện các cử động chân tay đơn giản.
- Giai đoạn 3: Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể vận động và giao tiếp như người bình thường.
Trên thực tế, gây mê bao lâu thì tỉnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại thuốc gây mê, quy mô cuộc phẫu thuật, kích thích đau, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Những cuộc phẫu thuật lớn như phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật não có thể cần 6-8 tiếng để bệnh nhân tỉnh lại.
Thời gian tỉnh mê cũng chậm hơn khi người bệnh có các rối loạn tiềm ẩn như: hạ oxy máu, tăng đường huyết, hạ đường huyết, mất cân bằng điện giải, tăng huyết áp mạn tính, suy gan, hạ albumin máu hoặc suy giáp. Ngoài ra, các biến chứng phẫu thuật: thiếu oxy não, xuất huyết não, thuyên tắc hoặc huyết khối cũng khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian hơn để tỉnh mê.
Gây mê bao lâu thì tỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố (Ảnh tham khảo Internet)
Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tỉnh mê
Sau khi thoát mê, mặc dù người bệnh đã tỉnh táo nhưng tác dụng phụ của thuốc có thể gây: chóng mặt, buồn nôn, ngứa và mệt mỏi trong nhiều giờ. Ngoài ra, ảnh hưởng từ cuộc phẫu thuật có thể khiến người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như: tắc đường hô hấp trên, suy hô hấp, trụy tim mạch, phù thanh môn, giảm thân nhiệt hoặc tăng thân nhiệt ác tính dẫn đến tử vong.
Để tránh rủi ro, bệnh nhân sau giai đoạn tỉnh mê cần được theo dõi chặt chẽ. Những chú ý khi chăm sóc người bệnh thoát mê bao gồm:
- Theo dõi kỹ dấu hiệu sinh tồn như: nhiệt độ, mạch đập, huyết áp, nhịp thở và màu da.
- Quản lý chặt chẽ các dấu hiệu suy hô hấp như: khó thở, cánh mũi phập phồng hoặc co kéo cơ hô hấp.
- Thường xuyên kiểm tra cử động và sự hồi tỉnh ý thức, giảm giác và phản xạ của người bệnh theo khung thời gian cố định.
- Tránh rút nội khí quản quá sớm khiến bệnh nhân bị suy hô hấp. Tuy nhiên, cũng không được rút quá muộn vì có thể gây kích thích, khiến người bệnh lên cơn hen.
- Đặt bệnh nhân tỉnh mê ở tư thế nằm ngửa, kê gối dưới vai và đầu nghiêng sang một bên để tránh dịch trào ngược vào đường hô hấp.
- Chú ý giữ ấm đầy đủ vì thân nhiệt thường hạ trong giai đoạn thoát mê.
Người chăm sóc bệnh nhân cần hiểu rằng, tỉnh mê không đồng nghĩa rằng người bệnh sẽ tỉnh táo như bình thường. Nguyên nhân là do sự tồn dư thuốc trong cơ thể khiến chức năng của các cơ quan chưa được khôi phục hoàn toàn. Vì vậy, người bệnh cần hỗ trợ cho đến khi thuốc được đào thải hoàn toàn khỏi máu.
Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mổ cũng như sau khi tỉnh mê
Những câu hỏi thường gặp về gây mê
Gây mê là lĩnh vực khá đặc biệt và không có nhiều thông tin chi tiết nên nhiều người bệnh thắc mắc, chẳng hạn như:
Gây mê có ảnh hưởng đến não bộ không?
Câu trả lời là: Có thể. Gây mê có thể gây hại cho tế bào giúp kiểm soát trí nhớ và học tập. Vì vậy, nhiều người có thể mắc phải chứng hay quên sau khi thực hiện biện pháp gây mê toàn thân. Ngoài ra, những bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ suy giảm trí tuệ do gây mê gây viêm các mô thần kinh, dẫn đến rối loạn chức năng nhận thức.
Không chỉ vậy, trẻ em bị gây mê nhiều lần có thể đối diện với các rối loạn phát triển thần kinh, làm giảm nguy cơ học tập và giảm năng lực ngôn ngữ. Do đó, việc gây mê phẫu thuật cho đối tượng dưới 3 tuổi cần được hội chẩn kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện.
Có thể tỉnh dậy trong khi gây mê không?
Đáp án là: Có thể. Hiện tượng bệnh nhân thức dậy khi phẫu thuật được gọi là “nhận thức trong lúc gây mê”. Trường hợp này, người bệnh có thể có ký ức về cuộc phẫu thuật như: sự kiện diễn ra, cơn đau hoặc áp lực trong khi phẫu thuật.
Tuy nhiên, tình trạng này rất hiếm khi xảy ra bởi phẫu thuật viên có các thiết bị theo dõi não đánh giá tri giác của bệnh nhân. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ gây mê sẽ ngay lập tức can thiệp để ngăn chặn bệnh nhân tỉnh lại.
Bệnh nhân có thể tỉnh dậy khi trong khi đang mê (Ảnh tham khảo Internet)
Thuốc gây mê có gây dị ứng không?
Thuốc mê có thể gây dị ứng. Thống kê cho thấy, khoảng 1/10.000 người xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng, gây nguy hiểm tính mạng. Trong đó, tình trạng tăng thân nhiệt ác tính được cho là có nguy cơ gây tử vong rõ rệt. Tình trạng này khiến bệnh nhân tăng thân nhiệt nhanh chóng, co thắt và đau nhức cơ nghiêm trọng, nước tiểu có màu nâu sẫm. Đây là lý do các bác sĩ điều trị luôn phải theo sát trong suốt quá trình điều trị có gây mê của người bệnh.
Xem thêm: Trước khi gây mê có được ăn không?
Quy trình gây mê diễn ra như thế nào?
Gây mê là thủ thuật y khoa quan trọng, cần được theo dõi chặt chẽ ngay từ khi bắt đầu đến khi kết thúc thời gian điều trị (phẫu thuật hoặc nội soi). Quá trình gây mê được quản lý chặt chẽ bởi ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức. Quy trình gây mê diễn ra như sau:
- Bước 1: Bác sĩ khám và tư vấn cho người bệnh trước gây mê, bao gồm: thể trạng bệnh nhân, tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh và phương pháp điều trị.
- Bước 2: Chuẩn bị thiết bị, tiếp nhận bệnh nhân, đưa vào vị trí gây mê, lắp đặt các thiết bị theo dõi và cho người bệnh sử dụng thuốc tiền mê.
- Bước 3: Bác sĩ thực hiện khởi mê (tiến hành gây mê). Giai đoạn này bắt đầu từ lúc đưa thuốc mê vào cơ thể đến lúc người bệnh đạt độ mê ở giai đoạn III.
- Bước 4: Ê-kíp gây mê theo dõi và duy trì trạng thái mê của người bệnh. Đảm bảo bệnh nhân an toàn trong suốt thời gian điều trị.
- Bước 5: Kết thúc mê được thực hiện bằng cách ngưng truyền thuốc, kết thúc phẫu thuật và đưa bệnh nhân về phòng hồi tỉnh. Giai đoạn này, bệnh nhân sẽ khôi phục dần các phản xạ tự nhiên của cơ thể.
Bệnh viện Gia An 115 sở hữu chuyên khoa Gây mê hồi sức nhằm phục vụ tốt nhất cho những người bệnh cần gây mê khi: nội soi tiêu hóa, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật. Khoa gây mê hồi sức của Bệnh viện Gia An 115 thực hiện nghiêm ngặt quy trình gây mê theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ngoài ra, bệnh viện được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại như giúp theo dõi và đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh.
Bệnh viện Gia An 115 có chuyên khoa Gây mê hồi sức giúp đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật
Như vậy, câu hỏi: Gây mê bao lâu thì tỉnh? đã được giải đáp trong bài viết. Mong rằng với những thông tin chi tiết trên có thể đem đến cho bạn và người thân kiến thức hữu ích, tháo gỡ hoàn toàn những thắc mắc khi chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật. Nếu cần tư vấn thêm và đặt lịch khám, bạn hãy liên hệ với Bệnh viện Gia An 115 qua Tổng đài tư vấn 028 62 885 886.