Hotline: 1800 9045

Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là đủ? Những lưu ý khi chạy thận

Khi chức năng lọc máu của thận suy giảm nghiêm trọng, người bệnh không còn lựa chọn nào khác ngoài điều trị thay thế như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. Trong đó, chạy thận nhân tạo là phương pháp phổ biến, được áp dụng rộng rãi ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối để duy trì sự sống.

Tuy nhiên, một trong những câu hỏi mà người bệnh thường trăn trở là: chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là đủ? Có phải ai cũng phải chạy 3 lần mỗi tuần? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng thận và tình trạng cá thể của từng bệnh nhân.

Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là đủ

Suy thận giai đoạn mấy phải chạy thận nhân tạo?

Bệnh thận mạn (suy thận) là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài, không thể hồi phục hoàn toàn. Bệnh tiến triển qua 5 giai đoạn, được đánh giá bằng chỉ số độ lọc cầu thận (GFR).

Ở giai đoạn 4 (GFR từ 15–29 ml/phút/1,73 m²), chức năng thận đã giảm đáng kể. Người bệnh cần được theo dõi sát để chuẩn bị điều trị thay thế, bao gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Sang giai đoạn 5 – giai đoạn cuối (GFR < 15 ml/phút/1,73 m²), thận gần như mất hoàn toàn khả năng lọc máu. Lúc này, người bệnh bắt buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc lựa chọn phương pháp thay thế khác để duy trì sự sống.

Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là đủ?

Theo hướng dẫn chuyên môn, phần lớn người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối cần chạy thận 3 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 4 giờ, xen kẽ cách ngày. Đây là tần suất điều trị tiêu chuẩn, đảm bảo cơ thể được lọc đủ lượng chất độc và dịch dư thừa, giúp duy trì huyết áp ổn định, hạn chế phù, khó thở hoặc nhiễm độc niệu.

Tuy nhiên, tần suất lọc máu không giống nhau ở tất cả người bệnh. Một số trường hợp chỉ cần chạy 2 lần mỗi tuần, thậm chí 1 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, số người chạy thận 1 lần mỗi tuần rất hiếm, chỉ áp dụng với trường hợp còn khả năng đi tiểu, nồng độ độc tố trong cơ thể thấp hoặc vừa phải. Hoặc bệnh nhân điều trị lọc màng bụng lâu năm, chức năng màng bụng suy giảm, lọc không còn hiệu quả, được chỉ định bổ sung chạy thận nhân tạo 1 lần mỗi tuần hoặc mỗi tháng nhằm nâng cao hiệu quả lọc độc tố.

Ngược lại, có những trường hợp đặc biệt phải chạy 4–5 lần mỗi tuần do không tuân thủ tốt chế độ dinh dưỡng, ăn uống không kiêng khem dẫn đến dư nước nhiều, nồng độ creatinine máu và kali máu cao, phải tăng tần suất chạy thận đến khi các chỉ số này trở về mức an toàn mới điều chỉnh lại 3 lần/tuần.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tần suất chạy thận mỗi tuần

Việc chỉ định chạy thận bao nhiêu lần một tuần được bác sĩ cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố:

Chức năng thận còn lại (Residual Kidney Function – RKF)

Nếu người bệnh vẫn còn lượng nước tiểu đáng kể, chức năng thận còn hoạt động phần nào, có thể được chỉ định lọc máu 1–2 lần mỗi tuần.

Chỉ số ure máu, creatinine, kali huyết thanh

Khi các chỉ số này tăng cao, việc lọc máu cần được thực hiện thường xuyên để hạn chế nguy cơ ngộ độc và rối loạn điện giải.

Tình trạng phù hoặc quá tải dịch

Nếu người bệnh ăn mặn, uống nhiều nước dẫn đến phù toàn thân, phù phổi, bác sĩ có thể chỉ định tăng số lần chạy thận lên 4–5 lần/tuần cho đến khi cân bằng dịch ổn định.

Phương pháp điều trị phối hợp

Người đã điều trị lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) trong thời gian dài, khi màng bụng không còn hoạt động hiệu quả, có thể được bổ sung chạy thận nhân tạo 1 lần/tuần hoặc vài lần/tháng.

Mức độ tuân thủ chế độ dinh dưỡng – sinh hoạt

Người kiểm soát ăn uống tốt, hạn chế muối, kali và nước có thể duy trì tần suất lọc thấp hơn so với người không tuân thủ.

Vì sao không nên bỏ hoặc dồn lịch chạy thận?

Nhiều người bệnh vì lý do công việc, sức khỏe hoặc hoàn cảnh tài chính mà tự ý đổi lịch chạy thận, rút ngắn thời gian điều trị hoặc dồn lịch lọc máu. Đây là hành động tiềm ẩn nhiều rủi ro:

  • Tăng nguy cơ tích tụ độc tố, ure, kali trong máu
  • Dễ dẫn đến tăng huyết áp, phù phổi, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong
  • Làm giảm hiệu quả điều trị, tăng biến chứng tim mạch và nhiễm trùng

Khi có nhu cầu điều chỉnh lịch lọc máu, người bệnh cần báo bác sĩ để được đánh giá và lên kế hoạch phù hợp, tuyệt đối không tự ý thay đổi.

Làm thế nào để duy trì sức khỏe khi phải chạy thận nhiều lần mỗi tuần?

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và duy trì sức khỏe ổn định trong quá trình lọc máu kéo dài, người bệnh nên lưu ý:

Tuân thủ đúng thời gian và lịch lọc máu

Mỗi buổi lọc máu cần thực hiện đủ thời gian (khoảng 4 giờ), đúng tần suất bác sĩ đã chỉ định, không tự ý rút ngắn hoặc bỏ buổi.

Kiểm soát chế độ ăn và lượng nước nạp vào

Hạn chế muối, kali, phốt-pho (trong trái cây, rau xanh, thịt đỏ…), bổ sung protein chất lượng cao theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng. Tránh uống quá nhiều nước để không gây quá tải dịch, ảnh hưởng đến tim và phổi.

Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là đủ

Duy trì trọng lượng khô ổn định

Trọng lượng khô là cân nặng sau khi lọc hết dịch dư thừa. Việc giữ ổn định trọng lượng này giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, khó thở và kéo dài thời gian sống.

Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn

Người bệnh có thể được kê thêm thuốc chống tăng huyết áp, thuốc bổ sung sắt, thuốc ngừa ngứa hoặc thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Không tự ý ngưng hoặc đổi thuốc. Tránh dùng các loại thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Theo dõi sức khỏe thường xuyên

Thay đổi cân nặng, huyết áp, xuất hiện triệu chứng bất thường như buồn nôn, khó thở, tê chân, mệt mỏi, sốt... cần được báo cho bác sĩ điều chỉnh kế hoạch điều trị nếu cần.

Giữ vệ sinh đường vào mạch máu

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu vực đặt catheter để phòng tránh nhiễm trùng.

Lọc máu HDF Online – hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn

Tại Đơn vị Thận Nhân tạo – Bệnh viện Gia An 115, người bệnh được điều trị lọc máu trong điều kiện an toàn, có đội ngũ bác sĩ Thận – Lọc máu theo dõi sát từng ca bệnh. Ngoài phương pháp lọc máu thường quy, bệnh viện có triển khai kỹ thuật HDF Online xen kẽ theo chỉ định lâm sàng.

HDF Online là kỹ thuật lọc máu tiên tiến, giúp loại bỏ hiệu quả các độc tố có trọng lượng phân tử trung bình và lớn mà phương pháp lọc máu thông thường khó có thể đào thải. Nhờ khả năng làm sạch máu ưu việt, HDF Online mang lại các lợi ích thiết thực:

  • Bảo vệ tim mạch và xương khớp: Hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng tim mạch và các bệnh lý về xương, giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
  • Cải thiện chất lượng sống: Giảm rõ rệt các triệu chứng mệt mỏi, ngứa, chán ăn và thiếu máu, giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn và năng động hơn.

Chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là đủ

Tại Bệnh viện Gia An 115, mỗi bệnh nhân sẽ được thiết kế một phác đồ riêng biệt, kết hợp linh hoạt để tối ưu hiệu quả và đảm bảo an toàn cao nhất.

Như vậy, chạy thận bao nhiêu lần 1 tuần là vấn đề không thể áp dụng chung cho tất cả. Mỗi người bệnh sẽ có kế hoạch điều trị riêng, được cá thể hóa dựa trên chức năng thận còn lại, mức độ tích tụ độc tố, khả năng kiểm soát ăn uống và nhiều yếu tố khác.

Điều quan trọng là tuân thủ chặt chẽ lịch điều trị, theo dõi sức khỏe định kỳ và trao đổi thường xuyên với bác sĩ để điều chỉnh kịp thời. Nếu được lọc máu đúng – đủ, kết hợp chế độ sinh hoạt hợp lý và tinh thần lạc quan, người bệnh vẫn có thể sống khỏe, kéo dài thời gian sống và kiểm soát tốt bệnh tật.

Xem thêm: Ưu đãi cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ

Xem thêm: Bệnh viện Gia An 115 ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chạy thận nhân tạo

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886