Tiến sĩ Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An 115, cho biết đội cấp cứu vệ tinh đã tận dụng kịp "thời gian vàng" để cứu cụ bà. Bà có tiền sử hen phế quản, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Khi phát hiện bà đột ngột ngã quỵ trong nhà vệ sinh, người nhà gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM. Trạm Gia An 115 được điều phối tiếp nhận, đưa bệnh nhân về bệnh viện. Các bác sĩ chụp CT, đánh giá bằng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID và tiến hành can thiệp lấy huyết khối mạch máu não giúp cụ bà thoát nguy kịch.
Trạm cấp cứu vệ tinh thứ 32 ở TP HCM đặt tại Bệnh viện Gia An 115. Trạm tổ chức đội ngũ y bác sĩ trực cấp cứu 24/24 giờ, có kỹ năng xử lý các tình huống cấp cứu ngoại viện ở nhiều chuyên khoa.
Hệ thống xe cứu thương trang bị đầy đủ các máy móc, phương tiện, dụng cụ cấp cứu chuyên dụng như máy giúp thở di động, máy khử rung tim, monitor theo dõi dấu hiệu sinh tồn, máy điện tim, cáng cứng, các vali đựng dụng cụ chấn thương, dịch truyền, dụng cụ hồi sức cấp cứu...
"Những bệnh nhân đột quỵ, ngưng tim ngưng thở, được cấp cứu trong thời gian vàng và vận chuyển bằng xe cấp cứu ngoại viện với đầy đủ các thiết bị y tế chuyên dụng có ý nghĩa rất quan trọng để cứu tính mạng, hạn chế tối đa di chứng", bác sĩ Long chia sẻ.
Lập các trạm cấp cứu vệ tinh phủ khắp các quận huyện là sáng kiến của TP HCM những năm qua nhằm nâng chất lượng và tăng thời gian cấp cứu đến hiện trường nhanh nhất. Các trạm cấp cứu vệ tinh hầu hết liên kết và đặt tại các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị cùng nhân lực cấp cứu ngoại viện.
Khi có cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115, tổng đài sẽ phân loại vị trí bệnh nhân và thông báo đến trạm cấp cứu vệ tinh gần nhất để kịp có mặt tại hiện trường để xử trí bệnh nhân, sau đó quyết định đưa người bệnh đến bệnh viện phù hợp.