Đái tháo đường và các “thủ phạm” gây bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (còn được biết với tên gọi khác là tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, có những đặc tính sau: đường máu tăng cao kéo dài; kết hợp với những bất thường về chuyển hoá chất đường, đạm, béo. Bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim và mạch máu do hậu quả của xơ vữa động mạch.
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể giảm hoặc mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra Insulin.
Phân loại đái tháo đường
Có nhiều loại đái tháo đường. Để đơn giản hóa và dễ nhớ, có thể phân ra thành 4 nhóm sau đây:
Đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 là hậu quả của quá trình huỷ hoại các tế bào beta của đảo tuỵ. Do đó, cần phải sử dụng insulin để duy trì đường huyết và điều chỉnh các rối loạn chuyển hoá, ngăn ngừa tình trạng nhiễm toan ceton. (Nhiễm toan ceton là tình trạng tăng thể ceton trong máu gây toan hóa máu có thể gây ngưng tim và tử vong nếu không điều trị kịp thời.)
Đái tháo đường type 1 thường ít gặp. Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên là hai nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh đái tháo đường type 1 ngưng chích insulin vài ngày thường dẫn đến hôn mê và tử vong.
Đái tháo đường type 2
Ở đái tháo đường type 2, có 2 cơ chế, đó là tế bào đề kháng với insulin và/hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin. Lúc này, thay vì đi vào các tế bào để tạo ra năng lượng, chất đường sẽ tích tụ lại trong máu gây ra các biến chứng..
Tiểu đường type 2 rất phổ biến và nguy hiểm. Trước đây, bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, những năm gần đây, độ tuổi mắc tiểu đường type 2 đang dần trẻ hóa.
Các thể đặc biệt khác:
- Khiếm khuyết chức năng tế bào beta, giảm hoạt tính của insulin do gen.
- Bệnh lý của tuỵ ngoại tiết.
- Do các bệnh nội tiết khác.
- Nguyên nhân do thuốc hoặc hoá chất khác.
- Nguyên nhân do nhiễm trùng
- Các thể ít gặp, các bệnh nhiễm sắc thể.
Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ gặp ở phụ nữ mang thai và thường hết sau khi thai sổ ra khỏi cơ thể mẹ. Bệnh này khác với các bệnh nhân đã mắc đái tháo đường trước khi mang thai. Bệnh xảy ra liên quan đến các thay đổi cơ thể người mẹ và các thay đổi về chuyển hóa của mẹ trong lúc mang thai. Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai. Đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm ở cả mẹ và thai nhi.
Chính vì vậy, nên kiểm tra tiểu đường (theo khuyến cáo của bác sĩ) khi mang thai để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ và thai nhi.
Một số yếu tố liên quan đến bệnh đái tháo đường
Ở bệnh đái tháo đường type 1, người bệnh bị nhiễm một số loại virus làm tuyến tụy không còn khả năng tiết insulin.
Ở người đái tháo đường type 2, có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường. Theo các chuyên gia, yếu tố di truyền và môi trường sống là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng người bị bệnh đái tháo đường ngày càng cao.
- Yếu tố di truyền: nếu cha hoặc mẹ mắc tiểu đường thì có ít nhất 30% số con sinh ra mắc đái tháo đường. Nếu cả cha mẹ mắc tiểu đường thì tỷ lệ này ít nhất là 50%.
- Yếu tố môi trường: thường gây ra tình trạng thừa cân béo phì, đây là nhóm các yếu tố có thể can thiệp để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố đó là:
- Lối sống thụ động, giảm các hoạt động thể lực; chế độ ăn thiếu cân bằng, nhiều tinh bột, ít chất xơ, dư thừa năng lượng.
- Chất lượng thực phẩm: ăn nhiều các loại đường hấp thu nhanh (đường tinh chất, bánh ngọt, kẹo…), chất béo xấu, nhiều thịt đỏ, chiên xào nhiều, ăn nhiều da, nội tạng…
- Các stress về tâm lý.
- Thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì thường đi kèm với tình trạng kháng insulin, một yếu tố liên quan chặt chẽ với bệnh đái tháo đường. Càng béo phì thì tình trạng kháng insulin càng nặng.
- Tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao: Đây là yếu tố không thể can thiệp được.
Nếu bạn muốn tầm soát hoặc khám, điều trị đái tháo đường, hãy liên hệ ngay số (028) 62 885 886 hoặc số 0794 304 096 để được hỗ trợ thông tin và đặt lịch khám sớm nhất.
Tại Bệnh viện Gia An 115, bạn sẽ được khám và điều trị bởi những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm về Nội tiết và Đái tháo đường. Bác sĩ sẽ tư vấn và xem xét kỹ lưỡng các tiêu chuẩn chẩn đoán, tránh bỏ sót hoặc chẩn đoán quá đà trong một số tình huống đặc biệt. Sau khi được chẩn đoán đái tháo đường, bạn sẽ được tư vấn và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để nắm rõ tình trạng bệnh, phác đồ điều trị, lộ trình điều trị nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết tốt nhất. Việc đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết giúp ổn định chất lượng cuộc sống và hạn chế biến chứng, tiết kiệm chi phí do biến chứng gây nên.
Đặc biệt, Bệnh viện Gia An 115 có khám và điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT toàn quốc. Khi bạn khám và điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Gia An 115, bạn sẽ được hướng dẫn tận tình chu đáo trong môi trường y tế văn minh sạch đẹp, chất lượng đạt chuẩn với chi phí phải chăng và được BHYT hỗ trợ chi trả.