Khám và điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đau thắt lưng là một trong những triệu chứng rất phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, không kể nghề nghiệp và giới tính, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng này, có tỉ lệ người mắc cao trong nhóm bệnh về tổn thương cột sống.
Khám và điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại Gia An 115
Tổng quan về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bệnh thường gặp ở người trưởng thành, chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi lao động nên ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của xã hội và trở thành một vấn đề có tính thời sự. Trong những năm gần đây, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đang có xu hướng phổ biến hơn và trẻ hóa dần. Khi vấn đề này được lưu ý thì việc phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh mang lại kết quả tích cực, cải thiện hơn cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ mắc và hạn chế sự trẻ hóa của bệnh.
- Cột sống là một chuỗi các thân sống, đĩa đệm, dây chằng và các mỏm khớp tạo thành, là cột trụ của bộ xương, là chỗ tựa của cơ thể, có chức năng bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh.
- Trong đó, đĩa đệm là cấu trúc nằm giữa và nối khớp các thân đốt sống, có hình thấu kính 2 mặt lồi, chiều cao khoảng 20-25% chiều cao thân đốt sống, cấu tạo từ sụn-sợi, có tính đàn hồi và không cản quang trên hình chụp X-Quang, cấu tạo bao gồm 2 phần chính:
- Phần ngoại vi là vòng sợi giúp giữ nhân trung tâm ở vị trí cố định.
- Phần trung tâm là nhân đĩa đệm, có tính đàn hồi, chống đỡ và chịu đựng trọng lực của cơ thể, linh hoạt dưới lực căng kéo và hấp thụ lực nén. giảm tải trọng lên đốt sống, do đó giảm nguy cơ gãy xương và các thay đổi thoái hóa.
Đĩa đệm là cấu trúc không có mạch máu lớn nhất trong cơ thể, gây khó khăn trong việc chữa lành và tái tạo sau khi bị tổn thương.
THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG LÀ GÌ?
Định nghĩa
Thoát vị đĩa đệm là sự di chuyển có tính chất khu trú của các thành phần đĩa đệm ra ngoài giới hạn bình thường.
Dịch tễ học
- Tỷ lệ thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng cao do các lực cơ sinh học ở phần linh hoạt của cột sống.
- Tỷ lệ mắc thoát vị đĩa đệm nam và nữ là 2:1.
- Tỷ lệ ước tính của thoát vị đĩa đệm có triệu chứng của cột sống thắt lưng là khoảng 1-3% bệnh nhân. Tỷ lệ mắc bệnh đáng kể nhất ở những người 30-50 tuổi. Bệnh nhân từ 25-55 tuổi có khoảng 95% khả năng bị thoát vị đĩa đệm ở L4-L5 hoặc L5-S1.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
- Do thoái hóa: Điều kiện thời tiết, khí hậu, ô nhiễm môi trường, tuổi tác, thói quen làm cho khả năng thoái hóa tăng cao từ đó tăng tỷ lệ thoát vị đĩa đệm.
- Chấn thương cấp tính của cột sống: khuân vác hoặc nâng vật nặng không đúng tư thế, xoắn vặn người quá mức, cúi-gập người đột ngột...
- Yếu tố di truyền: Một số gen cũng liên quan đến sự thoái hóa đĩa đệm, các gen có thể liên quan là: gene collagen type IX và XI, gen thụ thể vitamin D, gen aggrecan....
Cơ chế thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng
- Khi cột sống thẳng, chẳng hạn như khi đứng hoặc nằm, áp lực bên trong được cân bằng trên tất cả các thành phần của đĩa đệm.
- Sự phân bố lực không đồng đều lên vòng xơ do các yếu tố trên có thể làm cho một vị trí nào đó của đĩa đệm chịu lực quá lớn làm rách vòng xơ, nhất là những vị trí đã bị tổn thương do thoái hóa hoặc bị vi chấn thương trước đó.
- Khi áp lực trong đĩa đệm tăng lên, nhân đệm di chuyển vào các đường rách nứt và phá rộng các đường này.
- Khi các đường nứt của bao xơ lan ra hết lớp ngoài, nhân đệm thoát ra tạo thành khối thoát vị.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Người bị thoát vị đĩa đêm thường có 6 biểu hiện dưới đây:
- Thắt lưng xuất hiện triệu chứng đau đột ngột, dữ dội.
- Có các cơn đau âm ỉ hoặc đau buốt lan tỏa ở vùng thắt lưng.
- Bất tiện khi cử động: ưỡn hoặc cúi thấp lưng khó.
- Phần thắt lưng đau kèm theo đau thần kinh tọa, cảm giác đau lan ra phía ngực trước, dọc khoang liên sườn.
- 2 chi tê hoặc yếu đi. Phần ngón chân cái cử động khó, phần mu bàn chân và mông có cảm giác tê.
- Khi ngồi, nằm nghiêng, ho, hắt hơi hoặc đại tiện cơn đau tăng lên.
Chẩn đoán lâm sàng
Khai thác bệnh sử và khám lâm sàng kỹ lưỡng là điều cần thiết trong việc đánh giá một bệnh nhân nghi ngờ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Các dấu hiệu và triệu chứng chính bao gồm:
- Hội chứng cột sống
+ Đau lưng dưới
+ Đau liên tục, âm ỉ hoặc đau cấp sau chấn thương
+ Đau khu trú ở lưng hay đau lan xuống chân.
+ Đau tăng khi làm tăng áp suất ổ bụng như ho, hắt hơi; khi ngồi hoặc uốn vặn cột sống do làm tăng áp lực đè ép lên nhân đĩa. Đau giảm khi nằm phẳng.
Lưu ý: Đau không biểu hiện cho mức độ tổn thương của đĩa đệm vì phụ thuộc vào mức độ chịu đau của từng người.
+ Biến đổi hình dáng cột sống: co cứng cơ cạnh sống, lệch vẹo cột sống từ ít đến nhiều.
+ Hạn chế tầm vận động của cột sống
- Hội chứng rễ thần kinh khám thông qua các dấu hiệu về rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn phản xạ, rối loạn dinh dưỡng và các test đánh giá triệu chứng đau hoặc điểm đau như: dấu hiệu chuông bấm, dấu hiệu Lasègue…
- Nếu các mô mềm hoặc dây thần kinh không bị chèn ép sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường, các triệu chứng trên nếu có chỉ có ở một bên cơ thể. Nếu thoát vị đĩa đệm quá lớn và chèn vào chùm đuôi ngựa, cả hai bên cơ thể có thể bị ảnh hưởng và thường gây hậu quả nặng nề. Sự chèn ép vào chùm đuôi ngựa có thể gây tổn thương thần kinh hoặc liệt kéo dài. Khi đó, các tổn thương thần kinh có thể dẫn đến mất kiểm soát chức năng ruột và bàng quang, rối loạn chức năng cơ vòng gây tiêu tiểu không tự chủ cũng như rối loạn chức năng tình dục. Những rối loạn này được gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa.
- Cần chẩn đoán phân biệt các triệu chứng trên do thoát vị đĩa đệm với các nguyên nhân bệnh lý khác cũng gây triệu chứng tương tự như: khối u, gãy thân sống, áp xe ngoài màng cứng, trượt đốt sống, hẹp ống sống thắt lưng, nang hoạt dịch, bệnh đơn dây thần kinh do đái tháo đường hoặc do gan...
CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Có nhiều cách chẩn đoán bệnh lý này, bên cạnh thăm khám lâm sàng thì chẩn đoán hình ảnh đóng một vai trò quan trọng.
Chụp XQ quy ước
- Ưu điểm
- Phát hiện gãy xương, thoái hoá cột sống, xẹp trượt, vỡ thân đốt, khối u, nhiễm trùng…
- Chi phí thấp.
- Nhược điểm
- Không chụp cho phụ nữ mang thai.
- Ít giá trị trong chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm do hạn chế về khả năng tạo hình ảnh mô mềm như đĩa đệm, cơ, dây thần kinh.
Hệ thống máy X-quang tại bệnh viện Gia An 115
Xem thêm: Rối loạn tiền đình là bệnh gì, nguyên nhân do đâu?
Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan)
- Ưu điểm
- Hình ảnh rõ nét.
- Thời gian chụp nhanh, được dùng nhiều trong các bệnh cấp cứu.
- Có giá trị trong phát hiện trường hợp thoái hóa xương: vôi hóa dây chằng dọc sau, mỏm xương và dày dây chằng…
- Có giá trị tuyệt vời trong chấn thương vì nhìn rõ các cấu trúc xương. Nó có thể cho thấy hình dạng và kích thước của ống sống, thành phần trong ống sống và các cấu trúc xung quanh.
- Nhược điểm:
- Nhiễm tia xạ nhiều. Không sử dụng cho phụ nữ mang thai.
- Tuy có thể thấy đĩa đệm ở cửa sổ khảo sát mô mềm nhưng để chẩn đoán chính xác về thoát vị đĩa đệm có thể là một khó khăn.
Hệ thống máy CT-scan (cắt lớp vi tính) tại Bệnh viện Gia An 115
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Ưu điểm
- Khảo sát được các bệnh lý liên quan tủy sống, dây thần kinh, cấu trúc bao quanh mô, dây chằng, sự tăng trưởng của khối u bất thường do tạo hình rõ nét.
- Không gây nhiễm xạ cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. + Ít khi dùng thuốc tương phản.
- Nhược điểm
- Không dùng cho bệnh nhân có thiết bị cấy ghép bằng kim loại nhiễm từ trong cơ thể. + Không dùng cho phụ nữ mang thai ở thời kỳ đầu.
- Không dùng cho người mắc hội chứng sợ không gian kín.
- Chi phí cao.
Hệ thống máy MRI (chụp cộng hưởng từ) tại Gia An 115
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp an toàn, không can thiệp, cho hình ảnh trực tiếp, đặc biệt không gây nhiễm xạ cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế, hình ảnh có độ tương phản cao, khảo sát đa mặt cắt, có thể cung cấp đầy đủ các thông tin về đĩa đệm, cột sống, tủy sống, rễ thần kinh, mô mềm. Ở các cơ sở chuyên khoa, chụp cộng hưởng từ (MRI) CSTL đã gần như trở nên phổ biến và có độ chính xác cao.
MRI cho thấy hình thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, gây hẹp ống sống và chèn các rễ thần kinh.
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG
- Điều trị bảo tồn: nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, kháng viêm.
- Điều trị phẫu thuật: khi có một trong các dấu hiệu sau
- Đau không thể giải quyết bằng điều trị bảo tồn.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa
- Dấu hiệu khiếm khuyết thần kinh tiến triển.
PHÒNG NGỪA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG
Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, tránh tạo áp lực quá mức lên cột sống.
Nên:
• Tập thể dục thể thao đúng cách và vừa sức.
• Tránh mang vác vật nặng, vận động sai tư thế.
• Duy trì cân nặng hợp lý.
ThS. BS. Trịnh Thị Hồng Anh
Khoa CĐHA & TDCN – BV GIA AN 115
Xem ngay: Gói khám tổng quát chuyên sâu ở Hồ Chí Minh
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa khoa tập trung vào các chuyên khoa sâu: Tim mạch, Hô hấp, Thần kinh, Ung bướu, Nội tiết, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Lọc máu - Thay huyết tương, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng.
Bệnh viện tọa lạc tại khu vực cửa ngõ miền Tây, là nơi ứng dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, mang đến cho cộng đồng một dịch vụ y tế chuẩn mực cao.
Bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch và bệnh lý mạch máu não, điều trị ung thư với kỹ thuật tiên tiến, phẫu thuật nội soi, can thiệp xâm lấn tối thiểu bệnh lý Gan - Mật - Tụy, chấn thương chỉnh hình, siêu lọc máu… đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cao nhất cho bệnh nhân và người thân.
Bệnh viện đã thông tuyến Bảo hiểm y tế, tất cả thẻ BHYT không phân biệt nơi khám chữa bệnh ban đầu đều được hưởng đúng tuyến trong mọi trường hợp khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú.
Địa chỉ: Số 05, Đường 17A, Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, TP. HCM
Tổng đài tư vấn: (028) 62 885 886 - 0898 333 115
Cấp cứu: (028) 62 655 115