Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không? - Các biến chứng nghiêm trọng
Đa số mọi người đều cho rằng nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh lý thông thường và không đáng lo ngại. Điều này đã vô tình tạo điều kiện cho bệnh tiến triển và gây biến chứng nghiêm trọng. Vậy, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng ngừa? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ về vấn đề này để bạn hiểu rõ hơn.
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu là gì?
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu - Urinary tract infections (UTIs) xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các vị trí khác nhau trong hệ tiết niệu và gây viêm. Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có thể được chia làm 2 nhóm gồm:
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên: Bao gồm các nhiễm trùng liên quan đến thận, điển hình như viêm bể thận cấp.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới: Bao gồm các nhiễm trùng xảy ra ở bàng quang, niệu đạo và tuyến tiền liệt.
Trên thực tế, việc phân biệt vị trí nhiễm khuẩn tiết niệu trên lâm sàng khá khó khăn. Mặt khác, nhiễm trùng có xu hướng lây lan sang các vị trí khác nhau. Vậy nên, thuật ngữ nhiễm khuẩn tiết niệu thường liên quan nhiều hơn đến các trường hợp viêm bể thận hoặc viêm bàng quang.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu thường do: vi khuẩn (như E.coli, Klebsiella, Proteus mirabilis, Staphylococcus saprophyticus), vi nấm (phổ biến là candida)... Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: bệnh tự miễn, suy giảm miễn dịch, tắc nghẽn đường tiểu (sỏi hoặc khối u), bất thường cấu trúc niệu đạo hoặc ảnh hưởng từ các thủ thuật can thiệp niệu đạo.
Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn tấn công hệ tiết niệu và gây viêm (Ảnh minh họa internet)
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không?
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không? - Câu trả lời là: “Không nguy hiểm nếu được điều trị sớm và đúng cách”. Bệnh có thể gây hàng loạt triệu chứng khó chịu như: tiểu buốt, tiểu rắt, đau bụng, đau hông lưng, đau hạ sườn, sốt cao hoặc nôn nhưng không đe dọa đến tính mạng. Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu chỉ thực sự nguy hiểm khi tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng như:
Áp-xe hoặc hoại tử thận
Trong hệ tiết niệu, nước tiểu sẽ được tạo ra ở thận, theo niệu quản xuống chứa tại bàng quang. Có thể hình dung rằng toàn bộ cấu trúc này có “chung môi trường tiếp xúc” là nước tiểu. Như vậy, khi nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, vi trùng có thể “hòa” vào nước tiểu và di chuyển đến các khu vực lân cận, bao gồm cả thận.
Vi khuẩn xuất hiện ở thận sẽ gây viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, ổ viêm này sẽ tạo thành những ổ mủ chứa: bạch cầu, tế bào chết và vi khuẩn. Những ổ mủ tăng trưởng đến một kích thước nhất định sẽ tạo thành khối áp-xe.
Áp-xe có thể dẫn đến hoại tử, làm mất các mô thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Bên cạnh đó, khi khối mủ vỡ ra, vi khuẩn được giải phóng vào cơ thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng toàn thân, nhiễm khuẩn huyết, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không - Có thể gây áp-xe (Ảnh minh họa internet)
Suy thận
Suy thận là một trong những biến chứng nghiêm trọng của nhiễm khuẩn hệ tiết niệu. Tình trạng này xảy ra khi phần lớn tế bào thận bị tổn thương, làm suy giảm chức năng lọc máu. Lúc này, người bệnh có thể đối diện với các vấn đề như: phù nề, rối loạn điện giải, suy tim, suy dinh dưỡng hoặc nhiễm độc. Suy thận có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Sốc nhiễm trùng
Sốc nhiễm trùng là biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn tại đường tiết niệu xâm nhập vào máu và di chuyển đến các vị trí khác nhau trong cơ thể. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra phản ứng viêm. Phản ứng viêm xuất hiện mạnh mẽ và đồng loạt trên toàn cơ thể gây tổn thương mạch máu, làm hạ huyết áp.
Mặt khác, nhiễm trùng nặng làm rối loạn quá trình đông máu, khiến chức năng “tự cầm máu” của cơ thể bị suy giảm. Vi khuẩn cũng có thể đi theo máu, tấn công vào các cơ quan quan trọng như tim, phổi, thận, gan và giải phóng độc tố gây suy đa tạng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Vi khuẩn từ hệ tiết niệu xâm nhập vào máu gây sốc nhiễm trùng (Ảnh minh họa internet)
Vô sinh
Vô sinh là biến chứng khó ngờ tới ở bệnh nhân nhiễm khuẩn tiết niệu. Nguyên nhân là do vi khuẩn lan rộng đến các cơ quan sinh sản và gây tổn thương tử cung, buồng trứng và vòi trứng làm cản trở quá trình thụ tinh ở nữ giới. Ở nam giới, nhiễm khuẩn tiết niệu có thể làm tổn thương tuyến tiền liệt, gây suy giảm chất lượng tinh trùng. Mặt khác, viêm nghiêm trọng có thể làm tắc nghẽn ống dẫn tinh, ngăn cản một phần hoặc toàn bộ tinh trùng ra bên ngoài gây vô sinh.
Ở đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, nhiễm khuẩn tiết niệu làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nhiễm trùng thai hoặc nhiễm trùng ối. Những ảnh hưởng này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát trọn gói tại Bệnh viện Gia An 115
Khi nào nhiễm khuẩn tiết niệu cần được khám gấp?
Sau khi biết được nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không, người bệnh càng không nên chủ quan khi thấy các dấu hiện diễn ra trong nhiều ngày. Hãy chủ động thăm khám nếu tình trạng tiểu buốt, tiểu rắt không giảm sau 3-5 ngày. Cùng với đó, người bệnh xuất hiện thêm các triệu chứng khác như: tiểu đục, tiểu ra máu, toàn thân mệt mỏi... Ngoài ra, trong thời gian điều trị bệnh, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu phát hiện các dấu hiệu như:
- Sốt cao toàn thân kèm theo ớn lạnh, run rẩy không kiểm soát được.
- Đổ mồ hôi lạnh, huyết áp giảm, tim đập nhanh.
- Phù tay, chân, mặt và cổ.
- Mẩn ngứa dai dẳng không rõ nguyên nhân.
- Đau ngực, khó thở, tăng huyết áp.
- Mạch nhanh - nhỏ, khó xác định hoặc rối loạn vận mạch.
Khi gặp phải dấu hiệu này, người bệnh nên đến ngay những bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự ý thay đổi phác đồ điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn để tránh tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh nên đi khám ngay khi sốt cao ớn lạnh (Ảnh minh họa internet)
Phòng ngừa nhiễm khuẩn hệ tiết niệu
Nhiễm trùng hệ tiết niệu có nguy cơ tái phát cao, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh trên 4 lần/năm. Do đó, thay vì tập trung vào điều trị và kiểm soát biến chứng, người bệnh nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ giai đoạn sớm.
Những thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn hệ tiết niệu như:
Uống đủ nước mỗi ngày
Lượng nước khuyến cáo nên bổ sung cho cơ thể là 35g/kg/ ngày. Bạn có thể bổ sung bằng nước lọc, nước canh, nước ép hoa quả... đều được.
Đi tiểu ngay khi buồn tiểu
Thói quen nhịn tiểu làm tăng nguy cơ lắng đọng các chất cặn bã, tạo thành sỏi gây tắc nghẽn đường tiểu và gây viêm. Vì vậy, hãy đi tiểu ngay khi cần.
Vệ sinh sạch sẽ
Bạn nên tắm hàng ngày và vệ sinh vùng kín với sản phẩm chuyên dụng. Điều này giúp hạn chế sự tấn công của vi khuẩn vào vùng kín, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn hệ tiết niệu.
Chú ý chất lượng sản phẩm
Chú ý khi mua băng vệ sinh, cốc nguyệt san, bao cao su... để tránh sử dụng hàng kém chất lượng, gây tổn thương cho vùng kín. Ngoài ra, cũng không nên dùng nước hoa hoặc chất khử mùi cho vùng kín vì có thể gây khô, tăng nguy cơ tổn thương.
Chọn trang phục phù hợp
Nên dùng đồ lót bằng vải cotton thoáng mát và mặc đồ rộng rãi. Thói quen này giúp lưu thông khí tốt, tạo cảm giác thoáng mát, tránh hầm bí và gây viêm.
Tình dục lành mạnh
Không nên quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục quá mức, áp dụng tư thế tác động nhiều đến lỗ niệu đạo hoặc vào những thời điểm nhạy cảm (như chu kỳ kinh nguyệt). Điều này tránh gây tổn thương vùng kín dẫn đến nhiễm khuẩn.
Uống đủ nước là cách đơn giản để phòng nhiễm khuẩn hệ tiết niệu (Ảnh minh họa internet)
Trên đây là bài viết giải đáp câu hỏi: Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có nguy hiểm không? Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và phương án phù hợp với tình trạng của mình. Nếu muốn tư vấn thêm hoặc đăng ký khám bệnh, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua Tổng đài 028 62 885 886 hoặc sử dụng tính năng Đặt lịch khám ngay trên website.