Hotline: 1800 9045

Lần đầu đột quỵ không biết. Tái phát đột quỵ: Hậu quả nặng nề, phục hồi thấp

“Sau khi xảy ra cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) lần đầu, nguy cơ tái phát rất cao, đặc biệt là khi lần đầu tiên không được phát hiện và khi người bệnh không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát” - BS.CK2. Nguyễn Hữu Hậu – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm, Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-la, Q. Bình Tân, TP.HCM).

Ông T. được người nhà phát hiện và đưa vào Gia An 115 can thiệp đột quỵ kịp thời (Clip mang tính minh họa)

Một bệnh nhân tái phát cơn đột quỵ phải tiến hành nhiều phương pháp điều trị cùng lúc

Theo chia sẻ của BS.CK2. Nguyễn Hữu Hậu, cách đây không lâu, bác sĩ đã tiếp nhận và can thiệp điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não bị tắc hoàn toàn động mạch thân nền và hẹp trên 90% (gần như tắc hoàn toàn) động mạch đốt sống. Bệnh nhân là ông N.V.T (sinh năm 1950, ngụ Q. Bình Tân, TP.HCM), nhập viện ngày 24/01/2021 trong tình trạng yếu nửa người bên trái, liệt mặt bên trái, nói đớ, tăng huyết áp – các triệu chứng khởi phát trước khi nhập viện 1,5 giờ. Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não xác định bệnh nhân bị nhồi máu não vùng cầu não, tắc hoàn toàn động mạch thân nền đoạn 1/3 giữa, có nhồi máu não cũ vùng đầu nhân đuôi bên trái, hẹp trên 90% tại gốc động mạch đốt sống bên trái; đánh giá theo Thang điểm ASPECT: 9 điểm.

(hình ảnh minh họa)

Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ quyết định trước hết phải sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu nhỏ xung quanh và làm mềm cục huyết khối đang gây tắc động mạch thân nền. Với cục huyết khối, bắt buộc phải được lấy ra bằng dụng cụ cơ học nhưng gốc động mạch đốt sống bị hẹp trên 90% là một trở ngại vì không thể đưa dụng cụ vào để lấy huyết khối. Chính vì thế, ê-kip của BS. Hậu phải đặt stent Optimax tái thông động mạch đốt sống để mở đường luồn dụng cụ lấy huyết khối, tái thông động mạch thân nền. May mắn được can thiệp điều trị sớm và thành công nên bệnh nhân phục hồi tốt ,không phải chịu di chứng nào và được xuất viện sau 7 ngày.

BS.CK2. Nguyễn Hữu Hậu - đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh (hình ảnh minh họa)

Hậu cho biết trường hợp bệnh nhân N.V.T là một trong số rất nhiều ca bệnh bị tái phát cơn đột quỵ mà ông đã trực tiếp can thiệp điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân không hề hay biết mình đã từng bị tai biến nhồi máu não do nhồi máu nhẹ không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh chủ quan bỏ qua. Nếu người bệnh không biết và/hoặc không chú ý kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền để làm giảm các nguy cơ gây tái phát thì khả năng xảy ra tái phát đột quỵ rất cao. Khi tái phát đột quỵ lần 2, lần 3… hậu quả có thể nặng nề hơn, khả năng phục hồi thấp hơn, chi phí điều trị cũng tăng lên so với đột quỵ lần đầu.

(hình ảnh minh họa)

Làm thế nào để giảm tái phát đột quỵ?

Theo BS.CK2. Nguyễn Hữu Hậu, để giảm tái phát đột quỵ, cần làm giảm các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu cao… Như trường hợp bệnh nhân N.V.T, người bệnh có tiền căn tăng huyết áp, tăng lipid máu và nhồi máu não cũ, đều là các yếu tố nguy cơ gây tái phát cơn đột quỵ. Trong đó, mỡ máu cao gây các mảng xơ vữa gây hẹp, tắc động mạch là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cơn đột quỵ ở bệnh nhân này. Chính vì vậy, việc kiểm soát, điều trị các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.

Hậu cho biết thêm, luôn lắng nghe cơ thể và không bỏ sót những triệu chứng dù nhỏ nhất cũng là một điều quan trọng để tránh đột quỵ cũng như các bệnh lý nghiêm trọng khác. Nhiều trường hợp trước khi khởi phát cơn đột quỵ, bệnh nhân có các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não) như đau đầu, chóng mặt, đột ngột nhìn mờ… nhưng không đi khám để chẩn đoán, điều trị. Đến khi bệnh tiến triển, gây biến chứng đột quỵ thì hậu quả sẽ khôn lường.

Người bệnh hồi phục sức khỏe tốt (hình ảnh minh họa)

Hậu khuyến cáo đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, trong độ tuổi nào nên mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân bằng cách khám sức khỏe tổng quát định kỳ và tầm soát các yếu tố nguy cơ. Những người có nguy cơ cao mắc phải đột quỵ cần đặc biệt cẩn trọng là: người lớn tuổi (trên 50 tuổi); người đang mắc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ trong máu, bệnh tim; người hút thuốc lá, nghiện rượu, người béo phì, ít vận động... và người có tiền sử đột quỵ. Nếu có các dấu hiệu khởi phát cơn đột quỵ, cần cấp cứu ngay tại bệnh viện có chức năng điều trị đột quỵ. Các dấu hiệu của đột quỵ não bao gồm: đột ngột tê cứng mặt, méo mặt tay; tê yếu hoặc khó cử động tay chân, một bên cơ thể; khó phát âm, nói không rõ chữ, nói ngọng bất thường; đột ngột choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; thị lực bỗng nhiên giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân có thể gây buồn nôn hoặc nôn...

 

Bệnh viện Gia An 115 thuộc Tập đoàn Hoa Lâm là bệnh viện đa khoa nằm ở cửa ngõ miền Tây Nam Bộ. Với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115 đã điều trị thành công rất nhiều ca bệnh phức tạp, trong đó có nhiều ca phẫu thuật tim mạch, cột sống, cơ xương khớp, phẫu thuật thần kinh về khối u não, u tủy sống…

Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.

Địa chỉ Bệnh viện Gia An 115: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM

Điện thoại: (028) 62 885 886 – 1800 9045

Website: www.giaan115.com

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886