Hotline: 1800 9045

Trước khi gây mê có được ăn không? Những điều bạn cần biết

Gây mê là một bước rất quan trọng trong phẫu thuật ngoại khoa. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn chưa hiểu rõ về thủ thuật này. Bên cạnh đó, trước khi gây mê có được ăn không cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều người. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết giải đáp vấn đề này và đưa ra những lưu ý trước khi người bệnh được gây mê.

Gây mê là gì? 

Gây mê là phương pháp sử dụng thuốc mê giúp người bệnh tạm thời mất ý thức, có thể không cảm thấy đau trong hoặc sau khi phẫu thuật. Thường trong gây mê, bác sĩ sẽ dùng thêm các thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ làm mất trương lực cơ giúp người bệnh nằm yên để bác sĩ phẫu thuật tiến hành thực hiện phẫu thuật một cách chính xác và an toàn cho người bệnh.

Liều lượng thuốc gây mê có thể thay đổi tùy theo cân nặng, thể trạng người bệnh, tình trạng chức năng các cơ quan như gan, thận; thời gian thực hiện cuộc phẫu thuật và các bệnh lý nội khoa đi kèm.

 

Trước khi gây mê có được ăn không? (Ảnh minh họa internet) 

Thuốc gây mê sau khi đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch hay đường hô hấp sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương. Người bệnh dần rơi vào trạng thái mất ý thức, mất cảm giác và phản xạ tạm thời. Gây mê có thể sử dụng phổ biến trong các thủ thuật đơn giản như nội soi đường tiêu hóa đến những cuộc phẫu thuật lớn như mổ não, tim...

Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát chuyên sâu tại Bệnh viện Gia An 115

Có những phương pháp gây mê nào? 

Với mỗi tình trạng bệnh lý, bác sĩ xem phương pháp gây mê phù hợp để cuộc phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật đạt kết quả tốt nhất. Các phương pháp gây mê phổ biến bao gồm:

  • Gây mê phối hợp hay gây mê cân bằng được xem là phương pháp phổ biến thông qua sự phối hợp của kỹ thuật đặt nội khí quản kiểm soát đường thở. Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc gây mê, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ để đạt được độ mê thích hợp trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Gây mê qua đường hô hấp: Dựa vào cơ chế thuốc thể khí hay thể lỏng bốc hơi, gây mê qua đường hô hấp thực hiện bằng cách đưa thuốc vào cơ thể người bệnh qua hoạt động hít thở. Khi người bệnh hít khí mê đi vào phế nang, vào máu và lên cơ quan đích là não, thuốc mê sẽ phát huy tác dụng.
  • Gây mê tĩnh mạch toàn phần: Bác sĩ gây mê sẽ tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch của người bệnh để gây mê. Tổ gây mê sẽ theo dõi người bệnh trong suốt cuộc phẫu thuật. Bác sĩ gây mê cũng sẽ cung cấp thuốc để ngăn cơn đau sau khi người bệnh tỉnh dậy.
  • Gây mê qua mặt nạ: Đưa thuốc mê qua đường tĩnh mạch hay đường hô hấp của người bệnh qua mặt nạ hô hấp. Thuốc tác động lên não nhanh chóng, người bệnh có thể kiểm soát được hô hấp bằng mặt nạ.
  • Gây mê bằng mặt nạ thanh quản là một phương pháp mới của hoạt động kiểm soát đường thở trong gây mê và cấp cứu hồi sức. Phương pháp này cũng thường được chỉ định trong các trường hợp phẫu thuật ngắn và vừa.
  • Gây mê qua đường tĩnh mạch bằng bơm tiêm điện có thể tiêm liên tục hoặc ngắt quãng. Bơm tiêm điện được thiết kế ứng dụng các thuật toán để máy có thể đo được nồng độ thuốc trong huyết tương hay trong não người bệnh mà không cần xét nghiệm nồng độ thuốc. Từ đó, người bệnh sẽ ổn định nồng độ thuốc mê trong máu và nằm yên trong suốt thời gian thực hiện phẫu thuật. Người bệnh trong khi đó có thể tự thở mà không cần sự trợ giúp của bất cứ phương tiện nào.
  • Gây mê nội khí quản: Ống nội khí quản được đưa qua miệng hay mũi đặt vào khí quản người bệnh để kiểm soát hô hấp. Thuốc mê sử dụng qua đường hô hấp hoặc tĩnh mạch.

Bộ phận gây mê sẽ theo dõi chỉ số cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật (Ảnh minh họa internet) 

Tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi gây mê

Hầu hết các tác dụng phụ sẽ xảy ra ngay sau khi phẫu thuật và không kéo dài. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Cảm thấy buồn nôn - thường xảy ra ngay lập tức, một số người có thể tiếp tục cảm thấy buồn nôn trong vài ngày
  • Run và cảm thấy bị lạnh, có thể kéo dài vài phút đến vài giờ
  • Lú lẫn và mất trí nhớ - phổ biến ở người lớn tuổi hoặc những người có vấn đề về trí nhớ, thường là tạm thời, nhưng cũng có thể xảy ra lâu hơn
  • Vấn đề về bàng quang gặp khó khăn khi đi tiểu

Trước khi gây mê có được ăn không? 

Gây mê an toàn giúp tăng tỷ lệ thành công của cuộc phẫu thuật. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và thực hiện tốt việc gây mê trước khi phẫu thuật,

chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần được chú ý. Vậy, trước khi gây mê có được ăn không?

Thông thường, trước khi gây mê người bệnh cần nhịn ăn, bởi những lý do sau đây:

  • Gây mê khi dạ dày đầy thức ăn làm tăng nguy cơ người bệnh hít phải chất nôn, dịch dạ dày vào phổi. Do các cơ quan hô hấp và phản xạ đường thở bị ức chế khi sử dụng các thuốc mê, thuốc giảm đau và giãn cơ.
  • Trong phẫu thuật tiêu hóa, nếu còn thức ăn tại vị trí mổ sẽ gây khó khăn cho bác sĩ và tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vết thương
  • Dạ dày đầy làm tăng nguy cơ buồn nôn và nôn sau phẫu thuật

 

Trước khi gây mê có nên nhịn ăn không? (Ảnh minh họa internet) 

Hướng dẫn nhịn ăn đúng thời gian trước khi gây mê

Việc nhịn ăn không đúng sẽ gây ra một số khó chịu đối với người bệnh như:

  • Người bệnh cảm thấy rất đói và mệt mỏi
  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
  • Hạ đường huyết ngay trước khi lên bàn mổ sẽ gây ra nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy để an toàn, người bệnh nên nhịn ăn trước khi gây mê như thế nào cho phù hợp? Một số lưu ý dành cho người bệnh:

  • Trước khi gây mê cần nhịn ăn 6-8 tiếng để dạ dày ở trạng thái trống, an toàn cho việc gây mê, tránh nguy cơ thức ăn và dịch dạ dày có thể vào phổi. Vì vậy, người bệnh cần kết thúc bữa ăn cuối cùng trước khi gây mê khoảng 8 giờ. Nếu uống sữa và ăn cháo loãng thì cần kết thúc trước 6 giờ.
  • Nhịn uống nước lọc trong từ 2-3 giờ trước khi gây mê, tuyệt đối không sử dụng các loại nước ngọt, nước có màu.
  • Nếu tiền mê bằng đường uống, có thể uống thuốc với 30ml nước mỗi giờ trước khi gây mê.

Nếu trong trường hợp đặc biệt hoặc cấp cứu người bệnh mới ăn chưa qua 6 giờ thì cần phải báo với bác sĩ ngay lập thức. Dựa vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ có phương hướng xử lý tình huống này.

Xem thêm: Tụ dịch vết mổ có tự hết không?

Sau gây mê bao lâu người bệnh được ăn uống? 

Sau gây mê và kết thuốc cuộc phẫu thuật, người bệnh sẽ được chuyển tới phòng hồi sức để theo dõi. Người bệnh có thể ăn lại qua đường miệng trong vòng 24 giờ nếu không có chống chỉ định từ bác sĩ.

Dinh dưỡng đầy đủ sau khi gây mê và phẫu thuật làm giảm tình trạng tử vong và giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Dinh dưỡng sớm giúp duy trì hàng rào chất nhầy trong lớp niêm mạc ở ruột, từ đó ngăn vi khuẩn xâm nhập qua đường máu. Nếu không có chống chỉ định, các bệnh nhân nằm hồi sức phải thở máy, dùng vận mạch cũng nên ăn lại bằng đường miệng sớm trong vòng 24 giờ qua sonde dạ dày.

Nhịn ăn uống đúng trước khi gây mê phẫu thuật giúp bệnh nhân giảm được các bất lợi của đáp ứng stress đối với cơ thể. Bên cạnh đó, còn là giảm nguy cơ hít sặc khi làm thủ thuật gây mê. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân hồi tỉnh có thể ăn lại trong vòng 24 giờ đã được chứng minh là có lợi cho cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cần có sự phối hợp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Việc đánh giá dinh dưỡng đúng, can thiệp kịp thời của nhân viên y tế cùng sự tuân thủ của bệnh nhân sẽ giúp cải thiện và mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe người bệnh.

 

Người bệnh có thể ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ (Ảnh minh họa internet

Kết luận 

Thông tin trong bài viết đã giúp bạn tìm được lời giải đáp của vấn đề trước khi gây mê có được ăn không? Như vậy, người bệnh nên nhịn ăn từ 6-8 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật và phẫu thuật cần gây mê. Điều này giúp người bệnh an toàn trong khi thực hiện can thiệp. Khi hoàn tất ca mổ, hồi tỉnh sau gây mê, người bệnh có thể ăn uống lại trong 24 giờ.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886