Hotline: 1800 9045

Bạch cầu ái kiềm tăng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Bạch cầu ái kiềm tăng không phải là một tình trạng bệnh lý riêng biệt mà thường là triệu chứng cảnh báo một vấn đề sức khỏe. Do đó, khi phát hiện chỉ số bạch cầu ái kiềm tăng cao thì bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Vậy tăng bạch cầu ái kiềm có nguy hiểm không, liên quan đến bệnh lý nào, mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bạch cầu ái kiềm tăng là gì?

Bạch cầu ái kiềm tăng là tình trạng có hơn 300 tế bào bạch cầu ái kiềm trong 1 microliter (µL) máu (chỉ số bình thường chỉ có 0-300 tế bào). Tình trạng này thường liên quan đến việc cơ thể bị nhiễm trùng, mắc bệnh lý như bạch cầu, bệnh tự miễn, ung thư.

Bạch cầu ái kiềm (Basophils) hay còn được biết đến với nhiều tên gọi như bạch cầu hạt ưa kiềm, bạch cầu hạt ái kiềm. Đây là một dạng bạch cầu hạt, hoạt động chặt chẽ với hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của mầm bệnh, tình trạng nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng), tác nhân dị ứng, tình trạng máu đông.

Khi nhận thấy bất thường, các tế bào xa lạ, bạch cầu ái kiềm sẽ tăng sinh, giải phóng enzym, tấn công chúng. Bạch cầu sẽ tiêu diệt chúng thông qua cách bao quanh và thực bào. Bởi vậy nên hiện tượng bạch cầu ái kiềm tăng xuất hiện ở rất nhiều bệnh lý khác nhau.

Bạch cầu ái kiềm đảm nhận nhiều chức năng quan trọng (Ảnh minh họa internet)

Nguyên nhân khiến bạch cầu ái kiềm tăng

Tình trạng bạch cầu ái kiềm tăng có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây nên. Trong đó, thường gặp nhất là các bệnh lý liên quan đến máu, tự miễn, tuyến giáp, viêm hay nhiễm trùng.

  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML): Là một loại ung thư máu có ảnh hưởng đến tủy xương, máu. Bệnh gây ra do một số gen hoặc nhiễm sắc thể bị đột biến, thường gặp ở người 60 tuổi trở lên và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML): Là một dạng ung thư máu khởi phát từ tế bào tủy tạo máu hoặc tế bào gốc trong tủy xương.
  • Bệnh tự miễn: Là các bệnh mà hệ thống miễn dịch tự tấn công cơ thể, bao gồm viêm khớp dạng thấp, đa cứng khớp, lupus ban đỏ hệ thống,...
  • Đa hồng cầu nguyên phát: Là một chứng rối loạn khi cơ thể sản xuất ra quá nhiều tế bào hồng cầu.
  • Bệnh xơ tủy: Là một dạng ung thư máu hiếm gặp, do hội chứng tăng sinh tủy. Khi đó, tủy xương sẽ bị thay thế bởi mô xơ và lượng tế bào máu được sản xuất tăng lên liên tục.
  • Viêm ruột: Thường gặp là Crohn và viêm loét đại tràng mãn tính. Các bệnh này thường xuất hiện đột ngột, gây tiêu chảy, đau bụng và khiến bạch cầu ái kiềm tăng.
  • Suy giáp: Là tình trạng tuyến giáp không sản xuất, cung cấp đủ hormone vào máu dẫn tới giảm trao đổi chất trong cơ thể. Khi đó, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, không chịu được lạnh.
  • Dị ứng: Người bệnh dị ứng với thức ăn, thuốc, các tác nhân từ môi trường đều làm tăng bạch cầu ái kiềm.
  • Nhiễm trùng: Khi cơ thể bị tấn công bởi các tác nhân từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Các bệnh thường gặp như lao, cúm, sỏi, nhiễm giun...

Bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp làm tăng bạch cầu ái kiềm (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát trọn gói tại Bệnh viện Gia An 115

Các triệu chứng thường gặp khi bạch cầu ái kiềm tăng

Tình trạng bạch cầu hạt ái kiềm tăng không gây ra triệu chứng. Những biểu hiện mà bệnh nhân thấy tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh lý gây làm tăng chỉ số bạch cầu ái kiềm. Tuy nhiên, vẫn có một số triệu chứng khá thường gặp, xuất hiện trên nhiều bệnh nhân như:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Ngứa
  • Phát ban da
  • Sưng viêm

Tình trạng tăng bạch cầu ái kiềm thường không có biến chứng mà sẽ do nguyên nhân gây bệnh quyết định. Tuy nhiên, việc số lượng bạch cầu hạt ái kiềm tăng có thể gây thoái hóa, tổn thương mô, tổn thương cục bộ nên vẫn cần được phát hiện, điều trị sớm.

Bệnh nhân thường có triệu chứng sốt, mệt mỏi khi bị Basophilia (Ảnh minh họa internet)

Cách chuẩn đoán tình trạng bạch cầu ái kiềm tăng

Để xác định bạch cầu ái kiềm có tăng hay không, cần phải thông qua xét nghiệm công thức máu toàn bộ CBC. Bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số này cùng các biểu hiện lâm sàng và chỉ định thêm xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, ví dụ:

  • Xét nghiệm tủy đồ, sinh thiết tủy xương, xét nghiệm di truyền để tìm đột biến gen nhằm xác định bệnh lý tại tủy hay ung thư.
  • Siêu âm để xác định tình trạng lá lách to hơn bình thường nghi ngờ tăng sinh tủy.
  • Bệnh nhân tăng bạch cầu ái kiềm kèm triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nghi ngờ viêm ruột sẽ được chỉ định siêu âm hay chụp CT, MRI để xác định.

Khi nào cần gặp bác sĩ, điều trị tình trạng tăng bạch cầu ái kiềm?

Người bệnh cần đến cơ sở y tế để kiểm tra nếu thấy mệt mỏi kéo dài, sưng viêm hay phản ứng dị ứng. Trường hợp bị dị ứng nghiêm trọng, khó thở thì cần được cấp cứu ngay để tránh đe dọa đến tính mạng.

Khi phát hiện bạch cầu ái kiềm tăng, không phải lúc nào cũng cần điều trị ngay vì đôi khi đó chỉ là phản ứng tạm thời của cơ thể. Sau đó, các chỉ số có thể tự trở về mức bình thường mà không gây hại nhiều đến sức khỏe người bệnh. Việc này sẽ được bác sĩ xác định dựa trên chỉ số cùng các biểu hiện của người bệnh.

Bệnh nhân cần đi kiểm tra ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường

Tùy vào từng trường hợp mà bệnh nhân sẽ cần thường xuyên kiểm tra để theo dõi hay được chỉ định thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân. Việc bạch cầu tăng có thể liên quan đến vấn rất nhiều vấn đề khác. Do đó, người bệnh không được chủ quan mà cần tìm tới cơ sở y tế chuyên môn để được kiểm tra kỹ lưỡng.

Xem thêm: Hiến máu có hại cho sức khỏe không?

Những phương án điều trị bạch cầu ái kiềm tăng

Tăng bạch cầu ái kiềm chỉ là một triệu chứng có thể gặp ở rất nhiều bệnh lý. Do đó, cách điều trị tốt nhất là tập trung giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Việc phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt khi bị dị ứng hoặc viêm mạn tính, sẽ giúp bệnh nhân tránh các biến chứng, tổn thương nghiêm trọng.

Tùy vào từng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp, ví dụ như:

  • Khi bị dị ứng: Ngừng tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, sử dụng thuốc kháng histamin để giảm nhẹ triệu chứng.
  • Nhiễm trùng: Nếu nguyên nhân do vi khuẩn thì cần sử dụng thuốc kháng sinh theo phác đồ. Trường hợp nguyên nhân gây bệnh từ ký sinh trùng thì cần chỉ định thuốc diệt ký sinh trùng tương ứng.
  • Bệnh lý viêm khớp: Thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid được kê để làm giảm tình trạng viêm, giảm đau.
  • Bệnh ung thư: Nếu nguyên nhân xuất phát từ đây thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng hóa chất, phẫu thuật cắt tĩnh mạch định kỳ.

Bạch cầu ái kiềm tăng có thể liên quan đến các vấn đề cơ bản như dị ứng, nhiễm trùng. Nhưng đôi khi đây lại là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng hơn như bệnh tự miễn hay ung thư. Bởi vậy nên khi có các triệu chứng, người bệnh nên sớm tới cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị từ sớm. Nếu muốn thăm khám sớm nhất mà không cần chờ đợi, bạn hãy liên hệ Tổng đài 028 62 885 886 của Bệnh viện Gia An 115 để đặt lịch hẹn.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886