Hạ đường huyết ở người đái tháo đường
Mục tiêu điều trị đái tháo đường là làm giảm đường huyết bằng hoặc gần bằng với người bình thường. Tuy nhiên, nếu giảm đường huyết quá thấp thì sẽ bị hạ đường huyết (HĐH). Tỉ lệ tử vong khi bị Hạ đường huyết khoảng từ 2%-10%.
Định nghĩa - tiêu chuẩn chẩn đoán
Theo hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ định nghĩa hạ đường huyết như sau:
1/ Hạ đường huyết: bệnh nhân có triệu chứng kèm theo mức đường huyết dưới 70
mg/dL.
2/ Hạ đường huyết không triệu chứng: bệnh nhân không có triệu chứng hạ đường huyết nhưng đo đường huyết dưới 70 mg/dL.
3/ Có thể có hạ đường huyết: bệnh nhân có triệu chứng hạ đường huyết điển hình
nhưng không đo đường huyết, có lẽ liên quan đến mức đường huyết ≤ 70 mg/dL (3,9
mmol/L).
Một tình trạng khác cần được phân biệt là hạ đường huyết tương đối: bệnh nhân có triệu chứng của hạ đường huyết điển hình, nhưng đường huyết >70 mg / dL (3,9 mmol / L). Những bệnh nhân này đã quen với mức đường huyết cao nên khi đường huyết giảm thấp bệnh nhân chưa kịp thích nghi nên có triệu chứng giống như hạ đường huyết thật sự.
Triệu chứng của hạ đường huyết
Triệu chứng hạ đường huyết trên bệnh nhân ĐTĐ chia làm 2 nhóm: triệu chứng thần kinh tự chủ và triệu chứng thần kinh trung ương.
- Triệu chứng thần kinh tự chủ
- Đói
- Lo lắng, bứt rứt
- Đổ mồ hôi
- Run
- Hồi hộp tim đập nhanh
- Yếu cơ
- Triệu chứng thần kinh trung ương
- Nhức đầu
- Nhìn đôi
- Mờ mắt
- Lú lẫn
- Giảm trí nhớ
- Hôn mê
- Co giật
Mức độ hạ đường huyết: có 3 mức độ
1/ Mức độ nhẹ: Có triệu chứng, nhưng không ảnh hưởng sinh hoạt và tự điều trị được.
2/ Mức độ trung bình: Có triệu chứng, có ảnh hưởng sinh hoạt, nhưng còn tự điều trị được.
3/ Mức độ nặng: Không tự điều trị được do rối loạn tri giác
- Cần giúp đỡ của người khác.
- Cần truyền glucoz hoặc chích glucagon để cấp cứu.
- Kèm hôn mê, hoặc co giật.
Hậu quả của hạ đường huyết:
- Hạ đường huyết và chất lượng cuộc sống:
Hạ đường huyết nhẹ gây nhiều triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân, bao gồm vã mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực, mệt mỏi... Khoảng một nửa số đợt hạ đường huyết xảy ra vào ban ngày, trong lúc bệnh nhân đang sinh hoạt, ảnh hưởng không ít đến khả năng làm việc, học hành và đi lại.
Theo 1 báo cáo tại Anh, mỗi tháng trên cả nước có trung bình 45 tai nạn nghiêm trọng có liên quan đến hạ đường huyết và hàng năm có 5 tai nạn giao thông chết người là do hạ đường huyết gây ra. Hạ đường huyết ban đêm xảy ra ở 50% bệnh nhân chích insulin, thường không được nhận biết, vì vậy dễ dẫn đến những cơn hạ đường huyết nặng hơn.
Khi bị hạ đường huyết nặng, triệu chứng thần kinh trung ương lần lượt xảy ra như giảm trí nhớ, thay đổi tri giác như lơ mơ, hôn mê và thậm chí co giật. Bệnh nhân và người nhà sẽ rất hoang mang lo sợ. Nếu hạ đường huyết kéo dài, não tổn thương không hồi phục. Dù tỉ lệ này rất thấp, nhưng di chứng sẽ rất nặng nề, đặc biệt ở trẻ em, di chứng não sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, khả năng học tập của các em.
- Hạ đường huyết và chất lượng điều trị:
Nếu không có nguy hiểm do tình trạng hạ đường huyết gây ra, thì việc điều trị bệnh đái tháo đường đã dễ dàng hơn nhiều. Trong thực tế, khi đưa đường huyết về mức bình thường, hoặc gần giới hạn bình thường, nhiều bệnh nhân có những đợt bị hạ đường huyết, và đây là rào cản khó khăn cho điều trị. Rất nhiều bệnh nhân đã trải qua hạ đường huyết, do sợ bị hạ đường huyết, sẽ phản ứng bằng cách ăn nhiều hơn, làm đường huyết khó kiểm soát sau đó. Hạ đường huyết trở thành một rào cản về tâm lý và sinh lý, làm cho người bệnh khó tuân trị.
5 lưu ý khi chăm sóc người bệnh đái tháo đường tại nhà
- Hạ đường huyết và tỉ lệ tử vong:
Tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 ghi nhận trong các nghiên cứu trước đây khoảng 2 % đến 4%. Các báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ tử vong ở tuýp 1 có thể lên đến 6% - 7%. Nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 hạ đường huyết nặng do sulfonylurea, tỉ lệ tử vong lên đến 10 %.
- Hạ đường huyết và ảnh hưởng tim mạch
Mặc dù hạ đường huyết kéo dài gây tổn thương não, hầu hết các trường hợp đột tử do hạ đường huyết đột ngột có liên quan đến các bất thường khử cực của tim và loạn nhịp thất do hạ đường huyết làm kích hoạt mạnh hệ giao cảm. Thực nghiệm gây hạ đường huyết kéo dài ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và người bình thường cho thấy xuất hiện quá trình dài và hiện tượng này có thể ngăn ngừa bằng thuốc ức chế beta. Đột tử còn liên quan đến suy giảm độ nhạy cảm của áp cảm thụ quan ở bệnh nhân đái tháo đường có bệnh lý thần kinh tự chủ.
Gói khám tầm soát bệnh lý đái tháo đường Click xem chi tiết
- Hạ đường huyết và những thay đổi ở não trên hình ảnh
Các nghiên cứu cho thấy, sau khi hạ đường huyết, có nhiều sang thương đặc biệt ở hạch nền 2 bán cầu đại não, vỏ não, chất đen và hồi hải mã. Các san thương bao gồm thoái hóa, chết một số tế bào thần kinh, tăng sinh các tế bào thần kinh đệm, lắng đọng các chất cản từ và tích tụ mỡ.
- Hạ đường huyết và những tổn thất kinh tế
Hạ đường huyết nghiêm trọng là tình trạng hạ đường huyết cần có sự hỗ trợ, cấp cứu của nhân viên y tế. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng co giật, hôn mê, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh. Trường hợp nặng hơn của hạ đường huyết là khi phát hiện bệnh nhân nằm hôn mê hoặc lơ mơ, mất khả năng nhận thức, thậm chí co giật. Hơn nữa, nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết lặp đi lặp lại nhiều lần thì bệnh nhân sẽ dễ rơi vào tình trạng hạ đường huyết không nhận biết.
Hạ đường huyết gây nhiều tổn thất kinh tế. Theo nghiên cứu của Linus Jönsson tại Thụy Điển, mỗi năm tiêu tốn 4,250,000 euro cho khoảng 30,000 bệnh nhân đái tháo đường típ 2 bị hạ đường huyết do thuốc. Nghiên cứu tại Tây Ban Nha trên 100 bệnh nhân đái tháo đường típ 1 bị hạ đường huyết cho thấy trung bình họ tiêu tốn 336 euro cho một đợt hạ đường huyết.
Như vậy, hạ đường huyết ở người đái tháo đường là một trong những vấn đề cần lưu ý trong quá trình điều trị bệnh. Phòng tránh hạ đường huyết nên được đặt ra khi điều trị nhằm kiểm soát các rủi ro do hạ đường huyết gây ra.
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.
Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.
Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.
Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM
Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115
Cấp cứu: (028) 62 655 115
Website: www.giaan115.com