Hội thảo khoa học “Chiến lược quản lý các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa: Từ khuyến cáo đến thực hành lâm sàng”
Sáng 12/7/2025, tại Bệnh viện Gia An 115, hơn 300 chuyên gia, bác sĩ, nhà nghiên cứu từ các bệnh viện, trường đại học và trung tâm y tế lớn đã cùng tham dự hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến lược quản lý các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa: Từ khuyến cáo đến thực hành lâm sàng”.
Hội thảo đặc biệt có sự hiện diện của TS.BS. Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cùng các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch – chuyển hóa. Với các bài báo cáo chất lượng, hội thảo mang đến những cập nhật quan trọng từ các khuyến cáo quốc tế và trong nước, đồng thời nhấn mạnh việc triển khai điều trị cá thể hóa, lấy người bệnh làm trung tâm – một xu hướng trọng yếu trong cải thiện chất lượng điều trị bệnh lý tim mạch – chuyển hóa tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học
Bốn báo cáo chuyên sâu tập trung vào các chủ đề: hội chứng mạch vành mạn (HCMVM), tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) type 2, không chỉ cập nhật tiến bộ mới nhất mà còn đề xuất các giải pháp điều trị thực tiễn, phù hợp với bối cảnh lâm sàng tại Việt Nam.
Cập nhật điều trị hội chứng mạch vành mạn: Tích hợp khuyến cáo ESC 2024
Tại Hội thảo, GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam và BS.CKII. Dương Duy Trang – chuyên gia Tim mạch can thiệp, Phó Giám đốc Y khoa Bệnh viện Gia An 115 – đã trình bày những tiến bộ mới nhất về điều trị hội chứng mạch vành mạn (HCMVM) dựa trên hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC) 2024.
GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước nhấn mạnh: hội chứng mạch vành mạn (HCMVM) có cơ chế bệnh sinh phức tạp, liên quan đến tổn thương cả hệ mạch vành thượng tâm mạc và vi mạch, với các thay đổi về cấu trúc và chức năng. Do đó, việc điều trị cần tiếp cận toàn diện, cá thể hóa, dựa trên việc hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của từng bệnh nhân. Ông giới thiệu mô hình quản lý HCMVM gồm 4 bước: đánh giá ban đầu, đánh giá khả năng lâm sàng, chẩn đoán xác định và điều trị. Trong đó, mô hình ước đoán xác suất lâm sàng mới (RF-CL) được khuyến nghị nhằm nâng cao độ chính xác chẩn đoán và hỗ trợ lựa chọn chiến lược điều trị phù hợp.
GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Về điều trị, GS. Phước đề xuất kết hợp thay đổi lối sống, kiểm soát yếu tố nguy cơ và sử dụng phối hợp thuốc chống đau thắt ngực theo mô hình “kim cương”, kết hợp các loại thuốc với cơ chế khác nhau để kiểm soát triệu chứng một cách tối ưu. Để nâng cao tuân thủ điều trị, ông nhấn mạnh việc đơn giản hóa phác đồ thông qua các dạng bào chế giảm số lần dùng thuốc, giúp bệnh nhân dễ dàng tuân theo liệu trình.
Liên quan đến điều trị hội chứng mạch vành mạn, BS.CKII. Dương Duy Trang đã trình bày chi tiết vai trò của tái thông mạch vành với hai phương pháp chính: can thiệp qua da (PCI) và phẫu thuật bắc cầu (CABG). Chỉ định tái thông dựa trên mức độ hẹp: thân chung ≥ 50%, các nhánh ngoài thân chung ≥ 70%, hoặc các trường hợp hẹp dưới ngưỡng nhưng chỉ số có FFR (phân suất dự trữ lưu lượng vành) ≤ 0.8 hoặc iFR (phân suất dự trữ lưu lượng vành thì tâm trương) ≤ 0.89.
BS. Trang cho biết, PCI nổi bật với ưu điểm ít xâm lấn, chi phí thấp hơn và thời gian nằm viện ngắn, nhưng có nguy cơ tái hẹp hoặc huyết khối stent. Ngược lại, CABG hiệu quả hơn trong các trường hợp tổn thương phức tạp hoặc bệnh nhân có chức năng tâm thu thấp (EF < 35%), dù đi kèm với mức độ xâm lấn và chi phí cao hơn. Lựa chọn giữa PCI và CABG cần dựa trên đặc điểm lâm sàng, giải phẫu mạch vành và nguyện vọng của bệnh nhân, cân nhắc giữa mục tiêu giảm triệu chứng và kéo dài tuổi thọ.
BS.CKII. Dương Duy Trang trình bày về vai trò của tái thông mạch vành trong điều trị hội chứng mạch vành mạn
Chiến lược 5Đ: Tối ưu hóa quản lý Tăng huyết áp
Tại Hội thảo, ThS.BS. Lý Văn Chiêu – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy – đã chia sẻ Chiến lược 5Đ (Đo huyết áp, Đánh giá toàn diện, Điều trị cá thể hóa, Đáp ứng điều trị, Đầy đủ tuân thủ) trong quản lý tăng huyết áp, theo khuyến cáo VSH/VNHA 2024.
Ông nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát huyết áp dưới 130/80 mmHg – thậm chí thấp hơn nếu bệnh nhân dung nạp tốt – là cần thiết để giảm tối đa nguy cơ biến cố tim mạch, đặc biệt là đột quỵ. Đây là biến chứng phổ biến ở người châu Á, xuất phát từ những đặc điểm sinh lý như nhạy cảm với muối, thói quen ăn mặn, tăng huyết áp buổi sáng, tăng aldosterone và lão hóa sớm hệ mạch máu.
Để đạt mục tiêu này, BS. Chiêu khuyến nghị nên phối hợp thuốc ngay từ đầu, ưu tiên sử dụng viên phối hợp cố định (SPC) nhằm tăng hiệu quả kiểm soát huyết áp và cải thiện tuân thủ điều trị.
ThS.BS. Lý Văn Chiêu – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ tại Hội thảo
Dẫn dữ liệu từ SNAPSHOT Europe, ông cho biết tăng huyết áp hiếm khi tồn tại đơn lẻ: 81% bệnh nhân có rối loạn lipid máu, 40% béo phì, 33% mắc đái tháo đường type 2, 31% có bệnh mạch vành và 70% bị bệnh lý động mạch. Tổng cộng, có đến 87% người bệnh thuộc nhóm nguy cơ tim mạch rất cao.
Trong bối cảnh đó, kiểm soát huyết áp tích cực – đặc biệt ở người bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường – được chứng minh giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ và biến cố tim mạch. Mỗi khi huyết áp tăng thêm 10 mmHg, nguy cơ biến cố mạch máu lớn và nhỏ tăng khoảng 12%.
ThS.BS. Lý Văn Chiêu cũng đề cập vai trò của Perindopril, một thuốc ức chế men chuyển với bằng chứng mạnh mẽ trong cải thiện tử vong tim mạch và phòng ngừa đột quỵ thứ phát, sẵn có trong nhiều dạng phối hợp. Việc đo huyết áp tại nhà cũng được khuyến khích như một công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả điều trị, đặc biệt trong bối cảnh bệnh nhân châu Á có nguy cơ cao về đột quỵ do tăng huyết áp sáng sớm.
Quản lý Đái tháo đường type 2: Tiếp cận đa mục tiêu
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM, đã chia sẻ về thực trạng đáng báo động của đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 (típ 2) trong báo cáo “Tiếp cận toàn diện trong điều trị Đái tháo đường type 2: Từ khuyến cáo đến Thực hành lâm sàng”.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM tại Hội thảo
Theo kết quả của nghiên cứu “Xu hướng toàn cầu về tỷ lệ lưu hành và điều trị bệnh Đái tháo đường từ năm 1990 đến năm 2022: Phân tích tổng hợp của 1108 nghiên cứu với dân số tham gia nghiên cứu 141 triệu người” đăng trên tạp chí y khoa The Lancet (ngày 23 tháng 11 năm 2024) thì số người mắc ĐTĐ típ 2 toàn cầu năm 2022 ước tính có khoảng 828 triệu người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) mắc bệnh Đái tháo đường, tăng gấp 4 lần (630 triệu) so với năm 1990.Trong khi tỷ lệ bao phủ điều trị vẫn ở mức thấp, đặc biệt tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Để quản lý và phòng ngừa biến chứng, cần thực hiện kiểm soát đa mục tiêu và cá nhân hoá điều trị. Bao gồm kiểm soát Đường huyết (HbA1c), Huyết áp, Lipid máu và sử dụng các thuốc bảo vệ tim mạch, thận.
Kiểm soát đường huyết sớm và duy trì đạt mục tiêu là yếu tố then chốt để phòng ngừa biến chứng. Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc cần cân nhắc khả năng tiếp cận, chi phí và độ phủ bảo hiểm. Đồng thời ưu tiên các phác đồ đơn giản để đảm bảo tuân thủ điều trị lâu dài. Tiếp cận cá thể hóa, đặt bệnh nhân làm trung tâm, được xem là chìa khóa để tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
Từ các tham luận chuyên sâu tại hội thảo, có thể thấy sự đồng thuận rõ nét trong việc lấy điều trị cá thể hóa và chăm sóc toàn diện làm định hướng trung tâm. Thông điệp xuyên suốt chương trình là: đặt người bệnh làm trọng tâm, kiểm soát đa yếu tố nguy cơ, cá thể hóa điều trị – nhằm cải thiện chất lượng sống và tiên lượng cho bệnh nhân tim mạch – chuyển hóa.
Để hiện thực hóa định hướng này, thời gian qua Bệnh viện Gia An 115 cũng không ngừng đầu tư nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, trong đó mới nhất là hệ thống chụp cắt lớp SOMATOM Force VB30 – công nghệ CT thế hệ mới cho phép chụp toàn thân chỉ trong 1–2 giây, không cần nín thở, với lát cắt mỏng 0,4 mm, mang lại hình ảnh rõ nét trên nhiều cơ quan.
Đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch, máy có khả năng tự chọn pha tim tối ưu và duy trì chất lượng hình ảnh vượt trội ngay cả ở bệnh nhân nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp – những trường hợp vốn là thách thức với các dòng CT truyền thống. Nhờ khả năng khảo sát chi tiết mạch vành và cấu trúc tim, thiết bị giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh mạch vành, bóc tách động mạch chủ… từ đó hỗ trợ xây dựng chiến lược điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Công nghệ giảm liều tia X và hệ thống bơm thuốc cản quang hiện đại cũng góp phần nâng cao độ an toàn trong quá trình khám chữa bệnh. Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM và khu vực phía Nam sở hữu “siêu máy CT” này.
Hội thảo khép lại trong không khí học thuật sôi nổi, mở ra nhiều định hướng thiết thực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa tại Việt Nam. Nhiều đại biểu tham dự còn được nhận Chứng chỉ đào tạo y khoa liên tục (CME) do Viện nghiên cứu và Đào tạo y dược Gia An 115 cấp. Đây là đơn vị chuyên môn nghiệp vụ thuộc Bệnh viện Gia An 115, hoạt động với nhiệm vụ chính là tổ chức và quản lý các chương trình đào tạo y khoa liên tục, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y dược.
Dưới đây là một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
TS.BS. Nguyễn Ngô Quang – Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) tham dự Hội thảo
TS.BS. Trương Vĩnh Long - Phó Ban Chiến lược Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La trao đổi với các diễn giả tại Hội thảo
TS.BS. Nguyễn Đức Lộc - Quyền Giám đốc Điều hành tại Hội thảo
TS.BS. Nguyễn Đức Lộc phát biểu khai mạc Hội thảo
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình