Cảm cúm nên uống thuốc gì? Hướng dẫn phòng tránh bệnh
Cảm cúm là bệnh lý lây nhiễm đường hô hấp thường xuất hiện vào các thời điểm mùa đông xuân. Bệnh cảm cúm có thể đi kèm những triệu chứng khó chịu và gây mệt mỏi. Vậy cảm cúm nên uống thuốc gì? Cách phòng ngừa như thế nào? Trong bài viết, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin giải đáp chi tiết.
Bệnh cảm cúm là gì?
Cảm cúm hay cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là chủng cúm A và B.
Bệnh cảm cúm tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính. Đặc biệt là những đối tượng mắc bệnh tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh cảm cúm nếu không được điều trị đúng phác đồ sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng dẫn đến suy đa phủ tạng và tử vong.
Nguyên nhân gây cảm cúm
Virus cảm cúm Myxovirus influenzae chính là nguyên nhân gây bệnh. Virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, họng và phổi. Theo nghiên cứu dịch tễ, các chủng virus cúm có khả năng biến đổi liên tục theo thời gian, do đó người mắc đợt trước vẫn có thể mắc đợt sau do lây nhiễm với các chủng cúm mới.
Virus là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cảm cúm (Ảnh minh họa internet)
Tại Việt Nam, thường gặp 3 chủng virus cúm bao gồm: A, B và C, trong đó thường gặp nhất là chủng cúm A và B. Bệnh cảm cúm có khả năng lây nhiễm nhanh chóng và có thể bùng phát thành dịch. Thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường là yếu tố thuận lợi để virus phát triển mạnh mẽ và gây bệnh.
Điểm danh các triệu chứng cảm cúm
Cảm cúm gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng cảm cúm sau khi 48 - 72 giờ tiếp xúc với virus gây bệnh. Triệu chứng thường gặp đầu tiên của cảm cúm là sốt trên 38 độ C. Trẻ em khi mắc cảm cúm thường sẽ sốt cao hơn người lớn. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng điển hình sau:
- Cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi
- Đau đầu, đau cơ
- Mệt mỏi
- Ho khan
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
Bệnh cúm gây ra các triệu chứng khó chịu (Ảnh minh họa internet)
Hầu hết các triệu chứng của bệnh cảm cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cảm cúm có thể tiến triển nặng và có thể gây tử vong. Nếu có dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm chuyển biến nặng
Cảm cúm biến chứng nặng có các triệu chứng bệnh đơn thuần và đi kèm các biểu hiện sau:
- Sốt cao và rất cao, khó thở, tím tái
- Có tổn thương phổi với các biểu hiện suy hô hấp: thở nhanh, khó thở, spO2 giảm
- Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, suy đa phủ tạng
- Các triệu chứng tăng nặng lên ở người có bệnh lý mạn tính kèm theo như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy gan, suy thận, đái tháo đường, bệnh tim mạch...
Chuyên gia cảnh báo các đối tượng có nguy cơ xuất hiện biến chứng nặng khi mắc cảm cúm bao gồm:
- Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải
- Người già trên 65 tuổi
- Phụ nữ có thai
- Người lớn mắc các bệnh mạn tính
- Người bệnh suy giảm miễn dịch (đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS).
Xem thêm: Dịch vụ khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Người bệnh cảm cúm nên uống thuốc gì?
Người bệnh nghi ngờ cảm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm cần được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Sau khi được thực hiện các kiểm tra, bác sĩ sẽ nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.
Cảm cúm nên uống thuốc gì là vấn đề băn khoăn của nhiều người bệnh. Theo bác sĩ, một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh cảm cúm bao gồm:
Thuốc kháng virus
Dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm A hoặc B có biến chứng hoặc yếu tố nguy cơ. Thuốc kháng virus được chỉ định hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir.
Liều lượng Oseltamivir được tính theo lứa tuổi và cân nặng, thời gian điều trị kéo dài 5 ngày. Cụ thể:
Người lớn và trẻ em > 13 tuổi sử dụng 75mg x 2 lần/ngày
Trẻ em 1 đến 13 tuổi sử dụng như sau:
- Cân nặng từ 15kg trở xuống: 30mg x 2 lần/ngày
- Cân nặng từ 15-23 kg: 45mg x 2 lần/ngày
- Cân nặng 23-40kg sử dụng 60mg x 2 lần/ngày
- Cân nặng trên 40kg sử dụng 75mg x 2 lần/ngày
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (Ảnh minh họa internet)
Trẻ em dưới 12 tháng tuổi sử dụng thuốc như sau:
- 0 - 1 tháng tuổi sử dụng 2 mg/kg x 2 lần/ngày
- Từ 1-3 tháng tuổi sử dụng 2,5 mg/kg x 2 lần/ngày
- Từ 3-12 tháng tuổi sử dụng 3 mg/kg x 2 lần/ngày
Trong trường hợp người bệnh đáp ứng chậm hoặc kháng Oseltamivir, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Zanamivir dạng hít. Liều lượng sử dụng theo quy định như sau:
- Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi sử dụng 10mg x 2 lần/ngày
- Trẻ em từ 5-7 tuổi sử dụng 10mg x 1 lần/ ngày
Một số loại thuốc hỗ trợ
Bên cạnh sử dụng thuốc kháng virus theo quy định y khoa, bác sĩ sẽ căn cứ theo triệu chứng của người bệnh và chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ khác. Cụ thể:
- Thuốc hạ sốt được chỉ định sử dụng khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C
- Điện giải: Người bệnh cần bổ sung nhiều nước hoặc điện giải để phòng tránh mất nước khi bị sốt. Oresol thường được chỉ định trong trường hợp cần được bù nước.
- Thuốc chống dị ứng trong trường hợp viêm mũi, ho khan, viêm xoang, chảy nước mũi nhiều
Người bệnh lưu ý không tự ý sử dụng thuốc tại nhà để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Trước khi sử dụng bất cứ các loại thuốc điều trị bệnh cảm cúm nào cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Hướng dẫn phòng tránh bệnh cảm cúm
Để phòng lây nhiễm cảm cúm, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, đặc biệt là những vùng đang xuất hiện dịch cúm
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách với xà phòng
- Vệ sinh hô hấp khi ho khạc bằng nước muối sinh lý
- Tránh tiếp xúc với những người bệnh đang nghi ngờ mắc cảm cúm
- Nếu gia đình có người bệnh mắc bệnh cần được cách ly ở buồng riêng, đeo khẩu trang trong thời gian điều trị
- Quần áo của người bệnh không được giặt chung với cả gia đình
- Mỗi gia đình nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm để phòng tránh bệnh hoặc giảm nhẹ triệu chứng khi mắc bệnh
- Một số đối tượng cần đặc biệt chú ý thực hiện tiêm phòng cảm cúm hàng năm bao gồm: trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, nhân viên y tế, người bệnh mạn tính, người cao tuổi, người có kế hoạch mang thai, đối tượng bị suy giảm miễn dịch...
- Nâng cao sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất để phòng bệnh hiệu quả
Tiêm vacxin để phòng bệnh hiệu quả (Ảnh minh họa internet)
Xem thêm: Khám sức khỏe du học và giấy khám sức khỏe đi học mới nhất
Bệnh cảm cúm nằm trong nhóm bệnh lây nhiễm xuất hiện phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh có thể điều trị được và không gây biến chứng nguy hiểm nặng nề. Bài viết đã cung cấp thông tin giải đáp câu hỏi “Cảm cúm nên uống thuốc gì?”. Bên cạnh đó, bạn nên tham khảo thêm các phương pháp phòng bệnh cảm cúm hiệu quả để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và gia đình.