Kỹ thuật cao điều trị đột quỵ

Ngoài mở ra cơ hội cho người bệnh đột quỵ được chữa trị bằng kỹ thuật hiện đại, robot Corindus còn giúp bác sĩ giảm nguy cơ bị ung thư và các bệnh lý khác

Một số kỹ thuật mới trong lĩnh vực điều trị đột quỵ, tim mạch vừa được triển khai đem lại nhiều niềm vui cho người bệnh.

Nâng sự sống, giảm nguy cơ

Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) vừa đưa vào sử dụng hệ thống robot Corindus hỗ trợ can thiệp DSA - kỹ thuật sử dụng tia X chụp hệ thống mạch máu trong cơ thể và dùng những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu can thiệp điều trị từ trong lòng mạch máu mà không cần phải phẫu thuật mở trên bệnh nhân đột quỵ. Có giá hơn 20 tỉ đồng, đây là hệ thống robot hiện đại đầu tiên tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á với nhiều tính năng ưu việt. Robot đã được chứng nhận FDA (Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ) và CE (chứng nhận thương mại) để có thể sử dụng trong can thiệp DSA.

Các bác sĩ can thiệp đột quỵ bằng robot

TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc S.I.S Cần Thơ, cho biết can thiệp động mạch vành qua da được thực hiện rộng rãi hơn 2 thập kỷ với hàng triệu bệnh nhân trên thế giới được cứu sống. Đặc biệt trong năm vừa qua, kỹ thuật này có bước tiến không ngừng, nhất là sự ra đời của robot Corindus. Robot Corindus có nhiều ưu điểm như: chuẩn xác, hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu thời gian nhanh nhất. Độ chính xác của robot có thể đạt đến từng sub-milimet. Từ đó, khả năng cứu chữa người bệnh được tính bằng giây phút "giờ vàng" được nâng cao đáng kể.

Theo bác sĩ Cường, thời gian thực hiện can thiệp phức tạp có sự hỗ trợ của robot sẽ nhanh hơn bằng tay. Can thiệp bằng robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng điều trị, đặc biệt là các ca tái tưới máu cấp cứu cho bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Khả năng hỗ trợ đo đạc, tính toán chính xác tổn thương hẹp mạch máu của robot làm giảm số lượng stent cần đặt và hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent nhờ tính năng đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu, đặc biệt là tổn thương tại các vị trí mạch máu gấp khúc, đoạn cong.

Gần đây, các bác sĩ của S.I.S Cần Thơ đã thực hiện thành công nhiều trường hợp bệnh lý mạch vành từ mức độ trung bình đến nặng và sẽ tăng dần cấp độ ứng dụng robot can thiệp cho những trường hợp ở mức rất nặng, nguy kịch. Tất cả bệnh nhân sau khi được can thiệp mạch vành bằng robot đã vượt qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt.

Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Chủ tịch Hội Can thiệp tim mạch Việt Nam, hệ thống robot có thể hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất, giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân.

Ngoài ra, robot góp phần giảm tác động của áo chì và tư thế đứng, nhờ đó giảm chấn thương cột sống cho các bác sĩ thực hiện thủ thuật chính và các chuyên gia có thể ngồi thoải mái trong phòng để điều khiển robot.

Nhờ ứng dụng robot, không chỉ bệnh nhân mà ngay cả bác sĩ cũng không còn lo ngại các chấn thương về tư thế đứng hay các bệnh lý như u não, viêm mống mắt, viêm màng bồ đào do tiếp xúc với tia xạ trong thời gian dài.

"Lâu nay, các bác sĩ phải thầm lặng hy sinh khi can thiệp mạch máu bởi tia X sẽ tăng nguy cơ bị ung thư và các bệnh lý khác. Khi có robot tham gia cuộc can thiệp, bác sĩ chỉ ngồi ở phòng điều khiển mà không phải đứng trong môi trường phơi nhiễm tia X trong thời gian dài, từ đó giảm được tiếp xúc trực tiếp với tia xạ cho bác sĩ thực hành, giảm nguy cơ phơi nhiễm" - bác sĩ Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Vươn ra thế giới

Tại TP HCM, đến thời điểm này có khoảng 20 cơ sở y tế có thể tiếp nhận và can thiệp điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Phương pháp chính trong điều trị đột quỵ là tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn nhằm cứu vùng nhu mô não bị tổn thương bằng các liệu pháp thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tuy nhiên, các liệu pháp điều trị này chỉ hiệu quả khi người bệnh đến sớm - trong vòng 4,5 - 6 giờ của "giờ vàng". Bệnh viện Nhân Dân 115 có quy mô lớn nhất TP HCM và có đầy đủ kỹ thuật điều trị đột quỵ nhưng luôn trong tình trạng quá tải.

Một tin vui khi mạng lưới điều trị đột quỵ của TP HCM được trang bị thêm công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo Rapid tại Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Gia An 115. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo này cho phép mở rộng thời gian điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây, nghĩa là sẽ có thêm 18 giờ nữa cho những người bệnh không may được phát hiện muộn.

Thông qua phần mềm, các bác sĩ sẽ thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong các giờ tiếp theo, giúp bác sĩ tiên đoán được vùng não sẽ bị hoại tử trong thời gian rất gần và đưa ra quyết định phù hợp.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 - phần mềm Rapid phân tích được những vùng tổn thương khó phát hiện trong não, xác định thể tích khối máu tụ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tăng cơ hội phục hồi, giảm tỉ lệ tàn phế. Phần mềm này cũng cho phép bác sĩ làm việc từ xa, giúp bác sĩ xem và chỉ định mà không cần có mặt tại bệnh viện hay gặp trực tiếp bệnh nhân.

GS-TS-BS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, nhìn nhận hiện nay Việt Nam đã gia nhập vào bản đồ ứng dụng robot trên thế giới trong lĩnh vực can thiệp mạch máu, điều này mang lại lợi ích không chỉ cho bệnh nhân mà cho cả bác sĩ.

Xóa giới hạn địa lý

Giới chuyên môn đánh giá riêng về robot Corindus, với tính năng có thể điều khiển từ xa sẽ giúp bác sĩ có thể ngồi ở quốc gia này để can thiệp cho người bệnh ở quốc gia khác. Giải pháp trên sẽ giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý, người bệnh chẳng những được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật hiện đại mà còn được chuyên gia giỏi từ các bệnh viện hàng đầu trên thế giới có sử dụng robot Corindus can thiệp mạch máu.

Theo PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hệ thống robot can thiệp đột quỵ được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho y tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Đây là kỹ thuật mới góp phần tăng cường các giải pháp can thiệp đột quỵ ngày càng hiện đại cho ngành y tế nước nhà.

Chỉ 14% bệnh nhân đột quỵ đến trong "giờ vàng"

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, hiện nay Bệnh viện Nhân Dân 115 đang triển khai những phương pháp điều trị đột quỵ mới nhưng cho đến nay, số lượt bệnh nhân đến bệnh viện trong "giờ vàng" còn rất ít, chỉ chiếm hơn 14% (ở phương Tây luôn 70%-80%). Điều này đã làm giảm khả năng điều trị rất nhiều.

Theo báo Người lao động

https://nld.com.vn/suc-khoe/ky-thuat-cao-dieu-tri-dot-quy-20221012195642687.htm


TIN LIÊN QUAN