Ngứa cả tháng tưởng dị ứng thông thường, không ngờ do ấu trùng giun dưới da

Nhiều người bệnh đến khám sau khi bị ngứa cả tháng, cho biết trước đó tưởng dị ứng da đã uống nhiều loại thuốc, điều trị bằng nhiều cách không hiệu quả, đến khi bác sĩ phát hiện “thủ phạm” là ấu trùng giun dưới da – chia sẻ từ BS.CKI. Đoàn Thị Thùy Dung – Phòng khám Da liễu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115.

Ngứa cả tháng tưởng dị ứng thông thường, không ngờ do ấu trùng giun dưới da

Bệnh ngày càng phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua do không nghĩ đến

Bệnh ấu trùng giun di chuyển ở da là một bệnh tổn thương da với hình ảnh đặc trưng là ban đỏ hình dải ngoằn ngoèo hoặc hình lượn sóng di chuyển kèm theo ngứa rất nhiều. Bệnh thường do nhiễm qua da ấu trùng giun móc từ mèo, chó và động vật khác.

Chia sẻ từ BS.CKI. Đoàn Thị Thùy Dung, Phòng khám Da liễu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115, giun móc vốn tồn tại và gây bệnh trong cơ thể chó mèo đi theo đường phân ra ngoài môi trường và phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng này có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài khá lâu, từ 3-4 tuần. Các ấu trùng này xâm nhập da của con người thông qua tiếp xúc trực tiếp không có sự bảo vệ an toàn. Khi da tiếp xúc với phân chó, mèo, hoặc nơi đất, cát ẩm có ấu trùng giun móc, chúng sẽ xâm nhập và ký sinh dưới da.

BS. Thùy Dung cho biết thêm, bệnh ấu trùng da di chuyển thường có triệu chứng khá dễ nhận biết. Các sẩn đỏ xuất hiện ở một số vị trí như: bàn chân, mông, thân, tay, bộ phận sinh dục... sau đó tạo ban đỏ hình dải ngoằn ngoèo hoặc hình lượn sóng, có nổi gờ nhẹ, sờ thấy và dễ nhìn thấy ở ngoài da, kích thước có thể tăng đến vài cm mỗi ngày. Độ rộng của đường gờ khoảng 3mm, dài đến 15-20mm. Cũng có tổn thương dạng bọng nước, chàm hóa với trường hợp nhiễm trùng thứ phát. Nếu không được điều trị, các dấu hiệu của bệnh có thể kéo dài đến vài năm.

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa trên khai thác về lịch sử tiếp xúc trực tiếp với đất, cát, phân chó mèo có nguy cơ chứa ấu trùng hay không; quan sát các tổn thương trên da đồng thời tiến hành xét nghiệm để xác định tình trạng tăng bạch cầu. Hoặc sử dụng Dermoscopy chẩn đoán hình ảnh tổn thương dưới da, phát hiện các cấu trúc, hang rỗng ấu trùng...

Tuy khá phổ biến nhưng bệnh do ấu trùng giun chó/mèo thường dễ bị bỏ qua, đặc biệt là khi chỉ xuất hiện sẩn đỏ. Mới đây, Bệnh viện Gia An 115 đã điều trị cho một nữ bệnh nhân là N.T.T (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) đến khám da liễu vì ngứa dữ dội ở bàn tay kèm nổi sẩn đỏ. Người bệnh cho biết tình trạng ngứa đã kéo dài hơn một tháng, đã điều trị bằng nhiều cách nhưng không hiệu quả, sau đó nổi bóng nước ở lòng bàn tay. Thông tin lâm sàng cho thấy người bệnh có nghề nghiệp trồng hoa màu, thường xuyên tiếp xúc với phân động vật, BS Thùy Dung chẩn đoán nhiễm ấu trùng giun sán và chỉ định thực hiện xét nghiệm máu có tăng bạch cầu ái toan. Điều trị phác đồ với thuốc Albendazol, người bệnh đáp ứng tốt, tình trạng ngứa hết hoàn toàn.

Trước đó, một nông dân làm vườn là T.V.Đ (ngụ Bến Lức, Long An) cũng đến khám da liễu với BS. Thùy Dung tại Bệnh viện Gia An 115 khi bị ngứa ở chân, vị trí ngứa nổi ban đỏ hình dải ngoằn ngoèo, tình trạng ngứa hai tuần chưa cải thiện. Người bệnh cũng được chẩn đoán nhiễm ấu trùng giun sán và đã được điều trị thành công bằng Albendazol.

Ngứa cả tháng tưởng dị ứng thông thường, không ngờ do ấu trùng giun dưới da Ngứa nổi ban đỏ hình dải ngoằn ngoèo ở chân người bệnh T.V.Đ do nhiễm ấu trùng giun sán

Có thể làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể

BS. Thùy Dung cho biết, hai trường hợp bệnh nhân N.T.T và T.V.Đ còn may mắn khi bị bệnh ấu trùng giun chó/mèo ở thể thông thường, chỉ bị ngứa do ấu trùng di chuyển dưới da. Thực tế, ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như mắt, nội tạng (tim, gan, phổi), nguy hiểm hơn cả là di chuyển đến hệ thần kinh.

  • Thể ấu trùng di chuyển ở mắt ít gặp và thường bị ở một bên mắt, người bệnh có thể gặp các triệu chứng gồm: giảm thị lực; u hạt (u hạt cực sau, u hạt ngoại vi); viêm nội nhãn, tổn thương võng mạc, viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào; mất thị lực hoàn toàn.
  • Thể ấu trùng di chuyển nội tạng gặp nhiều ở trẻ em dưới 7 tuổi với các triệu chứng lâm sàng khá đa dạng phụ thuộc vào số lượng và vị trí cơ quan bị ký sinh, thường gặp là: đau bụng mãn tính, gan to, tiêu chảy, nôn; hen phế quản: khò khè, ho khan, khó thở; tức ngực; sốt, đau đầu, mệt mỏi, sút cân; mẩn ngứa, nổi ban.
  • Thể ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh nguy hiểm so với các thể khác; các triệu chứng không đặc hiệu, mức độ biểu hiện phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh như: sốt; đau đầu; co giật.

Chính vì vậy, BS. Thùy Dung khuyến cáo, dù gặp bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào, người bệnh cũng nên đến cơ sở y tế để được thăm  khám và điều trị. Do tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm ấu trùng giun chó/mèo và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh ấu trùng giun chó/mèo gồm:

  • Nếu gia đình có nuôi chó, mèo, cần tẩy giun định kỳ cho chúng. Với chó, mèo con, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chúng mới sinh ra 2-3 tuần tuổi, tẩy 3 lần cách nhau mỗi 2 tuần và sau đó nhắc lại 6 tháng một lần. Dùng thuốc chống giun dự phòng định kỳ, kể cả chó con và chó cái mang thai để hạn chế lan truyền bệnh;
  • Vệ sinh phòng bệnh: Vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em;
  • Thu dọn, loại bỏ ngay các phân các thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm.
  • Không nằm, ngồi trên đất cát
  • Mang dép khi đi trên đất cát, mang giày hoặc bao tay cao su khi thường xuyên tiếp xúc với đất và phân động vật
  • Ngoài ra, cần tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó, mèo.
Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886