Viêm xoang có hết không? Thông tin và phác đồ điều trị viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính xảy ra ở tất cả các đối tượng và ở mọi độ tuổi. Người bệnh viêm xoang mạn tính thường gặp các triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy viêm xoang có hết không? Phác đồ điều trị bệnh là gì? Bài viết sẽ cung cấp thông tin tổng quan về bệnh lý để giải đáp các vấn đề trên.
Viêm xoang mạn tính là gì?
Viêm xoang mạn tính hay viêm mũi xoang mạn tính được hiểu là tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng kéo dài trên 12 tuần. Các lỗ xoang bị tắc nghẽn làm cho xoang tích tụ nhiều dịch nhầy. Đồng thời việc thoái dịch ra bên ngoài bị cản trở, khiến người bệnh gặp khó khăn trong hô hấp.
Viêm xoang mạn tính khiến bạn mệt mỏi (Ảnh minh họa internet)
Nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính
Một số nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính bao gồm:
Do viêm mũi xoang cấp không được điều trị đúng mức
Các xoang có chức năng lọc các chất ô nhiễm, vi sinh vật, bụi và các kháng nguyên khác. Các xoang dẫn lưu vào hốc mũi thông qua các kênh nhỏ gọi là lỗ thông xoang. Các xoang sàng trước, xoang hàm và trán dẫn lưu vào khe giữa, tạo ra một khu vực tắc nghẽn được gọi là phức hợp lỗ thông xoang.
Xoang sàng sau và xoang bướm đổ vào khe trên. Những sợi lông thỏ nhỏ xíu được gọi là “lông mao” lót màng nhầy của khoang mũi và vòm họng. Đồng thời, các lông này phối hợp hoạt động với nhau để thực hiện chức năng lưu thông chất nhất và lọc các mảnh vụn. Sau đó dẫn chúng đến vòm họng và hầu họng.
Khi xoang và đường mũi không thể loại bỏ hiệu quả các kháng nguyên này và dẫn đến tình trạng viêm. Tình trạng viêm cấp không được điều trị dứt điểm và kéo dài sẽ gây ra bệnh lý viêm xoang mạn tính.
Viêm mũi xoang dị ứng
Do tính chất nối liền giữa niêm mạc mũi và xoang mặt, khi viêm mũi dị ứng không được điều trị hiệu quả có thể dẫn tới phù nề niêm mạc xoang, làm bít tắc lỗ thông xoang. Hậu quả là tình trạng ứ dịch mũi xoang sẽ xảy ra, gây nhiễm trùng dẫn đến viêm xoang kèm theo.
- Viêm mũi xoang dị ứng theo mùa: Người bệnh chỉ phát bệnh vào một thời điểm nào đó trong năm, dị nguyên thường là phấn hoa và bào tử.
- Viêm mũi xoang dị ứng quanh năm: Người bệnh sẽ khởi phát triệu chứng bất cứ khi nào gặp các tác nhân gây viêm, thường là do bụi nhà.
Viêm mũi xoang cấp không được điều trị đúng mức sẽ dẫn đến viêm mũi xoang mạn tính (Ảnh minh họa internet)
Một số nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân gây viêm mũi xoang mạn tính có thể kể đến như:
- Hội chứng trào ngược
- Do các yếu tố môi trường (thuốc lá, ô nhiễm, chất kích thích,…)
- Bất thường về giải phẫu mũi xoang: vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, V.A quá phát…
Triệu chứng viêm xoang mạn tính
Các triệu chứng của viêm mũi xoang mạn tính bao gồm:
- Cảm giác đau và nhức ở vùng mặt
- Tắc ngạt mũi thường xuyên
- Chảy mũi, khịt mũi hoặc khạc ra mủ nhày hoặc mủ trắng đặc
- Ngửi kém hoặc không ngửi được
- Có mủ trong hốc mũi
- Đau đầu, ho, hơi thở có mùi hôi
Viêm mũi xoang mạn tính gây chảy dịch mũi có mùi hôi (Ảnh minh họa internet)
Chẩn đoán bệnh lý viêm xoang mạn tính
Để chẩn đoán viêm xoang mạn tính, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kiểm tra sau:
- Xét nghiệm máu để xác định mức độ nhiễm khuẩn của xoang
- Chụp X-quang thường không hữu ích trong việc phát hiện viêm. Mặc dù chúng có thể hiển thị chất lỏng không khí nhưng không giúp phân biệt nguyên nhân virus hoặc vi khuẩn.
- Chụp CT xoang nếu nghi ngờ biến chứng hoặc chẩn đoán phân biệt, hoặc nếu người bệnh bị nhiễm trùng mạn tính tái phát.
- Chụp MRI cung cấp nhiều chi tiết giúp đánh giá mô mềm hoặc làm sáng tỏ khối u. Do đó, MRI có thể hữu ích để xác định mức độ biến chứng trong các trường hợp viêm xoang lan đến nội sọ.
- Nội soi tai mũi họng để thấy rõ hình ảnh dịch mủ nhầy và mủ đặc ở khe giữa, khe trên. Bên cạnh đó, phương pháp này cho thấy rõ tình trạng phù nề của niêm mạc xoang mũi.
Xét nghiệm giúp chẩn đoán nhiễm khuẩn gây viêm xoang cấp
Xem ngay: Dịch vụ khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Điều trị viêm xoang có hết không?
Người bệnh nên biết, khi bị viêm xoang mạn tính thì sẽ phải điều trị triệu chứng trong thời gian dài. Người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ nhằm phòng tránh bệnh tái phát.
Viêm xoang mạn tính với những triệu chứng kéo dài trên 12 tuần, phụ thuộc vào từng nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Người bệnh có thể điều trị bằng thuốc nội khoa hoặc phẫu thuật.
Biến chứng của viêm xoang mạn tính
Nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh viêm xoang cấp có thể gây ra một số biến chứng như:
Biến chứng ở mắt
Hốc mắt được ngăn cách với xoang sang bởi xương giấy vốn rất mỏng và dễ bị rạn nứt. Mặt khác hệ thống tĩnh mạch mắt có liên hệ với mạch sàng, bởi vậy nhiễm khuẩn hốc mắt là biến chứng phổ biến nhất của viêm xoang mạn tính.
Tỷ lệ mắc biến chứng của hốc mắt ở trẻ nhỏ thường cao hơn so với người lớn. Một số nhiễm khuẩn hốc mắt do biến chứng của viêm xoang bao gồm:
- Viêm phần trước ổ mắt
- Viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu
Biến chứng viêm nhiễm ổ mắt do viêm mũi xoang mạn tính (Ảnh minh họa internet)
Biến chứng nội sọ
Viêm màng não: Viêm màng não thường xảy ra do nhiễm khuẩn từ xoang sàng và xoang bướm. Khi thăm khám, bệnh nhân có biến chứng này có thể giảm hoặc không đáp ứng với các kích thích. Có thể có các dấu hiệu của viêm màng não như Kernig và Brudzinski.
Áp xe ngoài màng cứng, áp xe não: Áp xe ngoài màng cứng là sự tích tụ mủ giữa xương sọ và màng cứng, điển hình liên quan đến viêm xoang trán. Một mặt do viêm nhiễm trực tiếp từ xoang lan rộng, mặt khác theo đường máu, có thể dẫn tới viêm mủ dưới màng cứng và cuối cùng là dẫn tới áp xe não.
Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang: Cục huyết khối nhiễm khuẩn từ mắt có thể chảy về phía sau thông qua hệ tĩnh mạch mắt tới xoang hang. Từ đó, gây ra nhiễm khuẩn, viêm nhiễm và cuối cùng là nghẽn mạch xoang. Bệnh nhân có những triệu chứng ở mắt như: phù kết mạc, đồng tử phản ứng chậm chạp, liệt mắt, mù lòa.
Biến chứng đường hô hấp
Viêm xoang mạn tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng về hô hấp như:
- Viêm tai giữa
- Viêm thanh quản
- Viêm giãn khí quản
Phác đồ điều trị viêm xoang mạn tính
Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính kết hợp điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ. Cùng với đó người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng.
Điều trị toàn thân
Khi viêm xoang mạn tính được điều trị bằng kháng sinh thường từ 2 đến 3 tuần, và/hoặc thuốc corticosteroid uống. Song người bệnh cần theo dõi triệu chứng, nếu viêm xoang trở nên xấu đi và triệu chứng viêm nặng thì cần sử dụng các phương pháp điều trị khác.
Khi điều trị với kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và thời gian sử dụng. Điều trị bằng kháng sinh không đúng phác đồ có thể dẫn đến kháng thuốc kháng sinh và khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ.
Điều trị tại chỗ
Cùng với biện pháp điều trị toàn thân, điều trị tại mũi là rất cần thiết. Cụ thể:
- Rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương có thể giữ ẩm và làm sạch dịch trong hốc mũi
- Xịt trực tiếp corticoid vào mũi để làm giảm tiết dịch
- Xịt oxymetazoline hydrochloride trong thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ để làm co mạch tại chỗ, giảm sưng và sung huyết, chống nghẹt mũi.
Phẫu thuật mũi xoang
Phẫu thuật mũi xoang được chỉ định khi viêm mũi xoang mạn tính điều trị nội khoa tối đa mà không kết quả. Ngoài ra, các trường hợp viêm mũi xoang mạn tính có cản trở dẫn lưu phức hợp lỗ ngách do dị hình giải phẫu như: lệch vẹo vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều… và viêm mũi xoang mạn tính có thoái hóa polyp mũi xoang cũng được chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật tại Bệnh viện Gia An 115
Xem thêm: Khám sức khỏe tổng quát có bảo hiểm y tế có được chi trả không?
Viêm xoang mạn tính khiến người bệnh gặp những triệu chứng khó chịu. Vì vậy, bệnh lý viêm xoang cần được điều trị hiệu quả để tăng chất lượng cuộc sống, đồng thời hạn chế các biến chứng. Về vấn đề viêm xoang có hết không, bác sĩ cho biết bệnh cần được điều trị đúng phác đồ trong thời gian dài và có thể tái phát. Người bệnh nên đi khám để được tư vấn cụ thể.