Hotline: 1800 9045

Tụ dịch vết mổ có tự hết không? Tìm hiểu cơ chế và cách xử lý

Sau mỗi cuộc phẫu thuật, chăm sóc vết mổ là việc quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người gặp phải tình trạng tụ dịch. Vậy, tụ dịch vết mổ có tự hết không, có nguy hiểm không và khắc phục thế nào? Bệnh viện Gia An 115 sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây. 

Tụ dịch vết mổ là gì?

Tụ dịch vết mổ là tình trạng tích tụ thanh dịch bất thường ở dưới vết mổ. Dịch này thường bao gồm: huyết tương (rỉ ra từ mạch máu nhỏ bị vỡ) và dịch viêm (do tế bào bị thương và chết tạo ra). Tụ dịch vết mổ có thể xuất hiện ngay sau phẫu thuật hoặc trong vòng 2 tuần đầu hậu phẫu.

Nguyên nhân gây tụ dịch vết mổ được cho là do sự gián đoạn dẫn lưu mạch máu và bạch huyết sau khi cắt bỏ mô mềm. Tình trạng này làm rò rỉ thanh dịch vào các khoang chết và gây nên hiện tượng tụ dịch. Một số trường hợp có nguy cơ cao bị tụ dịch vết mổ gồm:

  • Phẫu thuật cần cắt da và mô mỡ như: phẫu thuật bụng, phẫu thuật cổ, phẫu thuật tuyến giáp và cận giáp, phẫu thuật thoát vị.
  • Phẫu thuật vú dễ tụ dịch nhất do hệ bạch huyết ở vú phong phú, nồng độ fibrinogen trong dịch bạch huyết thấp và khoảng trống lớn sau phẫu thuật.
  • Người lớn tuổi và thừa cân, béo phì.

Tụ dịch vết mổ có thể gây đau đớn, khiến người bệnh lo lắng và phải tái khám nhiều lần sau phẫu thuật. Điều này không chỉ gây phiền toái, mệt mỏi mà còn làm tăng chi phí, tạo ra gánh nặng kinh tế cho nhiều bệnh nhân.

Tụ dịch vết mổ xảy ra khi có sự tích tụ dịch bất thường dưới khu vực phẫu thuật (Ảnh minh họa internet)

Dấu hiệu nhận biết tụ dịch vết mổ

Không khó để phát hiện ra vết tụ dịch sau mổ. Người bệnh có thể nhận thấy khối u mềm, sưng và đôi khi chảy ra dịch trong suốt ở ngay vị trí vết mổ. Nếu thanh dịch bị lẫn máu, khối u này dưới da thường có màu đỏ hoặc nâu. Màu sắc khối u có xu hướng rõ ràng hơn do sự oxy hóa của tế bào máu.

Ngoài ra, tụ dịch vết mổ có thể biểu hiện qua một số dấu hiệu khác như:

  • Người bệnh bị sưng cục bộ quanh vết mổ khi u dịch có kích thước lớn.
  • Cảm giác đau, nóng đỏ ở vết thương nếu vùng xung quanh bị viêm.
  • U có thể chứa dịch mủ, rất mềm và ấm khi chạm vào trong trường hợp nhiễm trùng.

Nếu điều trị ngoại trú, người bệnh nên chủ động thông báo cho bác sĩ khi phát hiện các dấu hiệu tụ dịch sau vết mổ. Bác sĩ sẽ đánh giá xem tụ dịch đó có thể tự hết không, cần theo dõi thêm hay phải áp dụng các biện pháp điều trị ngay.

Tụ dịch gây sưng cục bộ quanh vết mổ (Ảnh minh họa internet)

Tụ dịch vết mổ có tự hết không?

Tụ dịch vết mổ có tự hết không phụ thuộc chủ yếu vào kích thước của u dịch. Cụ thể, những khối tụ dịch nhỏ có thể được cơ thể tái hấp thụ tự nhiên trong vòng 10-21 ngày. Người bệnh chỉ cần chăm sóc vết mổ bình thường, không cần áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào khác.

Những u dịch kích thước vừa cần nhiều thời gian hơn để cơ thể tái hấp thu, thường là vài tuần. Quá trình này kết thúc có thể để lại một nút mô vôi hoá, sờ vào thấy cộm cứng. Trong trường hợp khối dụ dịch lớn, thời gian hấp thu có thể kéo dài nhiều tháng. Đôi khi, u dịch kéo dài nhiều năm, cơ thể không hấp thu được do mô xung quanh bị vôi hoá cứng lại.

Bên cạnh yếu tố kích thước, tụ dịch vết mổ có hết không cũng ảnh hưởng bởi kích thước vết mổ, vị trí phẫu thuật và phác đồ điều trị, trong đó:

  • Những vết mổ có diện tích nhỏ ít tổn thương mạch máu và bạch huyết sẽ ít tụ dịch, tụ dịch nhỏ hơn, khả năng tự hết tụ dịch cao hơn.
  • Vết mổ nông ở vùng chân, tay có khả năng tự hết tụ dịch tốt hơn những vết sâu, ở các vị trí như: bụng (mổ đẻ), vú, lưng...
  • Người bệnh điều trị nội trú, chăm sóc vết mổ đúng quy trình, được xử trí tụ dịch sớm và đúng cách nên u dịch có thể tự hết tốt hơn.

Như vậy, tụ dịch vết mổ tự hết hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người bệnh không cần quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan khi gặp phải tình trạng này. Điều bạn cần làm là bình tĩnh theo dõi và thăm khám ngay nếu thấy có dấu hiệu bất thường.

Tụ dịch vết mổ có tự hết không (Ảnh minh họa internet)

Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát trọn gói tại Bệnh viện Gia An 115

Tụ dịch vết mổ có nguy hiểm không?

Cần hiểu rằng, tụ dịch vết mổ là thanh dịch lành tính, không phải nhiễm trùng. Bởi vậy, tình trạng này tự nó sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, những khối tụ dịch lớn không được điều trị trong thời gian dài có thể xuất hiện một lớp mô mỏng bao quanh (bao xơ). Bao xơ này ngăn cản cơ thể tái hấp thu thanh dịch, khiến kích thước u dịch tăng lên nhanh chóng. Tình trạng này làm vết mổ đau nhiều hơn và khiến người bệnh lo lắng.

Nghiêm trọng hơn, những khối tụ dịch đóng nang có nguy cơ nhiễm trùng cao và tiến triển thành khối áp xe. Khi tình trạng này xảy ra, người bệnh có thể đối diện với một số rủi ro như:

  • Hoại tử gây mất mô làm biến dạng vị trí phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng các cấu trúc quan trọng như: xương, tủy xương làm biến dạng xương, giảm khả năng vận động và mất thẩm mỹ.
  • Nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Nhiễm trùng tụ dịch vết mổ có thể biểu hiện bởi triệu chứng sốt cao, vết mổ nóng đỏ, phù nề, sưng đau dữ dội. Trường hợp này, người bệnh cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và được xử trí kịp thời.

Dịch tụ có thể nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách (Ảnh minh họa internet)

Phương pháp điều trị tụ dịch vết mổ

Điều trị tụ dịch vết mổ được thực hiện khi khối tụ dịch lớn hoặc gây đau cho người bệnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể áp dụng các biện pháp như:

  • Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và chống viêm như: acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm khó chịu cho bệnh nhân. Nếu khối dịch có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần dùng thêm thuốc kháng sinh.
  • Dẫn lưu khối tụ dịch: Bằng cách sử dụng các ống tiêm hoặc ống dẫn lưu để loại bỏ dịch ra ngoài.
  • Tiêm corticosteroid hoặc phẫu thuật: Dùng để làm teo và loại bỏ các khối tụ dịch đã bị đóng nang. Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật cũng giúp cải thiện thẩm mỹ của vết sẹo.

Để biết tụ dịch vết mổ có tự hết không hay cần điều trị, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Việc tự ý rạch, chọc, nặn u dịch có thể gây nhiễm khuẩn, áp xe. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên điều trị theo đúng chỉ định của các bác sĩ.

Bác sĩ có thể dùng ống tiêm dẫn lưu dịch tụ ra ngoài (Ảnh minh họa internet)

Cách phòng ngừa tụ dịch vết mổ

Không có phương pháp nào ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ tụ dịch sau phẫu thuật. Tuy nhiên, việc áp dụng một số biện pháp dưới đây có thể hạn chế hoặc cải thiện mức độ tụ dịch:

  • Kiểm soát kích thước vết mổ và giảm thiểu tổn thương mạch máu trong khi phẫu thuật giúp giảm hiện tượng thoát dịch, qua đó giảm mức độ tụ dịch vết mổ.
  • Sử dụng ống dẫn lưu trong những ca phẫu thuật lớn để đưa dịch ra bên ngoài, hạn chế tình trạng tích dịch trong các khoảng trống.
  • Kỹ thuật khâu chần (quilting suture technique) với các mũi khâu sâu và ngắt quãng giúp hạn chế các khoảng trống giữa lớp da, mỡ và cơ, nhờ vậy giảm nguy cơ tụ dịch vết mổ.
  • Sử dụng băng nẹp y tế giúp vết thương lành nhanh hơn, giảm sưng - bầm tím và giảm nguy cơ tụ dịch vết mổ.

Công tác phòng ngừa tụ dịch vết mổ cần thực hiện ngay trong quá trình phẫu thuật. Vậy nên, người bệnh cần lựa chọn bệnh viện uy tín và trao đổi với bác sĩ về lo lắng của mình để có biện pháp đối phó ngay từ sớm.

Lắp đặt ống dẫn lưu giúp giảm nguy cơ tụ dịch sau phẫu thuật (Ảnh minh họa internet)

Tại Bệnh viện Gia An 115, người bệnh sẽ được tư vấn kỹ lưỡng về quy trình phẫu thuật, nguy cơ tụ dịch và các biện pháp hỗ trợ ngăn chặn tình trạng này. Bệnh viện có đa chuyên khoa như: khoa Nội Tim mạch - Tim mạch can thiệp, khoa Ngoại, khoa Nội - Thận nhân tạo, khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ... có khả năng tiếp nhận hầu hết các trường hợp bệnh lý cần điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật.

Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và tận tâm với nghề, luôn sẵn sàng hỗ trợ giải quyết vấn đề cho tất cả bệnh nhân. Bệnh viện còn sở hữu hệ thống phòng mổ hiện đại với trang thiết bị tiên tiến, đảm bảo an toàn tối đa trong thời gian phẫu thuật. Để đăng ký khám và điều trị, người bệnh có thể đăng ký trực tiếp tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện hoặc sử dụng tính năng Đặt lịch khám ngay trên website: https://giaan115.com/

Xem Thêm: Những lưu ý khi đi khám sức khoẻ xin việc

Trên đây là bài viết tổng quan về tình trạng tụ dịch sau phẫu thuật. Mong rằng những thông tin này đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi: Tụ dịch vết mổ có tự hết không? Nếu vẫn còn băn khoăn, bạn có thể để lại lời nhắn hoặc liên hệ qua Tổng đài tư vấn: 028 62 885 886 để được hỗ trợ.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886