Tầm soát nguy cơ biến chứng Tim mạch do "Hậu COVID-19"
Nghiên cứu cho biết những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ mắc 20 bệnh khác nhau về tim mạch như đau tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đột quỵ, rối loạn mạch máu não và rối loạn nhịp tim. Ngay cả những bệnh nhân COVID-19 không phải nhập viện cũng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn những người không nhiễm virus này.
Dấu hiệu nhận biết tim có vấn đề hậu COVID-19
Theo BS. CKI Huỳnh Bích Thảo, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Gia An 115 cho biết, có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, trong đó phổ biến nhất là: mệt mỏi; khó thở; hồi hộp, lo lắng; đau hoặc tức ngực; các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung; khó ngủ (mất ngủ); tim đập nhanh; chóng mặt; đau khớp; trầm cảm và lo âu…
Vì vậy, cho dù mắc triệu chứng nhẹ, người bệnh F0 đã khỏi bệnh cũng không được chủ quan. Một số dấu hiệu cảnh báo dưới dây giúp chúng ta dễ dàng nhận diện di chứng tim mạch hậu COVID-19 để tái khám sớm như:
- Khó thở: Nguyên nhân khó thở không chỉ đến từ phổi. Nếu cảm thấy mệt, thở dốc khi leo cầu thang hoặc khi gắng sức dù trước đây không bị thì rất có thể tim mạch đang gặp vấn đề.
- Đau ngực: Cơn đau không nhất thiết phải đau thắt, đôi khi cảm giác chỉ như bị đè ở chính giữa ngực hoặc ở ngực trái.
- Nhịp tim bất thường: Tim đập nhanh, đập yếu, loạn nhịp, bỏ nhịp đi kèm với đánh trống ngực, bồn chồn, lo âu.
Khi nào cần đi tầm soát di chứng tim mạch hậu COVID-19?
Theo lời khuyên của BS. CKII. Dương Duy Trang, Phó giám đốc chuyên môn – Khối nội khoa, Chuyên gia tim mạch, Bệnh viện Gia An 115: “Đối với người có bệnh lý tim mạch, sau khi khỏi COVID-19 chừng 2 tuần thì nên đến gặp bác sĩ để được đánh giá sức khỏe tim mạch và phát hiện, điều trị sớm di chứng tim mạch hậu COVID-19 nếu có. Những người không có bệnh nền tim mạch trước đó thì sau khi khỏi COVID-19 trong vòng 4 - 6 tuần cũng nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tầm soát di chứng tim mạch”
Thời điểm tầm soát hậu COVID-19 nên càng sớm càng tốt và thông thường cần 2 loại xét nghiệm là: công thức máu (tìm nguy cơ hình thành cục máu đông) và D-dimer (xác định trong mạch máu có cục máu đông hay không). Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện thêm: đo điện tâm đồ (chẩn đoán rối loạn nhịp tim, dấu hiệu bệnh lý mạch vành), siêu âm tim (đánh giá cơ tim, phát hiện suy tim).
Với những trường hợp COVID-19 nặng, phải thở máy hoặc nằm một chỗ thì cần đánh giá di chứng với cách thức chẩn đoán hình ảnh cao cấp hơn như chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt (MSCT), chụp mạch vành hoặc siêu âm tĩnh mạch chi dưới.
Lời khuyên từ chuyên gia
Nhiều bệnh nhân phải chịu các hội chứng COVID-19 kéo dài liên quan tim mạch như viêm cơ tim rất sợ tập thể dục, nhưng chính việc tập luyện đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của người bệnh. Các chuyên gia y tế cho biết các bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh có vấn đề tim mạch cần bắt đầu một chương trình tập luyện, vật lý trị liệu phục hồi. Sau khi hoàn thành chương trình này sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn về thể chất, tinh thần và cảm xúc để tiếp tục chế độ luyện tập độc lập của mình.