Tại sao COVID-19 tấn công chúng ta và cần làm gì để tránh những trận dịch khác?

 

Tôi đã làm việc trong lãnh vực y tế 20 năm, thuộc chuyên ngành hệ thống y tế toàn cầu và những khủng hoảng thuộc hệ thống này. Tôi cũng đồng thời là phóng viên, chuyên viết về hệ thống y tế thế giới và an toàn sinh học. Vài năm trước tôi cũng đã xuất bản một cuốn sách viết về những mối đe doạ y tế toàn cầu chúng ta đang đối diện.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Tôi sẽ bắt đầu bằng những điều cơ bản về COVID-19, vì tôi thấy nó bị bỏ qua trên những phương tiện thông tin. COVID-19 là một coronavirus. Coronavirus là một nhóm virus đặc biệt, dùng RNA làm vật liệu di truyền thay vì DNA và RNA này che phủ trên những gai nằm ở bề mặt virus. Chúng dùng những gai này để xâm nhập vào tế bào và những gai này tạo nên một corona (vành tròn) cho coronavirus. COVID-19 được xem là mới vì, cho đến tháng 12/2019 chúng ta chỉ mới biết 6 coronavirus và COVID-19 là virus thứ bảy và ta chưa hề biết trước đó.

Mọi người hẳn nhớ SARS (severe acute respiratory syndrome) hay MERS (Middle Eastern respiratory syndrome) đều là coronavirus, cả hai đều gây hội chứng hô hấp, đó là đặc điểm của nhóm corona, chúng tấn công vào phổi.

COVID-19 cũng vậy, từ những triệu chứng như ho khan, sốt đến tử vong do viêm phổi. Nhiều bệnh nhân nhiễm COVID với triệu chứng rất nhẹ nên không đến bệnh viện và hệ thống y tế không ghi nhận họ.

Coronavirus là loài cư trú ở động vật khác và truyền sang người. COVID-19 còn có thể truyền từ người sang người và vì con người di chuyển nhanh và xa giúp bệnh lan nhanh. Những bệnh gây bởi động vật truyền cho người rất khó loại trừ vì chúng vẫn sống đâu đó trong động vật. Minh hoạ cho điều này là cúm chim, dù chúng ta huỷ hết các động vật nuôi tại nông trại, cúm vẫn quay lại hàng năm do các loài chim hoang. Sở dĩ chúng ta không nghe nhiều vì cúm chim không lây từ người sang người nhưng các vụ dịch tại các trang trại chăn nuôi vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới. COVID-19 dường như đã lây sang người từ chợ bán động vật hoang dã tại Wuhan, Trung Quốc.

Tiếp theo đây là những điều ít cơ bản hơn. Đây không phải là vụ dịch lớn cuối cùng chúng ta chứng kiến. Điều này là tất nhiên chứ không phải có thể. Và đó là kết quả của cách chúng ta, trên danh nghĩa là nhân loại, ứng xử với hành tinh mình đang sống. Thay đổi khí hậu và sự ấm lên tạo thuận lợi cho vi khuẩn và virus. Thêm vào đó là chúng ta đang tự đẩy mình vào những vùng hoang vu cuối cùng còn lại trên hành tinh.

Khi chúng ta đốt rừng Amazon để hình thành những trại chăn nuôi; khi những bụi rậm cuối cùng ở Phi châu biến thành nông trại, khi những động vật hoang dại ở Trung Quốc bị săn đến tuyệt chủng, con người đang tiếp cận với quần thể động vật hoang dại mà chúng ta chưa từng tiếp xúc trước đây và những quần thể này có những loại bệnh mới, vi trùng, virus lạ mình chưa biết. Nên chừng nào mà chúng ta càng ít cách ly hành tinh của chúng ta (với nhóm động vật hoang dã) thì các vụ dịch còn tiếp tục xảy ra.

Chúng ta không thể dừng các vụ dịch bằng sự cách ly hay hạn chế đi lại. Ngay tại các nước đã đầu tư mạnh vào y tế cộng đồng như Mỹ và Hàn Quốc cũng vậy, vì nó không đủ nhanh để chặn đứng tức thời một vụ dịch. Hãy nhìn COVID-19, người nhiễm không hoặc chưa có triệu chứng và sinh hoạt bình thường. Họ không cách ly và không ai biết họ cần cách ly.

Còn có những khó khăn khác khi thực hiện cách ly và hạn chế đi lại. Con người là loài động vật sống thành bầy đàn. Họ không chịu ngồi yên và không chịu bị chia tách. Tại vụ dịch Ebola, người ta đã cố trốn khỏi nơi cách ly. Bệnh nhân thì tránh không đến cơ sở y tế chỉ vì không muốn cách ly. Tất nhiên, cách ly và hạn chế đi lại là biện pháp phải làm nhưng không phải giải pháp duy nhất và tốt nhất.

Biện pháp cơ bản và lâu dài nhằm giảm tính nghiêm trọng của các vụ dịch là xây dựng một hệ thống y tế toàn cầu để bảo vệ những chức năng cốt lõi về y tế tại từng nước để tất cả các nước, kể cả nước nghèo, có thể nhanh chóng nhận diện và điều trị những bệnh nhiễm mới khi chúng xuất hiện. Trung Quốc đã nhận nhiều chỉ trích về cách họ đối phó với COVID-19. Điều gì xảy ra nếu nó xảy ra tại Chad, nơi có 3,5 bác sỹ/100.000 dân? Hay nếu xảy ra tại Congo, nơi bệnh nhân Ebola cuối cùng vừa ra viện? Sự thật là, những nước như vậy không đủ nguồn lực để đối phó với dịch bệnh, với điều trị bệnh và báo cáo kịp thời nhằm giúp các nước khác.

Đánh giá về các trung tâm điều trị Ebola tại Sierra Leone cho thấy các bác sỹ tại đây đã nhận ra cơn khủng hoảng Ebola rất nhanh, biết bệnh gây bởi loại virus lây lan, gây xuất huyết và nguy hiểm. Nhưng họ không đủ nguồn lực để ứng phó, không đủ bác sỹ, không đủ giường bệnh, không đủ thông tin về điều trịvà kiểm soát lây lan. Mười một bác sĩ tại Sierra Leona đã chết vì Ebola, một đất nước chỉ có 120 bác sĩ khi cơn dịch bùng phát.

Ngược lại, riêng trung tâm y khoa Dallas Baylor có hơn 1.000 thầy thuốc!

Những sự bất công này đã giết loài người. Đầu tiên là người nghèo và khi dịch lan rộng, nó giết mọi người trên thế giới. Nếu chúng ta thực sự muốn làm chậm phát những vụ dịch và giảm thiểu những hậu quả, chúng ta cần bảo đảm mọi quốc gia đều có khả năng nhận diện bệnh mới, điều trị và báo cáo chia sẻ các thông tin trên phạm vi thế giới.

COVID-19 đang là gánh nặng y tế và nó cũng giúp bộc lộ những điểm yếu trong dây chuyền cung cấp vật tư y tế toàn cầu. Chúng ta không có đủ dự trữ khi có khủng hoảng. Nếu một bệnh viện, hay một quốc gia, cạn kiệt khẩu trang hay dụng cụ bảo hộ, chúng ta phải đặt hàng và phải đợi sản xuất, vận chuyển… trong khi chúng ta đang cần gấp.

Nếu được chuẩn bị tốt hơn, Trung Quốc hẳn đã nhận diện COVID-19 nhanh hơn. Họ sẽ không phải xây vội những toà nhà mới; họ có thể đã chia sẻ thông tin trung thực với người dân và chúng ta đã không nghe những tin đồn thiếu độ tin cậy lan truyền trên mạng. Và hẳn họ đã chia sẻ thông tin với các tổ chức Y tế thế giới và các nước đã sẵn sàng khi virus lan rộng. Hệ thống y tế thế giới sẽ chuẩn bị những trang thiết bị dự phòng và huấn luyện nhân viên y tế. Chúng ta hẳn đã có những kế hoạch ứng phó, chẳng hạn những tàu biển chở bệnh nhân. Và chúng ta hẳn đã cung cấp thông tin chính xác đến mọi người ở khắp nơi để bây giờ không phải cảm thấy bối rối, mắc cỡ vì vài ứng xử bài ngoại như việc người châu Á bị tấn công trên đường phố ở Philadelphia. Nhưng cho dù ta làm tốt những việc ấy, ta không thể tránh những vụ dịch. Cách hành xử của chúng ta với hành tinh này chắc chắn còn dẫn đến các vụ dịch khác nữa.

Đã có sự đồng thuận cấp chuyên gia về COVID-19 thế này: Ngay tại Mỹ và toàn cầu, dịch sẽ xấu đi trước khi tốt lên. Chúng ta đã có những trường hợp lây truyền người-người không về từ vùng dịch mà xảy ra trong cộng đồng và chúng ta cũng có những bệnh nhân không biết bị lây nhiễm từ đâu. Đây là dấu hiệu của vụ dịch đang xấu đi chứ không phải đang được kiểm soát.

Nhận định này gây lo lắng nhưng không gây ngạc nhiên. Những chuyên gia y tế toàn cầu, khi nói về các kịch bản của virus mới, thì đây là chính là kịch bản đó. Chúng ta đều hy vọng tình hình sẽ khá lên nhưng các chuyên gia virus đều không tin như vậy.

Cá nhân tôi có vài lời khuyên: rửa tay, rửa tay, rửa tay thường xuyên hơn; vệ sinh điện thoại (chúng ta vẫn thường mang phone vào rest room?!); đừng sờ lên mặt; đừng dụi mắt; đừng cắn móng tay, đừng ngoáy mũi. Nếu anh hút thuốc, đây là thời điểm tốt nhất để bỏ.

Tác giả: Alanna Shaikh - Chuyên gia Y tế cộng đồng

Lược dịch: Dr Huỳnh Văn Thiên

Nguồn: TED.com


TIN LIÊN QUAN