Những điều cần biết về Bệnh do virus Marburg
Bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm nhóm A do virus Marburg (thuộc họ Filoviridae – cùng họ với virus Ebola) gây ra. Đây là bệnh sốt xuất huyết hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao từ 23-90%.
Những điều cần biết về Bệnh do virus Marburg
1. Bệnh Marburg được phát hiện như thế nào?
Bệnh do virus Marburg lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1967 trong phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt ở Đức và ở Belgrade, Serbia sau khi có 31 người nhiễm bệnh và 7 trường hợp tử vong.
Năm 2008, 02 trường hợp đã được báo cáo ở những du khách đã đến thăm một hang động có đàn dơi Rousettus sinh sống ở Uganda, trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Năm 2012, một đợt bùng phát ở Uganda gồm 15 người nhiễm, trong đó có 03 trường hợp tử vong.
Năm 2014, 01 trường hợp ở Uganda được xác định tử vong do virus Marburg.
Năm 2021, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội của Guinea Xích đạo đã báo cáo 01 trường hợp tử vong do virus Marburg.
Ngày 7/2/2023, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội của Guinea Xích đạo đã báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 7/1 đến ngày 7/2/2023 đã có ít nhất 08 trường hợp tử vong xảy ra tại hai ngôi làng thuộc huyện Nsock Nsomo, tỉnh Kie-Ntem. Vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi (Rousettus aegyptiacus).
2. Nguyên nhân, đường lây truyền virus Marburg?
Nhiễm virus Marburg được ghi nhận do tiếp xúc kéo dài với các mỏ hoặc hang động có đàn dơi Rousettus sinh sống.
Marburg lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp (qua da hoặc niêm mạc bị rách) với:
- Máu, dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn ói…) của người bị nhiễm bệnh hoặc chết vì bệnh Marburg.
- Các đồ vật bị nhiễm máu và dịch cơ thể của người bệnh Marburg (giường, quần áo …)
Nhân viên y tế bị nhiễm do không mang phương tiện phòng hộ khi chăm sóc người bệnh hoặc phơi nhiễm do dụng cụ tiêm, vật sắc nhọn có dính máu, dịch tiết của người bệnh.
Ngoài ta, virus được tìm thấy trong tinh dịch của nam giới sau 7 tuần khỏi bệnh; nhau thai, nước ối thai nhi của phụ nữ đang mang thai và trong sữa mẹ của phụ nữ đang cho con bú.
3. Triệu chứng của bệnh Marburg?
Triệu chứng của bệnh Marburg
Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng thay đổi từ 2 đến 21 ngày. Bệnh do virus Marburg gây ra bắt đầu đột ngột với các triệu chứng:
- Nhức đầu dữ dội.
- Đau nhức cơ bắp.
- Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy nặng, kéo dài.
- Chuột rút.
- Xuất huyết nghiêm trọng: tiêu hóa, chảy máu mũi, nướu, âm đạo…
- Viêm tinh hoàn.
Bệnh có thể diễn tiến nặng, tử vong trong vòng 8 – 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng do sốc và mất máu nghiêm trọng.
4. Các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm virus Marburg
Một số người có nguy cơ phơi nhiễm virus Marburg nếu họ tiếp xúc gần với:
- Dơi ăn quả châu Phi (Rousettus aegyptiacus).
- Người bị bệnh Marburg.
- Thành viên trong gia đình, nhân viên y tế chăm sóc người bệnh Marburg.
5. Chẩn đoán nhiễm virus Marburg?
Trên lâm sàng nhiễm virus Marburg khó phân biệt với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét, sốt thương hàn, nhiễm khuẩn shigellosis, viêm màng não và các bệnh sốt xuất huyết do virus khác. Để chẩn đoán nhiễm virus Marburg cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau:
- Xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme bắt giữ kháng thể (ELISA)
- Xét nghiệm phát hiện bắt giữ kháng nguyên.
- Xét nghiệm trung hòa huyết thanh.
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR).
- Kính hiển vi điện tử.
- Phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.
6. Điều trị
Hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa hay phương pháp điều trị cụ thể nào với virus Marburg. Tuy nhiên, chăm sóc tích cực, bù nước - điện giải bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch và điều trị các triệu chứng giúp cải thiện khả năng tử vong.
Các kháng thể đơn dòng (mAbs) đang được phát triển và thuốc kháng vi-rút, chẳng hạn như Remdesivir và Favipiravir đã được sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng về bệnh do vi-rút Ebola cũng có thể cân nhắc cho bệnh Marburg.
7. Phòng ngừa bệnh Marburg thế nào?
- Giảm nguy cơ lây truyền từ dơi sang người: Hạn chế tiếp xúc các hang động, khu vực có dơi sinh sống. Trong quá trình làm việc, nghiên cứu cần mang găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ khi tiếp xúc.
- Giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người: Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm/ nhiễm virus Marburg. Đeo găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ, rửa tay khi chăm sóc người bệnh.
- Giảm nguy cơ lây truyền qua đường tình dục: Nam giới sau khi khỏi bệnh cần quan hệ tình dục an toàn trong thời gian 12 tháng kể từ khi xuất hiện triệu chứng hoặc đến khi xét nghiệm tinh dịch âm tính 2 lần.
- Kiểm soát lây nhiễm trong môi trường y tế: Thực hiện vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp, mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh, thực hành tốt tiêm an toàn.
BS. Võ Thị Tố Hi – Trưởng Khoa KSNK – Bệnh viện Gia An 115
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.
Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.
Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.
Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM
Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115
Cấp cứu: (028) 62 655 115