Nhiễm trùng uốn ván ủ bệnh trong bao lâu? Cách phòng bệnh hiệu quả
Uốn ván là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vậy, nhiễm trùng uốn ván ủ bệnh bao lâu? Phương pháp phòng bệnh là gì? Bài viết sẽ cung cấp các thông tin chi tiết.
Nhiễm trùng uốn ván là gì?
Uốn ván là một bệnh cấp tính nặng, do độc tố của vi khuẩn uốn ván là Clostridium tetani gây ra. Đặc trưng của uốn ván là các cơn co giật trên nền tăng trương lực cơ. Vi khuẩn uốn ván là trực khuẩn Gram (+) kỵ khí bắt buộc, sinh nha bào và gây bệnh bằng ngoại độc tố.
Clostridium tetani có thể thấy trong ống tiêu hóa động vật có vú và phổ biến trong đất. Chúng tồn tại dưới 2 dạng: nha bào khi ở ngoài môi trường và dạng hoạt động khi nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua vết thương. Nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào trực khuẩn nên có hình dùi trống. Nha bào uốn ván rất bền vững, còn khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Nha bào chết sau khi đun sôi 30 phút. Vi khuẩn uốn ván chết ở 56 độ C.
Ở Việt Nam, bệnh uốn ván có tỷ lệ mắc hàng năm là 1,87 trường hợp/100.000 dân. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt.
Nhiễm trùng uốn ván ủ bệnh trong bao lâu?
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh uốn ván tính từ khi có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Biểu hiện ở thời kỳ này thường là cứng hàm. Thời kỳ ủ bệnh có thể từ hai ngày đến hai tháng, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 8 ngày. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn, dưới 7 ngày, thì bệnh càng có mức độ nặng hơn.
Vi khuẩn gây nhiễm trùng uốn ván là Clostridium tetani (Ảnh minh họa internet)
Bệnh nhiễm trùng uốn ván diễn biến như thế nào?
Sau thời kỳ ủ bệnh, nhiễm trùng uốn ván diễn tiến đến thời kỳ khởi phát, toàn phát rồi lui bệnh. Mỗi thời kỳ có những triệu chứng điển hình riêng. Cụ thể:
Thời kỳ khởi phát
Tính từ lúc xuất hiện triệu chứng cứng hàm đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc co thắt hầu họng - thanh quản đầu tiên. Thời kỳ này thường kéo dài từ 1-7 ngày. Thời gian khởi phát càng ngắn (dưới 48 giờ) thì bệnh lý càng nặng, tỷ lệ thuận với mức độ nhiễm trùng càng nghiêm trọng.
- Triệu chứng của thời gian khởi phát bệnh bao gồm: Thời gian đầu bệnh nhân có triệu chứng cứng hàm: mỏi hàm, nói khó, nuốt vướng, khó nhai, khó há miệng tăng dần và liên tục. Khi dùng đè lưỡi ấn hàm xuống thì hàm càng cắn chặt hơn. Dấu hiệu này gặp ở tất cả người bệnh.
- Co cứng các cơ mặt làm cho nếp nhăn trán hằn rõ, hai chân mày cau lại, rãnh mũi má hằn sâu, co cứng cơ gáy làm cho cổ bị cứng và ngửa dần, 2 cơ ức đòn chũm nổi rõ.
- Co cứng cơ lưng làm cho tư thế người bệnh uống cong hay ưỡn thẳng lưng. Co cứng cơ bụng là cho 2 cơ thẳng trước gồ lên và sờ vào bụng thấy cứng.
- Co cứng cơ ngực, cơ liên sườn làm cho lồng ngực hạn chế di động
- Co cứng cơ chi trên tạo nên tư thế gấp tay, co cứng chi dưới tạo tư thế duỗi
- Khi kích thích, các cơn co cứng tăng lên làm cho người bệnh rất đau
- Có thể gặp các biểu hiện khác như: Bồn chồn, sốt cao, vã mồ hôi và nhịp tim nhanh.
Thời kỳ toàn phát
Thời gian toàn phát tính từ khi có cơn co giật toàn thân hay cơn co thắt hầu họng - thanh quản đến khi bắt đầu thời kỳ lui bệnh, thường kéo dài từ 1 đến 3 tuần.
Một số biểu hiện của thời kỳ này bao gồm:
- Co cứng cơ toàn thân liên tục, tăng lên khi kích thích, người bệnh rất đau, co cứng điển hình làm cho người bệnh ưỡn cong.
- Co thắt thanh quản gây khó thở, tím tái, ngạt thở dẫn đến ngừng tim
- Co thắt hầu họng gây khó nuốt, nuốt vướng, ứ đọng đờm dãi, dễ bị sặc
- Co thắt các cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện
- Khi co giật toàn thân người bệnh vẫn tỉnh và có biểu hiện đặc trưng như nắm chặt tay, uốn cong lưng và tay ở tư thế dạng hoặc gấp, chân duỗi, người bệnh thường ngừng thở khi ở tư thế này
- Cơ co thắt thanh quản khiến hệ hô hấp bị co cứng dẫn đến giảm thông khí, thiếu oxy, tím tái, ngừng thở và có thể tử vong.
- Rối loạn thần kinh thực vật gặp trong trường hợp bệnh nặng. Một số biểu hiện như: da xanh tái, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn, tăng hoặc hạ huyết áp, huyết áp dao động không ổn định, loạn nhịp tim có thể dẫn đến ngừng tim.
Biểu hiện bệnh nhiễm trùng uốn ván (Ảnh minh họa internet)
Thời kỳ lui bệnh
Thời kỳ lui bệnh bắt đầu khi các cơn co giật toàn thân hay co thắt hầu họng - thanh quản bắt đầu thưa dần. Tình trạng co cứng toàn thân còn kéo dài nhưng mức độ giảm dần; miệng từ từ há rộng; phản xạ nuốt dần trở lại.
Thời kỳ lui bệnh có thể kéo dài vài tuần đến hàng tháng tùy theo mức độ nặng của bệnh.
Bệnh uốn ván lây nhiễm như thế nào?
Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu,bò,... Tại đây vi khuẩn cơ trú một cách bình thường không gây bệnh.
Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể lây nhiễm cho tất cả các loại vết thương.
Bệnh uốn ván xảy ra tản phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây nhiễm trực tiếp từ người này sang người khác.
Thông thường vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn.
Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo phá thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và có các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn. Hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm vi khuẩn uốn ván.
Nhiễm trùng uốn ván có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng uốn ván rất nguy hiểm và có thể gây ra các biến chứng như sau: Các biến chứng về hô hấp
Biến chứng có thể gặp phải về hô hấp bao gồm:
- Co thắt hầu họng - thanh quản gây ngạt, ngừng thở, sặc, trào ngược dịch dạ dày vào phổi
- Ứ đọng đờm dãi do tăng tiết, không nuốt đặc và phản xạ ho khạc yếu
- Suy hô hấp do cơn co giật kéo dài, dùng thuốc an thần chống co giật liều cao và nhiều ngày.
Biến chứng về tim mạch
Một số biến chứng về tim mạch bạn có thể gặp phải bao gồm:
- Nhịp tim nhanh, cơn nhịp nhanh do co giật, sốt cao, rối loạn thần kinh thực vật và suy hô hấp
- Trụy mạch, hạ huyết áp do rối loạn thần kinh thực vật, thiếu dịch và do tác dụng phụ của thuốc an thần.
- Huyết áp có thể dao động lúc cao, lúc thấp do rối loạn thần kinh thực vật
- Ngừng tim đột ngột do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật có thể do độc tố uốn ván.
Nhiễm trùng uốn ván rất nguy hiểm (Ảnh minh họa internet)
Xem thêm: Gói khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Một số biến chứng khác
Người bệnh có thể gặp tình trạng chướng bụng do giảm nhu động ruột, giảm hấp thu, táo bón. Bên cạnh đó dạ dày có thể bị loét hoặc xuất huyết do căng thẳng thần kinh.
Bên cạnh đó, nhiễm trùng tại vết mở khí quản, nơi tiêm truyền tĩnh mạch, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết và viêm xoang có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nghiêm trọng hơn người bệnh có thể gặp biến chứng suy thận và dẫn đến tử vong.
Một số biến chứng khác cũng có thể xuất hiện như: suy dinh dưỡng, cứng khớp, loét vùng tỳ đè, suy giảm thị giác do thiếu oxy kéo dài…
Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng uốn ván
Bệnh lý nhiễm trùng uốn sẽ được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và thực hiện các biện pháp:
- Ngăn chặn sản xuất độc tố bằng cách loại bỏ nha bào uốn ván và diệt vi khuẩn uốn ván
- Trung hòa độc tố uốn ván
- Kiểm soát co giật và co cứng cơ cho người bệnh
- Điều chỉnh rối loạn thần kinh thực vật
- Điều trị hồi sức tích cực và các biện pháp hỗ trợ khác
Cụ thể:
Ngăn chặn tạo độc tố uốn ván
Người bệnh sẽ được xử lý vết thương mở rộng, cắt bỏ triệt để tổ chức hoại tử tại vết thương để loại bỏ nha bào uốn ván. Sau đó, người bệnh sẽ được sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn để ngăn chặn nhiễm trùng uốn ván xảy ra.
Trung hòa độc tố uốn ván
Người bệnh sẽ được sử dụng huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn uốn ván. Huyết thanh sẽ được tiêm trực tiếp vào cơ thể người tại vị trí bắp tay. Tùy vào đối tượng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng phù hợp.
Kiểm soát co giật và co cứng cơ
Nguyên tắc:
- Để người bệnh nằm nơi yên tĩnh, kiểm soát ánh sáng, tiếng ồn và tránh kích thích gây co giật là các biện pháp quan trọng trong chăm sóc người bệnh uốn ván.
- Dùng liều lượng thuốc ít nhất mà khống chế được cơn co giật, không ức chế hô hấp và tuần hoàn
- Ưu tiên liều thuốc ít độc, ít gây nghiện, thải trừ nhanh, dung nạp tốt khi tiêm hay truyền tĩnh mạch.
Điều chỉnh rối loạn thần kinh thực vật
Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc tiêm truyền tĩnh mạch với liều lượng phù hợp, thường sử dụng Magnesium sulfate, Thuốc ức chế beta giao cảm Labetalol, Morphine sulfate, Atropine và clonidine…
Điều trị hồi sức tích cực và các biện pháp hỗ trợ khác
Người bệnh cần được đảm bảo đường thở thông thoáng. Trong trường hợp quá nhiều đờm dãi, người bệnh cần được hút hết dịch ra ngoài, không ăn uống bằng đường miệng để tránh sặc và co thắt thanh môn.
Bên cạnh đó, có thể được mở khí quản để bảo vệ đường thở và thực hiện hút đờm dãi và thông khí nhân tạo.
Để duy trì sức khỏe trong quá trình điều trị, người bệnh cần được đảm bảo cân bằng nước và điện giải, dinh dưỡng nhu cầu năng lượng cao, tránh táo bón. Người bệnh bị bí tiểu nên đặt thông tiểu sớm. Vệ sinh cơ thể và thay đổi tư thế để chống loét. Vật lý trị liệu sớm, ngay sau khi hết co giật.
Hướng dẫn phòng nhiễm trùng uốn ván
Hai biện pháp phòng bệnh nhiễm trùng uốn ván bao gồm:
Dự phòng chủ động sau khi bị uốn ván
Miễn dịch sau khi mắc bệnh uốn ván không bền vững nên phải tiêm vacxin uốn ván. Tiêm 3 mũi, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai từ 6-12 tháng. Sau đó, cách 5-10 năm tiêm nhắc lại 1 mũi.
Tiêm vacxin phòng bệnh uốn ván (Ảnh minh họa internet)
Dự phòng thụ động sau khi bị thương
Cắt lọc sạch vết thương, rửa và sát khuẩn vết thương, dùng kháng sinh. Nếu chưa được tiêm chủng cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm vacxin để có miễn dịch chủ động.
Xem ngay: Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì? Lưu ý khi đi khám
Nhiễm trùng uốn ván ủ bệnh trong bao lâu? Theo chuyên gia, thời kỳ ủ bệnh có thể từ hai ngày đến hai tháng, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 8 ngày. Bệnh lý nhiễm trùng uốn ván có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi gặp vết thương hở, người bệnh nên thực hiện các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn trong bài viết.