6+ Cách đẩy sỏi thận ra ngoài an toàn, tiên tiến hiện nay
Thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống không lành mạnh có thể khiến hình thành sỏi thận. Sỏi thận thường là nguyên nhân gây ra những cơn đau vùng thắt lưng và đái máu. Bài viết sẽ chia sẻ một số cách đẩy sỏi thận ra ngoài đang được áp dụng hiện nay.
Tìm hiểu về sỏi thận và nguyên nhân hình thành
Trước khi tìm hiểu về các cách đẩy sỏi thận ra ngoài và phòng ngừa tái phát, chúng ta nguyên nhân, cách sỏi thận được hình thành. Có như vậy thì việc điều trị và ngăn ngừa tái phát mới thực sự mang lại hiệu quả.
Sỏi thận được hình thành do sự kết dính của các muối và khoáng chất trong nước tiểu tạo thành tinh thể cứng. Các yếu tố chính gây ra hiện tượng này gồm nước tiểu bị cô đặc, nồng độ khoáng chất trong nước tiểu cao, chất ức chế tạo sỏi giảm.
Nguyên nhân gây sỏi thận thường gặp gồm:
- Uống không đủ nước khiến cho nước tiểu bị cô đặc
- Chế độ ăn nhiều muối khiến cơ thể tăng đào thải Na+, Ca+
- Chế độ ăn nhiều đạm làm tăng nồng độ pH, bài tiết Ca, giảm hấp thu Citrate
- Bổ sung Calcium, Vitamin C vào cơ thể sai cách
- Hậu quả gây ra do một số bệnh lý đường tiêu hóa
- Yếu tố gia đình khi bệnh nhân có người nhà bị sỏi thận
- Bệnh bẩm sinh hoặc dị dạng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng tiết niệu
- Bệnh nhân béo phì có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn
- Làm việc trong môi trường lao động nóng, ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận
Nguyên nhân hình thành sỏi thận trong cơ thể rất đa dạng (Ảnh minh họa internet)
Sỏi thận kích thước bao nhiêu thì phải lấy, đẩy ra ngoài?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào kích thước của sỏi. Với những trường hợp sỏi nhỏ, chỉ cần bổ sung nước, tăng cường vận động là sỏi đã có thể tự đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, cách đẩy sỏi thận ra ngoài này không được áp dụng phổ biến do đa phần sỏi đều được phát hiện khi đã ở kích thước lớn.
Với những sỏi thận đã tồn tại lâu, kích thước lớn gây đau, hẹp đường tiết niệu, rất khó để tự đào thải ra ngoài. Theo các chuyên gia, các phương pháp điều trị dựa trên kích cỡ sỏi cơ bản như sau:
- Dưới 4mm, 80% có thể tự đào thải ra ngoài theo con đường tự nhiên trong khoảng 31 ngày mà không cần sử dụng thuốc.
- Từ 4 - 6mm, 60% tự đào thải theo con đường tự nhiên trong khoảng 45 ngày và có thể cần điều trị.
- Trên 6mm: Khả năng đào thải theo con đường tự nhiên khoảng 20% và bệnh nhân thường phải dùng thuốc để làm thông thoáng đường tiểu giúp tống sỏi ra ngoài.
- Khoảng 1cm: Nếu sỏi không quá cứng, bệnh nhân sẽ được chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể để hạn chế xâm lấn.
- Khoảng 2cm: Bác sĩ sẽ kiểm tra chi tiết để lựa chọn phương án mổ nội soi hoặc mổ hở để lấy sỏi ra ngoài.
Sỏi thận to làm nghẽn và gây đau thường phải can thiệp phẫu thuật (Ảnh minh họa internet)
Xem thêm: Khám sức khỏe du học và giấy khám sức khỏe đi học mới nhất
Các phương pháp điều trị sỏi thận được sử dụng phổ biến
Đa số bệnh nhân đến khám khi có triệu chứng đau, rát nên kích thước sỏi đã tương đối, không thể tự đào thải ra ngoài. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Dưới đây là những cách điều trị, cách đẩy sỏi thận ra ngoài đang được áp dụng phổ biến. Tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
Điều trị nội khoa, giảm đau do sỏi thận
Các phương pháp điều trị nội khoa được áp dụng chủ yếu để giảm các cơn đau quặn thận do sỏi gây chèn ép, cụ thể như sau:
- Giảm lượng nước uống vào khi đang có những cơn đau quặn thận.
- Dùng thuốc giảm đau: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid thường được sử dụng trong trường hợp này.
- Thuốc giãn cơ: Thường dùng TTM Buscopan, Drotaverin…để làm giảm co thắt ở đường tiết niệu.
- Kháng sinh: Được dùng khi có dấu hiệu nhiễm trùng, với các loại như Cephalosporin thế hệ 3, Quinolon và các Aminosid...
Cách đẩy sỏi thận ra ngoài dựa bằng phương pháp nội khoa, theo từng loại sỏi:
- Với sỏi nhỏ, trơn láng: Thực hiện tăng dòng nước tiểu bằng thuốc lợi tiểu, uống nhiều nước để đẩy sỏi ra ngoài bằng nhu động niệu quản. Ngoài ra còn có thể kết hợp cùng thuốc chống viêm không steroid để làm thông thoáng đường tiểu.
- Với sỏi acid uric (không cản quang): Cho bệnh nhân uống trên 2 lít nước mỗi ngày, loại bỏ rượu bia, chất kích thích, giảm lượng đạm. Ngoài ra cũng có thể kiềm hóa nước tiểu bằng Bicarbonate de Sodium, ức chế purine bằng Allopurinol để làm tan dần sỏi rồi tống ra ngoài.
Điều trị nội khoa bằng thuốc để giảm cơn đau quặn thận (Ảnh minh họa internet)
6 cách đẩy sỏi thận ra ngoài bằng công nghệ hiện đại
Khi điều trị nội khoa không có hiệu quả với các cơn đau quặn thận, bệnh nhân thường được chỉ định áp dụng một trong các cách đẩy sỏi thận ra ngoài dưới đây:
- Tán sỏi bằng sóng xung kích (ESWL): Phương pháp này sẽ thông qua sóng xung kích để tán nhỏ viên sỏi sau đó đẩy ra ngoài theo đường tiết niệu. Cách này ít gây đau đớn, ít ảnh hưởng đến thận và bệnh nhân phục hồi nhanh.
- Tán sỏi thận qua da: Phương pháp này ít gây tổn thương cho thận, khả năng làm sạch sỏi cao, thường dùng với sỏi 1 - 2 cm. Ở đây sẽ sử dụng tia laser, xung hơi hoặc siêu âm để tán nhỏ sỏi sau đó hút ra ngoài.
- Nội soi niệu quản: Được sử dụng ở các trường hợp không thể tán sỏi hoặc tán không thành công. Bác sĩ sẽ đưa một ống soi vào niệu đạo, lên vị trí sỏi để tán và gặp ra ngoài.
- Nội soi tán sỏi bằng ống mềm: Sử dụng một ống mềm tiếp cận đến vị trí sỏi rồi thông qua laser để phá vỡ. Phương pháp được sử dụng trong trường hợp sỏi thận đài dưới gây hẹp, sỏi bị tái phát...
- Nội soi tán sỏi bằng ống cứng: Có thể dùng để điều trị sỏi ở nhiều vị trí khác nhau, nhất là 1/3 giữa và dưới, kích thước trên 10mm.
- Phẫu thuật mở: Phương pháp này hiện không còn được sử dụng nhiều do các kỹ thuật nội soi mang đến nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên mổ mở vẫn được dùng khi sỏi có kích thước quá lớn. Người bệnh cần 4 - 6 tuần để hồi phục.
Sử dụng sóng xung kích để tán nhỏ sỏi sau đó để cơ thể tự tống sỏi ra ngoài (Ảnh minh họa internet)
Điều trị dự phòng, giảm hình thành sỏi thận
Soi thận thường rất dễ bị tái lại, khó loại bỏ hoàn toàn. Vì thế, ngoài áp dụng các cách đẩy sỏi thận ra ngoài, bác sĩ thường cho bệnh nhân điều trị dự phòng thông qua các phương pháp sau:
- Uống đủ nước, đảm bảo nước tiểu nhiều hơn 2 lít. Nếu làm việc, chơi thể thao thì cần bù đủ lượng nước đã mất đi.
- Uống nước kết hợp với các môn thể thao, vận động để làm bong viên sỏi dính ở niêm mạc thận.
- Đi tiểu đủ, luôn kiểm tra và đảm bảo nước tiểu đi ra trắng trong.
- Tránh tăng canxi vô căn: Duy trì chế độ ăn với lượng muối, protein ở mức bình thường, canxi 800 – 1000 mg/ngày.
- Ngăn hình thành sỏi uric: Giảm cung cấp các chất có nhiều nhân purine, kiềm hóa để duy trì pH trong khoảng 6,5 - 7.
- Có nhiễm trùng: Sau khi đã loại bỏ sỏi, bệnh nhân tiếp tục sử dụng kháng sinh theo chỉ định.
- Với sỏi Cystin: Uống nhiều nước, khoảng 3 lít/ngày, duy trì pH niệu 7,5- 8 theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xem ngay: Khám tổng quát chuyên sâu tại Bệnh viện Gia An 115
Qua những thông tin mà bài viết chia sẻ, bạn có thể thấy các cách đẩy sỏi thận ra ngoài hiện nay rất hiện đại, ít xâm lấn. Do đó, bệnh nhân không còn gặp quá nhiều khó khăn khi điều trị như trước. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên chủ quan mà cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.