Hướng dẫn 6 bước sơ cứu, cấp cứu cho người bị bỏng nhiệt

Sơ cấp cứu đúng ngay sau bỏng sẽ giúp làm giảm diện tích và độ sâu bỏng, làm diễn biến bệnh nhẹ hơn. Ngược lại, xử trí sai sẽ làm tăng diện tích bỏng, làm bệnh nặng hơn.

Trong sơ cứu bỏng, ngâm rửa vết bỏng càng sớm càng tốt ngay sau khi bị bỏng có nhiều lợi ích: Giảm được nhiệt độ tại chỗ ngay lập tức với bỏng nhiệt, hòa loãng và làm trôi tác nhân gây bỏng, giảm đau, hạn chế rối loạn vi tuần hoàn tại vùng bỏng, làm giảm phù nề và giảm độ sâu tổn thương bỏng.

Việc sử dụng nước lạnh sạch là rất cần thiết vì hiệu quả cao, có sẵn, bảo đảm được thời gian sớm nhất. Không nên bôi bất cứ cái gì lên vết bỏng khi chưa được bác sĩ khám đánh giá và chỉ định.

Việc sơ cứu bỏng do nhiệt cần được thực hiện trong vòng 1 giờ đầu sau bỏng, càng sớm càng tốt. Chống chỉ định tương đối: Không cần thiết trong một số trường hợp như bỏng nhiệt sau nhiều giờ, bỏng đã lâu ngày, người bị bỏng đang có các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Hướng dẫn 6 bước sơ cứu, cấp cứu cho người bị bỏng nhiệt

Tại hiện trường, người tham gia cấp cứu có thể là tình nguyện viên, hội viên hội chữ thập đỏ... hoặc chính người bệnh. Các dụng cụ, trang bị cần chuẩn bị gồm:

- Nước lạnh, sạch: nước lọc, nước máy, nước giếng, nước mưa, trong trường hợp cần thiết có thể dùng nước hồ, sông

- Chậu, xô, vòi nước, gáo nước

- Khăn, chăn ủ ấm

- Băng gạc sạch

Các bước tiến hành sơ cấp cứu tổn thương bỏng nhiệt như sau:

Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt

- Nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi nạn nhân: nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi hỏa hoạn, dập tắt lửa trên người nạn nhân...

- Để nạn nhân nơi an toàn, thoáng, cao ráo để có thể thực hiện cứu chữa sơ bộ ban đầu có hiệu quả.

- Cởi hoặc cắt bỏ quần áo cháy, ngấm nước sôi... Nhanh chóng cởi quần áo chật, nhẫn hoặc đồng hồ trước khi phần bỏng sưng nề.

Bước 2: Đánh giá ban đầu, bảo đảm những chức năng sống còn

- Kiểm tra đánh giá trạng thái toàn thân, đặc biệt các chức năng sinh tồn:

+ Tình trạng ý thức (tỉnh hay không tỉnh)

+ Đường thở, tình trạng hô hấp (ngừng thở, khó thở không)

+ Tuần hoàn: mạch ngoại vi còn hay không, có ngừng tim hay không

+ Phát hiện chấn thương kết hợp, đặc biệt những gãy xương lớn hoặc chấn thương sọ não, chảy máu lớn...

- Tiến hành cấp cứu tối khẩn cấp khi phát hiện những rối loạn trên.

Bước 3: Nhanh chóng ngâm rửa vùng bỏng vào nước sạch

- Tiến hành ngâm vùng bỏng vào nước sạch càng sớm càng tốt (tốt nhất trong vòng 30-60 phút đầu). Có thể ngâm rửa hoặc dội bằng nước sạch hay hứng dưới vòi nước sạch. Vừa ngâm rửa vùng bỏng vừa cắt bỏ quần áo bị cháy, vừa dùng gạc lau nhẹ để làm trôi dị vật, bùn đất bám vào vết bỏng. Có thể ngâm, rửa, dội hoặc đắp các khăn tẩm nước lên vùng bị bỏng.

- Không sử dụng đá lạnh, nước đá lạnh để ngâm rửa hay chườm lên vết bỏng.

- Thời gian ngâm rửa thường từ 15-20 phút đến 30-45 phút. Có thể ngâm rửa tới khi hết đau rát. Kinh nghiệm cho thấy khi thôi không ngâm rửa nữa mà người bệnh vẫn đau tăng, ngâm trở lại người bệnh lại giảm đau có nghĩa là ngâm rửa vẫn còn tác dụng.

- Sử dụng nước lạnh sạch, nhiệt độ từ 16 đến 20 độ là tốt nhất... Tận dụng nguồn nước sạch sẵn có ngay tại nơi bị nạn như nước máy, nước mưa, nước giếng... Nước vô trùng là không cần thiết.

Lưu ý: Chú ý chỉ ngâm rửa vùng bị bỏng còn những vùng khác của cơ thể cần được giữ ấm, nhất là mùa đông. Đặc biệt với trẻ em, người già, khi thời tiết lạnh, khi diện tích bỏng rộng: cần rút bớt thời gian ngâm, đề phòng nhiễm lạnh.

Hướng dẫn 6 bước sơ cứu, cấp cứu cho người bị bỏng nhiệt

Nhanh chóng ngâm rửa vùng bỏng vào nước sạch (Ảnh minh họa internet)

Bước 4: Che phủ tạm thời vết bỏng

- Sau khi ngâm rửa, tiến hành che phủ vết bỏng bằng gạc sạch hoặc vải sạch, thậm chí khăn mặt, khăn tay, vải màn sạch...

- Băng ép vừa phải vết bỏng

Bước 5: Ủ ấm, bù nước điện giải sau bỏng

- Bù nước điện giải bằng đường uống (uống oresol, nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước khoáng…)

- Ủ ấm

- Giảm đau cho người bệnh (nếu có thể) bằng các thuốc giảm đau toàn thân.

Bước 6: Vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý, trong quá trình sơ cấp cứu cho người bị tổn thương bỏng nhiệt cần chú ý theo dõi và xử trí các tai biến, biến chứng như:

- Ngừng thở, ngừng tim: Do bỏng nặng, đau đớn quá mức nếu không được khám xét đánh giá đầy đủ mà vẫn tiến hành ngâm rửa thì trong quá trình ngâm rửa người bệnh có thể ngừng thở, ngừng tim. Do đó cần phải đánh giá chính xác chức năng sống và tình trạng toàn thân trước khi xử trí, nếu tình trạng nặng phải ưu tiên hồi sức cấp cứu nạn nhân trước. Nếu xảy ra ngừng thở, ngừng tim thì cần dừng việc ngâm rửa và tiến hành hồi sức tổng hợp.

- Nhiễm lạnh, viêm phổi do ngâm rửa: đây là biến chứng hay gặp, đặc biệt vào mùa lạnh, với trẻ em, người già, phụ nữ; diện bỏng rộng. Để tránh, cần ngâm rửa vùng bỏng nhưng ủ ấm vùng lành, không dùng đá lạnh, nước lạnh, với trẻ nhỏ quá không nên ngâm rửa diện rộng, nên chọn nơi kín gió.

SỐ CẤP CỨU 24/7 Bệnh viện Gia An 115 – 028 62 655 115, bạn hãy lưu ngay vào cuộc gọi khẩn cấp để liên hệ trong tình huống khẩn!

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!