Hotline: 1800 9045

Hội chứng lối thoát lồng ngực: Nhận biết và cách điều trị

Hội chứng lối thoát lồng ngực có xu hướng phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi từ 25- 55 tuổi. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách giúp người bệnh tránh khỏi những biến chứng nghiêm trọng. Trong bài viết này, hãy cùng Gia An 115 tìm hiểu kỹ hơn các thông tin liên quan đến bệnh lý này.

Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì?

Hội chứng lối thoát lồng ngực - Thoracic outlet syndrome (TOS) là một chẩn đoán không đặc hiệu, đại diện cho một nhóm các rối loạn xảy ra do cấu trúc mạch máu và thần kinh qua lỗ thoát ngực bị chèn ép. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do: bất thường giải phẫu (như thiếu cơ thang, thừa xương sườn), chấn thương (như gãy xương đòn), khối u, vận động quá mức hoặc sai tư thế trong thời gian dài.

Hội chứng lối thoát lồng ngực được phân loại thành 3 nhóm chính, bao gồm:

TOS thần kinh: Xảy ra khi đám rối thần kinh cánh tay hoặc dây thần kinh đan xen chạy qua trên ngực bị chèn ép. Đây là tình trạng phổ biến nhất, chiếm hơn 90% các trường hợp hội chứng lối thoát lồng ngực.

TOS động mạch: Xảy ra khi tĩnh mạch dưới xương đòn bị chèn ép. Tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới trong độ tuổi 20 - 30 tuổi và chiếm khoảng 5% trường hợp hội chứng lối thoát lồng ngực.

TOS tĩnh mạch: Xảy ra khi động mạch dưới xương đòn bị chèn ép, có thể gây ra cục máu đông ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Đây là tình trạng hiếm gặp nhất, chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các trường hợp.

Lưu ý: Hội chứng lối thoát lồng ngực tĩnh mạch và động mạch đôi khi được gọi chung là “hội chứng lỗ thoát ngực mạch máu”. Việc phân nhỏ các trường hợp giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh trở nên hiệu quả hơn.

Mạch máu và thần kinh qua lỗ thoát ngực bị chèn ép

Mạch máu và thần kinh qua lỗ thoát ngực bị chèn ép (Ảnh minh họa internet)

Dấu hiệu nhận biết hội chứng lối thoát lồng ngực

Theo ước tính, hội chứng lối thoát lồng ngực có thể xảy ra ở khoảng 0,3-8% dân số trên toàn thế giới. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ, những người có cơ bắp kém phát triển hoặc thường xuyên hoạt động sai tư thế. Mỗi loại TOS sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau, cụ thể như:

Hội chứng lối thoát lồng ngực thần kinh

Đám rối thần kinh cánh tay là tập hợp những dây thần kinh xuất phát từ tuỷ sống, chịu trách nhiệm kiểm soát chuyển động cơ - cảm giác ở vai, cánh tay và bàn tay. Vậy nên khi hệ thống thần kinh này bị chèn ép, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng đặc trưng như:

  • Thường xuyên cảm thấy đau và yếu ở vùng vai, cánh tay.
  • Có cảm giác ngứa ran, tê bì khó chịu ở bàn tay và các ngón tay.
  • Đau, ngứa, tê bì, châm chích, dị cảm ở vùng cổ, ngực và cánh tay.
  • Nhanh mỏi cánh tay khi hoạt động, cử động tay vụng về.
  • Vùng cơ ở phần đệm ngón tay cái và lòng bàn tay dẫn đến ngón tay cái bị teo và suy yếu.

Các triệu chứng này có thể xuất hiện rồi tự biến mất. Tuy nhiên, chúng có xu hướng nặng hơn khi người bệnh giơ tay lên cao. Thời gian giơ tay càng lâu càng khó chịu.

Hội chứng lối thoát lồng ngực thần kinh gây đau nhức cánh tay

Hội chứng lối thoát lồng ngực thần kinh gây đau nhức cánh tay (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Dịch vụ khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115

Hội chứng lối thoát lồng ngực tĩnh mạch

Tĩnh mạch dưới xương đòn bị chèn ép trong thời gian dài có thể bị tổn thương và gây ra cục máu đông ở tĩnh mạch sâu. Tình trạng này được gọi là huyết khối do gắng sức (hội chứng Paget-Schroetter).

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân TOS tĩnh mạch bao gồm:

  • Cánh tay, bàn tay và ngón tay có dấu hiệu sưng, phù nề.
  • Màu sắc bàn tay, cánh tay thay đổi, có màu tái xanh.
  • Cảm giác đau nhói xuất hiện ở bàn tay hoặc cánh tay.
  • Thường xuyên cảm thấy nặng và yếu ở vùng cổ.
  • Tĩnh mạch ở vùng cổ, vai, tay và thành ngực trước bị giãn, lộ rõ.

Hội chứng lối thoát lồng ngực động mạch

Động mạch dưới xương đòn bị chèn ép trong thời gian dài có thể bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng phình động mạch hoặc xuất hiện cục máu đông. Các triệu chứng thường gặp trong hội chứng lối thoát lồng ngực động mạch gồm:

  • Xuất hiện một khối u đập gần xương đòn.
  • Cánh tay, bàn tay, ngón tay lạnh và nhợt nhạt do máu kém lưu thông.
  • Có thể xuất hiện vết loét ở các ngón tay do hiện tượng thiểu dưỡng.
  • Đau ở cánh tay và bàn tay, đặc biệt khi giơ tay lên cao.
  • Mạch yếu hoặc thậm chí không có mạch ở cánh tay bị ảnh hưởng.

Hội chứng lối thoát lồng ngực có biểu hiện khá giống với cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, người bệnh có thể phân biệt dựa trên đặc điểm của cơn đau khi di chuyển và nâng cao tay.

Cụ thể, cơn đau thắt ngực có xu hướng xuất hiện và tăng lên khi bạn di chuyển nhiều còn hội chứng lối thoát lồng ngực thì không. Ngược lại, triệu chứng TOS tăng lên khi bạn giơ tay lên cao nhưng cơn đau thắt ngực thì không bị ảnh hưởng bởi động tác này.

Hội chứng lối thoát lồng ngực nguy hiểm thế nào?

Hội chứng lối thoát lồng ngực thường diễn tiến âm thầm, ít gây ra triệu chứng dữ dội nên dễ bị người bệnh bỏ qua. Nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp, người bệnh có thể gặp phải tình trạng thiếu máu cục bộ do mạch máu bị chèn ép, tổn thương.

Ngoài ra, hiện tượng chèn ép thần kinh kéo dài có thể gây chấn thương, đau mạn tính hoặc tàn tật. TOS thần kinh dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý cơ - xương - khớp. Nếu điều trị sai phương pháp, người bệnh phải đối diện với đau đớn kéo dài và nguy cơ tác dụng phụ.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị hoại tử tĩnh mạch hoặc mắc hội chứng viêm tắc tĩnh mạch xanh - Phlegmasia cerulea dolens. Tình trạng này gây ứ máu tĩnh mạch nặng, đe dọa hoại tử chi nếu không được điều trị kịp thời.

Trên thực tế, tỷ lệ biến chứng do hội chứng lối thoát lồng ngực không cao. Đa số biến chứng phát sinh sau can thiệp phẫu thuật, điển hình như: tràn khí màng phổi do cắt bỏ xương sườn hoặc chảy máu sau phẫu thuật. Vì lý do này, các bác sĩ thường ưu tiên hướng bệnh nhân tới biện pháp điều trị bảo tồn thay vì các can thiệp ngoại khoa.

Người bệnh có thể gặp phải các cơn đau mạn tính

Người bệnh có thể gặp phải các cơn đau mạn tính (Ảnh minh họa internet)

Phương pháp điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực

Mục tiêu của các phương pháp điều trị hội chứng lối thoát lồng ngực là giúp người bệnh giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Tuỳ vào loại TOS và tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, bao gồm:

Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn là biện pháp được bác sĩ ưu tiên áp dụng cho đa số người bệnh. Phương pháp này yêu cầu người bệnh kết hợp đồng thời giữa thay đổi lối sống, vật lý trị liệu và dùng thuốc, trong đó:

Thay đổi lối sống

Xây dựng thói quen sống lành mạnh và khoa học giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa hội chứng lối thoát lồng ngực tái phát. Theo đó, người bệnh cần tập trung điều chỉnh các tư thế khi đi đứng, ngồi làm việc và cả khi ngủ. Cần chú ý việc hạn chế đưa tay lên cao trong thời gian dài, nhất là trong khi ngủ. Nếu phải thực hiện các động tác làm việc lặp đi lặp lại, bạn nên sử dụng nẹp và miếng đệm để hỗ trợ giảm lực trong khi hoạt động.

Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu trong hội chứng lối thoát lồng ngực thường tập trung kéo giãn và tăng cường sức mạnh của cơ vai. Vật lý trị liệu là biện pháp hiệu quả giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh lỗ thoát ngực, qua đó giảm áp lực lên các cấu trúc đang bị suy yếu.

Các bài tập kéo giãn vai giúp mở rộng lỗ thoát ngực

Các bài tập kéo giãn vai giúp mở rộng lỗ thoát ngực (Ảnh minh họa internet)

Bên cạnh đó, vật lý trị liệu cũng hỗ trợ cải thiện phạm vi chuyển động và tư thế của người bệnh. Đây được coi như biện pháp điều trị trụ cột và đầu tay trong phác đồ điều trị bảo tồn hội chứng lối thoát lồng ngực.

Dùng thuốc

Sử dụng thuốc là cách nhanh nhất giúp người bệnh cải thiện triệu chứng khó chịu. Các thuốc được dùng thường gồm:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Phổ biến nhất là nhóm NSAIDs, có tác dụng giảm đau và chống viêm ở mức độ nhẹ đến vừa. Một số hoạt chất thường dùng như: ibuprofen, diclofenac, aspirin...
  • Thuốc chống đông máu: Được sử dụng cho những trường hợp hội chứng lỗ thoát ngực mạch máu, giúp làm tan cục máu đông trong lòng mạch. Một số hoạt chất được dùng phổ biến như: streptokinase, urokinase, alteplase...

Lưu ý: Người bệnh chỉ sử dụng thuốc sau khi thăm khám và được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng vì có thể gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Điều trị ngoại khoa

Can thiệp phẫu thuật được áp dụng khi người bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn. Những trường hợp hội chứng lối thoát lồng ngực cần phẫu thuật thường có tổn thương mạch máu nghiêm trọng hoặc teo cơ trong bàn tay.

Can thiệp phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng

Can thiệp phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp nghiêm trọng (Ảnh minh họa internet)

Một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công trong phẫu thuật đám rối dưới là 75%, đám rối trên là 50%. Ngoài ra, khoảng 60% bệnh nhân TOS thần kinh mất khả năng lao động sau 1 năm và 72,5% sau 4,8 năm. Đây là nguyên nhân khiến phương pháp phẫu thuật không được khuyến khích thực hiện ở bệnh nhân hội chứng lối thoát lồng ngực.

Xem ngay: Giấy khám sức khỏe A3 mẫu giấy khám sức khỏe lái xe mới nhất

Thời điểm phát hiện hội chứng lối thoát lồng ngực có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người bệnh nên chủ động thăm khám để được chữa trị kịp thời. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886