Hotline: 1800 9045

Bệnh tăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, biểu hiện và hướng điều trị bệnh

Tiết nhiều mồ hôi không nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, gây nên những vấn đề về xã hội, tâm lý, giáo dục và nghề nghiệp. Vậy nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu là gì và đâu là hướng điều trị hiệu quả?

Tổng quan về bệnh tăng tiết mồ hôi

Vừa vận động cường độ cao, vừa tập thể dục thể thao hoặc đang ở nơi có nhiệt độ cao, cơ thể đổ nhiều mồ hôi là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi, lượng mồ hôi nhiều bất thường, thậm chí có thể thấm ướt quần áo mà không phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Điều này xảy ra ngay cả khi họ đang nghỉ ngơi, không tập luyện hoặc làm việc, bị ảnh hưởng bởi những kích thích của xúc cảm.

Bệnh tăng tiết mồ hôi là hội chứng mà có nhiều mồ hôi trên một phần cơ thể: Bàn tay, bàn chân, nách hay mặt... Chính vì vậy, nó làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, gây nên những vấn đề về xã hội, tâm lý, giáo dục và nghề nghiệp.

Nguyên nhân gây bệnh tăng tiết mồ hôi

Trong y học, bệnh tăng tiết mồ hôi được chia thành 2 loại: tăng tiết mồ hôi nguyên phát và tăng tiết mồ hôi thứ phát.

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát

Chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát hay tăng tiết mồ hôi khu trú chưa được xác định nguyên nhân thực thể. Một số trường hợp có nhận thấy tính chất di truyền và thường phát sinh từ nhỏ.

Ở tình trạng này, có các kích thích quá mức từ dây thần kinh đến tuyến mồ hôi, dẫn đến cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Vị trí thường có nhiều mồ hôi là: bàn tay, bàn chân, mặt, nách.

Bệnh tăng tiết mồ hôi nguyên phát

Bệnh tăng tiết mồ hôi nguyên phát (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Gói khám tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115

Tăng tiết mồ hôi thứ phát

Nguyên nhân từ loại bệnh tăng tiết mồ hôi này được xác định do dùng thuốc hoặc do bệnh lý. Có thể kể đến các bệnh lý như: bệnh đái tháo đường, bệnh Parkinson, viêm khớp, bệnh gout, suy hô hấp, suy tim, cường giáp, u tủy thượng thận…  Một số loại thuốc như thuốc chủ vận dopamin, thuốc ức chế tái hấp thu secrotonin có chọn lọc, thuốc chống loạn thần, insulin… cũng có thể gây tăng tiết mồ hôi thứ phát.

Ở tình trạng này, mồ hôi thường có trên toàn thân hoặc một vùng nào đó trên cơ thể, không riêng ở bàn tay, chân hoặc mặt.

Bệnh tăng tiết mồ hôi thứ phát

Bệnh tăng tiết mồ hôi thứ phát (Ảnh minh họa internet)

Biểu hiện bệnh tăng tiết mồ hôi

Nhận biết đúng các dấu hiệu của bệnh sẽ là cơ sở để người bệnh xác định vấn đề mình mắc phải. Từ đó, có kế hoạch thăm khám, kiểm tra sức khỏe kịp thời. Khi nhận thấy có một trong số các dấu hiệu sau, bạn cần đến cơ sở y tế để thăm khám bệnh tăng tiết mồ hôi:

  • Mồ hôi tiết ra nhiều, nhỏ thành giọt, thấm ướt quần áo, gây khó khăn trong sinh hoạt. Bệnh nặng lên khi hoạt động thái quá, ăn đồ cay nóng, tâm lý lo lắng, tập trung hoặc hồi hộp…
  • Đổ nhiều mồ hôi, gây dính nhớp trên da đi kèm mùi cơ thể khó chịu.
  • Khô da, viêm da, bong da do ra mồ hôi nhiều liên tục…

Triệu chứng bệnh tăng tiết mồ hôi

Triệu chứng bệnh tăng tiết mồ hôi (Ảnh minh họa internet)

Hướng điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi hiệu quả

Tùy thuộc vào việc mắc chứng tăng tiết mồ hôi từ nguyên nhân nào và mức độ bệnh nặng hay không mà bác sĩ sẽ áp dụng phương án điều trị phù hợp. Với tăng tiết mồ hôi thứ phát cần điều trị bệnh lý gây tăng tiết mồ hôi trước. Chẳng hạn trong bệnh cường giáp, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc nội tiết trực tiếp; những bệnh nhân tâm thần như rối loạn lo lắng sẽ được chăm sóc về tâm lý.

Với tăng tiết mồ hôi nguyên phát, một số cách có thể được áp dụng là:

  • Cắt hạch giao cảm: Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn này sử dụng công nghệ hiện đại, đốt hạch giao cảm. Cách này là lựa chọn ưu tiên của các bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nguyên phát, giúp cải thiện trình trạng ra nhiều mồ hôi, giảm nguy cơ tái phát.
  • Tiêm botox: Cách này giúp hạn chế tình trạng tuyến mồ hôi bị kích thích do tác dụng làm liệt dây giao cảm tiết mồ hôi. Tuy nhiên, khi tiêm botox, cần lưu ý đến lịch tiêm nhắc lại để đảm bảo kết quả.
  • Sử dụng muối nhôm: Cách này áp dụng cho người mắc hội chứng tăng tiết mồ hôi ở mức nhẹ hoặc mới mắc bệnh. Dung dịch muối nhôm sẽ được thoa lên vị trí tiết nhiều mồ hôi vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nhược điểm của cách này là có thể gây kích ứng da với người có làn da nhạy cảm.
  • Trị liệu bằng công nghệ ion: Phân tử ion này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của tuyến mồ hôi. Tương tự cách tiêm botox, người bệnh cần thực hiện nhiều lần mới mang lại kết quả.

Tiêm botox cải thiện bệnh tăng tiết mồ hôi

Tiêm botox cải thiện bệnh tăng tiết mồ hôi (Ảnh minh họa internet)

Bệnh tăng tiết mồ hôi có nguy hiểm không?

Trước hết, tình trạng đổ nhiều mô hôi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm gián đoạn và gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Cơ thể tiết nhiều mồ hôi khiến quần áo luôn trong trạng thái ẩm ướt, cơ thể nặng mùi, tay chân ướt đẫm mồ hôi khiến người bệnh ngại giao tiếp. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường công sở, người thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng.

Đối với sức khỏe, tăng tiết mồ hôi kéo dài và không can thiệp điều trị sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Nhiễm trùng, nhiễm nấm da: Cơ thể nhiều mô hôi, ẩm ướt cả ngày tạo điều kiện để vi khuẩn, virus xâm nhập và sinh sôi. Các vùng dễ nhiễm nhất chính là bàn tay, bàn chân, nách, bẹn… Khi cơ thể ngứa ngáy, người bệnh gãi và chà xát gây ra vết thương hở sẽ càng khiến tình trạng nấm nặng hơn.
  • Thay đổi kết cấu da: Da ẩm ướt trong thời gian lâu sẽ có thể khiến da trở nên sần sùi, mềm nhão. Sắc tố da cũng trở nên xanh sao hơn, xuất hiện nếp nhăn hoặc thậm chí là nứt da.

Xem thêm: Khám sức khỏe du học và giấy khám sức khỏe đi học mới nhất

Bệnh tăng tiết mồ hôi không phải là căn bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người mắc hội chứng này dễ cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp xã hội. Hy vọng với những thông tin về bệnh cũng như phương hướng điều trị trong bài viết trên sẽ giúp bạn nhanh chóng khắc phục được vấn đề.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886