Tiếp xúc với người xạ trị có sau không?- Cảnh giác với nguy cơ tiềm ẩn
Xạ trị là một trong những biện pháp điều trị ung thư hiệu quả, được áp dụng cho khoảng 50-70% bệnh nhân hiện nay. Thế nhưng, lời đồn về việc nhiễm phóng xạ khi chăm sóc bệnh nhân xạ trị khiến nhiều người cảm thấy lo lắng và hoang mang. Vậy, tiếp xúc với người xạ trị có sao không? Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu vấn đề này.
Xạ trị là gì?
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ ion và tia X mang năng lượng cao tác động tại vị trí có tế bào ung thư. Nguồn năng lượng này có khả năng phá vỡ tế bào ung thư cũ và ngăn tế bào ung thư mới phát triển. Phương pháp điều trị này có thể được dùng để làm nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u.
Trong những trường hợp không thể chữa khỏi bệnh, xạ trị được sử dụng để thu nhỏ khối u, giúp giảm triệu chứng như: đau, khó nuốt, khó thở hoặc tắc ruột do ung thư gây ra. Hiện nay có 3 phương pháp xạ trị chính được sử dụng trong điều trị ung thư, gồm:
- Xạ trị ngoài: Là phương pháp chiếu tia proton năng lượng cao hoặc sử dụng máy gia tốc tuyến tính để chiếu tia X từ bên ngoài vào vị trí có tế bào ung thư. Ưu điểm của phương pháp này là có thể điều trị cùng lúc ở nhiều vị trí và giảm tổn thương các tế bào lành.
- Xạ trị trong: Được thực hiện bằng cách đưa vật chứa phóng xạ vào khu vực có khối u hoặc khoảng chứa gần khối u để phá hủy tế bào ung thư.
- Xạ trị toàn thân: Là phương pháp sử dụng thuốc phóng xạ qua đường uống, tiêm tĩnh mạch hoặc đặt vào các khoang của cơ thể.
Việc lựa chọn phương pháp xạ trị nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ung thư, giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tùy vào tình huống cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định kết hợp xạ trị và hóa trị để tăng cường hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa rằng người bệnh sẽ phải chịu tác dụng phụ trầm trọng hơn cách điều trị thông thường.
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát trọn gói tại Bệnh viện Gia An 115
Tiếp xúc với người xạ trị có sao không?
Việc tiếp xúc với người xạ trị có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, tình trạng này không phải xảy ra ở tất cả trường hợp. Phương pháp xạ trị ngoài là an toàn cho cả bệnh nhân và người xung quanh. Vậy nên, sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường cùng với người thân và cộng đồng.
Nếu xạ trị trong hoặc toàn thân, bệnh nhân được coi là nguồn phóng xạ và cách ly với những người xung quanh. Trường hợp này, chất phóng xạ có thể bị đào thải khỏi cơ thể người bệnh qua nước tiểu, nước bọt hoặc phân. Lượng phóng xạ này xâm nhập vào cơ thể người xung quanh có thể làm tổn thương hoặc gây đột biến tế bào. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về máu, thần kinh, tim mạch, ung thư hoặc dẫn đến các dị tật cho thế hệ sau này.
Thông thường, thời gian phơi nhiễm phóng xạ cho người khác cao nhất là khoảng 24-48 giờ đầu tiên. Vì vậy, người bệnh sẽ được yêu cầu cách ly tại bệnh viện tối thiểu 24 giờ đầu để có quy trình xả chất thải an toàn. Trong thời gian này, bệnh nhân cần giữ khoảng cách tối thiểu với những người xung quanh là 1,8m và chỉ tiếp xúc với người khác trong khoảng 10-30 phút mỗi ngày.
Tuy nhiên, con số trên có thể thay đổi tùy theo liều phóng xạ sử dụng. Ví dụ, người bệnh điều trị liều phóng xạ là 200mCi sẽ được yêu cầu tránh nằm cùng giường với người lớn trong 3 ngày, cách ly với phụ nữ có thai và trẻ em trong vòng 3 tuần.
Tiếp xúc với người xạ trị có sao không? (Ảnh minh họa internet)
Những lưu ý để đảm bảo an toàn sau xạ trị
Sau thời gian cách ly tại khu vực quy định của bệnh viện, bệnh nhân xạ trị trong và xạ trị toàn thân sẽ được trở về nhà hoặc phòng điều trị để tiếp tục theo dõi. Trong thời gian này, người bệnh và người chăm sóc cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng:
- Rửa tay kỹ và dội rửa nhiều lần sau mỗi lần đi vệ sinh để hạn chế tối đa chất phóng xạ lưu lại trên bồn cầu và lây nhiễm cho người khác.
- Sử dụng riêng toàn bộ các vật dụng hàng ngày như: bát, đũa, thìa muỗng, khăn tắm, giặt riêng quần áo...
- Uống nhiều nước để tăng đào thải chất phóng xạ còn lưu trữ trong cơ thể ra bên ngoài.
- Tránh các hoạt động tiếp xúc gần như ôm, hôn hoặc quan hệ tình dục.
- Cứ qua 24 giờ, người bệnh có thể tiếp xúc gần hơn với người xung quanh thêm 2 giờ và khoảng cách gần hơn 1 cánh tay.
- Nên cách ly hoàn toàn với trẻ sơ sinh, trẻ em và phụ nữ có thai trong ít nhất 1 tháng.
Thông thường, toàn bộ thông tin này sẽ được bác sĩ hoặc nhân viên y tế hướng dẫn chi tiết sau khi kết thúc điều trị. Người chăm sóc bệnh nhân nên chủ động ghi chép lại để dễ dàng theo dõi và thực hiện sau đó.
Người bệnh nên uống nhiều nước để tăng đào thải chất phóng xạ (Ảnh minh họa internet)
Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xạ trị
Sau xạ trị, ảnh hưởng của bệnh và tác dụng phụ của phương pháp điều trị này khiến bệnh nhân suy yếu rất nhiều. Đa số người bệnh ở thời điểm này đều nhạy cảm và dễ tổn thương. Bởi vậy, người chăm sóc cần chú ý những vấn đề sau để giúp bệnh nhân phục hồi tốt hơn:
Chăm sóc da
Xạ trị làm tổn thương tế bào da khỏe mạnh dẫn đến các triệu chứng như: sưng đỏ, phồng rộp, khô ráp, đau rát, lở loét da sau khoảng 3-4 tuần. Người chăm sóc cần giúp người bệnh vệ sinh sạch sẽ và áp dụng các biện pháp dưỡng ẩm theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng nước hoa, thuốc khử mùi, bột phấn hoặc các sản phẩm chứa cồn lên trên da để tránh làm da tổn thương nghiêm trọng.
Bổ sung dinh dưỡng
Xạ trị ở vùng bụng có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, cản trở hấp thu dinh dưỡng dẫn đến mất vị giác, buồn nôn và nôn. Để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân cần có chế độ ăn đặc biệt, ưu tiên thực phẩm giàu dưỡng chất, chế biến mềm lỏng dễ hấp thu để đảm bảo sức khỏe cho giai đoạn điều trị sau này.
Tập luyện
Người bệnh nên chú ý tập luyện nhẹ nhàng mỗi ngày để tăng lưu thông máu, qua đó tăng dinh dưỡng đến các tế bào. Ngoài ra, tập luyện cũng giúp tăng đề kháng và thúc đẩy quá trình đào thải độc tố ra bên ngoài.
Duy trì tâm lý tích cực
Đa số bệnh nhân xạ trị đều có tâm lý mệt mỏi, u uất bởi nỗi lo bệnh tật và áp lực kinh tế. Điều này có thể tạo ra tác động tiêu cực đến sức khỏe, làm giảm hiệu quả điều trị và khiến bệnh tiến triển xấu đi. Vì vậy, người chăm sóc cần cố gắng tạo không khí ấm áp, động viên bệnh nhân có thêm nghị lực và tinh thần lạc quan để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tìm kiếm hỗ trợ y tế
Trong thời gian điều điều trị tại nhà, bệnh nhân xạ trị cần được chăm sóc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Nếu phát sinh những tình huống đặc biệt như: vùng xạ trị nhiễm trùng, bệnh nhân tiêu chảy kéo dài, khó thở, sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội và nôn mửa không kiểm soát được, người nhà cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ hoặc đưa bệnh nhân trở lại đơn vị điều trị để được xử lý kịp thời.
Bệnh nhân xạ trị cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và dễ tiêu (Ảnh tham khảo internet)
Xem thêm: 6 triệu chứng bệnh thận ở nữ giới
Ngày nay, xạ trị không còn là thuật ngữ xa lạ với cộng đồng. Tuy nhiên, mức độ an toàn của phương pháp này vẫn còn là “ẩn số” với rất nhiều người. Mong rằng, bài viết đã giúp bạn tìm được đáp án cho câu hỏi: Tiếp xúc với người xạ trị có sao không? Để đặt lịch khám, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn (028) 62 885 886 hoặc sử dụng tính năng Đặt lịch khám ngay trên website.