Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh
Viêm đường tiết niệu thường xảy ra cả nam và nữ. Biết được nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và phòng bệnh tái phát. Hãy cùng Bệnh viện Gia An 115 tìm hiểu rõ hơn về bệnh trong bài viết này.
Viêm đường tiết niệu là gì?
Viêm đường tiết niệu là nhiễm khuẩn tại một số cơ quan trong hệ tiết niệu. Có thể phân loại viêm đường tiết niệu như sau:
- Phân loại theo vị trí: Viêm đường tiết niệu trên (viêm thận - bể thận cấp, viêm thận - bể thận mạn tính, áp xe thận, thận ứ mủ) và viêm đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tinh hoàn, viêm tiền liệt tuyến).
- Phân loại theo diễn tiến: Nhiễm khuẩn tiết niệu không phức tạp và nhiễm khuẩn niệu phức tạp.
Tìm hiểu nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, viêm đường tiết niệu ở nữ giới xảy ra nhiều hơn ở nam giới, do đường niệu đạo của nữ ngắn hơn nam nên dễ nhiễm khuẩn hơn.
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu gây đau buốt và những triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Vậy triệu chứng hệ tiết niệu là gì? Mời bạn cùng xem tiếp thông tin chia sẻ trong bài viết.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm đường tiết niệu
Khi bị nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vùng bụng dưới và đau buốt khi đi tiểu. Bạn nên tìm hiểu các triệu chứng bệnh để sớm nhận biết và điều trị.
Dấu hiệu bệnh lý chung
Người bệnh sẽ thấy khó chịu khi đi tiểu như: tiểu buốt, tiểu rắt, cảm giác như còn nước tiểu trong bàng quang dù vừa tiểu tiện cách đây ít phút.
Nước tiểu có màu đục, mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ. Một số trường hợp gặp thêm tình trạng đau vùng hạ vị, đau hông lưng.
Triệu chứng toàn thân
Viêm đường tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu. Từ đó, người bệnh gặp tình trạng sốt cao, li bì, rét run, môi khô, lưỡi bẩn và khuôn mặt hốc hác. Tình trạng này được gọi là sốc nhiễm khuẩn.
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nữ giới
Thông thường nữ giới sẽ gặp tình trạng viêm đường tiết niệu nhiều hơn nam giới. Khi gặp một số dấu hiệu dưới đây bạn hãy đi khám ngay, cụ thể:
- 15-20 phút đi tiểu một lần, cảm giác càng khó chịu về đêm
- Lượng nước tiểu rất ít, thậm chí có thể bí tiểu
- Đau tức vùng bụng dưới
- Tiểu buốt, tiểu rắt, đau thắt bụng dưới khi đi tiểu
- Có xuất hiện cơn đau quặn thận nếu vi khuẩn đã xâm nhập đến thận. Khi đó, người bệnh sẽ đi kèm với triệu chứng sốt cao, da xanh xao, đi tiểu ra máu…
Nước tiểu có máu là triệu chứng phổ biến của viêm đường tiết niệu ở nữ giới (Ảnh minh họa internet)
Xem thêm: Gói khám sức khỏe tổng quát, tầm soát tại Bệnh viện Gia An 115
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở nam giới
Khi nhiễm viêm đường tiết niệu, nam giới có thể gặp một số triệu chứng như:
- Màu sắc nước tiểu chuyển sang vàng đục, xuất hiện mùi hôi, có lẫn máu vào nước tiểu
- Người bệnh đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu rắt
- Đau ngứa rát vùng niệu đạo và có mủ trên miệng sáo
- Đau vùng dưới và vùng thắt lưng
Viêm đường tiết niệu xuất hiện kèm các triệu chứng rất rõ ràng và ít nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khi có những dấu hiệu kể trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Một bước quan trọng để có phác đồ điều trị phù hợp là tìm ra được nguyên nhân gây bệnh. Vậy, nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu là gì?
Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu ở nam và nữ
Vi khuẩn E.coli chiếm khoảng 80% tác nhân gây bệnh. Vi khuẩn này xuất hiện gây nên tình trạng bội nhiễm ngược dòng tại niệu đạo và bàng quang. E.coli là vi khuẩn đường ruột. Khi vi khuẩn vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu sẽ gây nên viêm đường tiết niệu. E.coli đi từ phân trong đại tràng vào bộ phận sinh dục ngoài, gây viêm niệu đạo, bàng quang, rồi sau đó xâm nhập và lây lan lên các bộ phận trên.
Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn E.coli (Ảnh minh họa internet)
Nguyên nhân nhiễm khuẩn tiết niệu - nhiễm khuẩn E.coli thường khác nhau ở nam và nữ. Cụ thể:
Nam giới
Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu ở nam giới thường do viêm bao quy đầu, do vệ sinh kém, không đúng cách, dương vật bị chấn thương. Quan hệ tình dục quá thô bạo, lạm dụng thủ dâm có khả năng gây kích thích niệu đạo, dẫn đến viêm niệu đạo. Ngoài ra, một số bệnh lý gây tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu có thể nhắc tới như: sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, hẹp niệu quản, hẹp niệu đạo...
Nữ giới
Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu ở nữ giới thường liên quan đến các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa. Thói quen vệ sinh vùng kín không đúng cách (thói quen vệ sinh từ sau ra trước, không vệ sinh cá nhân sạch sẽ), nhịn tiểu quá lâu... sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn E.coli xâm nhập phát triển và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bên cạnh đó, quan hệ tình dục không lành mạnh, không vệ sinh trước và sau quan hệ cũng là nguyên nhân gây bệnh. Một số bệnh lý khác làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu ở nữ giới như: sỏi đường tiết niệu, bàng quang thần kinh, hẹp niệu quản.
Đặc biệt, khi mang thai và mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, thai phụ có thể gặp vấn đề về nhiễm nấm Candida. Đây là một nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu khi mang thai điển hình. Nếu không được điều trị đúng cách có thể gây nên biến chứng cho cả mẹ và bé như: viêm bể thận, sảy thai, sinh non, nhiễm khuẩn sơ sinh…
Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu ở nữ giới thường liên quan đến viêm nhiễm phụ khoa (Ảnh minh họa internet)
Viêm đường tiết niệu có thể điều trị khỏi nếu bạn phát hiện triệu chứng bệnh sớm và nên trao đổi với bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần tìm hiểu thêm về các kiếm thức phòng bệnh viêm đường tiết niệu.
Hướng dẫn phòng bệnh viêm đường tiết niệu
Nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu chủ yếu là do vi khuẩn E.coli xâm nhập. Vì vậy, nếu muốn phòng bệnh viêm đường tiết niệu, bạn cần có biện pháp ngăn chặn loại vi khuẩn này. Một số phương pháp ngăn nhiễm khuẩn mà các bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện:
- Uống nhiều nước giúp làm loãng nước tiểu và đi tiểu thường xuyên, từ đó loại bỏ vi khuẩn ra khỏi hệ tiết niệu.
- Vệ sinh vùng kín cẩn thận và sạch sẽ, đặc biệt với nữ giới trong thời gian kinh nguyệt.
- Quan hệ tình dục đúng cách và an toàn.
- Đối với phụ nữ mang thai, cần cẩn trọng với bệnh lý đái tháo đường thai kỳ để phòng ngừa nhiễm nấm men.
- Đối với quần áo lót, bạn nên giặt hàng ngày, phơi khô để tiêu diệt hết vi khuẩn. Nên thay mới đồ lót từ 3-6 tháng/lần.
- Khi mắc các bệnh lý về thận, bàng quang, hãy tham khảo hướng dẫn của bác sĩ về phương pháp hạn chế biến chứng viêm đường tiết niệu.
Uống nhiều nước giúp phòng tránh viêm đường tiết niệu (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: [Giải đáp] Ung thư giai đoạn 1 có di căn không?
Viêm đường tiết niệu gây nên nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết đã cung cấp thông tin về nguyên nhân bị viêm đường tiết niệu và cách phòng tránh, bạn có thể tham khảo để thực hiện. Khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh, bạn hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị nhằm tránh các biến chứng nặng nề.