Cách trị ngứa mắt do dị ứng và thông tin bệnh lý bạn nên biết
Ngứa mắt do dị ứng có thể xảy ra trên nhiều đối tượng và không nguy hiểm. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu bạn tuân thủ đúng cách trị ngứa mắt do dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng quan về bệnh, cách điều trị và hướng dẫn phòng ngừa hiệu quả.
Ngứa mắt do dị ứng là gì?
Ngứa mắt là triệu chứng thường gặp khi mắt bị kích ứng, có thể là do dị ứng, tác động của môi trường, vi khuẩn, virus, khô mắt hay thậm chí là căng thẳng... Trong đó, dị ứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngứa mắt.
Ngứa mắt do dị ứng thường là triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng. Kết mạc là một màng mỏng trong suốt bao phủ toàn bộ phần trước nhãn cầu và bao phủ mặt trong của mi mắt. Bộ phận này có chức năng giúp bảo vệ mắt khỏi những tác hại như khói, vi khuẩn, các chất gây dị ứng trong không khí, cũng như tác hại của nắng và gió.
Ngứa mắt là một biểu hiện của bệnh lý viêm kết mạc dị ứng (Ảnh minh họa internet)
Viêm kết mạc là tình trạng kết mạc bị viêm, nhiễm trùng với các triệu chứng như đỏ, sưng và tiết dịch để chống lại những tác nhân gây kích ứng. Kết mạc có chứa một số lượng lớn tế bào từ hệ thống miễn dịch, giải phóng các chất hóa học để đáp ứng với nhiều loại dị nguyên như phấn hoa, bào tử nấm, bụi... Những chất trung gian này gây viêm ở mắt có thể trong thời gian ngắn hoặc dài.
Ngứa mắt do dị ứng và viêm kết mạc dị ứng
Ngứa mắt là một biểu hiện của viêm kết mạc dị ứng với các hình thái:
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính là hình thái dị ứng nhanh khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên. Dị nguyên thường là các mỹ phẩm lạ, thuốc tra mắt, hóa chất, bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc trong không khí. Bệnh có xu hướng xuất hiện cao điểm vào mùa xuân, cuối hè hoặc chớm thu.
Viêm kết giác mạc mùa xuân
Viêm kết giác mạc mùa xuân cũng là một hình thái của bệnh lý viêm kết mạc dị ứng. Bệnh gặp chủ yếu ở nam giới, tuổi thanh thiếu niên. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em vào khoảng 4-5 tuổi, tiến triển mạn tính, thường tái phát theo mùa và có những đợt kịch phát.
Bệnh có cơ chế dị ứng rõ ràng, các dị nguyên thường gặp bao gồm: phấn hoa, bụi nhà… Chính vì vậy, viêm kết giác mạc mùa xuân có mối liên hệ mật thiết với sự thay đổi thời tiết khi giao mùa, ánh nắng. Ngoài ra, bệnh còn có liên quan đến các yếu tố như thay đổi nội tiết và yếu tố di truyền.
Hình ảnh ngứa mắt do dị ứng (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: Gói khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Dị ứng ngứa mắt có nguy hiểm không?
Bệnh viêm kết mạc dị ứng không chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh mà còn có thể gây ra một số tổn thương cho mắt như:
Gây tổn thương giác mạc
Người bệnh có thể bị loét giác mạc. Đây là tình trạng giác mạc bị nhiễm trùng khiến các mô giác mạc bị phá hủy, các tổ chức khác tại đây bị tổn thương dẫn tới một hoặc nhiều ổ loét. Triệu chứng khi loét giác mạc bao gồm:
- Mắt sẽ gặp tình trạng sưng đỏ, nhiều ghèn, ghỉ mắt màu trắng hoặc vàng
- Khi nhắm và mở mắt thấy cảm giác cộm
- Chảy nước mắt nhiều hơn bình thường
- Thị giác nhìn mờ, nếu tiến triển nặng bệnh nhân chỉ thấy ánh sáng mà không nhìn rõ vật
Ngoài ra, các tổn thương giác mạc khác mà người bệnh có thể gặp như loét thủng giác mạc, sẹo giác mạc.
Biến chứng do dùng thuốc có Corticoid
Ngứa mắt do dị ứng có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, việc sử dụng thuốc có chứa Corticoid có thể làm tăng nguy cơ tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Đây cũng là biến chứng nghiêm trọng của viêm kết mạc dị ứng, người bệnh nên cảnh giác.
Ngứa mắt do dị ứng có thể xảy ra ở mọi đối tượng (Ảnh minh họa internet)
Nhận biết sớm triệu chứng bệnh để kịp thời điều trị
Tùy hình thái bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau, cụ thể:
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính
Ngứa mắt do viêm kết mạc dị ứng cấp tính xảy ra ngay sau khi tiếp xúc với các dị nguyên. Các triệu chứng như sau:
- Triệu chứng cơ năng: cảm giác bỏng rát trong mắt, ngứa mắt, đau, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhiều khi không mở được mắt.
- Dấu hiệu thực thể: mi sưng nề, mọng đỏ, kết mạc cương tụ, phù nề mọng nước, chảy nhiều dịch, tiết tố nhầy, phát triển nhú to trên kết mạc sụn mi, đôi khi xuất hiện viêm giác mạc chấm.
Ngứa mắt do dị ứng gây sưng đỏ (Ảnh minh họa internet)
Viêm kết mạc mùa xuân
Bên cạnh tình trạng ngứa mắt do dị ứng, bệnh lý đi kèm một số triệu chứng sau:
- Triệu chứng cơ năng: Ngứa, thường xuất hiện thành từng cơn vào những giờ nhất định; cảm giác như có dị vật trong mắt, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giảm thị lực; dử mắt nhiều, có đặc điểm dính, dai và có thể kéo thành sợi.
- Dấu hiệu thực thể: các tổn thương đặc hiệu như nhú viêm hình đa giác, viêm giác mạc chấm nông (hết đi khi đợt viêm cấp được điều trị ổn định), màng máu giác mạc, loét giác mạc.
Cách trị ngứa mắt do dị ứng là gì?
Viêm kết mạc dị ứng với triệu chứng ngứa mắt sẽ điều trị theo nguyên tắc sau: loại trừ tác nhân gây dị ứng, chống dị ứng tại chỗ và toàn thân.
Điều trị bằng thuốc nhỏ
Điều trị ngứa mắt do dị ứng bằng thuốc nhỏ được sử dụng đối với các trường hợp cấp tính và cần giảm triệu chứng tại chỗ. Thuốc nhỏ mắt có chứa các chất kháng histamin để dùng cho trường hợp ngứa mắt nhẹ.
Ngoài ra, tùy tình trạng mà có thể sử dụng thuốc kháng sinh nhỏ mắt, thuốc co mạch (hoặc phối hợp cả thuốc co mạch và kháng histamin để làm giảm nhanh triệu chứng đỏ mắt và ngứa mắt). Các này đều cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
Điều trị bằng thuốc uống
Nếu viêm kết mạc dị ứng có thêm triệu chứng ở mũi và tai bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc uống kháng histamin. Loại thuốc này giúp giảm tình trạng dị ứng ở mắt và các vùng bị dị ứng khác trên cơ thể.
Cách trị ngứa mắt do dị ứng thường là sử dụng thuốc (Ảnh minh họa internet)
Thuốc bôi
Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc tra mắt trong các trường hợp sung huyết, đỏ, sưng, ngứa, chảy nước mắt. Các thuốc bôi sẽ được chỉ định tùy vào từng trường hợp người bệnh, không được lạm dụng.
Phối hợp chăm sóc tại nhà
Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, bạn nên thực hiện chăm sóc tại nhà đúng cách. Cụ thể:
- Người bệnh ngứa mắt dị ứng cần sử dụng nước muối sinh lý hàng ngày để loại bỏ các dị nguyên và giảm kích ứng
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như bụi, phấn hoa, động vật, côn trùng
- Không dụi tay lên mắt và hãy đeo kính thường xuyên khi đi ra ngoài
- Hạn chế trang điểm lên mắt, nên sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc chườm lạnh khi mắt bị dị ứng.
Xem thêm: Khám tổng quát tầm soát ung thư? Bác sĩ tư vấn cụ thể
Bệnh lý viêm kết mạc dị ứng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, trong đó có ngứa mắt. Trong bài viết đã cung cấp thông tin về cách trị ngứa mắt do dị ứng để bạn tìm hiểu. Quan trọng nhất, bạn nên thăm khám ngay khi có dấu hiệu bệnh lý để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.