Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường - một trong những căn bệnh thời đại hiện nay rất nhiều người đang mắc phải và dần có xu hướng trẻ hóa. Nhiều bác sĩ dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày luôn là ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh đái tháo đường. Vậy chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh đái tháo đường như thế nào là hợp lý?
Mời bạn tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường.
1. Bệnh đái tháo đường là bệnh gì?
Đái tháo đường (Diabetes) hay còn gọi là tiểu đường - một căn bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt hormone insulin (được tiết ra từ tuyến tụy), làm cho cơ thể không thể hấp thu đường vào tế bào để chuyển hóa chúng thành năng lượng, khiến lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường.
Đái tháo đường được phân chia thành nhiều loại, nhưng chủ yếu có 2 thể thường gặp như sau:
- Đái tháo đường tuýp 1 (Tiểu đường phụ thuộc insulin): Do tế bào beta tụy bị phá hủy khiến hormone insulin không được tiết ra hoặc được tiết rất ít, không đủ để điều hòa lượng đường trong máu.
- Đái tháo đường tuýp 2 (Tiểu đường không phụ thuộc insulin): Ở thể bệnh này, tuy tuyến tụy vẫn tiết ra insulin bình thường, nhưng cơ thể không thể duy trì nồng độ đường trong máu một cách ổn định do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
Bệnh tiểu đường khi không được kiểm soát có thể làm tổn thương các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể có thể kể đến như mạch máu, tim, thần kinh, thận, mắt… là tiền đề gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng các bệnh lý về tim mạch, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương võng mạc,… thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ gây tử vong.
Xem thêm: Những loại rau người tiểu đường không nên ăn. Giải đáp
2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường
Đối với những người bệnh tiểu đường, chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc hỗ trợ điều trị căn bệnh mãn tính không lây này.
Một chế độ ăn lành mạnh dành cho người đái tháo đường cũng cần đầy đủ và cân đối nhu cầu các chất dinh dưỡng cùng với một số lưu ý:
- Hạn chế chất bột đường (carbohydrate), nhưng vẫn phải đảm bảo tỉ lệ cân đối với các chất đạm (Protein) – chất béo (Lipid) trong bữa ăn.
- Hạn chế hoặc sử dụng vừa phải các chất béo (hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều các acid béo bão hòa, thường có trong mỡ động vật).
- Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, ưu tiên các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) và chỉ số tải đường (GL) thấp, giàu vitamin, chất khoáng, chất xơ,… Hạn chế muối.
- Không có bất kỳ một loại thực phẩm nào mà người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không thể sử dụng, tuy nhiên cần hạn chế và sử dụng với số lượng phù hợp để có thể dễ dàng kiểm soát được tình trạng bệnh hiện tại.
- Tuyệt đối không bỏ bữa, phân bố thứ tự các bữa ăn hợp lý để tránh làm tăng đường huyết sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn.
- Kiểm soát cân nặng kết hợp duy trì tập thể dục đều đặn.
3. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường
Khi lựa chọn thực phẩm sử dụng cho người bệnh tiểu đường, nên ưu tiên:
- Chất bột đường (Carbohydrate): Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu carbohydrate phức hợp như khoai, bắp, các loại ngũ cốc nguyên cám,… Hạn chế các loại đường đơn và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao (mứt, kẹo, nước ngọt,…)
- Chỉ số đường huyết (GI): Đối với người bệnh đái tháo đường, chỉ số GI của thực phẩm là chỉ tiêu có lợi, giúp người bệnh có thể lựa chọn thực phẩm để sử dụng phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
Thứ tự ưu tiên sử dụng |
Chỉ số đường huyết (GI) |
Phân loại chỉ số đường huyết (GI) | Tần suất sử dụng |
1 | < 40% | Rất thấp | Thường xuyên |
2 | 40 – 55% | Thấp | Thường xuyên |
3 | 56 – 69% | Trung bình | Vừa phải |
4 | >= 70% | Cao | Thỉnh thoảng/ Hạn chế |
Bảng chỉ số GI của một số loại thực phẩm thông dụng
Nhóm thực phẩm | Tên thực phẩm | Chỉ số GI (%) |
Nhóm khoai củ, ngũ cốc |
Bánh mì trắng Bánh mì đen Miến dong Gạo trắng Gạo lứt Khoai sọ Khoai lang Củ từ |
100 99 95 83 72 58 54 51 |
Nhóm trái cây |
Dưa hấu Cam Xoài Chuối Táo Nho Cherry |
72 66 55 53 53 43 24 |
Nhóm sữa |
Sữa chua Kem |
52 52 |
Nhóm đường |
Mật ong Đường kính |
98 86 |
- Chất béo (Lipid): Đối với chất béo, nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm chứa các acid béo không no (thường có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu mè,…) và hạn chế các acid béo no (có nhiều trong mỡ động vật).
- Chất đạm (Protein): Phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm chứa nhiều protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng,…) và thực vật (các loại ngũ cốc nguyên hạt, vừng lạc, các loại đậu đỗ,…)
- Chất xơ: Nên ăn nhiều loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ thường có nhiều trong các loại rau, củ, các loại ngũ cốc nguyên hạt,…
3.1 Thực phẩm nên dùng
- Người tiểu đường ăn gì thay cơm? Thực phẩm giàu carbohydrate phức: gạo lứt, bánh mì đen, các loại ngũ cốc nguyên cám,…
- Các loại đậu đỗ như đậu nành, đậu phụ,…
- Các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật ít béo như thịt nạc, cá nạc,…
- Các loại dầu thực vật (dầu hướng dương, dầu nành,…)
- Các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp và trung bình: thanh long, mận, dưa chuột, đu đủ, thơm, nho,…
- Các loại sữa/ chế phẩm từ sữa có chỉ số đường huyết thấp: sữa đậu nành không đường, sữa tươi không đường, sữa dành cho người đái tháo đường, sữa chua,…
3.2 Thực phẩm không nên dùng/ hạn chế sử dụng
- Các loại thực phẩm chứa nhiều đường đơn: đường kính, mật ong, bánh kẹo, kem, nước ngọt, nước ép,…
- Các loại thực phẩm chứa nhiều các acid béo bão hòa, cholesterol: các loại mỡ động vật, lòng đỏ trứng gà, nội tạng động vật (óc, tim, gan,…), thức ăn chiên xào,…
- Các loại thức ăn nhanh và chế biến sẵn.
- Các loại quả có chứa hàm lượng đường cao: dưa hấu, nhãn, vải, hồng xiêm,…
- Các loại thực phẩm, nước uống có cồn.
- Người tiểu đường có ăn được khoai sọ không? Người tiểu đường cần hạn chế và thận trọng khi ăn khoai sọ. Bởi loại khoai này có chỉ số đường huyết là 58 và sẽ tăng lên khi nấu chín. Từ đó có thể làm tăng lượng đường huyết của người bị bệnh tiểu đường.
4. Một số quy tắc áp dụng đơn giản lượng thức ăn 1 bữa ăn hàng ngày
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đơn giản giúp người bệnh tiểu đường có thể nhanh chóng ước lượng và kiểm soát được lượng thức ăn trong 1 bữa dễ dàng:
4.1 Phương pháp dĩa thức ăn
Một trong những phương pháp được các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn cho người bệnh đái tháo đường nhiều nhất hiện nay để giúp họ tạo ra 1 bữa thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và kiểm soát được lượng đường huyết có thể nói đến là phương pháp dĩa thức ăn (plate method).
Tất cả những gì bạn cần chuẩn bị là một chiếc đĩa có đường kính từ 20-25cm, có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu.
Phương pháp dĩa thức ăn
a. ½ đĩa chứa rau củ
-
Rau củ có hàm lượng chất xơ cao, nhiều vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho người bệnh đái tháo đường và có tác dụng điều hòa đường huyết. Trong ½ đĩa này, bạn sẽ ưu tiên lựa chọn các loại rau củ ít tinh bột như: các loại rau củ có màu đậm (bông cải xanh, cải xoăn, cải thìa,…), dưa chuột, ớt chuông,…
Lưu ý: các loại khoai (khoai lang, khoai mỡ, khoai tây,…) không thuộc nhóm rau củ ít tinh bột.
b. ¼ đĩa chứa thực phẩm giàu protein
-
Luân phiên phối hợp đa dạng các loại thực phẩm chứa nhiều protein có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, trứng,...) và có nguồn gốc từ thực vật (các loại đậu đỗ, đậu hũ,…) vào ¼ dĩa này.
Lưu ý: Đối với các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, cần chú ý đến lượng mỡ có trong thực phẩm, hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
c. ¼ đĩa chứa nhóm thực phẩm tinh bột
-
Đây là nhóm thực phẩm người bệnh đái tháo đường cần hạn chế. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiểm soát được nếu đảm bảo lượng tinh bột trong bữa ăn nằm gọn trong ¼ dĩa/.
Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột phức có thể kể đến như: gạo, các loại khoai như khoai lang, khoai tây, các loại ngũ cốc nguyên cám, nguyên hạt,…
4.2 Nguyên tắc bàn tay Zimbabwe
Đối với nguyên tắc bàn tay Zimbabwe như sau:
- Nhóm thực phẩm giàu Carbohydrate: Chỉ nên ăn bằng 1 nắm tay các loại thực phẩm chứa nhiều chất bột đường như cơm, hủ tiếu, bún, mì, ngô,…
- Nhóm thực phẩm giàu Protein: Lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm giàu đạm, ăn 1 phần tương ứng với 1 lòng bàn tay và độ dày không quá ngón tay út.
- Nhóm rau: Sử dụng nhiều các loại rau củ ít tinh bột, ăn càng nhiều càng tốt, đầy cả 2 lòng bàn tay.
Số lượng dầu mỡ: giới hạn lượng chất béo bằng đốt đầu tiên của ngón cái (tương đương 1 muỗng cà phê 5ml). Ưu tiên sử dụng các loại dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật.
Xem ngay: Gói khám sức khỏe tổng quát chuyên sâu ở Hồ Chí Minh
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.
Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.
Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.
Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM
Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115
Cấp cứu: (028) 62 655 115