Hotline: 1800 9045

Zona thần kinh có lây không, qua con đường nào? Cách điều trị, phòng tránh

Zona thần kinh là một bệnh về da do virus và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau, rát, ngứa ran, mụn nước... Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau và kể cả khi đã khỏi bệnh vẫn có thể gây ra những cơn đau dai dẳng nhiều tháng, năm. Vậy zona thần kinh có lây không, qua những con đường nào và làm sao để phòng tránh? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu về bệnh zona thần kinh

Để biết zona thần kinh có lây không, trước tiên bạn cần phải hiểu bản chất, nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Zona thần kinh là một bệnh nhiễm trùng da do virus Herpesvirus Varicellae hay Varicella-Zoster virus (VZV) gây ra. Virus này ban đầu gây bệnh thủy đậu, sau khi người bệnh khỏi thủy đậu thì chúng tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống ở dạng tiềm tàng, im lặng.

Mầm bệnh có thể tồn tại như vậy trong nhiều tháng, năm và sẽ tái hoạt khi gặp điều kiện thuận lợi. Khi đó, virus sẽ nhân lên và lan truyền gây viêm da lan tỏa và hoại tử thần kinh, đồng thời lan truyền ngược chiều đến da, niêm mạc và gây tổn thương.

Virus zona thần kinh có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm

Virus zona thần kinh có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm (Ảnh minh họa internet)

Xem thêm: Gói khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115

Nguyên nhân gây ra zona thần kinh là do sự tái hoạt động của Varicella-Zoster virus nằm trong cơ thể. Điều kiện để virus tái hoạt, nhân lên và lan truyền thường liên quan đến sức đề kháng, tình trạng của cơ thể như:

  • Suy giảm miễn dịch(suy giảm về thần kinh và thể lực, người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, các bệnh về máu, đái tháo đường)
  • Tâm trạng căng thẳng
  • Điều trị tia xạ
  • Ung thư
  • Bệnh tự miễn
  • HIV/AIDS

Triệu chứng và các giai đoạn phát triển của zona thần kinh

Zona thần kinh đặc trưng bởi các triệu chứng cấp, rõ rệt khiến bệnh nhân khó chịu và diễn biến theo từng giai đoạn của bệnh. Dựa vào tiến triển cũng có thể xác định zona thần kinh có lây không nên mọi người cần chú ý.

Giai đoạn tiền triệu                                       

Trước khi phát ban xuất hiện vài ngày đến vài tuần bệnh nhân cảm thấy đau nhói, nóng bỏng, châm chích, tê rần, từng cơn hoặc liên tục. Sờ vùng da đó thấy tăng nhạy cảm. Một số ít bệnh nhân kèm triệu chứng sốt nhẹ, khó chịu, đau đầu trong 1-2 ngày trước khi nổi ban.

Giai đoạn phát ban

Khởi đầu là dát, sẩn hồng ban phù. Trên nền dát đỏ xuất hiện mụn nước, bọng nước hình tròn hoặc bầu dục, lõm giữa. Mụn nước có khuynh hướng tập trung thành chùm giống như chùm nho. Mụn nước, bọng nước ban đầu chứa dịch trong, sau hóa mủ hoặc xuất huyết, dập vỡ để lại vết trợt đóng vẩy tiết rồi tróc dần trong 1-2 tuần, đôi khi có thể hoại tử.

Các mụn nước mọc thành chùm ở giai đoạn phát ban

Các mụn nước mọc thành chùm ở giai đoạn phát ban (Ảnh minh họa internet)

Đau là triệu chứng thường gặp nhất, do viêm dây thần kinh cấp. Bệnh nhân cảm thấy đau bỏng rát, đau giật hoặc như dao đâm với mức độ từ nhẹ đến nặng, thường phụ thuộc vào tuổi tác. Người nhiều tuổi thường đau thành từng cơn, kéo dài trong khi trẻ em, người trẻ đau ít.

Bệnh nhân cũng có thể sờ thấy hạch bạch huyết vùng lân cận sưng to. Ngoài ra người bệnh có thể gặp các rối loạn khác như rối loạn bài tiết mồ hôi, vận mạch, phản xạ dựng lông nhưng hiếm gặp.

Sau khi phát ban đã hết, người bệnh vẫn có thể đau. Đây là triệu chứng đau sau zona. Người bệnh đau dai dẳng trên 3 tháng, thậm chí hàng năm với biểu hiện đau nhạy cảm, rát bỏng, đau âm ỉ hay đau nhói như dao đâm ở vùng da tổn thương zona đã lành sẹo. Đau sau zona do VZV gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu mút thần kinh, thường gặp ở người già, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh ung thư.

Giải đáp zona thần kinh có lây không?

Nếu bạn thắc mắc zona thần kinh có lây không thì câu trả lời là người bệnh zona không thể lây bệnh trực tiếp cho người khác, tuy nhiên virus gây zona là VZV có thể lây truyền từ người bị nhiễm sang người trước đây chưa từng mắc bệnh thủy đậu. Khi zona đang ở giai đoạn phát ban, VZV có thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch chứa virus khi bọng nước bị vỡ.

VZV có thể lây cho bất kỳ đối tượng nào không có miễn dịch với bệnh thủy đậu. Khi đó, người bệnh sẽ mắc thủy đậu và sau khi khỏi thủy đậu, virus sẽ tồn tại ở các hạch thần kinh. Khi gặp điều kiện thuận lợi thì virus mới tái hoạt, lan truyền gây zona thần kinh.

Virus zona thần kinh có khả năng lây sang người tiếp xúc chưa có miễn dịch với thủy đậu

Virus zona thần kinh có khả năng lây sang người tiếp xúc chưa có miễn dịch với thủy đậu (Ảnh minh họa internet)

Các con đường lây truyền của virus zona thần kinh

Qua giải đáp câu hỏi “zona thần kinh có lây không?” ở trên, chúng ta biết khả năng lây của Varicella-Zoster virus - căn nguyên gây bệnh zona. Và con đường lây lan của virus được xác định là qua 2 cách sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp: Người bệnh tiếp xúc trực tiếp với các mụn, nước chứa virus của mụn nước. Nhưng trước khi mụn nước xuất hiện hoặc sau khi khô thì không còn khả năng lây lan.
  • Tiếp xúc gián tiếp: Nếu mụn nước phát triển trong khoang miệng, mũi, vỡ ra thì người xung quanh có thể bị lây virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc với quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Virus zona thần kinh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp

Virus zona thần kinh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp (Ảnh minh họa internet)

Cách điều trị zona thần kinh đang được áp dụng

Zona thần kinh thường đi kèm với những cơ đau, rát và nhiều triệu chứng khác ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, tùy vào từng trường hợp mà bệnh nhân được chỉ định sử dụng các loại thuốc để điều trị. Nguyên tắc điều trị là điều trị thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, kết hợp điều trị tại chỗ với toàn thân, giảm đau (giảm đau cấp và giảm đau sau zona).

Thuốc kháng virus thường dùng Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir... Thuốc phát huy tốt nhất ngay khi phát bệnh, tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu, do đó việc chẩn đoán sớm rất quan trọng.

Điều trị hỗ trợ với thuốc kháng sinh, chống bội nhiễm, được sử dụng khi bệnh nhân bị bội nhiễm, dễ gặp ở những người bệnh có sức đề kháng yếu. Thuốc an thần, thuốc giảm đau dùng trong trường hợp đau nhiều, dữ đội ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và giấc ngủ.

Thuốc bôi tại chỗ bao gồm một số loại như dung dịch sát khuẩn, kháng sinh...

Thuốc kháng sinh dạng bôi có thể được chỉ định để điều trị zona

Thuốc kháng sinh dạng bôi có thể được chỉ định để điều trị zona (Ảnh minh họa internet)

Phương pháp phòng tránh lây lan virus zona thần kinh

Để phòng ngừa thủy đậu và zona thần kinh, nên tiêm vaccine. Hiện có 2 loại là vaccine tái tổ hợp và vaccine sống giảm độc lực, được chỉ định cho đối tượng người lớn tuổi (50 tuổi trở lên). Với những người từ 19 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc Zona do có tình trạng suy giảm miễn dịch (dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch khác), chỉ dùng vaccine tái tổ hợp.

Để hỗ trợ điều trị đồng thời ngăn chặn virus lây lan sang người khác, người bệnh cần chú ý:

  • Không chạm, gãi vào vùng bị zona, nhất là khi đang xuất hiện các bọng nước.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể đúng cách.
  • Giữ vết thương khô ráo, sạch sẽ để tránh bội nhiễm, lây lan.
  • Không bôi, dán bất kỳ loại kem, thuốc nào lên vùng da bị bệnh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
  • Cố gắng không gãi lên các vết phát ban vì dễ gây tổn thương lớn hơn, nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.
  • Không chà mạnh khi tắm rửa, nhẹ nhàng lau khô người bằng khăn sạch và không dùng chung khăn với người khác.
  • Mặc quần áo rộng rãi, có vải mềm để tránh cọ xát vào các nốt phát ban.
  • Nếu quá khó chịu, có thể bọc đá vào khăn để chườm nhẹ lên các vùng da. Sau đó khăn cần được giặt bằng nước nóng để loại bỏ mầm bệnh.
  • Tránh chơi các môn thể thao có tiếp xúc hoặc đi bơi.

Không gãi để tránh làm vỡ mụn nước, bội nhiễm vết thương

Không gãi để tránh làm vỡ mụn nước, bội nhiễm vết thương (Ảnh minh họa internet)

Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh tiếp xúc với những đối tượng có nguy cơ cao như:

  • Người cao tuổi, trẻ em chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh thủy đậu.
  • Người có hệ thống miễn dịch kém, suy yếu như trẻ sinh non, nhiễm HIV, bệnh bạch cầu, ung thư, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng.

Xem thêm: [Bật mí] 4+ lưu ý khi đi khám sức khỏe xin việc bạn cần biết

Bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi “zona thần kinh có lây không?”. Zona thần kinh là một bệnh khá thường gặp, có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Do đó, bạn nên cảnh giác và nắm rõ các triệu chứng để phát hiện sớm, kịp thời điều trị, tránh gây ra biến chứng.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886