Lặn lội từ Campuchia sang TP.HCM chữa bệnh, nữ bệnh nhân không ngờ mình suýt tử vong vì bệnh hiểm
2 tháng đau bụng không rõ nguyên nhân, nôn ói nhiều, ăn kém, sụt đến 4kg nhưng điều trị nhiều nơi không cải thiện, nữ bệnh nhân 50 tuổi lặn lội từ Campuchia sang Bệnh viện Gia An 115 (Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, Q. Bình Tân, TP.HCM) để chữa bệnh. Bà không ngờ rằng, lúc đó mình đã bước một chân vào “cửa tử”, nếu không may mắn được phẫu thuật cấp cứu kịp thời thì hậu quả khó nói trước…
Tính mạng gặp nguy sau 2 tháng liền đau bụng kèm nôn ói
Chia sẻ từ ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn – Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Gia An 115, một trong những ca bệnh ấn tượng mới được điều trị thành công tại khoa là trường hợp nữ bệnh nhân N.P (sinh năm 1975, người Campuchia). Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng trái, người mệt mỏi, thể trạng gầy. Người bệnh cho biết mình đã đau bụng ròng rã 2 tháng chưa rõ nguyên nhân, ăn kém, nôn ói nhiều, thỉnh thoảng sốt cao 39-39,50 C nên người mệt. Dù đã điều trị nhiều nơi tại Campuchia nhưng tình trạng đau bụng không cải thiện, người bệnh sụt 4kg, tinh thần lo lắng, bất an. Được giới thiệu Bệnh viện Gia An 115, người bệnh đã lặn lội từ Campuchia sang TP.HCM mong có thể chữa khỏi bệnh.
Tại Bệnh viện Gia An 115, khám lâm sàng ghi nhận người bệnh đau hạ sườn trái và phần thấp ngực trái. Khai thác thêm tiền sử bệnh, các bác sĩ được biết người bệnh mới đây đã phát hiện đái tháo đường type 2. Trước khi nhập viện, người bệnh có sốt kèm đau bụng. Người bệnh ngay lập tức được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và ghi nhận đường huyết tăng cao, rối loạn điện giải, hạ natri máu. Đặc biệt, kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) vùng bụng cho thấy bệnh nhân bị áp-xe lách, khối áp-xe vỡ lan ra phúc mạc, quanh rốn lách và ngoài phúc mạc gây thâm nhiễm dưới hoành trái. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm khi áp-xe lách có tỷ lệ tử vong 100% nếu không được điều trị kịp thời. Trong trường hợp điều trị hiệu quả, tỷ lệ tử vong vẫn lên đến 47%. Tỷ lệ này càng tăng lên khi bệnh nhân lớn tuổi và mắc các bệnh lý mạn tính, đặc biệt nguy hiểm với người bệnh đái tháo đường. Chính vì vậy, người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay để có cơ hội bảo toàn tính mạng.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị áp-xe lách, khối áp-xe vỡ lan ra phúc mạc, quanh rốn lách và ngoài phúc mạc gây thâm nhiễm dưới hoành trái
Nỗ lực cứu người bệnh khỏi cơn hiểm nghèo
Chia sẻ từ chuyên gia mật tụy, ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn, lách là tạng nằm sâu trong vòm hoành bên trái, hơn nữa do bản chất nhu mô lách rất giòn, dễ chảy máu và khi đã chảy máu thì rất khó cầm máu nên phẫu thuật viên phải đối mặt rất nhiều khó khăn trong phẫu thuật cắt lách nội soi. Trong khi đó, ở trường hợp người bệnh N.P, khối áp-xe đã vỡ dò ổ bụng, người bệnh lại bị đái tháo đường chưa được kiểm soát hiệu quả, rối loạn điện giải, thể trạng không tốt do thời gian dài ăn kém và thường xuyên nôn ói. Đây là các yếu tố làm tăng rủi ro cho cuộc mổ.
Nỗ lực cứu người bệnh thoát khỏi cơn hiểm nghèo, ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn và ê-kip đã “cân não” hơn 2 giờ đồng hồ thực hiện phẫu thuật nội soi cắt lách cho bệnh nhân. Phẫu thuật thành công, người bệnh tiếp tục được điều trị hậu phẫu và đã xuất viện trong tình trạng ổn định.
ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn cho biết, nhu mô lách là những hồ chứa máu, phần mô mềm là trung tâm lớn của các loại bạch cầu và lympho bào miễn dịch, không có hàng rào miễn dịch khác, tĩnh mạch lách đưa máu về tĩnh mạch chủ rất nhanh và nhiều. Khi hệ miễn dịch tự nhiên của con người bị suy yếu, vi khuẩn hoặc vi nấm theo đường máu tấn công trực tiếp, dồn dập vào trung tâm của hệ miễn dịch, sẽ vượt qua khả năng tự bảo vệ của cơ thể và gây ra bệnh lý “áp-xe lách”. Hệ miễn dịch tự nhiên bị suy yếu thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch mắc phải; người mắc bệnh lý mạn tính (đặc biệt là bệnh đái tháo đường mà kiểm soát đường huyết chưa tốt hoặc mới mắc phải); người dùng kéo dài các loại thuốc ức chế miễn dịch; tiêm chích không đảm bảo vô trùng; người bị viêm nội tâm mạc…
Có thể nói, áp-xe lách đã biến lách từ một trung tâm bảo vệ lớn, quan trọng của cơ thể trở thành trung tâm gây bệnh nguy hiểm nhất. Bởi vì khi đó, lách chứa đầy mủ và vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, vi nấm, trực khuẩn lao… Và do lách thông nối trực tiếp với các mạch máu lớn nên từ đây, các vi sinh vật này tiếp tục làm nhiễm khuẩn huyết và theo dòng máu gây bệnh tất cả các cơ quan trong cơ thể.
ThS.BS. Nguyễn Thế Toàn và các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho người bệnh
BS. Nguyễn Thế Toàn giải thích thêm, nếu bệnh nhân bị áp-xe gan, cũng có ổ mủ và vi sinh vật gây bệnh nhưng vẫn còn sự bảo vệ của hệ võng nội mô và lách – đóng vai trò như một trung tâm lớn của hệ miễn dịch. Còn áp-xe lách, dù tương đương với nhiễm khuẩn huyết nhưng lúc này cơ thể bệnh nhân đã mất khả năng tự bảo vệ. Đó chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở áp-xe lách rất cao.
Hơn nữa, do lách nằm sâu dưới vòm hoành trái được bảo vệ bởi khung lồng ngực (phần thấp) và cơ hoành trái rất dày nên biểu hiện của bệnh áp-xe lách rất mơ hồ, khó phát hiện. Triệu chứng đặc trưng nhất (90% các trường hợp) là sốt cao do nhiễm khuẩn huyết và đau bụng ¼ trên trái (tỷ lệ khoảng 60%). Vì triệu chứng mơ hồ, bệnh lại hiếm gặp (tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/10.000) nên chẩn đoán sớm và điều trị thành công một ca áp-xe lách không hề đơn giản. Trường hợp người bệnh N.P có thể nói rất may mắn khi người bệnh được phát hiện bệnh kịp thời, chỉ trễ vài ngày nữa thì hậu quả khó nói trước...
BS. Toàn cho biết thêm, ngoài áp-xe lách, đau bụng có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh nguy hiểm thường gặp như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, thủng ruột, tắc ruột, nhiễm trùng đường ruột… Đau bụng kèm sốt cao càng nguy hiểm vì thường cảnh báo tình trạng nhiễm trùng, chính vì vậy người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Trì hoãn đi khám hoặc tự ý sử dụng các thuốc giảm đau có thể đặt người bệnh vào rủi ro khôn lường.