Đột quỵ có di truyền không? Cách phòng tránh hiệu quả
Đột quỵ diễn tiến rất nhanh, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Hiện nay, không ít trường hợp nhiều người thân trong cùng một gia đình bị đột quỵ khiến nhiều người hoang mang và lo lắng liệu đột quỵ có di truyền không. Hãy theo dõi bài viết để biết câu trả lời!
Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ thường gọi là đột quỵ não hay tai biến mạch máu não có hai thể lâm sàng chính, cụ thể:
- Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính (hay nhồi máu não) đặc trưng bởi sự mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não, dẫn đến mất chức năng thần kinh trung ương.
- Đột quỵ xuất huyết não, do nứt vỡ các động mạch trong não, máu chảy trực tiếp vào nhu mô não. Cơ chế thường là rò rỉ từ các động mạch nội sọ nhỏ bị tổn thương do tăng huyết mạn tính. Đột quỵ xuất huyết não ít phổ biến hơn đột quỵ do thiếu máu não, chỉ có 8-10% đột quỵ là xuất huyết. Tuy nhiên, đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong cao hơn đột quỵ do thiếu máu não.
Đột quỵ ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa tại các nước đang phát triển. Tìm hiểu về các yếu tố gây đột quỵ vì thế là điều rất cần thiết.
Các yếu tố nguy cơ xuất hiện đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu lên não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, làm ngăn chặn quá trình lấy oxy và chất dinh dưỡng từ máu. Khi không có oxy và chất dinh dưỡng, tế bào não sẽ chết hàng loạt rất nhanh. Vì vậy, đột quỵ được xem là trường hợp cấp cứu với độ nguy hiểm rất cao, nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc phải chịu di chứng suốt đời.
FAST là một từ viết tắt được sử dụng để giúp mọi người nhớ và nhận biết nhanh chóng các triệu chứng đột quỵ, giúp tăng cơ hội và giảm thiểu biến chứng sau đột quỵ.
Cụ thể:
- F - Face (Vùng mặt): Mất cân đối hoặc méo xệ một bên miệng
- A - Arm (Cánh tay): yếu liệt một bên tay, chân
- S - Speech (Lời nói): nói khó, giọng “méo”, đớ hoặc không nói được
- T - Time (Thời gian): Bệnh nhân có các triệu chứng của đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh minh họa internet)
Xem thêm: Khám sức khỏe tiền hôn nhân (trước cưới) có cần thiết không?
Tìm hiểu về yếu tố nguy cơ xuất hiện đột quỵ sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề “Đột quỵ có di truyền không?”. Theo đó, yếu tố nguy cơ đột quỵ được chia thành 2 nhóm: Yếu tố nguy cơ không thay đổi và yếu tố nguy cơ có thể thay đổi.
- Các yếu tố nguy cơ không thay đổi: Tuổi tác, chủng tộc, giới tính, tiền sử đau nửa đầu kiểu migraine, loạn sản xơ cơ, di truyền (gia đình có người bị đột quỵ hoặc bị các cơn thiếu máu não thoáng qua).
- Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như: tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tim, rối loạn lipid máu, thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh, béo phì, bệnh hồng cầu liềm, lối sống thiếu lành mạnh…
Vậy đột quỵ có di truyền không?
Đột quỵ không di truyền nhưng nếu trong gia đình có người từng bị tai biến mạch máu não thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ cao hơn. Ngoài ra, bệnh hồng cầu hình liềm – một yếu tố nguy cơ của đột quỵ - lại là bệnh di truyền.
Yếu tố gia đình cũng liên quan đến các nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, mỡ trong máu cao... Môi trường và hoàn cảnh sống giống nhau chính là một nguyên nhân. Ví dụ, nếu gia đình có cùng thói quen ăn uống không khoa học, lối sống ít vận động, các thói quen sinh hoạt không lành mạnh, nguy cơ đột quỵ của các thành viên trong gia đình sẽ cao hơn. Nói cách khác, lịch sử sức khỏe trong gia đình có thể được xem như một yếu tố để xác định nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ không di truyền nhưng có liên quan đến yếu tố gia đình (Ảnh minh họa internet)
Những đối tượng nào có nguy cơ đột quỵ cao?
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, những người được xếp vào nhóm nguy cơ cao bao gồm người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, người thường xuyên sử dụng rượu bia, hút thuốc lá…
Những người có người thân từng bị đột quỵ cũng được xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ cao. Vì vậy, bên cạnh khám sức khỏe tổng quát định kỳ, những người ở nhóm nguy cơ cao nên chủ động tầm soát đột quỵ. Cùng với đó, điều quan trọng là bạn nên có một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Đột quỵ có di truyền không – Người cao tuổi có nguy cơ cao đột quỵ (Ảnh minh họa internet)
Xem ngay: Dịch vụ khám tổng quát tại Bệnh viện Gia An 115
Phòng tránh đột quỵ bằng cách nào?
Bạn nên lưu ý một số cách phòng tránh xảy ra đột quỵ dưới đây.
Dự phòng tiên phát
Dự phòng tiên phát được thực hiện đối với những người chưa bị đột quỵ. Biện pháp cần thiết là thay đổi lối sống để làm giảm các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích. Cùng với đó, cần điều trị để kiểm soát bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dự phòng thứ phát
Một số lưu ý giúp dự phòng thứ phát cơn đột quỵ:
- Bệnh nhân bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua nên kiểm tra bệnh lý nền tiểu đường và béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Bệnh nhân bị đột quỵ không rõ nguyên nhân cần theo dõi lâu dài để xác định cơn rung nhĩ.
- Với bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim phải dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh đã từng bị đột quỵ cần theo dõi và điều trị bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sĩ
Đột quỵ có di truyền không? Tính di truyền có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Để phòng tránh đột quỵ, bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh, chủ động điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ và tầm soát đột quỵ nhằm phát hiện sớm nguy cơ.