25% các cơn nhồi máu cơ tim không gây đau ngực
Ðau ngực là triệu chứng thường gặp nhất, cảnh báo một cơn nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người bệnh không xuất hiện triệu chứng này. Có đến khoảng 25% các cơn nhồi máu cơ tim không gây đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng nào - thông tin được chia sẻ bởi Thầy thuốc Ưu tú, TS.BS Vũ Đình Thắng tại hội thảo chuyên đề về mỡ máu cao vừa diễn ra sáng ngày 28/10/2023 tại Bệnh viện Gia An 115.
25% các cơn nhồi máu cơ tim không gây đau ngực
Phần lớn các ca nhồi máu cơ tim, đột quỵ liên quan đến mỡ máu cao
Mỡ máu cao hình thành các mảng xơ vữa động mạch, gây hẹp tắc động mạch, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Gia An 115, phần lớn các ca nhồi máu cơ tim, đột quỵ mà Bệnh viện tiếp nhận và can thiệp điều trị đều có liên quan đến rối loạn lipid máu (mỡ máu cao).
Mới đây, Bệnh viện Gia An 115 cũng tiếp nhận một ca nhồi máu cơ tim bị rối loạn lipid máu. Người bệnh là L.Đ.Q (sinh năm 1969, ngụ Quận 6, TP.HCM), sáng ngày 21/10 đột ngột bị đau ngực trái kèm mệt, khó thở, cơn đau kéo dài khoảng vài phút. Người bệnh đã nhập viện ngay tại Bệnh viện Gia An 115. Kết quả xét nghiệm Troponin I (siêu nhạy) cho thấy người bệnh đang trong cơn nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ cũng phát hiện người bệnh bị bệnh mạch vành 2 nhánh, hẹp 80% động mạch vành phải RCA II và hẹp 90% nhánh bờ OM1. Người bệnh ngay lập tức được tiến hành đặt cấp cứu stent vào động mạch vành phải RCA II, sau đó tiếp tục điều trị nội khoa các tình trạng mỡ máu cao, trào ngược dạ dày thực quản… Nam bệnh nhân đã được xuất viện ngày 23/10 trong tình trạng ổn định, được hướng dẫn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để kiểm soát tình trạng mỡ máu, trong đó đặc biệt lưu ý hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất tinh bột, đường…
BS. CK2. Dương Duy Trang can thiệp trên người bệnh
Chia sẻ từ Thầy thuốc Ưu tú, TS.BS Vũ Đình Thắng - chuyên gia cao cấp Bệnh viện Gia An 115 - tại buổi hội thảo chuyên đề, mỡ máu cao là một trong các nguyên nhân thường gặp dẫn tới các ca nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bên cạnh các nguyên nhân như tăng huyết áp, đái tháo đường… Nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng là hai bệnh lý cấp tính nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong ngay nếu không được can thiệp kịp thời. Trong khi đó, có đến khoảng 25% các cơn nhồi máu cơ tim không gây đau ngực hoặc bất kỳ triệu chứng nào. Chính vì thế, việc chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguyên nhân như mỡ máu cao có ý nghĩa rất quan trọng.
Vấn đề của cuộc sống hiện đại
Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người mỡ máu cao (chiếm tỉ lệ 39%), riêng ở thành thị là 44,3%; có hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Ghi nhận thực tế tại buổi hội thảo chuyên đề khi Bệnh viện Gia An 115 tiến hành xét nghiệm máu miễn phí cho khách mời tham dự, tỷ lệ người bị mỡ máu cao cũng lên đến 30%.
Thầy thuốc Ưu tú, TS.BS Vũ Đình Thắng
BS Vũ Đình Thắng cho biết, bên cạnh yếu tố di truyền, chính lối sống hiện đại ít vận động - dành nhiều thời gian bên các thiết bị điện tử; chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn nhiều chất béo bão hòa, uống nhiều rượu bia) và hút thuốc lá là những nguyên nhân gây ra mỡ máu cao. Chính vì vậy, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho khoa học, lành mạnh là rất cần thiết để phòng tránh cũng như kiểm soát mỡ máu cao.
Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đình Thắng (người cầm micro)
Tại hội thảo chuyên đề, BS. CKI Phạm Công Doanh, Trưởng đơn vị Lọc máu - Thay huyết tương, Bệnh viện Gia An 115 còn chia sẻ thêm về một giải pháp có thể giúp hạ chỉ số mỡ máu là kỹ thuật tách lọc huyết tương kép DFPP. Kỹ thuật này có thể giúp hạ mỡ máu nhanh, rất có ý nghĩa với những người bệnh có tình trạng tăng mỡ máu mức độ nguy hiểm (TG > 11 mmol/l) có nguy cơ gây biến chứng như viêm tụy cấp, đột quỵ; người bệnh có tình trạng tăng mỡ máu mức độ trung bình nhưng đã áp dụng các phương pháp điều trị nhưng chưa kiểm soát được; người bệnh có tình trạng tăng mỡ máu mức độ trung bình nhưng không dùng thuốc được do tăng men gan, bị tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị mỡ máu… Đặc biệt, lọc huyết tương hiện được biết đến là biện pháp hiệu quả giúp giảm Lipoprotein (a) - một loại protein vận chuyển cholesterol trong máu. Lipoprotein (a) chủ yếu bị ảnh hưởng bởi gien; các biện pháp ăn uống, thể dục và thuốc không tác dụng trong việc làm giảm chỉ số này.
BS. CKI Phạm Công Doanh, Trưởng đơn vị Lọc máu - Thay huyết tương, Bệnh viện Gia An 115
Bên cạnh giúp hạ mỡ máu và Lipoprotein (a), kỹ thuật tách lọc huyết tương kép DFPP cũng mang lại lợi ích với những người bệnh có tình trạng tăng men gan, tăng acid uric nhưng không cải thiện bằng điều trị thuốc; người bệnh có bệnh lý tự miễn như lupus, nhược cơ, Guillan Barre.
BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 cho biết, Bệnh viện đang tích cực chủ động tiên phong ứng dụng các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh. Đây cũng là nỗ lực của Bệnh viện Gia An 115 trong tầm nhìn phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu ở Việt Nam và khu vực, chủ động nâng cao chất lượng bệnh viện trong định hướng chung của TP.HCM là trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
TS. BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115
Bệnh viện Gia An 115 là Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Thận nhân tạo, Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.
Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.
Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.
Mời bạn đọc xem thêm:
Báo Sức khỏe & Đời sống:
Nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhưng không gây đau ngực (suckhoedoisong.vn)
Báo Thanh niên:
Phần lớn các ca nhồi máu cơ tim, đột quỵ liên quan đến mỡ máu cao (thanhnien.vn)
Báo VnExpress:
Mỡ máu cao - thủ phạm gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ - VnExpress Sức khỏe