Hướng dẫn cách bấm huyệt giảm đau dạ dày hiệu quả
Đau dạ dày là bệnh phổ biến gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Những cơn đau dạ dày thường khiến người bệnh ám ảnh, mệt mỏi. Vậy, cần làm gì để giảm đau dạ dày? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách bấm huyệt chữa đau dạ dày hiệu quả, có tác dụng giảm đau nhanh.
Nguyên nhân gây đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày thường xuất hiện ở vị trí thượng vị (phía trên rốn và dưới xương ức). Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của nhiều bệnh lý dạ dày. Vùng bụng trên rốn xuất hiện những cơn đau bất thường. Thời gian đầu, cơn đau xuất hiện khi quá đói hoặc quá no, sau đó ngày càng liên tục và đau nhiều hơn.
Cơn đau dạ dày thường xuất hiện do một số nguyên nhân sau:
Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng
Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng rất phổ biến và thường xuất hiện ở đối tượng trẻ tuổi. Bởi đối tượng này có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên thức khuya, stress kéo dài. Vết loét thường xuất hiện ở niêm mạc dạ dày do các yếu tố tác động làm mất cân bằng hàng rào bảo vệ dạ dày. Bệnh lý có thể gây ra các cơn đau cấp tính và có thể điều trị khỏi dứt điểm. Cơn đau quặn bụng là triệu chứng điển hình của bệnh lý này.
Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày lên ống dẫn thức ăn có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản, gây đau vùng thượng vị. Bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực quản và sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn cần được điều trị sớm nếu xuất hiện cơn đau dạ dày thường xuyên.
Đau dạ dày khiến người bệnh khó chịu (Ảnh minh họa internet)
Những triệu chứng có thể đi kèm cơn đau dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản là những bệnh dạ dày phổ biến hiện nay và có thể gặp ở mọi độ tuổi. Bệnh ngày càng phổ biến ở những người trẻ do thường có lối sống sinh hoạt không khoa học. Bên cạnh những cơn đau dữ dội, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng dưới đây:
Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hóa
Đầy hơi, chướng bụng sau khi ăn là cảm giác thường gặp khi bạn bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ. Nên theo dõi tình trạng cơ thể mình để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. Nếu để lâu không điều trị, bệnh sẽ trở nên phức tạp và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ợ hơi, chướng bụng là triệu chứng của đau dạ dày (Ảnh minh họa internet)
Ợ chua, ợ hơi hoặc ợ ra chất đắng như mật
Do sự vận động của dạ dày bị rối loạn làm thức ăn bị khó tiêu dẫn tới lên men và sinh ra hơi. Đây là một triệu chứng bệnh đau dạ dày thường gặp. Nếu tự nhiên bạn bị ợ hơi và chướng bụng liên tục, hãy đi kiểm tra bác sĩ ngay.
Buồn nôn
Nôn hay buồn nôn là hiện tượng các thức ăn trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua đường miệng. Đây là triệu chứng thường gặp ở đại đa số người bệnh đau dạ dày. Khi thường xuyên buồn nôn hoặc nôn bạn cần lưu ý, vì nôn sẽ làm thức ăn trào người từ dạ dày đẩy ra miệng, có nguy cơ dẫn đến rách thực quản và tổn thương niêm mạc dạ dày.
Chảy máu đường tiêu hóa
Chảy máu dạ dày hay chảy máu đường tiêu hóa là triệu chứng nặng của các bệnh lý dạ dày. Nếu xuất huyết tiêu hóa nặng mà không được cấp cứu ngay lập tức, tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa.
Khi người bệnh bị chảy máu dạ dày, sẽ có các triệu chứng cụ thể như: nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc ra máu. Kèm theo đó là tình trạng đau bụng thượng vị dữ dội, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng do mất máu.
Đau dạ dày nặng có thể chảy máu đường tiêu hóa (Ảnh minh họa internet)
Xem thêm: Chủ nhật có khám tổng quát không? Thông tin chi tiết nhất
Cơn đau dạ dày thường xuất hiện đột ngột và khiến người bệnh khó chịu. Vậy, cần làm gì để giảm cơn đau thượng vị nhanh chóng? Trong y học có biện pháp bấm huyệt giảm đau dạ dày hiệu quả, bạn có thể tham khảo ở phần bên dưới.
Hiệu quả của phương pháp bấm huyệt giảm đau dạ dày
Theo y học cổ truyền, viêm dạ dày tá tràng là chứng “vị quản thống”. Chứng bệnh này khởi phát do ăn uống không điều độ, lo lắng quá mức, làm việc nặng nhọc và nóng giận khiến khí trệ ở Tỳ và Vị. Thận khí hư, tỳ vị hư cũng là nguyên nhân gây ra chứng vị quản thống.
Bấm huyệt sử dụng lực bàn tay/ ngón tay để giải phóng khí trệ và tăng cường lưu thông máu. Ngoài ra tác động vào những huyệt vị có mối liên hệ với dạ dày còn thúc đẩy chức năng co bóp, tiêu hóa và bài tiết dịch vị của cơ quan này.
Để giảm cơn đau dạ dày, bạn nên thực hiện xoa bóp và bấm huyệt thường xuyên. Tuy nhiên, hiệu quả bấm huyệt giảm đau dạ dày chỉ là tạm thời. Vì vậy, cần kết hợp thuốc điều trị toàn diện.
Một số bài bấm huyệt giảm đau dạ dày hiệu quả
Để bấm huyệt giảm đau dạ dày hiệu quả, bạn nên tìm hiểu các bước thực hiện và thao tác cẩn thận. Mỗi bước bấm huyệt đều rất quan trọng giúp bạn giảm đau dạ dày hiệu quả.
Day ấn huyệt vị giúp tác động trực tiếp đến cơn đau dạ dày. Ngoài ra, day ấn vào các huyệt đạo có mối tương quan với hệ tiêu hóa còn thúc đẩy nhu động ruột, cải thiện chức năng và làm giảm một số bệnh lý ở cơ quan này. Dưới đây là hướng dẫn để bạn thực hiện:
Day ấn huyệt Trung quản
Huyệt Trung quản nằm ở vùng bụng, đo từ rốn lên khoảng 3-4 cm. Huyệt nằm ở vị trí giữa 2 bờ sườn. Sử dụng ngón tay cái bấm vào huyệt vị này với lực mạnh cho đến khi có cảm giác tê tức lan tỏa vào bên trong dạ dày. Day ấn huyệt vị này trong khoảng 1-3 phút có tác dụng giảm cơn đau dạ dày, cải thiện chức năng co bóp và bài tiết dịch vị.
Bấm huyệt giảm đau dạ dày tại vị trí huyệt trung quản (Ảnh minh họa internet)
Bấm huyệt Túc Tam lý
Túc Tam lý là huyệt thuộc kinh Túc dương minh vị. Huyệt có tác dụng bổ Tỳ, kiện Vị, giúp lưu thông khí huyết, cải thiện miễn dịch, chống co thắt dạ dày...
Huyệt nằm ở mặt ngoài đầu gối, đo từ đầu xuống gối khoảng 5,4cm. Tương tự như huyệt Trung Quản, với huyệt Túc Tam Lý bạn cũng sử dụng ngón tay cái bấm với lực mạnh sao cho có cảm giác căng tức lan xuống bàn chân. Thực hiện đều đặn 2-3 lần/ngày để làm giảm cơn đau và cải thiện chức năng của dạ dày.
Day ấn huyệt Thái Xung
Huyệt Thái Xung nằm ở mu bàn chân, cách kẽ giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ 1.5 thốn đo lên. Để làm giảm đau dạ dày, bạn day ấn huyệt bằng ngón tay cái để gây cảm giác căng tức tại chỗ trong khoảng 2 phút.
Nên day ấn huyệt Thái Xung đều đặn 2 lần/ngày sáng sớm và trước khi ngủ để giảm tần suất và mức độ của cơn đau thượng vị.
Bấm huyệt Thiên Xu
Huyệt Thiên Xu nằm ngang rốn, cách khoảng 2 thốn đo ngang. Dùng tay day ấn mạnh vào huyệt trong khoảng từ 1-3 phút nhằm giảm đau dạ dày, trị táo bón, tắc ruột, tiêu chảy... Lưu ý không được bấm huyệt vị này cho phụ nữ mang thai.
Day ấn huyệt Cự khuyết
Huyệt Cự khuyết nằm ở chỗ lõm của chấn thủy hoặc đo từ rốn lên khoảng 6 thốn. Day ấn huyệt vị này có tác dụng trị đau thượng vị, ợ chua, nôn, mệt mỏi, tiêu hóa kém. Khi ấn huyệt này cần sử dụng lực vừa phải để tránh gây tổn thương gan.
Bấm huyệt giảm đau dạ dày - Tại vị trí huyệt Cự khuyết (Ảnh minh họa internet)
Bấm huyệt Nội quan
Huyệt Nội Quan có tác dụng điều trị các chứng bệnh ở Tâm và Vị. Huyệt nằm trên lằn chỉ tay khoảng 2 thốn, ở giữa gân cơ gan tay bé và gan tay lớn.
Sử dụng ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt trong 2 phút sao cho có cảm giác căng tức tại chỗ. Tác động vào huyệt vị này có khả năng điều khí cho cơ thể, giảm triệu chứng đau dạ dày hiệu quả.
Bấm huyệt giảm đau dạ dày tại vị trí huyệt Nội quan (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Theo Y học cổ truyền, bạn có thể sử dụng các bài bấm huyệt giảm đau dạ dày hiệu quả. Tuy nhiên, các bài bấm huyệt chỉ mang tính chất tạm thời. Tốt hơn hết, người bệnh nên khám và điều trị bệnh sớm để phòng ngừa biến chứng.