Bản tin số 43/KSNK, ngày 21/11/2022: Người bệnh và người nuôi bệnh có nên xét nghiệm SARS-CoV-2 khi nhập viện?

 


Tình hình dịch COVID-19 hiện nay

  • Số ca nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đang có xu hướng tăng, đây là dấu hiệu cho thấy đang bắt đầu làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.
  • Dịch COVID-19 đang diễn tiến phức tạp, vẫn tiếp tục lây lan và khó có thể chấm dứt với sự biến đổi từ biến thể này sang biến thể khác (BA.2.10, BA.2.75, BA.4, BA.5, XBB, Gryphon…).
  • Tại Việt Nam, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở nước ta vẫn ở mức cao, Việt Nam đã ghi nhận biến chủng Omicron trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc xét nghiệm SARS-CoV-2 không còn được triển khai rộng rãi dẫn đến khó phát hiện hơn trước.

Ảnh hưởng của COVID-19 đối với sức khỏe

  • Người bệnh nhiễm COVID-19 có thể không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cho tới các biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng, nhiễm khuẩn huyết, suy đa cơ quan và tử vong. Bệnh đặc biệt diễn tiến nặng ở các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, trẻ em, người chưa tiêm đủ liều vắc xin…
  • Người bệnh sau khi khỏi COVID-19, có thể mắc hội chứng COVID kéo dài (mệt mỏi, đau cơ, đau người, tức ngực, nổi mẩn, đánh trống ngực, ho, lú lẫn, khó tập trung, trầm cảm…) từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và tinh thần.
  • Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người bệnh nhiễm COVID-19 nhiều lần có nguy cơ gặp các vấn đề về phổi cao gấp 3,5 lần, khả năng mắc các bệnh về tim cao gấp 3 lần và khả năng mắc các bệnh về não cao gấp 1,6 lần. Họ có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần và nguy cơ phải nhập viện cao gấp 3 lần so với những người chỉ bị nhiễm một lần.

Người bệnh và người nuôi bệnh có nên xét nghiệm SARS-CoV-2 khi nhập viện?

  • Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện điều trị chuyên sâu về tim mạch, thần kinh - đột quỵ… nên người bệnh nhập viện chủ yếu là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền (viêm phổi, tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường…). Vì vậy, người bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng nếu bị nhiễm thêm COVID-19.
  • Việc xét nghiệm, phát hiện sớm người bệnh nhiễm COVID-19 giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong.
  • Mặt khác, nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng và lây bệnh cho người khác. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 giúp phát hiện sớm để kịp thời cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm cho những người bệnh khác.
  • Người nhà người bệnh thường khỏe mạnh, không có triệu chứng nhưng là người chăm sóc và thường xuyên tiếp xúc gần với người bệnh. Việc sàng lọc người nhà khi vào nuôi bệnh không tốt có thể làm lây lan, bùng phát dịch, gây nguy hiểm cho những người bệnh đang nằm điều trị tại bệnh viện.

=> Vì vậy, Sở Y tế giao cho các bệnh viện dựa vào mô hình bệnh tật tại bệnh viện để đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và có phương án sàng lọc phù hợp, để tránh lây nhiễm và làm tăng nặng tình trạng bệnh khác, đặc biệt người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao.

=> Căn cứ hướng dẫn của Sở Y tế, Bệnh viện Gia An 115 thực hiện xét nghiệm tầm soát test nhanh SARS-CoV-2 đối với người bệnh và người nhà nhập viện nhằm phát hiện kịp thời người bệnh nhiễm COVID-19 để cách ly, điều trị sớm và hạn chế lây nhiễm cho những người bệnh khác.

 

*Tài liệu tham khảo:

  1. Sở Y tế (2022). Hướng dẫn tạm thời xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong giai đoạn thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
  2. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (2022). Biến thể nguy hiểm nhất của COVID-19 lây lan nhanh đến mức nào?
  3. Washington University School of Medicine (2022). Repeat COVID-19 infections increase risk of organ failure, death.
  4. CDC (2022). Long COVID or Post-COVID Conditions.

TIN LIÊN QUAN