Hotline: 1800 9045

Tìm hiểu chi tiết cách hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não

Bạn có biết, nếu được kiểm soát tốt ngay từ sớm, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chấn thương sọ não mức độ nhẹ đến trung bình có thể giảm từ 50% xuống 36%. Con số này phần nào chứng minh được vai trò hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não và tầm quan trọng của nó. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết hơn về kỹ thuật này.

Tổng quan về tình trạng chấn thương sọ não

Chấn thương sọ não là những thương tích xảy ra ở vùng sọ và não do đầu bị va đập vào vật cứng. Sau chấn thương, người bệnh thường xuất hiện những tổn thương thứ phát như: phù não, tăng áp lực nội sọ, thiếu máu lên não. Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề sau điều trị. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chấn thương sọ não hôn mê ngay từ đầu lên đến 70%.

Theo các chuyên gia, khoang hộp sọ của người trưởng thành có thể tích khoảng 1,4-1,7 lít. Trong đó, tỷ lệ nhu mô não chiếm 80%, dịch não tủy 10% và máu 10%. Khi chấn thương sọ não xảy ra, người bệnh có thể gặp phải các loại tổn thương như sau:

  • Tổn thương nguyên phát: Bao gồm những tổn thương xảy ra ngay sau chấn thương như gãy, đứt hoặc xoắn mạch máu. Sự va đập mạnh còn có thể gây dập não dẫn đến tử vong. Ngoài ra, các tổn thương xoắn hoặc căng rách sợi trục lan tỏa thường để lại di chứng nặng nề và khó hồi phục.
  • Tổn thương thứ phát: Là những tổn thương gián tiếp, xuất hiện sau tổn thương ban đầu nhiều giờ hoặc nhiều ngày, điển hình như phù não, tụ máu não tiến triển, tăng áp lực nội sọ, nhiễm trùng nội sọ và co giật.

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân sọ não sẽ được đánh giá ý thức và phân cấp mức độ chấn thương theo thang điểm Glasgow Coma Scale. Mức điểm từ 13-15 cho thấy chấn thương sọ não nhẹ. Mức điểm 9-12 điểm cho thấy chấn thương sọ não trung bình và nhỏ hơn 9 điểm bao gồm những trường hợp chấn thương nặng.

Một nghiên cứu cho thấy, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương sọ não, chiếm khoảng 60,5% các trường hợp. Tình trạng chấn thương sọ não cũng có xu hướng phổ biến hơn ở nam giới (69,5%) và những người trong độ tuổi lao động (57,3%).

Tại Hoa Kỳ, ước tính mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người bị chấn thương sọ não, trong đó có 50.000 người tử vong. Tại Việt Nam, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2006, cả nước có 22.067 vụ tai nạn giao thông làm chết 11.628 người. Chấn thương sọ não là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn giao thông.

Chấn thương sọ não thường đe dọa tính mạng người bệnh (Ảnh minh họa internet)

Vì sao cần hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não?

Chấn thương ở vùng não bộ có t lệ đe dọa đến tính mạng người bệnh rất cao. Vì vậy, hoạt động hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân là cần thiết và cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Mục tiêu của việc hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não gồm:

  • Trấn an bệnh nhân và ổn định các chỉ số sinh tồn quan trọng như: huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, chống sốc và ngăn suy tạng.
  • Hỗ trợ và khôi phục tối đa các tổn thương nguyên phát của bệnh nhân.
  • Ngăn ngừa tổn thương thứ phát xuất hiện đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Giúp phục hồi tổn thương tốt hơn, hạn chế tối đa biến chứng và di chứng thần kinh cho người bệnh.

Tùy vào tình trạng cụ thể mà mỗi người bệnh cần áp dụng các biện pháp hồi sức khác nhau. Những bệnh nhân được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời sẽ có cơ hội sống sót và hồi phục cao hơn. Điều này lý giải vì sao hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não là kiến thức quan trọng mà bất kỳ ai cũng nên trang bị cho mình.

Hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não nhằm ngăn tổn thương thứ phát (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát trọn gói tại Bệnh viện Gia An 115

Nguyên tắc sơ cứu bệnh nhân chấn thương sọ não

Sơ cứu bệnh nhân chấn thương sọ não được thực hiện ngay sau khi chấn thương xảy ra. Mục đích của sơ cứu là bảo vệ, hạn chế tổn thương tiến triển và ngăn chặn tổn thương khác trên cơ thể bệnh nhân.

Quy trình sơ cứu bệnh nhân chấn thương sọ não được thực hiện như sau:

  • Đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm một cách thận trọng. Chú ý giữ thẳng cột sống bệnh nhân khi di chuyển vị trí.
  • Băng cầm máu nếu bệnh nhân có vết thương và chảy máu ở vùng đầu.
  • Ghi nhận tình trạng tri giác và tình trạng đồng tử của bệnh nhân ngay tại thời điểm tiếp nhận.
  • Kiểm tra và băng bó các thương tích ở bộ phận khác như ngực, bụng, tay, chân... Chú ý không được tự ý lấy dị vật ra khỏi vết thương khi sơ cứu.
  • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu sang một bên để tránh đờm dãi và máu làm tắc đường thở.
  • Liên hệ cấp cứu hoặc tìm kiếm phương tiện để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa Ngoại Thần kinh trong thời gian sớm nhất.

Bệnh nhân được chỉ định chuyển đến bệnh viện chuyên khoa nếu thời gian vận chuyển dưới 2-3 tiếng, điểm GCS > 5 và tốc độ suy giảm tri giác không qua nhanh. Trên xe cấp cứu, bệnh nhân cần được nằm cao đầu góc 20 - 30 độ, đảm bảo nồng độ SpO2 > 92%, đặt nội khí quản nếu điểm GCS < 9, tăng thông khí khi có dấu hiệu tụt não và truyền dịch - vận mạch để tránh tụt huyết áp.

Bệnh nhân chấn thương sọ não cần được sơ cứu sớm và đúng cách (Ảnh minh họa internet)

Điều trị hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não

Hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não cần được thực hiện ngay khi bệnh viện tiếp nhận. Người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh khám sớm và làm các xét nghiệm cần thiết. Quá trình điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực thường được thực hiện như sau:

Bệnh nhân được đặt nằm ở tư thế dẫn lưu

Tư thế dẫn lưu hỗ trợ tích cực cho lưu thông máu từ tĩnh mạch não về hệ tuần hoàn chung của cơ thể.

  • Bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao 30 độ (Fowler) nếu kiểm tra không phát hiện rối loạn huyết động.
  • Đảm bảo trục đầu - cổ được giữ thẳng.
  • Kiểm tra để chắc chắn rằng tĩnh mạch cảnh không bị đè ép bởi dây cố định nội khí quản.

Bệnh nhân được đặt nằm ở tư thế dẫn lưu - Fowler (Ảnh minh hoạ internet)

Điều trị giảm đau - an thần - giãn cơ

Điều trị tại bước này nhằm mục tiêu tránh nguy cơ tăng áp lực nội sọ, tránh tăng thông khí quá mức, kiểm soát huyết áp và giảm nhu cầu sử dụng oxy của não. Biện pháp này có thể thực hiện ngay tại thời điểm đặt nội khí quản - thở máy. Các thuốc thường được dùng:

  • Fentanyl: Sử dụng với liều 2-3mcg/ kg trước khi đặt nội khí quản 3 phút.
  • Atracurium: Truyền tĩnh mạch liều 0,03 – 0,05mg/ kg, tốc độ 45-90 giây trong 45 phút.
  • Midazolam: Truyền tĩnh mạch liều 0,2 – 0,3mg/ kg, tốc độ 20-60 giây trong 15-30 phút.
  • Thiopental: Truyền tĩnh mạch liều 3-5mg/ kg, tốc độ 30 giây trong 5-10 phút.
  • Etomidate: Truyền tĩnh mạch liều 0,3mg/ kg, tốc độ 15-45 giây trong 3-12 phút.
  • Lidocain 2%: Có thể dùng kết hợp 2-4ml nhỏ giọt qua nội khí quản.

Tăng thông khí và kiểm soát oxy máu

Biện pháp tăng thông khí vừa phải được thực hiện trong 24 giờ đầu, sau đó trở về bình thường. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được giữ oxy máu tối ưu ở mức PaO2 khoảng 60-90mmHg, tránh PaCO2 < 25 mmHg hoặc > 40mmHg kéo dài. Việc làm này giúp phòng ngừa tăng áp lực nội sọ và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.

Bệnh nhân được tăng thông khí và kiểm soát oxy máu (Ảnh minh họa internet)

Kiểm soát huyết áp động mạch

Kiểm soát huyết áp động mạch đảm bảo 70 < CPP < 130mmHg. Biện pháp thực hiện như sau:

  • Huyết áp tâm thu < 90mmHg: Sử dụng thuốc vận mạch như dopamine, noradrenaline hoặc bù thể tích tuần hoàn bằng các dịch.
  • Huyết áp tâm thu >180 hoặc huyết áp tâm trương >105mmHg: Sử dụng các thuốc Nitroprusside, labetalol, esmolol, enalapril, furosemide, nicardipin... đảm bảo không hạ huyết áp quá 25% trong 24 giờ.
  • Huyết áp tâm thu <180 hoặc huyết áp tâm trương <105mmHg: Theo dõi tăng huyết áp trong 24-48 giờ và chú ý thuốc giảm đau.

Dùng lợi tiểu thẩm thấu Manitol

Phương pháp này gây lợi tiểu thẩm thấu, giúp kéo nước ra khỏi mô não, từ đó làm giảm áp lực nội sọ cho bệnh nhân chấn thương sọ não. Thuốc có tác dụng sau 45 phút và duy trì hiệu quả trong khoảng 4-6 giờ sử dụng. Ngoài ra, lợi tiểu thẩm thấu manitol cũng làm tăng thể tích tuần hoàn và giảm độ nhớt của máu.

  • Liều lượng: Manitol 20% liều 1-1,5g/kg, bolus tĩnh mạch 4 lần/ ngày, trong 1-2 ngày.
  • Chỉ định: Khi bệnh nhân có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, thoát vị não, hôn mê tiến triển nhanh.
  • Chống chỉ định: Không sử dụng trong trường hợp HCT < 30.

Sử dụng lợi tiểu Manitol giúp giảm áp lực nội sọ (Ảnh minh họa internet)

Sử dụng Barbiturate

Barbiturate được dùng để làm giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của não, qua đó giảm lưu lượng máu não. Thuốc được chỉ định khi các biện pháp khác không kiểm soát được áp lực nội sọ và chỉ số huyết động.

  • Khởi mê: Dùng pentobarbital liều 5-7mg/ kg, truyền tĩnh mạch trong vòng 5 phút.
  • Duy trì mê: Truyền tĩnh mạch liều 1-2mg/ kg/ giờ.

Chăm sóc toàn diện khác

Bệnh nhân chấn thương sọ não được chăm sóc toàn diện để tránh ảnh hưởng các chức năng khác của cơ thể.

  • Nuôi dưỡng qua tĩnh mạch trong 24 giờ, qua ống thông dạ dày sau 72 giờ để đảm bảo năng lượng cho cơ thể và tránh xuất huyết tiêu hóa.
  • Truyền máu khi chi số HCT < 30.
  • Hạ thân nhiệt bằng thuốc và các biện pháp vật lý khi bị sốt.
  • Sử dụng thuốc chống đông máu và các biện pháp vật lý nhằm phòng ngừa thuyên tắc tĩnh mạch sâu.
  • Kiểm soát chỉ số điện giải, tránh tình trạng tăng hoặc giảm Na, K.
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ để tránh loét da hoặc nhiễm trùng.

Thực hiện truyền máu khi chỉ số HCT < 30 (Ảnh minh họa internet)

Xem thêm: Bạch cầu ái kiềm tăng là gì?

Trên đây là bài viết tổng quan về hồi sức bệnh nhân chấn thương sọ não. Mong rằng những chia sẻ này đã giúp bạn có thêm hữu ích trong chăm sóc và hỗ trợ những bệnh nhân này. Để được tư vấn và đăng ký khám, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài 028 62 885 886.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886